Tản mạn chuyện nghĩa trang
Bài do A. Nguyễn Trọng Đa (CPS L.59)gửi
Xưa nay, trong tâm thức người Việt, họ vẫn tin rằng sống chỉ là cõi tạm, cuộc sống đời sau mới là vĩnh hằng (Thành ngữ:“sống gởi, thác về”, “sinh ký, tử quy”). Chính vì thế, sau khi người thân ra đi, con cháu có nhiệm vụ phải lo liệu mai táng, chôn cất. Tùy vào điều kiện khí hậu, văn hóa của từng vùng miền hay điều kiện kinh tế mà có thể có những nghi thức mai táng, chôn cất khác nhau, có nơi thì địa táng, có nơi thì thủy táng hay hỏa táng.
Bài viết này, xin lạm bàn một chút về nghĩa trang - địa táng của người Việt (cách riêng của người Công giáo) xưa nay.
NẤM MỘ NĂM XƯA
Do ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, người Việt khá tin vào phong thủy. Thuyết này đặc biệt được các vua chúa, quan lại chú tâm. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.
Trên thực tế, phong thủy chỉ là chuyện của một nhóm thiểu số, còn phần đa người dân, khi lìa đời đều gởi thân xác vào lòng đất, đất được vun lên thành những gò như hình tổ mối hay cái mủ nấm (nên được gọi là nấm…mộ). Đây là cách chôn cất truyền thống và kéo dài của người Việt cũng như của nhiều dân tộc khác. Cách mai táng này tuy có vẻ đơn giản, nghèo nàn nhưng một cách nào đó, nó làm cho người ra đi gần gũi với đất, hòa tan vào đất, thanh thoát và nhẹ nhàng. Hình ảnh cái chết thật giống với sự ví von trong của Chúa Giêsu "Hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt (Ga, 12, 24). Có lẽ, cảm hiểu được điều này mà nhiều người xem cái chết là “về với cát bụi”, về với “đất mẹ” (“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, Cát bụi – Trịnh Công Sơn). Chính vì không được bê tông hóa nên chỉ sau một thời gian chôn cất, nấm mồ sẽ bị phủ kín bởi cỏ cây (Truyện Kiều: “Sè sè nắm đất bên đường/Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”). Dựa vào những biến chuyển này, cha ông đã sáng tạo một khái niệm mới để đo thời gian: “xanh cỏ”. Khái niệm này ý nói về quãng thời gian đủ để quên đi một điều gì đó. Chẳng hạn như con cháu, người thân tối thiểu, phải chờ cho người mất “xanh cỏ” thì người ở lại mới được tiệc tùng, hoặc tục huyền/tái giá.
Có dịp đi công tác, tình cờ ghé thăm một số nghĩa trang ở nước ngoài, tôi thấy rằng: xu hướng “cỏ hóa” đang thịnh hành. Nghĩa trang của họ trông rất thanh thoát nhẹ nhàng. Nhìn thoáng qua, chúng ta chỉ thấy một bãi đất phẳng, có xanh phủ kín. Điều làm cho chúng ta biết đó là ngôi mộ là tấm bia nhỏ ghi những thông tin của người quá cố.
…VÀ NẤM MỘ BÂY GIỜ
Khi điều kiện kinh tế khá hơn, người ra đi được con cháu xây cho những ngôi mộ (Tôi phân biệt “nấm mộ” là cách chôn cất bằng cách đắp đất; còn ngôi mộ là cách chôn cất được bê tông hóa). Lúc đầu, ngôi mộ được xây bằng xi măng, sau là quét vôi, rồi gần đây là ốp gạch men, ốp đá hoa cương. Trước đây, thông tin của người quá cố được viết lên trên bề mặt mộ. Gần đây, các thông tin này và di ảnh của người quá cố được khắc và scan vào bia mộ, rồi ốp vào mặt chính của ngôi mộ. Cũng cần nói thêm rằng, tôi không thích ốp gạch men, đá hoa cương vào mộ người thân vì làm như thế thì ngôi mộ sẽ luôn mới, luôn đẹp. Ngôi mộ còn mới, sạch, đẹp thì con cháu sẽ không thường xuyên đến “tảo mộ”; và kéo theo đó là tình cảm của kẻ ở lại với người quá cố cũng sẽ nhạt dần!
Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một mồ”. Mồ mả cũng…“thượng vàng hạ cám” lắm. Nhìn vào ngôi mồ cũng có thể biết được người sang, kẻ hèn. Gần đây, báo chí đề cập đến những “thành phố ma”, “thành phố âm phủ”, “thành phố buồn” – nơi mà nhiều gia đình chấp nhận bỏ ra cá tỷ đồng để xấy cất những ngôi mộ. Nhìn cách tiêu tốn sa hoa này, tôi chợt nhớ về ngôi mộ trống của Chúa Giêsu trên Núi sọ năm nào! Một tín hiệu vui là đây đó, một số giáo xứ đã có những quy định về vấn đề này. Chẳng hạn như ở Giáo xứ Vinh Đức – Buôn Ma Thuật, cha xứ yêu cầu giáo dân phải xây các ngôi mộ theo một mẫu chung; Vật liệu xây dựng cũng không được sử dụng các loại phá cách, đắt tiền.
Lại nói chuyện gần đây, không thể không nhắc đến các ngôi mộ nhỏ bé, đơn sơ nhưng rất linh thiêng và xúc động. Đó là những nấm mồ mà kích thước khoảng 1, 2 viên gạch trong nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang, ở Tp. Pleiku. Mỗi nấm mồ này được lập nên là một niềm vui của phận người (vì ít nhất các trẻ sơ sinh cũng được chết, được chôn cất như một con người) nhưng cũng là một nhắc nhớ khôn nguôi về lối sống của con người hôm nay. Hiện nay, những nghĩa cử thiện nguyện này đã lan đến rất nhiều vùng miền như Tp. Hồ Chí Minh, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuật … Đến nghĩa trang Đồng nhi Tp. Pleiku, tôi vừa xúc động vừa buồn, vừa thao thức bởi dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” mà Linh mục Nguyễn Văn Đông đã cho ghi trước cổng nghĩa trang. Ước mong sao, những lời chia sẻ đó sẽ giúp các bạn trẻ biết điều chỉnh lối sống của mình.
CÁCH QUY HOẠCH
Ngày xưa, do ảnh hưởng thuyết phong thủy nên người chết phải được chôn cất theo một “bài sai” nhất định: Đầu hướng nào, chân hướng nào. Chính vì thế, nếu có nghĩa trang tập thể thì cũng khó mà quy củ, hàng lớp. Sau này, cùng với việc bê tông hóa, nghĩa trang cũng được quy hoạch, có hàng lớp rõ ràng hơn. Nhìn chung, các nghĩa trang được quy hoạch theo hai loại: theo từng gia đình, dòng họ. Cách quy hoạch này tạo cảm giác ấm lòng khi người thân về bên kia vẫn được cạnh kề bên nhau. Phổ biến hơn là cách quy hoạch theo giới tính: nam một bên, nữ một bên, các bé sơ sinh, thiếu nhi một góc. Tôi có dịp dự lễ an táng của khá nhiều người thân, bạn bè khắp nơi nhưng vẫn ấn tượng với nghĩa trang của Gx. Vinh Quang (Buôn Ma Thuật). Nghĩa trang được xây trên triền đồi nên Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Tâm đã quy hoạch theo từng lớp cao thấp, trông như môt “phố núi”. Bên các đường đi và giữa các ngã tư, ngã ba là các cây bonsai, cây cảnh rất đẹp. Ở đây, các ngôi mộ được xây theo một mẫu chung, khá đẹp mắt. Trên mỗi ngôi mộ có gắn một lồng đèn bằng kính để những dịp tháng linh hồn, mồng hai tết giáo dân quy tụ về, thắp nến và cùng nhau tham dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung cầu nguyện cho người thân. Ánh nến lung linh trong đêm cộng với mùi hương phảng phất làm không khí thêm linh thiêng, huyền ảo.
