Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Đọc chuyện MA,nghĩ chuyện NGƯỜI...

CON MA SUYỄN.....!!!

           Có ai biết nỗi lo âu, buồn đau của các bậc cha mẹ phải chăm sóc đứa con bị bệnh suyễn. Anh chị Nhơn nhớ cái ngày mà vị bác sĩ đưa ra kết luận cháu Vi bị bệnh này, anh chị thấy trời đất như sụp đổ. Chị ôm cháu vào lòng, những giọt nước mắt bắt đầu chảy. Thấy mẹ khóc, bé Vi cũng cảm nhận được cái ngặt nghèo bệnh của mình, những giọt lệ lăn dài trên đôi má bé bỏng. Bà nội ra ngồi trước mặt cháu, rút trong túi áo ra chiếc khăn mùi-xoa, lau nước mắt cho bé, bà sụt sùi: “Nín đi, nội thương con nhiều lắm.”Anh Nhơn cũng khóc cầm tay chị để truyền những suy nghĩ của anh cho chị.  Ôi cái bệnh tai ác này sẽ theo đuổi con mình suốt cuộc đời sao. Bé sẽ không còn là một đứa bé bình thường. Rồi cơ thể, trí khôn của bé sẽ ra sao. Dòng họ có ai bị đâu mà tại sao cháu lại bị. Ba của anh Nhơn từ nãy đến giờ ngồi yên, mắt ướt lệ nhìn vào khoảng không, miệng lâm râm khấn vái. 
Bé Vi sinh ra khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ai cũng muốn bồng bế vì cháu rất dễ thương. Bé được sinh ra sau cái năm đổi đời đang ăn gạo đổi ra ăn bo-bo. Nhưng anh chị Nhơn không đến nỗi nào. Anh chị có tiệm bán tạp hóa. Tiệm này của ba má anh trước đây đứng bán nhưng giờ chán nản, muốn nghỉ ngơi nên giao lại cho anh chị.  Người xưa nói nghề buôn bán ‘một vốn bốn lời.’ Đúng vậy, bán tiệm tạp hóa không phải giờ giấc, mệt nhọc như đi làm hãng sở. Lời không phải là ít và cái thời lạm phát phi mã, giá cả lên như diều, lâu lâu đổi tiền, vốn càng ngày càng nhiều ra.
Đấy cái thời những bà mẹ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ, ăn không đủ no, ‘làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm’ nên người xanh xao gầy ốm thì làm sao có đủ sữa cho con bú nên tội nghiệp chúng phải bú thêm nước cơm hoặc nước cháo với đường. Đối với chị Nhơn thì khác, chị sinh bé Vi được mẹ chồng lo cho đủ thứ, thịt cá ê hề để chị tẩm bổ đủ sữa cho con bú. Như vậy làm sao bé Vi không sổ sữa, chóng ngoan chóng lớn được, trong khi những đứa trẻ khác thì lè nhè cả ngày, lại còn thò lò mũi xanh.


Thấm thoát bé Vi gần bốn tuổi, cái tuổi sắp sửa vào lớp mầm mẫu giáo. Một buổi sáng cháu thức dậy, mẹ cháu nghe cháu thở khò khè. Chiều đến anh chị đưa cháu đi bác sĩ.  Sau khi nghe tim, phổi, khám họng bác sĩ nói cháu bị viêm phế quản. Bé uống thuốc thấy cũng êm. Nhưng hết thuốc bệnh lại tái phát lần này coi bộ còn nặng hơn. Cháu nói cháu khó thở. Nghe cháu nói vậy anh chị hoảng sợ, nhờ ba mẹ trông cửa hàng dùm để đưa con đi bệnh viện. “Tụi bay thiệt tình, con bị như vậy còn bán buôn cái gì.  Dẹp! Dẹp! Đóng cửa! Tao với ba mày theo tụi bay vô bịnh viện.” Anh chị Nhơn vội lấy xe Honda đưa cháu đi. Ông bà đóng các cửa, mặc thêm cái áo, ra kêu xích lô chở đi. Thế là sau khi khám và xét nghiệm kỹ càng, bác sĩ đã đưa ra kết luận như vậy đó. 
