Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

TINH THẦN ASSISI !

Tinh Thần Assisi
VietCatholic News (28 Jan 2011 22:51)
Chính Chân Phúc tương lai, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã sáng chế ra thuật ngữ Tinh Thần Assisi vào năm 1986 khi ngài quyết định mời gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tới Assisi cùng cầu nguyện với ngài cho hòa bình thế giới. Mục đích cầu nguyện này dường như được đại đa số những người có thiện chí ủng hộ.

Trong số những người này ta thấy có Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người từng được tham dự vào việc thai nghén ra dự án và thấy nó đâm trồi nẩy lộc. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm dự án này, Đức Hồng Y bảo rằng: hôm dự án được công bố, ngài nghe thấy “trái tim thế giới rung động”. Đối với ngài, Đức Gioan Phaolô II là một “tiên tri dám nói dám làm” (audacious prophet) và ngày 27 tháng 10 năm 1986, ngày có cầu vồng xuất hiện trên nền trời Assisi như dấu hiệu hữu hình của tình thuận hảo giữa Thiên Chúa và miêu duệ Nôê, nước mắt cảm động của nhiều người, kể cả những vị vọng, đã lăn trên đôi má. Một biến cố độc nhất vô nhị (hapax). Phát sinh từ khát vọng hòa bình. Thôi thúc ta “đến với nhau để cầu nguyện nhưng không cầu nguyện với nhau” (to come together to pray but not to pray together). Một nguyên tắc đã được chính Đức Gioan Phaolô II giải thích để đánh tan những âu lo trước bóng dáng một chủ nghĩa chiết trung biểu kiến, sợ rằng tính đặc trưng Kitô Giáo có thể bị hòa tan.

Đức Hồng Y Etchegaray cho rằng: Assisi đã giúp Giáo Hội thực hiện một bước nhẩy vọt hướng về các tôn giáo không phải là Kitô Giáo, là những tôn giáo “tới lúc đó, đối với chúng ta, vẫn như còn sống trên một hành tinh khác, bất chấp các giáo huấn của Đức Phaolô VI (Thông Điệp Ecclesiam Suam) và của Công Đồng Vatican II (Tuyên Ngôn Nostra Aetate). Cuộc gặp gỡ hay đúng hơn sự va chạm giữa các tôn giáo chắc chắn là một trong các thách đố lớn nhất thời ta, lớn hơn cả cuộc va chạm với chủ nghĩa vô thần. Mỗi lần từ các nước theo Hồi Giáo, Phật Giáo hay Ấn Độ Giáo trở về, Đức Hồng Y đều tự hỏi mình: Thiên Chúa đã làm gì với Đức Giêsu Kitô khi Kitô Giáo cứ càng ngày càng bị thu nhỏ lại hay tự thu nhỏ lại trên một lục địa đang bột phát về dân số như Á Châu? Một câu hỏi như thế chỉ có thể bổ ích vì nó liên quan tới vấn đề nền tảng của cứu rỗi; nó chính là mũi nhọn vừa thanh tẩy vừa củng cố các lý lẽ tại sao ta là Kitô Hữu. Assisi là một biểu tượng, nói lên điều Giáo Hội phải làm vì chính ơn gọi đặc trưng của mình trước một thế giới đa nguyên tôn giáo, là tuyên xưng tính thống nhất của mầu nhiệm cứu rỗi nơi Đức Giêsu Kitô.

Có lẽ để giải thích thêm cho những tim óc còn hoài nghi, ngày 22 tháng 12 năm 1986, lên tiếng với các vị hồng y và thành viên của Giáo Triều, Đức Gioan Phaolô II đề cập tới thần học tôn giáo của ngài. Ngài nhấn mạnh tới sự mầu nhiệm của tính thống nhất nơi gia đình nhân loại đặt căn bản cả trên sáng thế lẫn cứu thế nơi Đức Giêsu Kitô: “Các dị biệt chỉ là yếu tố kém quan trọng so với tính thống nhất vốn có tính căn để, nền tảng và quyết định”. Bởi thế, Assisi giúp nhiều người cơ hội lên tiếng làm chứng cho một cảm nghiệm chân chính về Thiên Chúa giữa lòng tôn giáo riêng của họ. Đức Gioan Phaolô II nói thêm: “Mọi lời cầu nguyện chân chính đều được cổ vũ bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vốn hiện diện một cách huyền nhiệm trong trái tim mỗi con người nhân bản”.

