Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Liều mình cứu sống hơn 350 người trong lũ


Liều mình cứu sống hơn 350 người trong lũ

08/10/2010 22:11:46
Bài xin từ nhà Chị BT(Vườn Cỏ Dại).Xin cám ơn Chị đã đưa tin !
 - Cơn lũ đi qua người dân xã Sơn Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình chưa vơi nỗi đau nhưng khi hỏi về 3 người đã liều mình cứu hơn 350 người dân thoát chết trong lũ dữ thì ai cũng biết.
TIN LIÊN QUAN
Đó là anh Ngô Văn Nam cùng cha là ông Ngô Tam, chú là Ngô Luật  ở thôn Hạ Vàng, xã Sơn Trạch. Ngôi làng Cư Lạc (Sơn Trạch) cách thôn Hạ Vàng ở bởi con sông Son.
Trốn mẹ, trốn vợ đi cứu người
Từ đường Hồ Chí Minh về thôn Hạ Vàng, bùn đất phủ lên một màu đỏ che lấp xóm làng, nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ… người dân đang vật lộn khắc phục hiện ra trước mắt. Con đường độc đạo dẫn vào thôn Hạ Vàng bị sạt lở đất đá làm tắc ngẽn đi lại của người dân.
Con thuyền mà Nam, ông Tam và anh Luật "ăn trộm", bất chấp tính mạng cứu người trong nước lũ (trước thuyền là Nam, phía sau anh Luật).

Nằm bên dòng sông Son là một căn nhà cấp bốn “vườn không nhà trống”, nơi ấy bà con làng xóm đến tấp nập đến chia sẻ những mất mát sau lũ, và đặc biệt hơn là  cảm ơn cha con Nam đã dũng cảm cứu người.
Nam không dấu được lòng mình với chúng tôi, trong dòng nước mắt: “Anh ơi! Bao nhiêu của cải của nhà em bị lũ cuốn truôi hết rồi, hiện nhà không còn một vật dụng gì nữa. Nếu đêm đó em không đi cứu người thì gia đình em không đến nỗi này”.
Trong ngôi nhà trống trơn chỉ có bùn đất phủ kín nhà, Nam kể cho tôi nghe về việc cứu người. Vào ngày 4/10 nước lũ đùng đùng kéo về và hàng trăm ngôi nhà ở xã Sơn Trạch bị chìm ngập trong nước lũ, cả một vùng quê cây cối xanh tươi biến thành màu đỏ của nước.
Từ 16h đến 18h ngày 4/10 chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ nhưng nước lũ dâng tới hai mét, ở bên kia con sông nghe tiếng khóc não lòng kêu cứu át đi tiếng mưa, nước lũ chảy ầm ầm phát ra: “Cứu với, cứu với… sắp chết cả làng rồi…”.
Mỗi lúc tiếng kêu cứu càng to lên và ở bên này sông nghe càng rõ. Nghe thấy, Nam nói với cha mình là ông Ngô Tam (42 tuổi): “Cha con mình trốn mẹ đi cứu người đi, nhà mình ở bên này cao nước không lên đâu. Nghe Nam nói vậy, ông Tam đồng ý liền và rủ thêm người chú là Ngô Luật lặng lẽ ra sông. Thấy chiếc thuyền đang neo đậu không biết của ai làm bằng tôn, chèo  tay và có trọng lượng chở được 7 người. Nam cùng cha mình và người chú đã "ăn trộm" chèo qua bên kia sông. 
Sắp chết vì “tham” cứu người
Đúng 19h 30, trời tối om, mưa lớn nhưng cả ba người người chỉ có một cái đèn ắc quy, không nón mũ, áo mưa. Giữa dòng nước lũ chảy xiết đang muốn nuốt chửng mọi thứ, nhưng cả ba người liều chết, vượt dòng lũ dữ qua sông.
Nam kể lại: “Lúc đó, cha em thì chèo thuyền nhưng nước vào thuyền nhiều lắm rứa là chú phải múc nước còn em thì chiếu đèn và dùng sào đẩy gỗ, củi tránh đâm vào thuyền. Mặc dù, quãng sông chưa đến 100m nhưng phải 30 phút vật lộn với nước lũ ba người mới qua được sông và tiếp cận với những người dân ở thôn 1, Cư Lạc”.
 
Chàng thanh niên Ngô Văn Nam anh dũng cứu hơn 350 người thoát chết trong lũ dữ.