VỀ CÂU CHỮ
Sau cùng xin được nói về những ngôn từ, câu chữ trong nghĩa trang. Trước cổng nghĩa trang thường có các câu Kinh thánh, Thánh vịnh hay danh ngôn như “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh tin kính), “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại”, “Chúa đã Phục sinh”, “Cuộc sống không mất nhưng chỉ đổi thay” hay "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi, mọi người khóc còn ta lại mỉm cười"…Tôi khá ấn tượng dòng chữ ghi ở nghĩa trang của Gx Thổ Hoàng – Đăk Nông: “Ngày mai đến phiên bạn”. Thoáng giật mình khi đọc qua nhưng ngẫm lại thì đó là một nhắc nhớ cần thiết.
Về câu chữ đề trên bia mộ được ghi khá thống nhất, gồm tên gọi, tên thánh, ngày – tháng - năm sinh, nơi sinh và ngày - tháng – năm mất, nơi mất. Nếu người mất là các vị quan lại hay chức sắc thì còn thêm một số chi tiết về các học vị, chức tước, thời gian nhận chức sắc…Riêng về chữ “chết” có nhiều cách viết khác nhau. Bình dân thì viết là “tử”, “mất”, “qua đời” sang hơn thì gọi “tạ thế”, “từ trần”, các vị sư mất thì gọi là “viên tịch”. Về cách gọi này, tôi cho rằng, người Công giáo có cách gọi tên rất tuyệt vời “Về nhà cha”. Cách gọi tên như vậy làm cho cái chết trở nên nhẹ nhàng, làm ấm lòng, an tâm cho kẻ ở lại cũng như người ra đi.
Tiện đây, xin xới lại vấn đề: người quá cố bao nhiêu tuổi thì được gọi là “hưởng thọ”? Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay. Tranh cãi bởi trước hết trong các từ điển, tự điển cũng không thống nhất, rõ ràng. Hán Việt tự điển của Nguyễn Văn Khôn cho rằng trên 50 tuổi là thọ. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh giải thích từ “hưởng thọ” khá mập mờ: “sống lâu”(tr 406). Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân) cũng không có gì rõ ràng khi giải thích hưởng thọ là “sống được” (tr 414). Theo tôi, cái gốc của tranh cãi là do không rõ nguồn gốc của khái niệm trên. Có ý kiến cho rằng trên 50 là thọ bởi họ xuất phát từ quan niệm truyền thống của các làng xã người Việt: 50 tuổi lên lão làng. Đã là lão thì tất phải…thọ! Theo tôi, người quá cố phải sống trên 60 năm mới gọi là “hưởng thọ”. Bởi theo hệ thống đánh số Can chi (phổ biến tại một số nước Á Đông - trong đó có Việt Nam) thì sau 60 năm (theo âm lịch) lịch lại quay lại ngày, tiết, khí…như 60 năm trước. Từ đây, người ta gọi 60 năm là chu kỳ một vòng đời (chả thế mà có lời bài hát: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”!). Thực tế, quan niệm trên chịu ảnh hưởng của Nho giáo rất rõ (ngay cả khái niệm hưởng thọ/dương cũng là Hán tự). Mà theo Nho giáo thì họ có cách phân đoạn của người quá cố như sau: 1 – 10 tuổi là hưởng đào hoa, từ 10 – 20 tuổi là hưởng thanh xuân, từ 20 – 30 tuổi là hưởng xuân quang, từ 30 – 40 tuổi là hưởng thu sương, 40 – 50 tuổi là hưởng dương quang, 50 – 60 tuổi là hưởng hà linh, 60 – 70 tuổi là hưởng thọ…Hơn nữa, trong điều kiện xã hội ngày nay, tuổi thọ trung bình của con người không ngừng được nâng cao. Theo Tổng cục thông kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2009 là 72,8. Trong xu thế chung đó, không có lý gì khi mình lại hạ chỉ tiêu để gọi những người sống dưới 60 tuổi là hưởng thọ!
