Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

KỶ NIỆM VỀ CHA TRẦN PHỔ


KỶ NIỆM VỀ CHA TRẦN PHỔ


Có lẽ trong số các cha Phanxicô Việt Nam, cha Marie-Antoine Trần Phổ là vị để lại nhiều dấu ấn nhất cho các thế hệ chủng sinh Phanxicô, từ lớp cha Paul Hồ xa xưa đến lớp 1974-1975, chưa kể các lớp học viện sau 1975 cho đến 2007. Do đó, hầu như tất cả CPS đều có ít nhiều kỷ niệm vui buồn với cha. Tôi xin kể lại một vài kỷ niệm ấy.

Cha Marie-Antoine vào nhà tập khóa 1952-1953 tại Vinh, cùng lớp với cha Samuel Trương Đình Hòe. Cha khấn lần đầu ngày 4-8-1953 và khấn trọng thể ngày 1-9-1956 tại học viện Nha Trang, cùng lần với các cha Daniel Cao (qua đời năm 2004) và cha Clément Minh. Cha thụ phong linh mục ngày 28-4-1957 (năm nay là Kim khánh linh mục) tại Học viện Nha Trang, cùng với các cha Michel Luân (qua đời năm 1988), cha Daniel Cao và cha Clément Minh.

Khi tôi vào chủng viện năm 1959, cha Marie-Antoine vừa là giáo sư Việt văn vừa là giám thị. Về cách dạy văn của cha, ai cũng phải phục rồi. Nhưng công tác giám thị của cha lại càng hay hơn, vì cha săn sóc các chú như một người mẹ hiền và ân cần. Ở nhà ngủ lớn, cha luôn mặc áo dòng khi các chú còn thức, chứ không mặc áo ngắn, và rất siêng năng lần hạt với sợi chuỗi đeo ở lưng, vì thời ấy các tu sĩ Phanxicô còn mang dây chuỗi dài mà. Ai nghe tiếng các hạt chuỗi kêu sột soạt, biết là cha đang vừa đi vừa lần chuỗi. Có khi đêm khuya, tôi bỗng thức dậy và nhìn thấy cha đi chậm rãi và lần chuỗi nữa, điều đó chứng tỏ cha có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng. Đôi khi cha thấy chú nào bỏ chân ra ngoài mùng hoặc mùng hở chiếu, cha liền đến dém mùng lại cho cách nhẹ nhàng. Đến mùa lạnh, cha lấy báo phát cho từng người để lót dưới chiếu cho ấm, và khi thấy ai ho hoặc gãi ngứa, cha đến thức người ấy dậy, lấy thuốc và cho uống và lấy thuốc xức chỗ ngứa. Cha nói năng ôn tồn, dịu dàng, nên luôn được chủng sinh thương mến.

Lớp nhỏ đầu tiên nào của chủng viện cũng được cha dạy vài giờ về phép lịch sự và cách xử thế. Cha dạy vào chi tiết cụ thể, từ cách nói năng lịch sự, tiếp khách như thế nào đến việc ăn uống ra sao, chẳng hạn khi ăn phải cầm muỗng tay trái và nỉa tay phải (thời ấy còn dùng muỗng nỉa, để ăn cơm trong đĩa, chứ không có chén đũa), thậm chí cách đi đại tiện như thế nào nữa. Nhờ đó, chúng tôi mãi nhớ lời dạy của cha trong đời mình. Cách cha dạy học thật lý thú và có tính sư phạm biết bao. Trong giờ Văn, cha say sưa bình giảng các bài văn và thơ hay, đến độ thỉnh thoảng cha rung đùi thích thú với ý mới chợt đến trong tâm trí cha, và cha lại bình giảng càng thấm thía và sâu sắc hơn. Trong giờ tập làm văn, cha chú ý tập cho chúng tôi viết văn đúng câu cú và văn phạm (tức ngữ pháp). Sau khi chấm bài, cha thường đọc bài văn hay nhất của một anh trong lớp cho cả lớp nghe, qua đó nêu ra ưu điểm và khuyết điểm của bài để các anh em khác học hỏi và rút kinh nghiệm. Công lao tận tụy của cha về giáo dục nhiều đến thế, nên thế hệ chủng sinh nào cũng mang ơn cha. Các lớp sau năm 1975 lại càng mang ơn cha hơn về việc dạy viết văn, như một linh mục trẻ phát biểu: “Em khá viết văn là nhờ nhiều năm được học với cha Marie-Antoine, chứ lúc mới vào tu, em cũng kém lắm”.

Tuy nhiên, theo tôi, thời hoàng kim của cha có lẽ là các năm cha làm Giám đốc chủng viện, từ 1960 đến 1962, thay cho cha Agnello Vũ Văn Đình đi du học ở Ý. Tôi gọi là thời hoàng kim, bởi vì chính trong thời kỳ này, các tính chất của người lãnh đạo, người bề trên, tỏ lộ thật rõ nơi cha, đó là tình thương, hiền lành và khiêm hạ. Nói đến tình thương các chú, thì chắc cha là số một rồi. Nhờ vừa làm giám đốc, vừa là giáo sư, nên cha tiếp xúc thật nhiều lần với mỗi chủng sinh. Tính khí từng người, cha đều biết rõ. Cha luôn khuyên răn nhẹ nhàng đối với người có lỗi, và còn vui kể chuyện nghịch của mình thời chủng viện, để người có lỗi rút kinh nghiệm mà sửa đổi. Cha hiền lành trong lãnh đạo, vì tôi chưa hề thấy cha nặng lời với ai. Cứ sáng chủ nhật, với tư cách là giám đốc, cha đọc lỗi phạm trong tuần của một số người tại phòng học lớn tầng trệt. Sau khi đọc xong, cha ôn tồn khuyên nhủ, nên người có lỗi vui vẻ nhận lỗi và hứa không vi phạm nữa. Cách dạy dỗ như thế chóng mang lại kết quả tốt. Cha còn nói làm lớn là để phục vụ anh em, nên cha sống khiêm hạ và dịu hiền. Vì thế, tôi thấy chả khi nào ai giận được cha.