Hen suyễn thường là bệnh mạn tính. Người bị hen suyễn là do các cơ chung quanh đường dẫn khí thắt chặt lại với nhau hoặc đường dẫn khí ở phổi bị viêm và sưng lên. Cả hai trường hợp đều làm giảm lượng không khí được hít vào hay thở ra. Để đối phó với bệnh suyễn bác sĩ cho hai loại thuốc. Loại hít được sử dụng hàng ngày để giảm viêm, ngăn chặn triệu chứng xảy ra. Loại hai là thuốc cắt cơn nhanh. Mỗi loại bác sĩ đều ghi cho anh Nhơn hai, ba tên thương mại khác nhau. Bác sĩ cho biết tiệm thuốc trong nhà thương không có thuốc suyễn, phải mua bên ngoài. Chở vợ con về nhà anh Nhơn cố nhớ xem bạn bè hay ai khác mua bán thuốc tây. Thời điểm đó thuốc chữa bệnh, thuốc trụ sinh thường là do đường quà biếu gửi về cho thân nhân rồi được bán ra ngoài chợ đen. Anh tức tốc tới hỏi mấy người này thì chỉ mua được mấy viên thuốc uống. Thuốc suyễn để hít vào cổ họng trị rất hữu hiệu các cơn suyễn kiếm được ở thành phố Mỹ-tho này không phải là dễ. Họ nói lên Sàigòn mới có sẵn. Thôi cho con dùng đỡ thuốc viên để sáng sớm mai lên trên đó kiếm.  Đêm đó hai vợ chồng thay phiên nhau canh chừng con.  Bé ngủ say nhưng thỉnh thoảng ho ho mấy tiếng. Anh Nhơn lo lắng lỡ bé lên cơn suyễn mà không có thuốc thì phải đối phó sao đây. Anh nhìn con mà ứa nước mắt. Một nỗi đau xót tràn ngập tâm hồn anh. Phải chi thế giới không có chiến tranh, tiền mua súng đạn, xe tăng, máy bay dùng cứu giúp những trẻ em bị bệnh suyễn, bệnh tim, cứu những em bị đói thì hay biết mấy. Anh trông chờ mau đến sáng để đi mua thuốc cho con.
Sàigòn lúc bấy giờ có nhiều nơi bán thuốc tây chui. Anh Nhơn rảo qua khu vực chợ An đông, đậu xe lại là có người tới hỏi liền. Anh đưa ra tờ giấy ghi tên thuốc, họ cho giá ngay. Vì là lần đầu tiên mua thuốc không biết giá cả ra sao nên anh chạy tới khu vực chợ Tân định để so giá. Anh Nhơn thấy giá thuốc ở đây cũng gần như ở An đông. Cũng may anh gặp ngay được một anh bán thuốc trông mặt hiền lành, ăn nói thiệt thà. Người bán thấy người mua chất phác đúng là dân miền Tây, nét mặt lại sầu khổ chứng tỏ là người cần thuốc chứ không phải công an giả dạng nên sẵn sàng cho biết tên và chỗ đứng để lần sau đến khỏi phải đi tìm lâu lắc. Được anh này bảo đảm, anh Nhơn muốn mua một lượng thuốc kha khá nhưng người bán cũng không có nhiều. Anh suy nghĩ lại thực ra cũng không nên mua nhiều lần đầu tiên vì phải mang về dùng thử xem con nó có chịu không và còn vấn đề thuốc hết hạn.
Luôn luôn có thuốc ở nhà, làm theo lời chỉ dẩn của bác sĩ, những cơn suyễn của bé đã bị ngăn chặn kịp thời. Nhưng những lo âu, lo sợ không tan biến nổi. Có những người đàn ông gặp hoàn cảnh khó khăn, nét mặt hầm hầm, đưa đám, cằn nhằn, gắt gỏng với vợ con.  Anh Nhơn không như vậy, anh càng tỏ ra thương con, thương vợ nhiều hơn. Anh biết trái tim của vợ anh còn bị tan nát hơn anh. Anh không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh bé Vi chạy đến ôm mẹ, vợ anh cúi xuống hôn con mắt nhòa lệ.  Bé Vi cũng cảm nhận được tình thương bao la của mẹ, ôm mẹ nó cứng ngắt. Mấy tháng chăm sóc con, luôn luôn lo nghĩ đã làm cho thân hình anh Nhơn trở nên tiều tụy. Có những lúc anh đứng đờ ra, mặt ảm đạm, nghĩ đến tương lai của con. Dùng nhiều corticoid sau này có sao không. Lúc khác anh như người mất hồn, hai con mắt u sầu, nghĩ đến những đứa trẻ bị bệnh như con mình chết vì thiếu thuốc, vì thuốc dỏm. Anh ước mong được chia xẻ thuốc cho những gia đình khác. 
Anh Nhơn không nhớ đã lên Sàigòn mua thuốc cho con bao nhiêu lần. Anh không bao giờ để hết thuốc, cứ thấy trong tủ chỉ còn một hộp, không kể chai đang xài dở là anh lo đi mua thêm. Thường anh đi vào sáng sớm để đến trưa về đến nhà vì sợ buổi chiều hay mưa.  Hôm nay anh đi Sàigòn trễ vì anh phải ở nhà chờ mối đến giao hàng. Những lúc như vậy anh cần có mặt để phụ chuyển hàng vào trong nhà thật nhanh tránh quản lý thị trường. Anh không muốn vợ anh phải làm chuyện này vì không thể để cho phụ nữ khiêng vác những giỏ đệm nặng cả hai ba chục kilô. Cất giấu hàng hóa vào trong nhà xong đã hơn hai giờ chiều, anh vội vàng nổ máy xe đi lên Sàigòn. Những lần trước còn sớm anh đều ghé vào chợ mua ít bánh trái cho mọi người hay vài món đồ chơi cho con.  Nhưng hôm nay lấy thuốc xong anh ra về ngay vì trời đã về chiều.
Lần đầu tiên anh di chuyển trên đường phố Sàigòn vào buổi chiều thấy nó khác lạ. Cũng đi những con đường cũ nhưng những lần trước thì thông suốt, hôm nay có nhiều đoạn anh nhích đi từng chút một. Ôi xe ơi là xe, toàn xe đạp và xe gắn máy. Phải mất một thời gian lâu lắm anh mới ra Phú lâm. Anh đi qua khỏi Xa cảng Miền Tây thì mặt trời đã xuống thấp. Chạy một lúc nữa tới An lạc, Bình chánh anh thoát được cái không khí ngột ngạt, nặng nề của thủ đô cũ lúc tan trường tan sở. Anh nghĩ con anh nếu có lên Sàigòn ở chắc cũng không chịu nổi. Miền Nam không có bốn mùa như ở đất Bắc nhưng vào những tháng cuối năm dương lịch nắng đã dịu, mưa không còn. Đường quốc lộ giờ này xe thưa thớt, các xe đò, xe tải đã về nằm tại bến. Hai bên đường những đồng lúa trải dài, những chùm lúa bắt đầu ửng vàng phản chiếu những tia nắng cuối cùng trong ngày. Một làn gió thổi tới, đồng lúa chuyển động, gợn sóng xanh tạo nên một hình ảnh rất đẹp.