TẠM KẾT
Tôi viết chuyện về nghĩa trang - ngôi nhà của kẻ chết, ngoài mục đích để chúng ta cùng đọc, gẫm suy, tưởng nhớ về tổ tiên, những ân thân nhân đã ra đi trước chúng ta, còn có dụng ý chia sẻ những thông tin trên để góp thêm một ý kiến cho các giáo xứ, cộng đoàn tham khảo khi xây dựng, quy hoạch lại nghĩa trang của giáo xứ.
Bài viết này, xin lạm bàn một chút về nghĩa trang - địa táng của người Việt (cách riêng của người Công giáo) xưa nay.
NẤM MỘ NĂM XƯA
Do ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, người Việt khá tin vào phong thủy. Thuyết này đặc biệt được các vua chúa, quan lại chú tâm. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.
Trên thực tế, phong thủy chỉ là chuyện của một nhóm thiểu số, còn phần đa người dân, khi lìa đời đều gởi thân xác vào lòng đất, đất được vun lên thành những gò như hình tổ mối hay cái mủ nấm (nên được gọi là nấm…mộ). Đây là cách chôn cất truyền thống và kéo dài của người Việt cũng như của nhiều dân tộc khác. Cách mai táng này tuy có vẻ đơn giản, nghèo nàn nhưng một cách nào đó, nó làm cho người ra đi gần gũi với đất, hòa tan vào đất, thanh thoát và nhẹ nhàng. Hình ảnh cái chết thật giống với sự ví von trong của Chúa Giêsu "Hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt (Ga, 12, 24). Có lẽ, cảm hiểu được điều này mà nhiều người xem cái chết là “về với cát bụi”, về với “đất mẹ” (“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, Cát bụi – Trịnh Công Sơn). Chính vì không được bê tông hóa nên chỉ sau một thời gian chôn cất, nấm mồ sẽ bị phủ kín bởi cỏ cây (Truyện Kiều: “Sè sè nắm đất bên đường/Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”). Dựa vào những biến chuyển này, cha ông đã sáng tạo một khái niệm mới để đo thời gian: “xanh cỏ”. Khái niệm này ý nói về quãng thời gian đủ để quên đi một điều gì đó. Chẳng hạn như con cháu, người thân tối thiểu, phải chờ cho người mất “xanh cỏ” thì người ở lại mới được tiệc tùng, hoặc tục huyền/tái giá.
Có dịp đi công tác, tình cờ ghé thăm một số nghĩa trang ở nước ngoài, tôi thấy rằng: xu hướng “cỏ hóa” đang thịnh hành. Nghĩa trang của họ trông rất thanh thoát nhẹ nhàng. Nhìn thoáng qua, chúng ta chỉ thấy một bãi đất phẳng, có xanh phủ kín. Điều làm cho chúng ta biết đó là ngôi mộ là tấm bia nhỏ ghi những thông tin của người quá cố.
…VÀ NẤM MỘ BÂY GIỜ
Khi điều kiện kinh tế khá hơn, người ra đi được con cháu xây cho những ngôi mộ (Tôi phân biệt “nấm mộ” là cách chôn cất bằng cách đắp đất; còn ngôi mộ là cách chôn cất được bê tông hóa). Lúc đầu, ngôi mộ được xây bằng xi măng, sau là quét vôi, rồi gần đây là ốp gạch men, ốp đá hoa cương. Trước đây, thông tin của người quá cố được viết lên trên bề mặt mộ. Gần đây, các thông tin này và di ảnh của người quá cố được khắc và scan vào bia mộ, rồi ốp vào mặt chính của ngôi mộ. Cũng cần nói thêm rằng, tôi không thích ốp gạch men, đá hoa cương vào mộ người thân vì làm như thế thì ngôi mộ sẽ luôn mới, luôn đẹp. Ngôi mộ còn mới, sạch, đẹp thì con cháu sẽ không thường xuyên đến “tảo mộ”; và kéo theo đó là tình cảm của kẻ ở lại với người quá cố cũng sẽ nhạt dần!
Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một mồ”. Mồ mả cũng…“thượng vàng hạ cám” lắm. Nhìn vào ngôi mồ cũng có thể biết được người sang, kẻ hèn. Gần đây, báo chí đề cập đến những “thành phố ma”, “thành phố âm phủ”, “thành phố buồn” – nơi mà nhiều gia đình chấp nhận bỏ ra cá tỷ đồng để xấy cất những ngôi mộ. Nhìn cách tiêu tốn sa hoa này, tôi chợt nhớ về ngôi mộ trống của Chúa Giêsu trên Núi sọ năm nào! Một tín hiệu vui là đây đó, một số giáo xứ đã có những quy định về vấn đề này. Chẳng hạn như ở Giáo xứ Vinh Đức – Buôn Ma Thuật, cha xứ yêu cầu giáo dân phải xây các ngôi mộ theo một mẫu chung; Vật liệu xây dựng cũng không được sử dụng các loại phá cách, đắt tiền.
Lại nói chuyện gần đây, không thể không nhắc đến các ngôi mộ nhỏ bé, đơn sơ nhưng rất linh thiêng và xúc động. Đó là những nấm mồ mà kích thước khoảng 1, 2 viên gạch trong nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang, ở Tp. Pleiku. Mỗi nấm mồ này được lập nên là một niềm vui của phận người (vì ít nhất các trẻ sơ sinh cũng được chết, được chôn cất như một con người) nhưng cũng là một nhắc nhớ khôn nguôi về lối sống của con người hôm nay. Hiện nay, những nghĩa cử thiện nguyện này đã lan đến rất nhiều vùng miền như Tp. Hồ Chí Minh, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuật … Đến nghĩa trang Đồng nhi Tp. Pleiku, tôi vừa xúc động vừa buồn, vừa thao thức bởi dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” mà Linh mục Nguyễn Văn Đông đã cho ghi trước cổng nghĩa trang. Ước mong sao, những lời chia sẻ đó sẽ giúp các bạn trẻ biết điều chỉnh lối sống của mình.
CÁCH QUY HOẠCH
Ngày xưa, do ảnh hưởng thuyết phong thủy nên người chết phải được chôn cất theo một “bài sai” nhất định: Đầu hướng nào, chân hướng nào. Chính vì thế, nếu có nghĩa trang tập thể thì cũng khó mà quy củ, hàng lớp. Sau này, cùng với việc bê tông hóa, nghĩa trang cũng được quy hoạch, có hàng lớp rõ ràng hơn. Nhìn chung, các nghĩa trang được quy hoạch theo hai loại: theo từng gia đình, dòng họ. Cách quy hoạch này tạo cảm giác ấm lòng khi người thân về bên kia vẫn được cạnh kề bên nhau. Phổ biến hơn là cách quy hoạch theo giới tính: nam một bên, nữ một bên, các bé sơ sinh, thiếu nhi một góc. Tôi có dịp dự lễ an táng của khá nhiều người thân, bạn bè khắp nơi nhưng vẫn ấn tượng với nghĩa trang của Gx. Vinh Quang (Buôn Ma Thuật). Nghĩa trang được xây trên triền đồi nên Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Tâm đã quy hoạch theo từng lớp cao thấp, trông như môt “phố núi”. Bên các đường đi và giữa các ngã tư, ngã ba là các cây bonsai, cây cảnh rất đẹp. Ở đây, các ngôi mộ được xây theo một mẫu chung, khá đẹp mắt. Trên mỗi ngôi mộ có gắn một lồng đèn bằng kính để những dịp tháng linh hồn, mồng hai tết giáo dân quy tụ về, thắp nến và cùng nhau tham dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung cầu nguyện cho người thân. Ánh nến lung linh trong đêm cộng với mùi hương phảng phất làm không khí thêm linh thiêng, huyền ảo.
VỀ CÂU CHỮ
Sau cùng xin được nói về những ngôn từ, câu chữ trong nghĩa trang. Trước cổng nghĩa trang thường có các câu Kinh thánh, Thánh vịnh hay danh ngôn như “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh tin kính), “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại”, “Chúa đã Phục sinh”, “Cuộc sống không mất nhưng chỉ đổi thay” hay "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi, mọi người khóc còn ta lại mỉm cười"…Tôi khá ấn tượng dòng chữ ghi ở nghĩa trang của Gx Thổ Hoàng – Đăk Nông: “Ngày mai đến phiên bạn”. Thoáng giật mình khi đọc qua nhưng ngẫm lại thì đó là một nhắc nhớ cần thiết.