Một lần, trong giờ lao động buổi chiều cuối năm 1961, khi tôi đang quét hành lang tầng trệt, cha từ phòng giám đốc đi ra nhà khách. Thấy tôi vừa làm vừa hát nho nhỏ, cha dừng lại nói: “Sao không hát to lên, hả con?”, tôi đáp: “Thưa cha, quét oải quá nên con cố hát cho vui thôi”. Cha cười nói tiếp: “Vừa lao động vừa ca hát là tốt rồi đó. Nếu khi không hát, con nhớ đọc vài kinh Kính mừng nhé. Con chờ cha một chút”. Nói xong, cha trở về phòng, lấy khoảng chục cái kẹo nougat (sản xuất ở Pháp) cho tôi và nói: “Con ăn có sức mà quét nữa nè”, rồi cha đi ra nhà khách. Lúc ấy tôi cứ muốn giữ mấy cái kẹo hiếm có làm kỷ niệm, nhưng không thể “kìm giữ cơn cám dỗ đồ ngọt được của tuổi thiếu niên”, tôi xơi thật ngon lành, không quên cất vài cái cho các bạn.

Năm ngoái, tôi đưa một người bạn từ nước ngoài về đến thăm cha ở Thủ Đức. Anh bạn nhắc lại chuyện ngày xưa nghịch hái trộm ổi nhà hàng xóm, bị người ta lên thưa kiện với cha, cha ôn tồn bảo người giận dữ ấy cứ về đi, rồi cha sẽ phạt người phạm lỗi. Có lẽ nhờ lối nói dịu dàng của cha, đối nghịch với cách nói nặng lời và lớn tiếng của người kia, mà người ấy phải suy nghĩ lại. Sáng hôm sau người ấy đem cả thúng ổi to lên tạ lỗi với cha, vì đã “lỡ” nói nặng lời với cha giám đốc, nhờ thế cả chủng viện có thêm món ổi trong dessert bữa trưa ngoài quả chuối. Sau khi anh bạn tôi thú lỗi và xin lỗi cha, cha nhỏ nhẹ nói: “Cha biết ngay ai là thủ phạm rồi, chứ không phải cha không biết đâu và không điều tra đâu. Cha biết con và vài bạn khác nữa là thủ phạm vụ trộm ổi đó, nhưng cha tha liền và không làm lớn chuyện. Âu cũng là trò nghịch của tuổi trẻ mà”. Nghe vậy, anh bạn tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, vì anh cứ áy náy đã lâu về chuyện này. Anh cảm phục tính hiền hòa khoan dung của cha, và anh rơm rớm nước mắt ngay lúc đó trước mặt cha.

Kỷ niệm riêng tôi về cha thì nhiều, nhưng không thể kể trong một bài được. Tôi xin nhắc lại vài tâm tình của các CPS khác, để tô đậm tình cha con, nghĩa thầy trò giữa cha và các anh em từng ít nhiều được thụ huấn với cha. Anh Bùi Hạnh Nghi từ Đức viết: “Biết rằng cha được Chúa gọi về sau một cuộc đời tu đức thánh thiện đầy công nghiệp là điều đáng vui mừng, nhưng được tin ngài qua đời lòng không khỏi xúc động, và cả một thời quá khứ hiện về với hình dáng người thầy người anh khả kính”. Một số anh em ở Mỹ, như anh Đắc, anh Dược, anh Lan, anh Thông, anh Xinh và anh Ninh, viết: “Cha Phổ luôn luôn là tấm gương sáng về khả năng đức độ và lòng tận tụy nhiệt thành, cho anh em chúng con noi theo”. Còn anh bạn nghịch năm xưa của tôi viết: “Mình bàng hoàng khi nghe tin cha qua đời. Mãi nhớ công ơn của cha. Cầu Chúa trả công cho người thánh này”.

Tâm tình của anh em chúng con là như thế đó, thưa cha Marie-Antoine. Sau 89 năm, cây đại thụ của Tỉnh Dòng là cha đã đổ xuống, Tỉnh Dòng mất một người anh, một tu sĩ sống gương mẫu đơn sơ nghèo khó, anh em CPS chúng con mất một người cha ân cần, một người thầy tận tụy, một người mẹ chăm chút, một nhà văn làm việc không mệt mỏi và một dịch giả tài ba. Chúng con bái phục công ơn của cha. Để kết thúc bài này, xin mượn lời của cha Giám tỉnh nói về cha trong bài giảng thánh lễ an táng: “Chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm tạ Chúa, và nghiêng mình kính cẩn bái tạ cha Marie-Antoine, một người thầy, một người cha và một người anh rất thân thương của chúng ta”.


Nguyễn Trọng Đa

2 nhận xét:

  1. Cám ơn "TUBIA" vì có bài viết đầy ân tình ,xứng đáng là "phát ngôn viên' của GĐCPS chúng ta !

    Trả lờiXóa