Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

CỨ ĐI LÀ CÓ ĐƯỜNG

THANH PHƯƠNG GỮI
CỨ ĐI LÀ SẼ CÓ ĐƯỜNG
benchuaconvungtin Trên con đường đầy chông gai vẫn có những lối đi nhỏ trải hoa hồng mà tôi không thể nào đứng xa nhìn thấy được.
Nhìn thấy cửa chờ của bến phà đang dần khép lại, những người mua vé cùng lượt với tôi cố chạy thật nhanh về phía cánh cửa mặc dù chỗ đó cách nơi mua vé khá xa. Tôi cũng nhìn thấy nhưng lại lắc đầu “Chắc gì họ đã đến kịp vì cửa gần đóng kín rồi mà”, thế là tôi vẫn chậm chạp phía sau và yên phận chờ chuyến phà kế tiếp dù biết trước trời đã gần tối và đường về nhà sẽ càng khó đi hơn.
Không như những gì tôi suy nghĩ, khi cánh cửa gần đóng hết, bác bảo vệ đã điều khiển chậm lại một chút để chờ những hành khách đó đi qua. Lúc này tôi mới cố chạy theo nhưng không kịp nữa rồi. Khi vừa đến nơi và nhìn xuống thì chiếc phà đã rời bến…Bác bảo vệ nhìn tôi tiếc nuối “Sao lúc nãy cháu không đi nhanh hơn một chút…”
Chuyến phà những ngày giáp Tết đông nghịt người, những chiếc xe đủ loại ồ ạt leo lên phà rồi nối đuôi nhau xả ra những làn khói đen xì. Tôi cũng cố len lỏi trong dòng xe tấp nập ấy, khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trống để dựng xe gần cầu thang lên xuống cho người đi bộ. Tôi khóa cổ xe rồi bước lên tìm một chỗ ngồi để hít thở chút không khí trong lành. Bỗng một câu hò vang lên khiến tôi nao lòng, đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại điệu hò quê hương trong một giọng trầm lắng, hiền hòa đến thế, tựa như mặt sông gợn sóng lấp lánh lúc hoàng hôn.
Tôi đưa mắt nhìn xuống biển người phía dưới. Dáng một bà lão gầy còm trong manh áo rách, tay cầm chiếc gậy dò tìm những bước đi chậm chạp thay cho đôi mắt đã mù lòa đang cất giọng hát đậm chất miền quê sông nước. Tiếng hát của bà hòa cùng tiếng gió, nhẹ nhàng chảy vào lòng người những giai điệu ngọt ngào xua đi nỗi tất bật hiện trên khuôn mặt. Giọng hát pha lẫn nỗi buồn về một kiếp người chất chồng bao đau khổ hằn dấu lên đôi mắt vô hồn. Nhưng bà không phải là một người ăn xin, bà đem giọng hát để đổi lấy miếng cơm qua ngày. Người ta nói “kiếp cầm ca” thường vất vả nhưng có lẽ không ai có thể tưởng tượng được thân phận một người nghệ sĩ tài hoa lại lâm vào hoàn cảnh bi đát đến như vậy.
Chuyến phà đông nghẹt đến nỗi nhìn từ trên xuống, tôi không nghĩ là có một khe hở nào đủ cho một người bình thường đi qua trong khi bà lão vừa mù lòa lại ốm yếu. Bà mò mẫm đôi chân trần theo chiếc gậy phía trước, cố len vào dòng người xe. Có lẽ với bà chuyến phà nào cũng giống như nhau vậy thôi, bà chỉ có thể cảm nhận được tiếng người nói chuyện ồn ào để biết người đang ở trên phà nhiều hay ít. Quá đông người khiến bà không thể nào đi nhanh được nhưng có khi phà đông như thế thì sẽ có thêm nhiều tấm lòng tốt giúp bà có được bữa cơm tối trọn vẹn hơn. Không phải ai cũng có tiền lẻ nhét vào túi chiếc áo bà ba sờn rách của bà nhưng khi bà bước tới gần, những người xung quanh liền tìm cách lách xe nghiêng về một bên để nhường đường rồi dắt tay bà lão tội nghiệp bước qua dễ dàng.
Người ta thường nói “Cứ đi là sẽ có đường”, có quá muộn không khi hôm nay tôi mới hiểu được ý nghĩa thực sự của câu nói ấy. Khi nhìn lại quãng đời đã qua, tôi chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ biết bao cơ hội. Đôi lúc, tôi thường tự nghĩ nên những suy tưởng cho là hợp lý về những sự việc sẽ diễn ra và cho là nó quá sức mặc dù tôi chưa thử và chưa thật sự cố gắng.
Hôm nay, tôi biết rằng cứ bước đi, lòng dũng cảm ban đầu sẽ cho tôi nghị lực để vượt qua những khó khăn kế tiếp. Trên con đường đầy chông gai vẫn có những lối đi nhỏ trải hoa hồng mà tôi không thể nào đứng xa nhìn thấy được. Cuộc sống sẽ mở ra những cơ hội trong lúc tưởng chừng không còn lối thoát. Hơn nữa, bên tôi còn có biết bao tấm lòng tốt mà họ chỉ có thể mở lòng lúc tôi thực sự cần đến sự giúp đỡ của họ. Phía trước luôn dành riêng một con đường cho những con người không ngần ngại tiến bước.
Tôi bước thật nhanh xuống phía dưới không phải vì phà sắp cập bến mà vì tôi muốn cho bà lão đồng bạc lẻ duy nhất còn lại trong cặp. Bà cách chỗ tôi một khoảng khá xa, tôi nhờ những người đứng gần chuyền tay đồng tiền nhỏ của tôi đến bà lão, họ vui vẻ góp thêm chút ít của mình như để cám ơn người nghệ sĩ già đã giúp họ có được những phút giây lắng lòng, tìm lại chút kỷ niệm trong những câu hò ấm áp tình quê.
Khi mũi phà vừa chạm bến, tiếng còi xe inh ỏi từ phía sau khiến tôi không thể nào dừng lại vì sẽ chắn đường mọi người, tôi không có thời gian để ngoái đầu nhìn lại bà lão lần nữa…Tết sắp đến gần, thời gian trôi đi chất lên đôi vai bà lão biết bao nhọc nhằn. Rồi một năm nữa khi tuổi đời đã cao, bà có còn sức len vào giữa dòng xe cộ đông nghẹt, tiếng hát của bà có còn ngọt ngào đủ để lay động tình cảm những người đi đường hay không…
Bóng bà lão khuất dần sau làn khói xe trắng xóa…

2 nhận xét:

  1. Dạ đúng rồi, đâu có con đường nào sẵn có đâu. Người ta đi mãi rồi thành đường đấy thôi :)

    Trả lờiXóa