Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

ĐỨC GIÊ-SU :"TRÙM KHỦNG BỐ" !

Đức Giêsu : “TRÙM KHỦNG BỐ”

Quốc Văn, OP.
Đức Giêsu : “Trùm khủng bố”! Một câu nói sao nghe táo tợn quá! Xin bạn hãy kiên nhẫn, đừng vội cho rằng tôi báng bổ. Quả thực, Đức Giêsu đang khủng bố bạn, khủng bố tôi, khủng bố tất cả những ai muốn theo Người. Tôi muốn vẽ lên chân dung của Người, “một nhà cách mạng dở hơi”, “một kẻ ném bom cảm tử”, “một trùm khủng bố” thực sự.
Đức Giêsu :“Một nhà cách mạng dở hơi”
Đức Giêsu là một nhà cách mạng vĩ đại, nhưng lại là một nhà cách mạng dở hơi, đường hướng của Người không giống đường hướng một lãnh tụ nào trên trần gian này. Chỉ cần nêu một vài dẫn chứng là bạn thấy rõ cái nét dở hơi ấy.
Chuyện của Đức Giêsu đi làm cách mạng lạ lắm. Suốt ba mươi năm đầu đời Người chỉ sống một cách ẩn dật, chẳng mấy ai biết đến anh chàng Giêsu nơi xóm nghèo Nazaret. Đùng một cái, Người ra đi chiêu nạp môn đồ. Những người quan tâm đến vận mạng của dân tộc tưởng rằng ngày khôi phục vương quốc Israel đã đến. Cứ tưởng những môn đồ Người thâu nạp đều là những bậc anh hùng cái thế, giỏi kinh bang tế thế, rành khiển tướng cầm quân; nào ngờ, chỉ là mấy ông làng chài, ít học, mà ông nào cũng hừng hực trong lòng nhăm nhe chỗ ngồi vinh dự nhất trong vương quốc mới (Mt 20, 20 - 28). Thật là một đám thầy trò dở hơi.
Người ta càng thấy lạ lùng hơn khi thấy mấy thầy trò ông này chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ mình là một nhà cách mạng cả: Không thiết lập quân đội, không hô hào biểu tình, không mua sắm vũ khí, không vận động tranh cử, không thể hiện lập trường cánh tả cánh hữu ..., người ta chỉ thấy những người này rao giảng về một vương quốc nào đó nghe lạ hoắc, vương quốc đó giống như hạt cải, như nhúm men người đàn bà vùi vào ba đấu bột, như tấm lưới bắt được mọi thứ cá ...(Mt 13). Dân chúng há hốc miệng ra nghe, có kẻ gật đầu khoái chí, có người bỉu môi bỏ đi ... Thầy trò Đức Giêsu cứ lang thang, đau đáu khát vọng loan báo Tin Mừng.
Rồi một hôm kia, Đức Giêsu cưỡi lừa vào Đền thánh, hai bên đường dân chúng hò la vang dội: “Vạn tuế Con vua Đavít, Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô, hoan hô trên các tầng trời ...” Rồi họ còn cởi áo, chặt lá rải trên đường làm thảm cho Đức Giêsu đi. Nhưng chẳng mấy chốc, họ vỡ mộng. Thì ra Đức Giêsu không phải là vị vua mà họ mong đợi, khử đi cho đỡ ngứa mắt. Và cũng chính những người đã từng tung hô náo nhiệt hôm trước, hôm sau đã hầm hầm sát khí: “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”. Nhà cách mạng dở hơi của chúng ta đã chết một cách nghiệt ngã do bị người môn đệ bán đứng và do đám đông ô hợp hiếu kỳ. Đúng là chỉ có vài môn đệ mà cũng chẳng ra sao, kẻ thắt cổ tự tử, kẻ chối thầy, và rồi tất cả cũng tan tác hết.
Sự nghiệp cách mạng của Đức Giêsu là như thế đấy. Chỉ là một con số không to tướng!
Và đây điều thứ hai tôi muốn nói với các bạn, Đức Giêsu còn là:
Đức Giêsu: “Người ném bom cảm tử”
Đức Giêsu nói: “Tôi đem lửa vào trần gian, và muốn cho lửa ấy cháy lên”. Người đã đem vào trần gian một thứ lửa, một thứ bom đó là lòng mến, là tình yêu. Người đã dùng chính cuộc đời và mạng sống của mình để cho tình yêu đó được lan toả: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13). Quả thực, Đức Giêsu đã hy sinh cho đến chết vì một chữ tình đó. Những lời trăn trối cuối cùng của Người cho các môn đệ, không gì khác hơn là: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau”(Ga 14,35).
Chính Thầy Giêsu đã hy sinh mạng sống đến cùng để diễn tả tình yêu thương ấy. Nói theo kiểu ngôn ngữ của chúng ta, Người đã liều mình cảm tử. Cứ cho là người ta có thể chết cho người mình yêu, nhưng đây Đức Giêsu lại chết cho cả những người chẳng ra gì, những người tội lỗi, những bọn thu thuế, gái điếm, trộm cướp, giết người ..., toàn là một đám “đầu gấu” cả. Cách nào đó, Đức Giêsu là Đại ca đã chịu trận thay cho đám người này. Kể cũng lạ thật !