 Vào tháng này phần bắc bán cầu đã bắt đầu mùa đông, mặt trời lặn rất nhanh, anh Nhơn đi tới địa phận Gò đen trời đã tối mịt. Chạy xe trong đêm, trời mát mẻ nhưng có cái hơi ớn ớn. Hai bên đường ruộng lúa giờ như được phủ bởi chiếc áo choàng màu đen của bóng tối. Cảnh vật ẩn nấp hết vào màn đêm, họa chăng người chạy xe thỉnh thoảng thấy cây cau, cây dừa hay cột điện cao thế chạy về phía sau. Đi xe trong đêm thanh vắng, trong một vùng quê yên tĩnh như thế này, trí tưởng tượng của nhiều người không khỏi hướng về một sự sống vô hình. Người ta sẽ cảm nhận bằng lỗ tai hơn là bằng con mắt. Tiếng côn trùng, ếch nhái kêu nghe thảm thiết làm sao như những oan hồn kêu gào sự thương xót. Tiếng gió thổi rì rào bên tai như tiếng thì thầm của những bóng ma quây quần. Tiếng động cơ đều đều thoát ra từ ống bô như tiếng thở hổn hển của yêu quái chạy đuổi theo mình. Anh Nhơn cố xua đuổi những ý tưởng nặng nề này ra khỏi đầu. Anh đưa cánh tay lên trước mặt xem đồng hồ. Trời tối quá anh cố nhìn nhưng không xem được giờ. Anh không ngờ Sàigòn lại kẹt xe kinh khủng như vậy nên giờ này anh mới ra nông nỗi này. Hình ảnh gia đình vụt hiện ra trong đầu anh. Tiệm đã đóng cửa, then cài chặt. Trên bàn thức ăn lạnh ngắt, chưa ai ăn uống gì. Ba mẹ anh đi ra đi vào vẻ mặt đầy lo lắng. Bé Vi thỉnh thoảng hỏi mẹ: “Sao ba lâu về.” Vợ anh nhìn ra cửa, nghe ngóng những tiếng xe gắn máy chạy ngoài đường, nàng cầu mong một chiếc dừng lại trước cửa nhà. Nàng không dám nghĩ đến những điều xấu có thể xảy ra cho chồng mình.
Anh Nhơn hết sức sốt ruột. Anh cố chạy với một tốc độ nhanh để đi hết con đường còn lại, sớm tới nhà. Nhưng anh ý thức được rằng bóng đêm đồng lõa với tai nạn, bất trắc. Anh chăm chú nhìn phía trước. Ô kìa, một người nằm ngay bên đường. Anh đưa tay lên giụi giụi mắt, đúng là người thật chứ không phải ảo giác. Anh chạy xe chầm chậm rồi tới gần anh ngừng lại.  Một người đàn ông nằm co quắp, mặt nghiêng ra đường. Anh dựng xe, vẫn để máy nổ để có ánh đèn. Ôi tai nạn! Anh cuối xuống nhìn kỹ người bị nạn. Lồng ngực không còn chút dấu hiệu của sự sống. Lớn lên trong thời chiến, anh đã từng cầm súng chiến đấu, sự sống sự chết cận kề, đụng chạm tới xác chết như không. Thế nhưng giờ đây trong đêm tối, chỉ có một mình bên xác chết, giữa đồng không vắng lạnh anh cảm thấy rùng mình hãi sợ. Anh thấy mặt người này bê bết máu đã khô đậm chứng tỏ người này chết từ lâu. Anh nghĩ anh này có thể là nạn nhân của những điều xấu xa. Một xe ô-tô đụng người này rồi bỏ chạy. Người này đi bộ hay đi xe. Nếu đi xe có thể đụng rồi, thấy đường vắng, chiếm luôn xe máy của người ta. Đây là những kẻ táng tận lương tâm, nhiều chất con hơn chất người. Cũng có thể người này bị nạn nằm đó, biết bao người, xe đi qua sao không một ai chịu dừng lại cứu chữa. Anh Nhơn nhớ lại thời trước một người đi ngoài đường bị té xỉu mà dân gian gọi là ‘trúng gió’, lập tức người người đứng lại, bà này đưa ra chai dầu khuynh diệp, ông nọ cạo gió, chị khác hỏi han để đưa về nhà hay đi cấp cứu. Nhưng đời đã thay trắng đổi đen, con người trở nên vô cảm. Một bà đang đi, té xuống đường nằm bất động, ông đi qua bà đi lại đều nhìn chỗ khác. Thiệt hay giả. Coi chừng làm ơn mà bị mắc oán. Vì người ta đã nghe nhiều câu chuyện trớ trêu. Thương người bị nạn chở tới nhà thương, bị tố ngược lại là đã gây ra tai nạn. Ai còn dám làm người nhân hậu. Đúng là đổi đời, tình người đổi ‘bạc trắng như vôi.’ Cũng may cho anh Nhơn, nạn nhân đã chết giúp anh thoát khỏi một trường hợp khó xử.  Giả sử người bị nạn còn sống, lương tâm anh chắc chắn sẽ mách bảo phải giúp đỡ họ để lấy công đức chữa bệnh cho con. Anh lên xe chạy tiếp, lòng thắc mắc không biết mình vừa gặp người chết là một điềm lành hay điềm dở.  Chạy được cỡ năm phút đồng hồ anh rất đỗi ngạc nhiên thấy một bóng người phía trước.  Lần này không phải nằm chết mà đứng, đang ra dấu cho anh ngừng lại. Đến gần thắng xe dừng lại, anh Nhơn thấy anh này trạc tuổi mình, điển trai, ăn mặc sạch sẽ, áo bỏ trong quần đàng hoàng. Anh này tỏ ý muốn quá giang. Thoáng suy nghĩ anh Nhơn thấy đi đường đêm tối có người đồng hành cũng tốt, trông mặt hiền lành cho quá giang chắc cũng không đến nỗi nào. Anh Nhơn vừa gật đầu đồng ý, anh này đã nhảy phóc lên phía sau ngồi.