Tuy nhiên, vẫn có những người nhìn theo hướng khác. John Vennari, viết trên tờ Catholic Family News số tháng 4 năm 2002, ngầm cho thấy thuật ngữ Tinh Thần Assisi cũng chỉ là một trong những khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa, không có chất lượng, không chuyên chở được hình ảnh thực sự của điều chúng muốn cổ vũ. Những khẩu hiệu này đang tràn ngập khắp các phố thị hiện đại của ta. Nhân cơ hội này, ông tấn công luôn những khẩu hiệu đại loại như “mùa xuân mới”, “văn minh tình yêu” và “Lễ Hiện Xuống Mới”. Người ta sợ ông muốn “vuốt râu” cả những vị giáo hoàng vĩ đại như Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Riêng thuật ngữ Tinh Thần Assisi, Vennari cho rằng hẳn nó cố tình gợi lên ý niệm liên hệ với Thánh Phanxicô thành Assisi. Nhưng thực ra, nó có ăn uống gì với Thánh Phanxicô hay không? Và ông trả lời ngay: không hề, trái lại, còn đi ngược hẳn lại tinh thần Thánh Phanxicô nữa. Vì nếu Thánh Phanxicô được chứng kiến những gì xẩy ra tại Assisi ngày 27 tháng 10 năm 1986, hẳn ngài sẽ phát rét vì kinh hoàng. Nó gồm đủ thứ hầm bà làng xí cáu mà dưới ngòi bút của Vennari là: Công Giáo, Thệ Phản, Chính Thống, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Vạn Vật Hữu Linh (animists), Ấn Giáo, Bái Hỏa Giáo (Zoroastrians), Phù Thủy Chữa Bệnh, và nhiều thứ khác, “tụ tập tại một chỗ để cầu cho hòa bình: Người Công Giáo thì cầu cùng Thiên Chúa chân thật, còn các thành viên các tôn giáo sai lầm thì cầu cùng các thần phật sai lầm của họ”. Không còn gì mâu thuẫn với tinh thần Thánh Phanxicô Assisi đến thế! Đặt tôn giáo duy nhất chân thật của Đức Giêsu Kitô trên cùng một bình diện với các tín ngưỡng sai lầm khác. Sách Thánh nói rõ: “chư thần các nước đều là ma quỷ” (Tv 45:5).

Chưa nói tới quan điểm thần học, chỉ thưa ngay là Vennari hình như trích dẫn Thánh Kinh không đúng. Thánh Vịnh 45, câu 5 không nói gì tới thần ngoại giáo. Cùng lắm có Thánh Vịnh 96 câu 5 nói như thế này: Chư thần các nước thẩy đều hư ảo”. Hư ảo đây là ngẫu thần, chứ không hẳn ma qủy. Vennari thuộc nhóm của Tổng Giám Mục Ly Khai Lefèbre, nên dễ hiểu là ông cố tình lái người đọc theo hướng khác với hướng của Đức Gioan Phaolô II. Nhưng gần đây, theo Sandro Magister trên tờ Chiesa ngày 14 tháng 1 vừa qua, nhân dịp nghe Đức Bênêđíctô loan báo sẽ đi Assisi để chủ tọa một cuộc gặp gỡ liên tôn theo khuôn mẫu 27 tháng 10 năm 1986 của vị tiền nhiệm, Giáo Sư Roberto de Mattei, tác giả một cuốn lịch sử về Công Đồng Vatican II, đã lên tiếng khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng làm thế nào để cuộc gặp gỡ Assisi “không bùng phát lại những lẫn lộn của chủ nghĩa chiết trung như cuộc gặp gỡ lần đầu ngày 27 tháng 10 năm 1986…”. Sở dĩ ông và các đồng chí lên tiếng như thế là vì họ nghĩ rằng hồi còn là Hồng Y Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI không những không tham dự nghi thức trên, mà còn lên tiếng chỉ trích (?). Họ cũng cho rằng năm 2000, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, dưới sự lãnh đạo của Đức HY Ratzinger, đã ra tuyên ngôn “Dominus Jesus” để chống lại việc đặt tất cả mọi tôn giáo lên cùng một bình diện như nhau, đều là nguồn mạch của cứu rỗi.