Nếu thời nay, Đức Giêsu còn hiện diện bằng xương bằng thịt với chúng ta, thế nào người ta chẳng bắt gặp Người lại giao du với bọn nghiện ngập hút chích, luẩn quẩn với bọn uống thuốc lắc trong các tụ điểm khiêu vũ, lang thang với các cô gái điếm bốc lửa đứng dựa dập nơi các góc công viên, vỉa hè ...; thế rồi gia đình lại sợ mang tiếng, mất mặt, sợ Đức Giêsu sa ngã, sợ Người vướng phải cái món HIV thì rách việc, tìm mọi cách khéo Người về, cách ly khỏi đám người xấu ... Bạn có thể tưởng tượng nhiều tình huống phong phú hơn tôi nữa, phần đó dành cho bạn. Nhưng có một điều các bạn phải công nhận với tôi rằng, Đức Giêsu có một năng lực thu hút kỳ diệu, có một nội lực phi thường: Người hoà đồng với mọi người nhưng không đồng hoá với họ, không để mình nhiễm tật xấu, trái lại, Người cảm hóa họ, biến đổi con người họ. Một ngày kia khi lên thiên đàng, chắc chúng  ta sẽ ngạc nhiên lắm, vì trên đó không thiếu thành phần nào: trộm cướp, giết người, nghiện hút, gái điếm ... thôi thì đủ mặt những tay anh hùng phá gia chi tử. Những kẻ chúng ta nghĩ rằng họ đã bị đày xuống chín tầng địa ngục, nào ngờ vẫn ngồi chỗm chệ trong lòng cụ tổ Abraham.
Những điều chúng ta tưởng tượng trên có quá đáng lắm không  ? Thực ra, Tin mừng còn cho chúng ta thấy những điều kỳ diệu hơn thế nữa cơ. Kẻ vào nước trời đầu tiên chẳng phải tên cướp đó là gì   ? Cô gái điếm đã chẳng ôm chân người, lấy dầu thơm mà xức, xoã tóc mà lau (Mt 14,3 – 9; Lc 7, 36 - 38)  ? Thằng con trời đánh từng bỏ cha mà đi, chơi bời phung phí hết tiền của, lúc sống dở chết dở bò về, lại được cha đón tiếp nồng hậu, ôm lấy cổ nó mà hôn chùn chụt, mở tiệc ăn mừng ...(Lc 15, 14 - 32) Thế thì chúng ta còn nghi nghờ gì tình thương của Chúa nữa! Chúng ta đang được tình yêu của Đức Giêsu cảm hoá rồi đấy. Một khi được tình yêu của Người cảm hoá, chúng ta lại thấy một cuộc khủng bố mới, cuộc khủng bố trường kỳ.
Đức Giêsu: “Trùm khủng bố”
Có lẽ đã hơn một lần bạn được nghe lời công bố của Đức Giêsu: Tôi đến không phải để mang bình an, mà là mang gươm giáo. Từ nay, những người trong cùng một gia đình nổi lên chống lại nhau, con trai chống lại cha, nàng dâu chống lại mẹ chồng ...(Mt 10, 34 -36) Thế không phải là khủng bố thì còn là gì  ? Những ai đã một lần gặp gỡ Đức Giêsu, được Người cảm hoá, thì họ bắt đầu một cuộc đổi đời, một cuộc chọn lựa không khoan nhượng. Họ không thể nào thoả hiệp với những ai hoặc những gì ngăn cản họ đến với Chúa, cho dù đó là những người thân cận nhất, những tài sản quý báu nhất ... Ta có thể gọi tên đây là một cuộc chiến đấu nội tâm. Sự căng thẳng này không phải chỉ xảy ra với những chọn lựa bên ngoài, nhưng là ngay những chọn lựa sâu thẳm trong lòng mình. Những ai theo Đức Giêsu phải chiến đấu từng giờ từng phút để chọn lựa những giá trị siêu việt, mà có khi những giá trị ấy đi ngược với những ham muốn của ta, đụng chạm đến những gì tinh tế, sâu thẳm nhất của trái tim, của những ngóc ngách trong tâm hồn. Những chọn lựa làm ta đau đớn, mất mát, thua thiệt, và nhiều khi bị xã hội tẩy chay, loại trừ. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9, 23).
Bạn có muốn theo Đức Giêsu không  ? Nhân cách tự do bát ngát của Người có đánh động lòng bạn không  ? Có bao giờ bạn thấy đời mình bế tắc, và bỗng nhiên nhận ra có Đức Giêsu đang đi bên cạnh bạn, đang cùng bạn chia sớt nỗi lòng  ? Bạn có dám để cho Người khủng bố, để Người đánh bật tận gốc rễ cuộc đời của bạn, để Người đẩy bạn vào một cuộc chọn lựa một mất một còn  ? Bạn có can đảm từ bỏ tất cả để theo Người, với hành trang là chính thập giá đời mình trên vai  ?...
Tôi tin rằng câu trả lời của bạn là có. Tuy nhiên, nếu chỉ là sức riêng, thì bạn không thể. Có ân sủng của Người tuôn đổ trên bạn, miễn là bạn quảng đại mở rộng lòng mình.
Bạn hãy nhớ lại các môn đệ thuở ban đầu mới theo Đức Giêsu, các ông vỡ mộng hết, tan tác hết. Thế nhưng Thánh Thần đã quy tụ các ông, ban cho các ông sức mạnh phi thường, và chính nhờ các ông, mà Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội. Giáo hội đó tồn tại đến ngày nay, và sẽ trường tồn, nhưng không phải nhờ đến sức mạnh chính trị, quân sự, hay một nhà cách mạng nào; có chăng chỉ là sức mạnh của một nhà cách mạng dở hơi như Đức  Giêsu mà các bạn đã thấy.
Tạm kết
Đối với chúng ta là những người có niềm tin, quả thực Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng đánh đổ tất cả những quan niệm tự nhiên của con người, cuộc cách mạng biến đổi lòng người, để rồi Người xây dựng một vương quốc mới, vương quốc tình yêu. Người đã trở nên một kẻ cảm tử vì tình yêu, dám sống đến cùng tận kiếp người và cũng dám chết như  một lời chứng tá.
Những ai đang theo Đức Giêsu, sẽ chẳng lạ gì khi thấy đời mình căng thẳng mãi, phải chiến đấu mãi, phải chọn lựa mãi, bị khủng bố mãi ... Những điều này đều là cần thiết để đi và hành trình trở nên người mộn đệ. Rồi đây, ước sao bạn cũng là một Giêsu ung dung tự tại giữa cuộc đời, rong chơi với muôn người, và thiết tha làm chứng cho Nước trời trong vòng xoay điên cuồng cuộc sống.

6 nhận xét:

  1. Blackwik hỏi vài điều. Bạn nói nhiều về tình thương yêu con người của chúa, mình muốn tìm hiểu.

    -Ngay khi tạo dựng ra ông tổ (Adam-Eva) của loài người, thiên chúa muốn con người mãi sung sướng trong vườn địa đàng, nhưng sao chúa lại cấm không cho họ ăn trái cây thông minh (trái cấm), hổng lẽ chúa cho loài người được sống sung sướng trong vườn địa đàng của chúa nhưng (với điều kiện) mãi mãi không được thông minh (khôn ngoan)??

    -Tổ phụ của loài người ăn vụng trái cây thông minh, trở nên thông minh, liền bị chúa đuổi khỏi vườn địa đàng, cho xuống trần gian. Ở trần gian họ truyền ý thức tội lỗi (=tội tổ tông) cho con cháu là loài người ngày nay. Thấy loài người có tội, chúa lại giáng trần cứu loài người thoát tội, cho trở lại thiên đàng. Gọi đó là vì chúa thương yêu loài người??
    Chúa sáng tạo ra Adam-Eva là con người, sao không sửa chữa khiếm khuyết của con người, cứu rỗi con người ngay khi ở vườn địa đàng mà lại đuổi xuống trần gian rồi sau đó chúa mới xuống trần cứu họ trở về, rồi khuyến cáo loài người phải ca tụng chúa, biết ơn chúa về tình thương yêu loài người?
    Chúa là đấng sáng tạo vô song, mọi thứ đều phải tuân theo ý chúa, sao lại lòng vòng thế?

    Thôi hỏi vậy thôi, hỏi thì nhiều lắm lắm.

    Chuyện thời nay. Một doanh nghiệp cố tình bán sản phẩm chưa hoàn thiện, còn khiếm khuyết cho công chúng. Khi dùng đồ của doanh nghiệp, công chúng nháo nhác bởi các hậu quả do khiếm khuyết của sản phẩm gây ra. Doanh nghiệp gia ơn bằng cách cho người đi đến từng nhà sửa chữa khiếm khuyết sản phảm của mình, rồi yêu cầu công chúng tôn vinh doanh nghiệp? Phương pháp kinh doanh này gọi là gì ta.

    Trả lờiXóa
  2. Chào Bạn Blackwiki !

    Quả thực Bạn là người đáng phục vì Bạn thao thức về những vấn đề tôn giáo (cụ thể là Ki tô giáo ); Bạn đọc Kinh thánh nhiều và suy nghĩ nhiều về Kinh thánh . Bạn đang đi tìm ( Chúa nói :"Ai TÌM thì sẽ GẶP ! Ai GÕ sẽ MỞ cho !" ) ! ? Bạn khá khổ tâm khổ trí về những vấn nạn mà Kinh thánh đặt ra cho Bạn ?
    Trong Đạo Công giáo ,các vấn nạn Bạn đặt ra (nhiều người khác cũng đã từng đặt ra ) được suy tư và có lời giải đáp trong môn học có tên là "Thần học".Rất tiếc ,qua blog mình khó có thể giúp Bạn đến nơi đến chốn . Vì,câu chuyện hơi dài (phải có đầu có đuôi và phải nhìn trong tổng thể ...)
    .
    Nhưng vẫn có cách : Bạn nên đến một nhà thờ công giáo gần nhất, một dòng tu công giáo càng tốt (dòng Nam,dòng Nữ gì cũng được) , Bạn sẽ được được đón tiếp , được lắng nghe và được chia sẻ.

    Mình chỉ là giáo dân thường nên chỉ xin chia sẻ ngắn với Bạn :
    Những điều Bạn suy nghĩ liên quan đến giá trị lớn nhất của loài người là quyền TỰ DO lựa chọn (Trong vườn Địa đàng,con người nói chuyện như Bạn hữu với Thiên Chúa .Như thế ,con người quá là giỏi giang,thông minh chớ đâu phải ngu dốt .Nhưng con người vẫn có thể lựa chọn một sự khôn ngoan khác :chống lại mệnh lệnh của Thiên Chúa ! -Thiên Chúa Yêu thương loài người không có nghĩa là buộc loài người phải yêu thương Chúa - Bạn thử tưởng tượng Bạn bị ép buộc YÊU một người mà không YÊU tự giác,tự nguyện !?- "Chúa đuổi" chỉ là một cách nói ,thực ra con người nhận hậu quả do việc mình làm thì đúng hơn ! Con người được sáng tạo không hề như một "sản phẩm " (không có tự do) như Bạn nói . Chúa xuống trần cứu loài người là cách tuyệt với để biểu lộ tình yêu của Ngài ! Còn tiếp nhận hay không là do con người ,Bạn ạ !
    Đem so sánh Chúa với một doanh nghiệp thì giống như lấy ngôn ngữ toán học để giải thích về Tình yêu ! Pascal nói : CON TIM có cái LÝ mà LÝ trí không hiểu được ! ( Le Coeur a sa RAISON que la raison ne connait pas ! ) Kinh Thánh là một cuốn TÌNH SỬ giữa Thiên Chúa và loài người ; không phải là một cuốn sách khoa học Nếu Bạn đọc Kinh Thánh theo một cách nhìn khác thì Bạn sẽ gặp muôn vàn vấn nạn ! Xin Chúa tâm sự với Bạn bằng chính Tình yêu thương của Ngài !

    Chúc Bạn AN,VUI,HẠNH PHÚC,bạn nhá !

    Trả lờiXóa
  3. Cái câu này mỗ nghe quen quen, nhưng từ cửa miệng của bọn nguỵ biện hơn là sự thật -:)

    Trả lờiXóa
  4. Matthiew là thánh nên nói gì cũng đúng LẠY NGÀI NÓI TUYỆT QUÁ ... ui cái lý luận đáng mừng của một con chiên ... -:y ...

    Trả lờiXóa
  5. Có đọc lịch sử không vậy ... Ấy da lịch sự từ kinh thánh -) . Phúc quá cho ai không nghe , không thấy mà tin ... Kẻ chuyện y như tận mắt thấy ...xứ Do Thái ... Thánh nha !!!

    http://suthatvatrithuc.multiply.com/notes/item/142

    Trả lờiXóa