Xe chuyển bánh anh Nhơn chưa kịp mở miệng hỏi thì anh ta đã nói trước. Giọng của anh ta nhỏ nhẹ, vừa thanh vừa cao, cung điệu kỳ lạ rất khó mô tả. Anh Nhơn mỉn cười và có ý nghĩ, chắc anh này là ái nam ái nữ nên mới có giọng nói như vậy. Người có năm mươi phần trăm yếu tố nữ trong người như anh này, người ta nói ‘trói gà không chặt’ thì làm sao làm cướp. Anh Nhơn nghĩ vậy và cảm thấy an toàn hơn. Anh ta nói liên miên, nói không cần biết đến người nghe. Anh Nhơn cố gắng lắng tai nghe, nhưng không biết có phải tai anh bị ù hay xe đang chạy gió thổi tạt âm thanh về phía sau nên anh nghe được có mấy chữ. Anh nghe cái gì như là độc ác, dây thừng, giết hai mạng người . . . Hình như anh ta đang kể chuyện về người bị nạn. Anh Nhơn thắc mắc trong đầu sao giờ này anh ta còn đứng đón xe ngoài đường. Anh ta là gì với người bị nạn. Vừa có ý nghĩ đó tự nhiên anh cảm thấy một hơi thở khò khè, giá lạnh phà vào mang tai. Anh rùng mình nổi da gà. Rồi hơi thở ghé sát lỗ tai, anh nghe rõ: “Chính ta đây!” Như một phản xạ bị điện giựt anh quay phắt lại. Một khuôn mặt đầy máu, một khuôn mặt không còn là hình thù của mặt con người kê sát mặt anh. Thất kinh hồn vía, các đầu dây thần kinh như bị đốt. Anh bẻ quặt tay lái lao vào lề. Bỏ xe chạy thục mạng bị ma đuổi. Nhưng chạy không được bao xa anh đụng phải bức tường lá. Chạy đi đâu, phải làm gì? Anh đang bị kẹt ở giữa, phía trước là một chướng ngại vật, sau bị bám sát bởi con ma. Người yếu bóng vía, nhát sợ trong tình huống này sẽ ngã quị, ngất xỉu. Còn anh Nhơn, trong đầu anh lóe lên hình ảnh con gái của mình gọi ‘ba ơi.’ Anh như được tiếp thêm sức mạnh: phải can đảm, phải sống. Nhìn bức tường lá bây giờ chỉ là liếp lá che cái cửa, có ánh đèn phía trong. Anh kêu lớn: “Cứu tôi!  Cứu tôi với!” Trong nhà không một tiếng động. Anh kêu lên lần nữa lớn hơn. Đèn trong nhà vặn sáng lên, từ từ di chuyển ra cửa. Liếp lá chạy sang một bên. Anh Nhơn thêm một phen lo sợ, hồi hộp, lại gặp ma.
Giữa cái ô cửa đen ngòm xuất hiện một ông già. Thân hình gầy ốm, tay cầm chiếc đèn nhỏ. Ánh sáng yếu ớt chiếu vào mặt ông già trắng bệt kỳ lạ, tương phản với bộ đồ đen ông đang mặc trên người. Ông nói giọng khàn khàn, nhựa nhựa, kéo dài, “Chú em mang xe vào đây.” Câu nói của ông làm cho anh Nhơn hơi bình tĩnh trở lại. Anh mừng mừng tủi tủi như một người vừa về từ thế giới bên kia được nghe lại tiếng người. Xe nằm không cách xa chỗ anh đứng, đã tắt máy vì bị ngã đổ. Anh xoay chìa khóa và rút nó ra bỏ vào túi quần. Dựng xe lên, cái túi xách đựng thuốc vẫn còn đó treo vào tay lái. Anh dắt xe đi nhưng hình như nó bị ai giữ lại. Anh lo sợ con ma chưa buông tha mình. Anh quay nhanh lại phía sau nhìn, không có ma nào. Anh sực nhớ xe chưa trả lại số không. Khi đi ngang qua, ông già hỏi:  “Chú em đi mua thuốc về phải hông?” Anh ngạc nhiên gật đầu dạ. Ông chỉ chỗ để xe rồi đi kéo tấm liếp lá che cửa lại. Quay lại ông chỉ cái giường đã giăng mùng sẵn nói: “Chú em ngủ giường này, qua qua bển nằm.” Rồi ông để đèn lên bàn thờ, vặn nhỏ xuống, và biến mất trong bóng tối. Anh Nhơn như bị sai khiến, anh làm theo như một cái máy. Anh bây giờ nằm trong mùng run rẩy, hãi hùng.
Một chuỗi sự việc ghê sợ diễn ra nhanh quá. Ma giả người bị đụng xe, giả người quá giang, ma hiện nguyên hình nhát anh. Ôi khủng khiếp quá! Còn ông già này nữa, ma hay là người. Tại sao mặt ông ta lại trắng bệt ra như thế? Tại sao ông ta biết mình đi mua thuốc về?  Anh cảm thấy căng thẳng và đầy hoài nghi. Anh nhớ lại những câu chuyện về ma cà rồng. Chiếc đầu ma lìa khỏi thân của nó kéo theo một phần bộ ruột, con ma cà rồng bay lượn một lúc rồi xà xuống con mồi mà nó đã chấm. Ruột của nó phủ lên mặt nạn nhân tỏa ra mùi tanh ghê gớm như một liều thuốc mê làm cho họ mê man bất tỉnh. Đầu ma đáp xuống, hai răng nanh cắm phập vào động mạch cổ của nạn nhân. Lúc đó miệng nó chúm lại và bắt đầu hút máu sột sột như người ta dùng ống hút để uống ly sinh tố. Đã bị ma cà rồng hút máu thì chỉ có chết. Người ta còn kể loại ma này không dám hại người đang đi đường, đi xe, nói chung là còn thức, nhưng nó biết thôi miên, mê hoặc làm cho họ ngủ như những nàng tiên cá đã làm đối với các anh chàng thủy thủ đa tình. Anh Nhơn rùng mình lấy tay sờ sờ cổ. Con ma kia biến hóa khôn lường, nó biến thành ông già này mấy hồi. Anh buồn rầu nghĩ tới thân phận mình. Ta đang nằm trên giường này như bị nhốt trong một cái cũi để chút nữa ta ngủ nó sẽ làm thịt ta. Nếu đúng như vậy thì cái nhà này và tất cả mọi thứ đều là ảo. Biết đâu ngày mai người ta sẽ thấy xác ta không còn một giọt máu nằm chơ vơ trên cánh đồng lúa bên cạnh là cái túi xách và chiếc xe Honda. Anh tự nhủ phải thức không được ngủ.
Anh Nhơn bồn chồn, nóng lòng như đang nằm trên đống lửa. Bây giờ là mấy giờ?  Đêm nay sao dài quá. Giờ này gia đình ta như thế nào. Ôi ba mẹ, vợ con, mọi người sẽ thức trắng vì ta. Tất cả như đang bị tra tấn dữ dội về mặt tinh thần vì ta. Một tình thương con vô bờ bến tràn ngập trái tim anh. Không biết bé Vi vì xúc động quá, các cơn suyễn dồn dập tới, rồi đêm nay dùng hết chai thuốc cuối cùng, nếu ngày mai ta không về thì sẽ ra sao. Nghĩ đến đây lòng anh đau như cắt, những giọt nước mắt từ từ lăn xuống thái dương. Không thể như thế được, ta phải trốn khỏi đây. Anh nằm im một lúc, nghe không thấy động tĩnh gì, anh từ từ ngồi dậy, lết nhè nhẹ ra mép giường. Anh vén mùng thò chân xuống đất, rà tìm đôi dép sa-bô. Anh vừa xỏ chân được vào dép, thình lình một tiếng động mạnh phát ra phía bên hông nhà như có ai đập vào cái nồi. Anh vội vàng rút chân lên giường và nằm xuống lại. Một nỗi sợ hãi xâm chiếm anh trở lại. Đó có phải là tiếng báo động của con ma đang canh giữ mình. Biết phải làm gì đây khi không tượng Chúa, tượng Phật trong người. Tức quá anh chỉ ngón tay vào đình mùng, thách thức: “Nếu mi cố sát hại ta và con ta có mệnh hệ gì, ta thề sẽ biến thành ma để chiến đấu với mi trả thù cho con ta.
Quá căng thẳng và suy sụp, người mệt lả anh không chống trả được sự buồn ngủ. Trong giấc ngủ anh mơ anh về nhà, mình mặc một bộ đồ trắng, bên hông đeo thanh kiếm. Cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt anh. Vợ anh phủ phục bên giường, con anh nằm bất động trên đó. Ba mẹ bị trói vào cột giường trông te tua, thảm hại như vừa bị tra tấn bằng roi, dao nhọn. Anh gọi to: “Con về đây! Anh về đây!Ba về đây!” nhưng không ai trả lời. Lần thứ hai anh cố gào to hơn . . .
Anh Nhơn thức dậy, phòng đầy ánh sáng vì tấm liếp đã được để sang một bên. Đầu óc mơ mơ màng màng, anh Nhơn thấy như thiếu thiếu cái gì. Anh nghiêng đầu bên này bên kia để tìm, lấy tay rà rà chung quanh. “Chết rồi! Cái túi xách!” Anh ngồi bật dậy, ra khỏi giường, nét mặt hốt hoảng. “Chú em ra hông nhà rửa mặt rồi vào đây uống trà.” Tiếng ông già và nhìn thấy cái túi xách còn máng trên xe kéo anh về thực tại. Anh ra cửa trước rồi đi ra phía hông nhà. Không khí mát mẻ, trong lành làm anh thấy khỏe khoắn trở lại. Mặt trời lấp ló phía chân trời, chiếu những tia sáng ban mai vào căn nhà đứng trơ trọi một mình.
Rửa mặt và làm những việc cần thiết xong, anh trở vào trong nhà. Anh ngạc nhiên thấy một bà đang ngồi với ông ở bàn. Bà lên tiếng:
-Qua biết ở nhà đang trông chú em dữ lắm. Thấy chú em ngủ ngon lành, qua không dám kêu dậy.
Ông già nhìn anh Nhơn vẻ ái ngại, ông hỏi: “Hôm qua chú em có sợ hông?” Anh Nhơn lí nhí trả lời: “Dạ sợ.” Anh nhìn ông, mặt của ông trắng bệt không phải là da trắng tự nhiên, nhưng là do những con vi khuẩn bạch biến làm ra. Da chỗ khác như ở cổ, ở tay sạm nắng, trông ông rất khỏe mạnh. Vì cái mặt trắng này mà tối hôm qua anh đã nghi ông là ma.


Anh cảm thấy xấu hổ vì cái tội ‘nhìn gà hóa cuốc’ này. Sợ ông đọc được tư tưởng của mình, anh không dám nhìn ông nữa mà ngó qua chỗ khác. Căn nhà rất nhỏ, hai cái giường kê hai góc nhà. Cái tủ thờ cũng như bộ bàn ghế anh đang ngồi đều bằng gỗ tạp. Trên tủ thờ là một chữ nho khá lớn lồng trong một khung kiếng. Kiếng mờ căm vì bị ám khói. Bộ tách đang được dùng uống trà cáu ghét, trông thô thiển. Phải chăng đó là tài sản của hai con người sau mấy chục năm cấy cầy.