Hình ảnh đầu tiên mà Nam không cầm được nước mắt là những ngôi nhà chỉ còn 40cm nữa là ngập chìm trong lũ, từ trong đó tiếng trẻ con, người già khóc thê thảm. Lần theo tiếng khóc vô vọng của hàng trăm người dân, ông Tam chèo lái con thuyền, còn Nam gỡ mái ngói đỡ người lên thuyền chở đi đến các nhà cao tầng trong làng để tránh lũ.
Đợt đầu tiên là tại một ngôi nhà có 7 người đang chờ chết, nước dâng gần nóc nhà, tiếng kêu cứu cứ như đang lịm đi. Thuyền của cha con Nam tới kịp gỡ gói cứu thoát 7 người. 
Và hết nhà này đến nhà khác, trong đêm khuya mưa to gió lớn từ 20h đêm 4/10 đến 4h ngày 5/20, Nam, ông Tam và anh Luật như con thoi đi hết cả thôn 1 làng Cư Hạ đã đưa được 350 người.
Bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ của Nam đang phơi lại ít gạo mà khi chạy lũ mang lên núi bị ướt để nuôi cả nhà trong mấy ngày tiếp theo.

“Em giờ cũng không nhớ trong đêm đó đã chở bao nhiêu chuyến nhưng 7 ngôi nhà hai tầng, cứ mỗi ngôi nhà là có 50 người em chở đến ở. Trong đêm đó, em suýt chết khi đến một nhà gỡ gói đã đưa hết người lên thuyền thì trở lại lên xem có ai nữa không thì bị lũ cuốn sập nhà và bị đè trong đó. Cha và chú Luật nhảy xuống đưa em lên được” -  Nam rùng mình nhớ lại.
Mất của thì làm lại, người chết thì không
Sau khi đưa được hết người dân làng Cư Hạ đến nơi an toàn Nam, ông Tam và anh Luật sức đã kiệt quệ nhưng cố gắng chèo thuyền vượt lũ trở về nhà thì thấy nhà mình chỉ còn chóp nóc. Thấy vậy Nam và ông Tam vội bơi vào để cứu mẹ và hai người em, vì trước khi trốn đi cứu người họ đang còn ở trong nhà, nhưng rất may bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ Nam biết bơi đã đưa hai người con của mình lên núi.
Ông Tam nói: “Thấy mọi người sắp chết bỏ không đành nên tôi, thằng Nam, Luật đưa mọi người đến nơi an toàn chứ không nghĩ đến vợ con ở nhà. Mặc cho nước lũ chảy xiết nhưng làm liều chèo thuyền qua sông. Khi về thấy nhà bị ngập chỉ còn lại chóp, tôi lo lắm nhưng rất may biết được vợ tôi đã đưa được hai người con đi lên núi an toàn”.
Từ phải sang trái Nam, ông Tam và những người hàng xóm đến chia sẻ mất mất của gia đình sau lũ.

Đêm đó bao nhiêu của cải trong gia đình Nam bị nước lũ cuốn trôi hết. Gia tài còn lại bây giờ là một bộ bàn ghế và hai cái nồi. 
Nam bảo: “Lũ qua rồi nhà em bây giờ không còn gì nữa anh ơi! Rồi không biết những ngày tiếp theo gia đình em sống răng đây, tội lắm. Nhưng em nghĩ mất của làm lại được còn người chết không bao giờ sống lại được”.
Nam nói tiếp: “Nếu đêm đó em, cha và chú Luật không đi cứu người thì lũ không bao giờ cướp được tài sản của gia đình em mô. Giờ cả gia đình em lâm vào cảnh khốn khó nhưng em và cha, cùng chú Luật rất hạnh phúc vì cứu được hơn 350 người trong lũ”.
Do cứu người mà quên “nhiệm vụ” cứu nhà, cơn lũ khiến nhà ông Tam bây giờ thành “vườn không nhà trống”. Lúa gạo bị nước lũ cuốn trôi hết, hiện gia đình ông Tam có tới với 5 miệng ăn nhưng ngày 8/10 chỉ có 5 gói mì tôm do xã phát cho.
Ông Tam buồn bã: “Ở xóm tôi mặc dù bị lũ rất nặng nhưng người dân cũng cất trữ được ít đồ, sau đó mới chạy. Trong gia đình, tôi và thằng Nam là trụ cột nhưng đi cứu người rồi không có ai dọn đồ hết. Sau lũ đói quá, tôi lên xin xã thương tâm cho bao gạo về ăn nhưng xã nói là sẽ cấp về thôn sau đó mới phát. Những ngày tháng tiếp theo tôi lấy gì mà nuôi gia đình đây”. 
 
Gia cảnh chàng thanh niên dũng cảm cứu hơn 350
Chàng thanh niên Ngô Văn Nam sinh ngày 10/3/1990 cao 1,65m, nặng 65kg, vừa học xong lớp 12,  ở nhà theo mẹ chèo thuyền đưa khách ở động Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ông Tam làm nghề chài lưới trên sông Son, còn bà Xuân đến mùa du lịch thì chèo thuyền đưa khách du lịch ở động động Phong Nha – Kẻ Bàng, hết mùa lên rừng kiếm cứi đem bán về nuôi con. Vợ chồng ông Tam có 5 người con, Tam là đứa con đầu, hiện có hai đứa đang đi học. Cuộc sống gia đình rất khó khăn.
 


1 nhận xét:

  1. Đáng tuyên dương ANH HÙNG !
    Đáng mọi người học tập noi gương !

    Trả lờiXóa