Ở đây, cần nhấn mạnh ngay rằng mục tiêu hàng đầu của “Dominus Jesus” không hẳn nhằm đả phá việc đặt mọi tôn giáo trên cùng một bình diện trong tư cách nguồn mạch cứu độ, mà là nhằm khẳng định rằng: không có Đấng Cứu Độ nào ngoài Chúa Giêsu Kitô.

Thực ra, về cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi trong cái hiểu của Đức Gioan Phaolô II, ngay khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã nói rõ quan điểm của ngài, một quan điểm hoàn toàn nhất trí với vị tiền nhiệm. Theo tờ The Tablet, trong một bức thư gửi Đức Cha Domenico Sorentino của giáo phận Assisi, được công bố tại Buổi Cầu Nguyện Liên Tôn Cho Hoà Bình Lần Thứ 20 năm 2006, Đức Thánh Cha hoàn toàn ủng hộ biến cố cầu nguyện liên tôn này vì đã chứng tỏ rằng cầu nguyện không chia rẽ mà hợp nhất, và đã nhập thân các tiền đề đối thoại trong tuyên ngôn Nostra Aetate của Vatican II. Trong cuộc viếng thăm Assisi ngày 17 tháng 6 năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô hồi tâm, Đức Bênêđíctô XVI còn gọi sáng kiến liên tôn của Đức Gioan Phaolô II là có tính trực giác tiên tri và là một thời điểm hồng ân. Chính vì thế, tờ The Tablet khuyên những người vẫn coi Đức Gioan Phaolô II chỉ là “Giáo Hoàng của Assisi” và những ai vẫn còn do dự không chịu thừa nhận cuộc đối thoại liên tôn do Vatican II chủ xướng đừng nên cầu cứu Đức Bênêđíctô XVI.

Cuộc Hồi Tâm của Chàng Tuổi Trẻ Phanxixô

Điều lý thú là nhân dịp viếng Assisi năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI gián tiếp nhấn mạnh đến sự tương hợp của Thánh Phanxicô với “Tinh Thần Assisi” khi đề cập đến việc hồi tâm của ngài. Khác với việc hồi tâm của Thánh Vương Đavít, người đã trở về từ những sai phạm tầy trời, Thánh Phanxicô trở về từ những sai phạm thuộc loại khác. Trong bản chúc thư viết vào cuối đời, ngài coi 25 năm đầu đời là “sống trong tội”. Nhưng tội đây được Thánh Phanxicô coi như việc tổ chức trọn đời mình quanh việc theo đuổi những giấc mộng phù vân của vinh quang trần thế. Thái độ ấy khiến ngài tởm gớm mỗi lần thấy người cùi hủi, không làm sao thắng phục được sự gớm ghiếc thể xác của họ để nhìn nhận họ như anh em trong yêu thương. Hồi tâm, đối với ngài, chính là biểu lộ lòng cảm thương đối với những con người này và nhờ thế nhận được lòng xót thương cho chính mình. Phục vụ người cùi, đến độ ôm hôn họ, không còn là một nghĩa cử nhân đạo, một thứ hồi tâm có tính xã hội, nhưng là một cảm nghiệm tôn giáo chính danh do sáng kiến ơn thánh và tình yêu Chúa thúc đẩy. Ngài nói: “Chính Chúa đã dẫn dắt tôi tới với họ. Điều lúc trước xem ra tởm gớm nay đã biến thành dịu ngọt trong hồn và trong xác tôi” (Chúc Thư 3). Câu kết luận của Đức Bênêđíctô XVI về thứ hồi tâm này như sau: “Vâng, thưa anh chị em, hồi hướng về tình yêu nghĩa là từ đắng cay bước vào dịu ngọt, từ sầu đau bước vào niềm vui chân thực. Con người chỉ thực sự là chính mình và hoàn toàn hoàn thành chính mình bao lâu họ biết sống với Thiên Chúa và bằng Thiên Chúa, biết nhìn nhận và yêu thương Người trong anh chị em mình”.

Những người ngoại giáo, kể cả những thầy lang phù thủy đi chăng nữa, chắc cũng chỉ gớm ghiếc, nếu có, như những người cùi hủi. Tất cả đều hiện hữu trong tình yêu của Phanxicô Assisi. Tinh Thần Assisi cũng chính là tình yêu này. Sự gớm ghiếc, dù là thể lý, dù là tinh thần, nơi anh chị em mình trong gia đình nhân loại không thể là lý do khiến mình không thể cầu nguyện với họ trong cùng một nơi chốn, “come together to pray but not to pray together”.

Cũng trong bài giảng trên, Đức Bênêđíctô XVI bình luận đoạn Tin Mừng Luca nói về người đàn bà tội lỗi dùng nước mắt mình rửa chân cho Người Rao Giảng Nay Đây Mai Đó khắp vùng Galilê, một cử chỉ làm ngỡ ngàng các bậc “công chính” của Giêrusalem, những người luôn ngồi ở ghế xử án. Đức Giáo Hoàng lưu ý mọi người tới thái độ âu yếm của Chúa Giêsu đối với Chị, một người luôn luôn bị người ta khai thác và phán xử. Nơi Người, Chị nhận ra đôi mắt thanh trong, một trái tim biết yêu mà không khai thác.

Có điều cái trái tim ấy không hề cho luật luân lý vào ngoặc đơn. Đối với Chúa Giêsu, tốt vẫn tốt mà xấu vẫn là xấu. Lòng cảm thương hay xót thương hay gì gì đi nữa cũng vẫn không thay đổi hơi hướm của tội nhưng đã hủy thiêu nó trong ngọn lửa yêu thương. Tất cả những điều này đều phản ảnh trong cuộc hồi tâm của chàng tuổi trẻ Phanxicô, con người đã trở thành hiện đại hơn nhiều người hiện đại, dù là mang so sánh với các chủ đề lớn của ta hiện nay như tìm kiếm hòa bình, bảo vệ thiên nhiên, cổ vũ đối thoại giữa các dân tộc. Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “Trong tất cả các vấn đề ấy, Phanxicô quả là thầy dạy đích thực”.

Sau lời quả quyết ấy, Đức Bênêđíctô nhắc lại biến cố 27 tháng 10 năm 1986 và gọi nó là “một trực giác tiên tri và một thời điểm hồng ân”. Sự liên hệ giữa Tinh Thần Assisi và Thánh Phanxicô Assisi không còn gì rõ ràng hơn: “Việc chọn cử hành cuộc gặp gỡ tại Assisi thực sự đã được thúc đẩy do chứng tá của Phanxicô, một con người của hòa bình, một con người mà rất nhiều người, dù thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác, vẫn đều ngưỡng mộ”.