Ông rót trà vào tách của anh Nhơn, ông tiếp:
- Xin lỗi chú em chiều hổm qua ăn đám giỗ uống nhiều rượu quá nên tối về qua nhức đầu mệt, qua gặp chú em mà không nói chiện được.
Bà nhìn chăm chăm vào tách trà của mình nói:
-Tôi đã dặn ông trước là ông không uống được nhiều mà cứ ham uống.
Quay sang bà, ông lên giọng:
-Thiệt tình bà ơi! Lâu lâu mới có đám giỗ đám tế, gặp chòm xóm không lẽ người ta mời mà không uống.
Ông quay lại anh Nhơn:
-Bộ chú em đi mua thuốc suyễn cho con.
Anh Nhơn ngạc nhiên:
-Sao ông biết.
-Thì con ma nó gửi người vào đây hỏi ra toàn là người đi mua thuốc suyễn.
Anh Nhơn lấy làm lạ là ông dùng chữ ‘gửi người’, không lẽ ông này hợp đồng với con ma để hù dọa những người đi mua thuốc cứu con. Anh hỏi ông:
-Tại sao con ma này chỉ nhát những người đi mua thuốc suyễn?
Ông uống một hớp trà rồi hỏi lại anh Nhơn, không trả lời câu hỏi của anh.
-Qua hỏi chú em câu này, con ma này là ma lành hay ma dữ.
-Nó dữ quá trời, hôm qua nó hiện ra nguyên một cái đầu đầy máu, còn dí sát vào mặt con làm con sợ muốn chết.
-Qua thì không dám phán đoán nó, nhưng qua biết chắc một điều là tối qua nếu chú em đi tiếp một đoạn đường nữa là thế nào . . . qua nói chín mươi chín phần trăm chú em sẽ  bị mất mạng.
Anh Nhơn nghe tới đây chân tay rụng rời, anh nhíu đôi lông mày lại hỏi ông :
-Tại sao vậy?
-Thì chú em sẽ bị bọn cướp nó giết.
-Thiệt vậy hở ông.
-Công an rình hoài mà không bắt được tụi chúng. Nghe nói chúng có năm sáu tên nên chúng canh me công an rất giỏi. Chú em biết không bọn này dữ dằn lắm. Chúng giựt cho người ta té xuống đường, nếu chưa chết chúng cũng làm cho chết rồi chúng cướp xe, cướp tài sản.
Anh Nhơn tròn mắt, mặt mày tái mét:
-Chúng giựt bằng cách nào?
-Chúng chăng sợi dây ngang qua đường, xe chạy tới chúng giựt lên là gồi đời.
-Con có nghe con ma nói tới dây thừng bây giờ con mới hiểu. Thưa ông, nó còn nói giết hai mạng người là thế nào. Con chỉ thấy một xác chết chứ đâu phải hai.
-Mấy người khác cũng kể như vậy qua cũng không đoán được con ma muốn nói gì. Nhưng bà nhà tôi nói hai mệnh người: một là người đàn ông bị cướp, hai là đứa con bị suyễn ở nhà chết vì không có thuốc. Chú em cứ tin đi bà nhà tôi nói là trúng.
Anh Nhơn nhìn bà, miệng móm mém đang nở một nụ cười. Trong lòng anh tự nhiên thấy hết sợ, hết oán giận con ma suyễn. Anh Nhơn đứng lên lấy cái túi xách, lục trong đó ra còn ít tiền, anh lấy biếu ông bà, nhưng hai người nhất định không nhận. Anh hứa trong lòng, lần sau lên mua thuốc, sẽ mang chục gạo biếu ông bà. Anh tin rằng hồn linh thiêng của người đàn ông và của đứa con không những đã cứu mình mà còn muốn giúp đỡ hai ông bà nhân hậu này.

                                       Dominique Phạm Văn Cảnh (CPS Mỹ,L.61)

3 nhận xét: