Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

CHA,CON PHANXICÔ !!!

(Ảnh :Ông Bê na đô nê từ con trước tòa Giám mục)
Cha và con Phanxicô
Bài chia sẻ trong thánh lễ cho anh chị em Cựu Phan Sinh tại Học viện Thủ Đức, ngày 10-10-2010
 
Chàng Phanxicô cúi mình dịu dàng trên những thọ tạo thấp hèn nhất, chúc lành cho chúng và nói chuyện với chúng cũng vẫn là chàng Phanxicô đã từng ra trận để giết kẻ khác, vẫn là chàng Phanxicô đã “thẳng thừng” từ khước cha mình trước giám mục Assisi; đây là một quyết định mà có những người nghĩ rằng là do Phanxicô cũng giống như ông bố, phải giữ thể diện, nên không bao giờ lùi lại. Nhận định này có phần đúng.
Phanxicô là con của ông Phêrô Bênađônê, điều này, có quyết định gọi Thiên Chúa là Cha cũng không thay đổi được. Phanxicô, người con trầm tĩnh của Thiên Chúa cũng là người con nóng như lửa của ông Bênađônê. Có một đoạn văn ngắn trong quyển Ba Người Bạn có thể cho thấy chân dung của cha lẫn con. Chuyện kể là ông Bênađônê không chịu nổi kiểu ăn mặc của Phanxicô như một ẩn sĩ, sống tại nhà nguyện Thánh Đamianô và đi xin từng viên đá để sửa ngôi nhà nguyện bệ rạc. Khi ông Phêrô thấy cảnh khốn khổ của Phanxicô, ông rất buồn, bởi vì ông rất thương chàng; ông đau đớn và xấu hổ khi thấy cậu con đã gần như chết vì sống đền tội và gian khổ. Nên khi hai cha con gặp nhau bất cứ ở đâu, ông đều nguyền rủa Phanxicô”. Nếu ta thay một vài từ, ta sẽ có một chân dung của Phanxicô: “Khi Phanxicô thấy cảnh khốn khổ của ông Phêrô, chàng rất buồn, bởi vì chàng rất thương ông; chàng đau đớn và xấu hổ khi thấy người cha đã gần như chết vì bị tiền bạc và quyền lực ám ảnh. Nên khi chàng gặp cha tại tòa giám mục, chàng đã từ ông công khai”. Không có bên nào ngập ngừng ngần ngại cả; không có bên nào cầm giữ các cảm nhận của mình lại cả; cả hai đều “ào ào”, “làm tới”… Tất cả những gì ông Bênađônê có thể làm là nguyền rủa. Và tất cả những gì Phanxicô có thể làm là phản công, bằng cách xin một người ăn mày chúc phúc bù lại. Không có chùn chân. Không có thương lượng, thỏa hiệp.
Thật ra không phải là do thù ghét mà ông Bênađônê nguyền rủa cậu con, mà là do yêu thương. Chỉ vì ông không thể mở ra với bất cứ điều gì khác ngoài hình ảnh ông có về cậu con trong tương lai và về chương trình của ông cho cậu, ông đã hết sức thất vọng và thành điên dại vì cái thằng này, khi lớn lên, lại bôi tro trát trấu lên mặt người cha vẫn yêu thương chàng. Ông Bênađônê cảm thấy nhục nhã ê chề vì lối sống của Phanxicô, và ông không thể nào hiểu được vì sao Phanxicô lại có thể làm cho ông như thế.
Phần Phanxicô, chàng thấy bố mình đã bị giam cứng trong xu hướng ham thích sự trọng vọng và nhu cầu giữ thể diện bằng mọi giá, thì lại đã phản ứng: một hôm đi xin dầu để thắp đèn trong nhà nguyện Thánh Đamianô, vừa vào một nhà, thấy đám bạn bè cũ, chàng xấu hổ lui ra. Nhưng sau đó, nghĩ lại, chàng tự trách mình, rồi đi vào, thú nhận là đã xấu hổ khi xin họ bố thí. Thế nhưng không có gì có thể xúc phạm đến ông Bênađônê cho bằng khi ông thấy Phanxicô cần thắng sự xấu hổ bằng cách chịu xấu hổ, và do đó, làm cho cả gia đình phải nhục nhã vì chàng đi ăn mày. Phanxicô thì chẳng bao giờ lùi bước; chàng luôn luôn đối diện với sự thật của hiện tại, cho dù hậu quả là thế nào.
Qua sự căng thẳng giữa hai cha con Phanxicô, ta thấy Phanxicô đã đánh trúng tim cái thói giả hình của thế giới của chàng, một thế giới coi danh giá và thể diện quan trọng hơn sự tốt lành và sự thật, trong thế giới này người ta tự tử khi danh tiếng của họ bị xúc phạm, bởi vì danh tiếng của họ đồng nghĩa với căn cước của họ và căn cước của họ đồng nghĩa với thành công, thành công về tài chính và về xã hội.
Khi chọn “thất bại” ngay từ đầu, Phanxicô giải thoát mình khỏi khối nặng là ý kiến của kẻ khác. Bắt đầu bằng cha mình, chàng loại bỏ việc hiểu biết mình là ai chỉ nhờ kẻ khác. Chàng trở thành một người tự do, một người có căn cước đến từ Thiên Chúa.
Khi bỏ người cha trần gian, tức khắc Phanxicô đón lấy Cha trên trời; căn cước mới của Phanxicô đến từ Thiên Chúa. Và hầu như tức khắc, chàng nhận ra rằng cha mẹ chàng, anh chị em chàng chính là những người thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chàng đã triển khai được một ý nghĩa mới tròn đầy về gia đình.
Không biết sau này Phanxicô có giao hòa với cha không. Tôi mong ước là có, vì Phanxicô là một người rất nhạy cảm, và là một người rất nhanh nhạy để xây dựng hòa bình, nên không thể cứ để mối bất hòa với cha cho đến chết. Tuy nhiên Tin Mừng vẫn còn đó: Tin Mừng chia cắt các gia đình. Kinh nghiệm vẫn còn đó: các bà mẹ mất con vì các ông chồng, các người con loại bỏ cha để đi theo tiếng gọi trở thành chính mình, trở nên khác với người đã sinh ra mình. Nhất là khi chắc chắn tiếng gọi đến từ Thiên Chúa …
 
FX Long, ofm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét