BẾN ĐỢI CHỜ
Ai đã ở Sài gòn và chịu khó ... đi chơi một chút thì biết hết các địa danh: Xóm củi, Nancy, Cảng Sàigòn, Cầu Hàn, Continental, Brodard, Khu Dân sinh, Nhị Thiên Đường ... Cầu Ba cẳng v.v... Anh Hải, bạn tôi thuộc hạng người biết nhiều mà người ta hay gọi là từng trải.
Thật ra anh Hải không la cà trong những khu xoàng xĩnh, anh là dân chơi thượng lưu. Tốt nghiệp ngành Kiểu lộ ở Pháp, anh về chễm chệ “ngồi” ở Bộ Công Chánh với chức Giám đốc Kế hoạch. Vợ đẹp, con khôn, công danh sự nghiệp như một đường tàu bay lả lướt bay cao vút tận chân trời. Anh là mẫu người lý tưởng của cả giới mày râu lẫn chị em phụ nữ. Giỏi, thông minh, đẹp trai, hào hoa...còn gì để kể thêm cho một người nắm chắc hạnh phúc trong bàn tay?
Sau 1975, anh và gia đình cũng trải qua hơn 10 năm trời lận đận; nhưng nhờ tài tháo vát của chị, gia đình anh cũng sang được Úc châu. Vốn tánh hào hoa công tử Bạc liêu, anh lại xung phong vào các việc làm ăn lớn và tiếp tục ăn chơi như một chuyện dĩ nhiên của người làm ăn lớn. Người ta đặt cho anh biệt danh: “dân chơi cầu Ba cẳng”, anh trả lời: “tôi có 4 cẳng lận, hãy tạm chơi với 3 cẳng, còn cẳng thứ 4 chưa biết sau này tôi chạy đi đâu?”
Một thời gian dài sau, có người thấy anh gia nhập Dòng Ba Phan Sinh tại Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ở Melbourne. Tin mới được truyền tai nhau như một quả bom nổ; ai mà tin được anh Hải “đi tu”! Hết chỗ chơi rồi sao anh Hải? hay là “Trời đất thánh thần ơi, đ... già đi tu!”. Quen với anh lâu năm, nhưng chưa bao giờ tôi hỏi anh về “cuộc đời” hay “đời người” một cách đàng hoàng, đứng đắn. Một hôm, sau buổi họp Phan sinh tôi kéo anh ra góc phòng, hỏi thiệt: “Lạ thiệt đó, không ngờ anh với tôi lại gặp nhau ở đây, trong Dòng Ba Phan sinh.”
Anh trả lời: Có gì lạ đâu anh, chỉ là một góc đường, một khúc quẹo mà tình cờ anh và tôi gặp nhau; cũng hay, vậy là mình lại có thêm đề tài để nói chuyện, không bù khú như trước nữa. Còn anh, nghe nói hồi xưa anh cũng di tu định làm cha cố, sao lại bỏ đi giang hồ, rốt cuộc cũng xin vô Dòng Ba?
Tôi không định “làm cha không được thì làm cha của cha hay ông nội ông ngoại của cha” đâu; tôi chỉ muốn “xuống cấp” đời tôi cho hợp với khả năng của mình. Trong Dòng Phan sinh, tôi cũng được làm “tu sĩ” mà vẫn hạnh phúc bên vợ con chớ!
Chớ không phải anh tham hả? Phần tôi, tôi đi tìm tôi hơn 40 năm mà không thấy tôi đâu cả, chỉ thấy cái thằng Hải đa tài, đa tình, đa trá... nhiều lúc cũng “đã” lắm. Danh lợi, xin lỗi, tôi đã có cả và mất tất cả. Đời cho lên rồi đời kéo xuống, riết rồi mình thấy mình tơi tả mà không được gì; không an tâm, không được bình an. Tôi xin được dừng chân nơi đây, trong Dòng Ba Phan sinh này. Hi vọng đây là “Bến đợi, bến chờ” của tôi.