Đức Bênêđíctô XVI nói rõ thêm: “Ánh sáng của Người Nghèo Hèn trên sáng kiến này bảo đảm được tính chân chính Kitô Giáo của nó, vì cuộc sống và sứ điệp của ngài rõ ràng đặt căn bản trên việc Chúa Kitô dứt khoát bác bỏ một cách tiên thiên bất cứ mưu toan nào chủ trương dửng dưng tôn giáo, một chủ trương không hề ăn nhằm gì tới cuộc đối thoại liên tôn đúng nghĩa. Tinh Thần Assisi, từng được phổ biến khắp thế giới kể từ biến cố kia, chống lại tinh thần bạo lực và việc lạm dụng tôn giáo làm cớ để bạo hành. Assisi nói cho ta hay: lòng trung thành với xác tín tôn giáo riêng của mình, và nhất là trung thành với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Đã Sống Lại, không được diễn tả bằng bạo lực và bất khoan dung nhưng bằng lòng kính trọng thành thực đối với người khác, bằng đối thoại, bằng một tuyên dương cổ vũ tự do và lý trí và bằng một dấn thân cho hòa bình và hòa giải. Không phối hợp được việc chấp nhận, việc đối thoại và việc tôn trọng mọi người với xác tín đức tin mà mỗi Kitô Hữu, giống như Thánh Phanxicô Assisi, có nhiệm vụ phải phát huy, nhằm tuyên xưng rằng Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con người (xem Ga 14:6), là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế giới, đều không phải là thái độ của Tin Mừng cũng như thái độ của Thánh Phanxicô”.

Vượt không gian

Tinh Thần Assisi ngày nay đã vượt không gian, không nhất thiết phải gò bó tại đất thánh của Phanxicô nữa. Thực vậy năm 2009, biến cố cầu nguyện liên tôn cho hòa bình thế giới đã diễn ra tại Auschwitz-Birkenau, trại tập trung nổi tiếng của Đức Quốc Xã, thuộc Ba Lan, do sáng kiến của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, vốn là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II và hiện là Tổng Giám Mục Krakow, và sự phối hợp của Cộng Đồng Sant'Egidio. Chủ đề buổi cầu nguyện liên tôn này là “Tinh Thần Assisi tại Krakow” để tưởng niệm 70 năm Thế Chiến II. Tại buổi cầu nguyện liên tôn này, Đại Giáo Sĩ David Rosen, giám đốc Văn Phòng Liên Tôn của Ủy Ban Do Thái Giáo Mỹ, phát biểu rằng “chính một người con của Krakow (Đức Gioan Phaolô II) đã đem chúng ta gần lại cái nhìn” về một nền hòa bình như tiên tri Isaia đã viết.

Tinh Thần Assisi cũng đã vượt qua nhiều tranh chấp biểu kiến để hướng tới đối thoại. John Borelli của tờ The Tablet nhận xét rằng dù một số người Hồi Giáo phản đối bài diễn văn Regensburg của Đức Bênêđíctô XVI, cuộc đối thoại liên tôn, được Đức Gioan Phaolô II khởi xướng tại thành phố của Thánh Phanxicô, vẫn tiếp tục khai triển và đề cập tới những mối quan tâm và sợ sệt của các tín hữu hoàn cầu. Thực vậy, 20 năm sau biến cố Assisi, thế giới Ả Rập đã chào đón việc Đức Bênêđíctô XVI đề cử Đức TGM Michael Fitgerald qua Cairo làm đặc sứ của ngài bên cạnh Liên Đoàn Ả Rập. Đến độ có người đã phải nhận định: “Chỉ dưới sự lãnh đạo của ngài… Vatican mới có khả năng thiết lập được và tiếp nối các cuộc đối thoại với người Hồi Giáo”. Một tiến bộ khác cũng do Tinh Thần Assisi tạo ra là các cuộc đối thoại liên tôn ngày nay, theo Borelli, đã đang diễn tiến phần lớn ở bình diện địa phương. Tại Mỹ, năm 2006, đã có ba cuộc đối thoại hàng năm với người Hồi Giáo, tập chú vào công trình thần học, mà một số đã được công bố thành sách.

Borelli rất hiểu Tinh Thần Assisi khi cho rằng: “Mục tiêu của đối thoại liên tôn không phải là việc thống nhất thờ phượng và học thuyết; đúng hơn, nó nhằm các mục tiêu khác có giá trị, như tính hỗ tương trong hiểu biết và chia sẻ tâm linh, cùng chung nghiên cứu các đề tài, hàn gắn hiệu quả các tranh cãi quá khứ, và hợp tác để bảo đảm công lý và chăm sóc những người túng thiếu. Giống việc đại kết tâm linh, đối thoại liên tôn có thể trở thành một thực hành tâm linh”.

