Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Cầu nguyện trước đã...

Cầu nguyện trước đã
Lm Phạm Quốc Hưng
“Đời là bể khổ”-Đó là một trong những câu người Việt nam thường dùng để nhìn nhận những khó khăn đau khổ trong cuộc sống con người. Ông Gióp trong bài đọc một của Phụng Vụ hôm nay cũng có bày tỏ một thái độ tương tự khi than thở: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngay lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề. Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: ‘Khi nào trời sáng?’ Mới thực dạy tôi liền tự hỏi: ‘Bao giờ chiều buông?’”(G. 7:1-4). Thánh Vịnh gia cũng có cùng quan điểm: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10).
Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận kiếp người với tất cả những khổ đau không những như mọi người mà còn hơn mọi người nữa. Thực vậy, các tác giả Tân Ước dùng hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia đã nói về Chúa Giêsu. Người đã sinh ra trong máng cỏ hang bò lừa, phải để Thánh Giuse và Mẹ Maria đem đi tị nạn giữa đêm khuya, sống âm thầm lao nhọc với nghề thợ mộc tại Nazareth, vất vả ngược xuôi rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh, trừ tà và cuối cùng chịu phản bội, chối bỏ, bắt bớ, tạt vả, khạc nhổ, xỉ nhục, đòn vọt, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết tất tưởi trên thập giá.
Đâu là bí quyết giúp Chúa Giêsu tìm được sức mạnh để chịu đựng tất cả gánh nặng của những đau thương kinh hoàng ấy? Câu trả lời được tìm thấy trong Phúc Âm hôm nay: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng, và cầu nguyện tại đó” (Mc 1:35). Như thế, việc làm đầu tiên trong từng ngày sống của Chúa Giêsu là cầu nguyện, là gặp gỡ và kết hợp với Chúa Cha. Và Người tiếp tục sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha trong mọi nơi mọi lúc. Đó là ưu tiên hàng đầu của Người.
Chính nhờ cầu nguyện, nhờ gặp gỡ và kết hợp với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tìm được ơn soi sáng và sức mạnh không phải chỉ để chấp nhận và chịu đựng những vất vả đau thương của cuộc đời, nhưng còn là để vui nhận và thánh hóa tất cả những điều ấy. Hơn nữa, Người còn biến tất cả những đau thương của cuộc đời-mà cao điểm là cuộc khổ nạn và cái chết của Người-thành bài tình ca dâng lên Thiên Chúa Cha và nguồn ơn cứu độ chan chứa cho toàn thể nhân loại.
Chắc hẳn khi cầu nguyện cùng Chúa Cha trong giây phút ban mai ấy, Chúa Giêsu cũng đã có những tâm tình như Thánh Vịnh gia khi thưa cùng Chúa: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca” (Tv 90: 14);  “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Người từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya, hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng, nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà” (Tv 91:2-4); “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài. Xin chỉ dạy đường lối phải theo vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Xin cứu con thoát khỏi địch thù, lạy Chúa, bên Ngài con trú ẩn. Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con. Xin thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” (Tv 143: 8-10).
Cũng chính nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu luôn được sức mạnh của Thần Khí để “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ” (Mc 1:34) như được thuật trong Phúc Âm hôm nay.
Các môn đệ chắc chắn đã nhận ra tất cả mọi điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã thực hiện từ những bài giảng chứa đầy giáo lý cao siêu, cho đến những cuộc chữa lành kỳ diệu, hay các phép lạ gây ngỡ ngàng cho mọi người đều đến từ việc Người luôn kết hợp mật thiết của Người với Chúa Cha qua việc cầu nguyện liên lỉ. Vì vậy, các ông đã không xin Chúa Giêsu dạy các ông giảng thuyết hay làm phép lạ nhưng chỉ xin Người dạy các ông cầu nguyện mà thôi.
Noi gương Chúa Giêsu và các môn đệ tiên khởi, các Kitô hữu đích thực qua mọi thời đều đặt cầu nguyện là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của mình.
Trong tác phẩm thời danh Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đặt ra thứ tự ưu tiên như sau: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện” (#119-120). Ngài còn ân cần nhắn nhủ mọi người: “Con nắm một bí quyết: cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện có Chúa ở giữa các con. Cha tha thiết khuyên con, ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu” (#985). Hơn nữa, ngài còn vạch ra nguyên do đầu tiên dẫn đến việc đánh mất ơn gọi và khủng hoảng trong đời sống Hội Thánh là hạ giá sự cầu nguyện (#636).
Như vậy, bài học thiết thực và quý giá nhất chúng ta có thể rút ra từ Phụng Vụ hôm nay là phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cầu nguyện trong đời sống hàng ngày, nhất là luôn trung thành với việc dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức dậy và dâng đêm trước khi đi ngủ. Theo lời khuyên của Thánh Giám Mục Tiến Sĩ Anphong Liguori, chúng ta nên đọc ba kinh Kính Mừng mỗi sáng khi vừa thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ để nhờ Đức Mẹ dâng ngày và dâng đêm cho Chúa. Sau ba kinh Kính Mừng, chúng ta có thể thêm lời nguyện vắn tắt này: “Cùng với Mẹ con cảm tạ Chúa đã ban cho con qua một đêm (ngày) bình an, xin Chúa gìn giữ con ngày hôm nay (đêm hôm nay) và suốt cả đời con.”
Kinh Dâng Ngày sau là một kinh nguyện rất quý giá giúp chúng ta thánh hóa mỗi ngày sống của mình vì chứa đựng nhiều điểm chính yếu trong tu đức Công giáo:
“Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu, con nhờ Trái Tim Cực Sạch Đức Bà Maria mà dâng cho Trái Tim Chúa mọi lời con cầu xin, mọi việc con làm, mọi sự khó con chịu trong ngày hôm nay, cho được đền vì tội lỗi con và cầu nguyện theo ý Chúa. Khi dâng mình tế lễ trên bàn thờ, con lại dâng các sự ấy cho Trái Tim Chúa có ý cầu nguyện cách riêng theo ý Đức Giáo Hoàng.
“Lạy Chúa, xin cho con được hưởng nhờ các ân xá bởi những việc lành con sẽ làm trong ngày hôm nay, hoặc những ân xá nào có thể chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, thì xin Chúa cũng ban cho các linh hồn ấy.
“Lạy Chúa, con xin dâng Lễ Misa các thầy cả khắp tứ phương thiên hạ làm trong ngày hôm nay, để Chúa con thương đến các kẻ có tội đang mong sinh thì bây giờ và sẽ chết trong ngày hôm nay. Chớ gì Máu Châu Báu Chúa Giêsu là Đấng Chuộc Tội làm cho Chúa con thương đến các kẻ ấy.
“Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, và khi làm xin Chúa giúp cho mỗi kinh mỗi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.”
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con noi gương Chúa Giêsu, luôn biết đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cầu nguyện, để chúng con luôn được sống nhờ Chúa, với Chúa, trong Chúa và cho Chúa. Amen.

2 nhận xét:

  1. Cám ơn CPS đã đưa lời khuyên. Sống trong cuộc đời thường đôi khi chú ý hoạt động nhiều hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, đây là lời TỰ RĂN là chính ! Sau đó , là chia sẻ với Bạn Bè !!!

    Trả lờiXóa