Về câu chữ đề trên bia mộ được ghi khá thống nhất, gồm tên gọi, tên thánh, ngày – tháng - năm sinh, nơi sinh và ngày - tháng – năm mất, nơi mất. Nếu người mất là các vị quan lại hay chức sắc thì còn thêm một số chi tiết về các học vị, chức tước, thời gian nhận chức sắc…Riêng về chữ “chết” có nhiều cách viết khác nhau. Bình dân thì viết là “tử”, “mất”, “qua đời” sang hơn thì gọi “tạ thế”, “từ trần”, các vị sư mất thì gọi là “viên tịch”. Về cách gọi này, tôi cho rằng, người Công giáo có cách gọi tên rất tuyệt vời “Về nhà cha”. Cách gọi tên như vậy làm cho cái chết trở nên nhẹ nhàng, làm ấm lòng, an tâm cho kẻ ở lại cũng như người ra đi.
Tiện đây, xin xới lại vấn đề: người quá cố bao nhiêu tuổi thì được gọi là “hưởng thọ”? Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay. Tranh cãi bởi trước hết trong các từ điển, tự điển cũng không thống nhất, rõ ràng. Hán Việt tự điển của Nguyễn Văn Khôn cho rằng trên 50 tuổi là thọ. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh giải thích từ “hưởng thọ” khá mập mờ: “sống lâu”(tr 406). Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân) cũng không có gì rõ ràng khi giải thích hưởng thọ là “sống được” (tr 414). Theo tôi, cái gốc của tranh cãi là do không rõ nguồn gốc của khái niệm trên. Có ý kiến cho rằng trên 50 là thọ bởi họ xuất phát từ quan niệm truyền thống của các làng xã người Việt: 50 tuổi lên lão làng. Đã là lão thì tất phải…thọ! Theo tôi, người quá cố phải sống trên 60 năm mới gọi là “hưởng thọ”. Bởi theo hệ thống đánh số Can chi (phổ biến tại một số nước Á Đông - trong đó có Việt Nam) thì sau 60 năm (theo âm lịch) lịch lại quay lại ngày, tiết, khí…như 60 năm trước. Từ đây, người ta gọi 60 năm là chu kỳ một vòng đời (chả thế mà có lời bài hát: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”!). Thực tế, quan niệm trên chịu ảnh hưởng của Nho giáo rất rõ (ngay cả khái niệm hưởng thọ/dương cũng là Hán tự). Mà theo Nho giáo thì họ có cách phân đoạn của người quá cố như sau: 1 – 10 tuổi là hưởng đào hoa, từ 10 – 20 tuổi là hưởng thanh xuân, từ 20 – 30 tuổi là hưởng xuân quang, từ 30 – 40 tuổi là hưởng thu sương, 40 – 50 tuổi là hưởng dương quang, 50 – 60 tuổi là hưởng hà linh, 60 – 70 tuổi là hưởng thọ…Hơn nữa, trong điều kiện xã hội ngày nay, tuổi thọ trung bình của con người không ngừng được nâng cao. Theo Tổng cục thông kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2009 là 72,8. Trong xu thế chung đó, không có lý gì khi mình lại hạ chỉ tiêu để gọi những người sống dưới 60 tuổi là hưởng thọ!
TẠM KẾT
Tôi viết chuyện về nghĩa trang - ngôi nhà của kẻ chết, ngoài mục đích để chúng ta cùng đọc, gẫm suy, tưởng nhớ về tổ tiên, những ân thân nhân đã ra đi trước chúng ta, còn có dụng ý chia sẻ những thông tin trên để góp thêm một ý kiến cho các giáo xứ, cộng đoàn tham khảo khi xây dựng, quy hoạch lại nghĩa trang của giáo xứ.
Đặng Quốc Minh Dương