Cũng cần lưu ý, ngay từ đầu triều đại của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh thêm nhiều chiều kích đối thoại đa phương khác nữa. Trong diễn văn tháng 12 năm 2005 với Giáo Triều về việc giải thích đúng đắn Vatican II, trước khi nói tới đối thoại liên tôn, ngài đề cập tới cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin nhất là tại Âu Châu. Nhân dịp này ngài nêu ra 3 câu hỏi liên quan tới mối liên hệ giữa đức tin và khoa học hiện đại, mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước hiện đại nhằm dành cho các công dân thuộc các tôn giáo và ý thức hệ khác nhau được đối xử một cách không thiên vị, và vấn đề khoan dung tôn giáo, một vấn đề đòi hỏi phải có “một định nghĩa mới cho mối liên hệ giữa đức tin Kitô Giáo và các tôn giáo thế giới”. Ngài muốn đặt cuộc đối thoại liên tôn trong bối cảnh rộng rãi hơn của tự do và khoan dung tôn giáo cũng như các giá trị chung để đối phó với chủ nghĩa duy tương đối đang thịnh hành.

Linh Mục James V. Schall, S.J., trên tuần san America ngày 16 tháng 10 năm 2006 nhìn cuộc đối thoại liên tôn dưới một khía cạnh khác. Ngài cho rằng, căn cứ vào sự kiện mọi con người nhân bản đều có khả năng nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, nên hết thẩy đều là anh chị em với nhau. Đàng khác, mọi tôn giáo đều tuyên xưng mối liên hệ gần gũi giữa sự hiện hữu của Thiên Chúa và các mối liên hệ đạo đức thích đáng. Nhưng những điểm chung ấy có đủ để biện minh cho việc cầu nguyện chung với nhau hay không? Ở đây ta cần giới hạn vào việc cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau và các yếu tố này phải đến cùng một lúc. Trước nhất, nó bắt đầu trong trái tim con người. Mà trái tim con người chính là chỗ để Thiên Chúa can thiệp. Việc nhấn mạnh tới cuộc sống nội tâm của mỗi người này có nghĩa là ta phải nhìn vào cả mối tương quan “chiều dọc” với Thiên Chúa, chứ không chỉ nhìn vào mối tương quan “chiều ngang” với nhau mà thôi. Việc cầu nguyện chung cho hòa bình vì thế là điều thích hợp. Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “Giống Kitô hữu chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo khác biết rằng trong cầu nguyện, người ta có thể có cảm nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa và từ cảm nghiệm ấy họ rút tỉa được sáng kiến hữu hiệu để hiến thân phục vụ chính nghĩa hòa bình”.

Điểm cuối cùng, theo phúc trình của các hãng tin cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, trong thông điệp đầu năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI còn cho thấy không những ngài ủng hộ sáng kiến của vị tiền nhiệm, mà ngài còn đề cao nó nữa bằng cách nâng nó lên hàng “Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình” (Peace Summit) sẽ được tổ chức tại Assisi vào tháng 10 năm 2011 để “long trọng canh tân cố gắng của những người có niềm tin thuộc mọi tôn giáo nhằm sống thực niềm tin của mình để phục vụ chính nghĩa hòa bình”. Dù trước đó mấy giờ đồng hồ, một trái bom đã sát hại nhiều Kitô hữu tại Ai Cập. Khó khăn và hiểu lầm vẫn không làm chùn bước các cố gắng đối thoại liên tôn, nhất là để phục vụ chính nghĩa hòa bình.
Vũ Văn An

1 nhận xét:

  1. Tinh than Assisi can la kim chi nam cho moi nguoi.
    Nhung theo nhu "nhan chi so tinh bon thien" muon muon thuo la: sao kho qua.
    Sao Thanh nhan Asisi om nguoi cui ma hon "tinh queo" vay?

    Trả lờiXóa