Tôi cũng đã tìm hiểu và đọc nhiều về Thánh Phanxicô, dưới nhiều khía cạnh. Tôi phục nhất tài đối đáp, ứng xử của Thánh Phanxicô. Tự nhiên, thành thật, không suy tính, thật thà như không thể thật thà hơn được mà lại phát xuất từ đáy tâm hồn thánh thiện chỉ biết yêu Chúa, yêu người, yêu muôn loài. Phanxicô là vị Thánh của các giai thoại, những chuyện kể Phanxicô gặp Đức Giáo Hoàng xin phê chuẩn Luật Dòng, Phanxicô gặp Quốc vương Hồi giáo nói lên lòng dũng cảm của thánh nhân trước các quyền lực, dũng cảm một cách kinh hồn nhưng đơn sơ tha thiết, chân thực. Câu chuyện “Niềm vui hoàn toàn” hay “Hạnh phúc thật” lại mang ý nghĩa siêu nhiên và thâm sâu. Chính trong lúc bị mọi người xua đuổi, bị “đời đá”, bị anh em bóc lột mà vẫn giữ được lòng chung thủy, tâm hồn bình an, tin tưởng vào Chúa, yêu Chúa yêu anh em, không oán thù sân hận là lúc con người đạt được Hạnh phúc thật! Câu chuyện về thầy Massêô, chắc anh em mình phải kể cho nhau nghe mỗi ngày, vì câu chuyện nói lên tính khiêm hạ, đức vâng lời và tình anh em trong Dòng Phan sinh: Thầy Massêô vốn là dân trưởng giả của thành phố Atxidi, giàu có, trí thức; thầy đã bỏ tất cả để theo thánh Phanxicô vì thấy thánh nhân sống thật đúng lời dạy của Phúc âm, thân cận với người nghèo, người bệnh tật; lối sống của ngài và anh em thật giống lối sống của Chúa Giêsu và các tông đồ xưa. Một hôm trên đường đi giảng, Phanxicô đi trước, thầy Massêô đi sau. Thầy Massêô chợt nghĩ: “Một người nhỏ bé, không có gì nổi bật, không có tài, không thông thái, không giảng giỏi, không văn hay chữ tốt mà thiên hạ chạy theo rần rần, coi như một vị thánh sống... thật lạ kỳ, mình đi theo người này có đúng không?”. Biết được ý nghĩ thầm kín của thầy Massêô, thánh Phanxicô quay lại nói với thầy: “Anh Massêô, anh nghĩ đúng, tôi là người anh em hèn mọn của tất cà anh em, nhưng Chúa đã dùng tôi như một đầy tớ bé mọn và vô dụng để làm sáng Danh Chúa, làm những việc Chúa muốn. Chính Chúa làm qua bản thân hèn kém này chứ không phải tôi làm.” Từ đó về sau, thầy Massêô không còn nghi ngờ gì nữa, thầy hết sức khiêm nhường, vâng lời cả Bề trên lẫn anh em vàhết tình yêu thương quí trọng anh em vì đó là lối sống Chúa muốn hết thảy anh em Phan sinh phải theo.
Còn chuyện này nữa: Giờ lâm tử của thánh Phanxicô. Chưa có vị thánh nào lúc qua đời, làm tôi bàng hoàng rúng động như thánh Phanxicô lúc lìa trần. Anh thử tưởng tượng khung cảnh một căn nhà chòi bên cạnh Nhà nguyện Portioncula: theo yêu cầu của Phanxicô, anh em đặt Ngài nằm trần không dưới đất, mọi người đứng chung quanh, trong đó có cả Thánh Clara, một vài chị em và Nữ Bá tước Jacquelina. Những phút thinh lặng mênh mông diệu vợi nhưng không bi thảm xen giữa những bài hát Thánh vịnh “Con nâng hồn lên tới Chúa, người nào tin cậy Chúa, Chúa chẳng hề bỏ quên”, “ Con là thân tro bụi, con sẽ trở về bụi tro...”. Một vài tiếng nấc nghẹn ngào, nhưng không ai dám khóc vì bầu khí linh thiêng, thánh thiện quá, vì một vị thánh sắp lìa đời về với Chúa chứ không phải chết đi như một người bình thường. Phanxicô, mắt nhắm nghiền, hơi thở dè dặt đứt quãng. Khi cảm thấy giờ Chúa gọi đã đến, Ngài xin anh chị em hát cho ngài nghe Bài ca Mặt Trời do chính Ngài sáng tác: “ Lạy Chúa nhân từ, muôn cao và quyền phép, Chúa ơi, riêng Chúa xứng muôn kinh. Ngợi khen, tôn vinh và tôn đức...” Đến câu kết thúc : “ Chào Chị Chết... Hạnh phúc thay người lúc hấp hối, vẫn tin tưởng tuân theo thánh ý Chúa, vì người đó sẽ không chết đời đời!”. Thánh Phanxicô nhẹ thở hơi cuối cùng. Không có cảnh ly trần nào lại hùng tráng và tôn nghiêm hơn thế nữa, một khung cảnh siêu phàm và rất thánh.
Đó là những cảm nghĩ của tôi về Thánh Phanxicô và Linh đạo của Ngài. Tôi quí, tôi thương, tôi xin chọn nơi này làm “quê hương”. Ước mong Dòng Ba Phan sinh là trạm dừng chân cuối cùng của tôi vì tôi biết trong Dòng, tôi sẽ an tâm có Chúa, an tâm có nhiều người thương tôi và tôi sẽ thương nhiều người.
Khoan đã, anh Hải, một câu hỏi chót: Anh có cảm thấy ngần ngại, thấy “quê” không, khi gia nhập Dòng Phan sinh gồm đa số những người già, lẩn thẩn, gần đất xa trời?
Không một chút nào, trái lại, còn hãnh diện nữa. Sống đạo, sống Huynh đệ là sống bằng tâm tình, bằng Ý-Tình-Chí thì ở tuổi nào cũng sống tốt được. Ngày xưa, Chúa Giêsu “Càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và loài người”. Anh chị em Phan sinh có người trẻ, có người nhiều tuổi, cùng giúp nhau sống đạo đức, yêu thương hòa thuận... người ngoài, ai cũng biết. Còn nói về khôn ngoan, tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Khuyến (?)
“Biết ai là dại, biết ai khôn,
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn ăn chơi, ấy dại khôn.”
Xin lỗi à, các bác, các anh chị Phan sinh ... “khôn” thấy mồ!
Nguyễn Đình Nam
(CPS L.61 hiện Sinh hoạt Dòng Ba PS Canada )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét