Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA :THÁNH TƯỢNG MẸ LA VANG !

Thánh Tượng La Vang
VietCatholic News (28 Dec 2010 22:10)
Nhân dịp kết thúc Năm Thánh tại VIỆT NAM, Đại Lễ Bế Mạc sẽ được tổ chức từ ngày 4–6 Tháng 1 Năm 2011 tại Trung Tâm Thánh Mẫu LAVANG thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Dự trù có khoảng nửa triệu người đến tham dự Đại Lễ này dù ở đây đã trở lạnh vào dịp cuối năm Âm Lịch. Thời tiết Miền Trung có rét mướt đến đâu cũng không thể giữ được bước chân những người tỏ lòng yêu mến MẸ LA VANG khi họ đã mong muốn đến được chốn này.

Nếu có dịp đến đây chắc chắn chúng ta sẽ được chiêm ngắm Thánh Tượng MẸ LAVANG được thực hiện trển Gỗ “Pơ Mu” cao gần 4 thước. Đây là một tác phẩm có một không hai trên Đất Nước Việt Nam. Hiếm hoi không phải chỉ nói về kích thước nhưng người thực hiện tác phẩm này đã diễn tả được nét đẹp của Mẹ La Vang qua chân dung quen thuôc của Phụ Nữ Việt Nam.

Mẹ đẹp như hạt sương
Dưới mặt trời rực rỡ
Con nhìn trong bỡ ngỡ
Mẹ là cửa Thiên Đường
Mẹ là con suối yêu thương
Ngọt nào nối lại đoạn đường khổ đau

Những lời thơ này chưa nói hết được về vẻ kiều diễm của Mẹ. MẸ LA VANG đẹp lắm, chỉ đơn giản như hạt sương long lanh dưới nắng ban mai nhưng lại rực rỡ muôn màu. Hãy đến chiêm ngưỡng Thánh Tượng Mẹ để thấy nét tiểu thư, thanh tú và quý phái của Mẹ nhưng rất nhân bản, rất Việt Nam.

Vầng trán bao dung của Mẹ đã chịu đựng quá nhiểu đau khổ do con cái ngỗ nghịch làm Mẹ buồn lòng. Tóc Mẹ dường như đã điểm sương vì nhọc nhằn mưa nắng dù Mẹ vẫn mỉm cười nhìn đàn con khắp nơi trở lại LA VANG thăm Mẹ mỗi độ Xuân về hay mỗi Tháng Hoa. Vành Khăn Hoàng Hậu Mẹ đội trên đầu với những vì sao như khẳng định uy quyền của Mẹ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một trong những tước hiệu cao quý nhất của Mẹ. Đôi mắt Mẹ vương nét buồn phiền dù Mẹ là cửa Thiên Đàng cao quý. Môi miệng Mẹ xinh tươi như nụ hồng e ấp và Gió Đông như đang mơn man tà áo Mẹ, để rồi:

Con nhìn Mẹ say mê
Đôi môi hồng e ấp
Như vì sao xa tắp
Lấp lánh khi đêm về
Trần gian sao quá lê thê
Con mơ đến Mẹ tràn trề niềm vui.

Con vẩn đang chiêm ngưỡng Mẹ LA VANG, Mẹ lòng con yêu quý. Đôi tay Mẹ bồng ẵm con yêu của Mẹ như muốn giới thiệu, như muốn trao ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế nhân lành. Mẹ vẫn như triệu triệu người Mẹ trên thế gian với nhiều khổ đau hay no đầy hạnh phúc nhưng Mẹ lại là nguồn cậy trông của cả nhân loại trên đường trần khổ luỵ. Con có Mẹ trần gian nuôi con khôn lớn, nhưng con vẫn cần có Mẹ trên Trời để che chở vỗ về trên đường đời muôn nẻo. Mẹ là nguồn ơn Thánh mà con luôn ghi nhớ Tình Mẹ vô vàn.

Mẹ trần gian bú mớm
Mẹ trên trời ban ơn
Con bây giờ đã lớn
Suốt đời không quên ơn

Mẹ đừng đi đâu để con được gần Mẹ dù con đã lớn khôn, ngược xuôi đây đó. Trong quá khứ đau thương con đã chạy đến Mẹ. Trong hiện tại ê chề con vẫn đến với Mẹ. Trong tương lai dù thế nào đi nữa xin Mẹ vẫn ở bên con. Mẹ cứ ở lại LAVANG để mỗi lần về thăm Mẹ con được ngắm nhìn Mẹ tuyệt vời. Xin Mẹ vỗ về an ủi khi lòng con cô đơn, trống vắng, gặp bước gian nan.

Mẹ La Vang ánh mắt đầy nhân ái
Thương đàn con khôn lớn lúc loạn ly
Mẹ dẫn lối chỉ đường thời vụng dại
Đến bây giờ ơn Mẹ mãi khắc ghi

.......................................................

ĐÔI NÉT VỂ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:

Vào một buổi sáng đầu tuần cuối của năm Phụng Vụ trước Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng năm nay tôi đươc Cha Quản Nhiệm Trung Tâm La Vang Lê Sĩ Hiền cho coi tấm hình chụp Tác Phẩm Mẹ LA VANG được thực hiện trên Gỗ “Pơ Mu” vừa được BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM ban tặng DANH HIỆU SẢN PHẨM TINH HOA LÀNG NGHỀ NĂM 2009. Đây là Danh Hiệu để nói lên bàn tay tài hoa của Nghệ Nhân Nguyễn Hữu Thạo, người thực hiện Tác Phẩm Mẹ LA VANG này.

Vừa nhìn tấm hình tôi ngạc nhiên về nét đẹp của Mẹ LA VANG với dáng vóc gần gũi thiếu nữ Việt Nam. Tôi buột miệng góp ý trên tấm hình này với Cha Quản Nhiệm. Ngài cũng tâm đắc với nhận xét của tôi và Ngài gọi điện thoại ngay cho người thực hiện tác phẩm này để tôi được gặp. Qua vài câu xã giao tôi được anh vồn vã hỏi thăm. Dù chưa gặp mặt nhưng như đã thân quen. Chúng tôi đã nhận lời gặp nhau vào 6 giờ chiều cùng ngày để trao đổi thêm.

Đúng giờ hẹn, tác giả Thánh Tượng MẸ LA VANG đến đón tôi, anh giới thiệu và xin đưa tôi đi uống cà phê. Trên chiếc xe máy với phân khối lớn, tôi ngồi phía sau đến quán nước mà anh đã chọn làm nơi gặp gỡ. Mới rời nhà vài trăm thước trên đường Hoàng Văn Thụ vừa quẹo phải góc Phan Đình Phùng để lên phía Tân Định thì bị Công An chận lại vì chúng tôi đã vào đường ngược chiều. Tôi cảm thấy buồn vì chúng tôi đã không may mắn nhưng Anh đã nói: “Như thế này mới nhớ mãi lần đầu Chú Cháu gặp nhau”. Chắc chắn chúng tôi không thể quên tối đó sau khi nhận Giấy Phạt.

Chúng tôi phải thay đổi địa điểm để đến một Quán Cà Phê khác khá sang trọng và lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vào ghế ngồi, chúng tôi nhìn nhau và tự giới thiệu về bản thân mình. Anh đưa tôi tấm danh thiếp và giới thiệu tên lần nữa: “Cháu là Nguyễn Hữu Thạo”, lúc đó tôi mới biết Anh nhỏ hơn tôi hai mươi tuổi. Dáng Anh cao lớn, khỏe mạnh, tóc hớt cao biểu lộ sức sống mãnh liệt của tuổi thanh niên.

Anh đã nói về gia thế, nơi sinh quán là Tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp xong đi làm việc hết chỗ này qua chỗ khác. Mỗi nơi Anh đều học được cái hay của những bậc Thầy của những người Chủ. Anh may mắn đuợc làm việc với nhiều Nghệ Nhân đã thành danh. Mỗi lần thay đổi chỗ làm là mỗi lần chật vật. Mỗi lần tìm được viêc làm mới là mỗi lần có được niềm vui. Cuộc sống cứ êm đềm trôi với nghề đã chọn.

Sau một thời gian làm thuê để mưu sinh, Anh đã quyết định mở xưởng để thực hiện những tác phẩm cho riêng mình. Anh đã làm nhiều Tác Phẩm Công Giáo như Tượng Chúa, Tượng Đức Mẹ và Tượng các Thánh... bằng gỗ. Anh hỏi tôi đã đến Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở Bạc Liêu chưa vì nơi đây hẩu như mỗi tác phẩm trên gỗ đều do Anh thực hiện. Tôi ngạc nhiên vì đã đến đó rồi và đã thấy rất nhiều tác phẩm Tôn Giáo bằng Gỗ ở đó mà không biết tất cả do bàn tay Anh. Chúng tôi say sưa nói về nghệ thuật về văn học tôn giáo vì đề tài này liên quan đến những tác phẩm Anh thực hiện mà quên rằng đã khuya. Trước khi ra về, Anh hẹn hai hôm sau sẽ đón tôi đến thăm xưởng và mời tôi ở lại dùng cơm trưa.

Hai hôm sau như đã hẹn, Anh đón tôi đến thăm xưởng. Đường phố Sài Gòn xe cô tấp nập không ngừng, ngồi phía sau lưng, tôi nói đuà: “Chú trao cả hồn lẫn xác cho cháu đó, chạy chầm chậm thôi, chạy nhanh chú sợ lắm”. Anh cứ trấn an tôi bằng cách nói chuyện cho tôi bớt lo. Khoảng nửa tiếng sau chúng tôi đã tới nhà.

Căn nhà để ở mà phòng khách dùng làm Showroom với đủ thứ Tượng Chúa, Tượng Đức Mẹ và Tượng các Thánh treo trên tường, để dưới sàn. Mọi tác phẩm có một nét đẹp riêng nhất là Tượng Chuá Chịu Nạn lớn với nhiều chi tiết mà Nghệ Nhân phải bỏ nhiều tâm huyết để thực hiện. Tượng Mẹ Pieta khá lớn rất sống động không thua gì bản chính ở Rôma. Sau khi coi những tác phẩm đã hoàn tất được trưng bày ở đây chúng tôi đã tham quan xưởng.

Gọi là xưởng nhưng đây chỉ là một nhà kho đơn sơ với ngổn ngang dụng cụ, buá, đục, khoan, dao … Trên sàn dăm ba khúc gỗ đã được phác thảo nhìn như những tảng đá, trong xưởng đủ thứ tượng nằm trên đất, treo trên khung. Có vài tác phẩm Bữa Tiệc Ly (Last Supper) với nhiều chi tiết được thực hiện khác nhau có lẽ tùy vào Khách Hàng muốn đặt. Có bức ở trên một khối gỗ, có bức được viền khung bằng những loại gỗ khác. Những khúc gỗ vô tri được những người thợ ở xưởng làm thành những tác phẩm sống động.

Qua những tác phẩm bằng gỗ nằm la liệt ở đây chúng tôi mới hiểu rằng: Nhiếp Ảnh Gia dùng ánh sáng để diễn tả tối sáng, ấm lạnh, vui buồn. Họa Sĩ dùng màu sắc đậm nhạt, tươi tắn hay ảm đạm để diễn tả tác phẩm, những Nhà Điêu Khắc Gỗ chỉ dung sự gọt dũa nông sâu để diễn tả nét duyên dáng, sự hồn nhiên hay khắc khổ. Chỉ gọt bớt, giũa đi chứ không thêm được như những người nặn tượng bằng thạch cao. Một cái lỡ tay đủ làm hỏng tác phẩm sắp hoàn thành. Cái khó là ở chỗ đó.

Tôi đang chăm chú coi những tác phẩm dở dang ở trong xưởng thì Nhà Thơ Lê Đình Bảng đến. Anh giới thiệu tôi với Nhà Thơ Lê Đình Bảng và hỏi tôi: “Chú có biết bác ấy không?”. Chúng tôi nhìn nhau tươi cười và tôi đã nói đùa: “Đây là lần đầu tiên chú gặp bác ấy” mặc dù chúng tôi đã biết nhau từ trước. Tôi đã hỏi thăm Nhà Thơ Lê Đình Bảng sau lần Nhà Thơ thoát chết ở Huế vì bị tai biến mạch máu khi ra đây tham dự buổi Hội Thảo Văn Học vào Mùa Hè vừa qua. Sau đó, Thạo mở những tấm nhựa bọc kín Tượng MẸ LAVANG để hai chúng tôi chiêm ngắm.

Chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn tổng quát Thánh Tượng MẸ LAVANG bằng Gỗ “Pơ Mu” sừng sững giữa trời. Màu gỗ Vàng Nhạt với đường nét nghiêm trang nhưng không kém duyên dáng, tiểu thư trên khuôn mặt cuả Mẹ. Chiếc Khăn Vành Dây mềm mại với những ngôi sao rất hợp với trang phục cuả Mẹ là Áo Dài Hoàng Hậu kiểu Việt Nam nhẹ nhàng nhưng trang trọng. Khuôn mặc và dáng đứng cuả Mẹ rất hài hoà. Tượng Chúa Con trên tay cũng vừa vặn với dáng Mẹ. Hai má lúm đồng tiền cuả Chuá Giêsu làm tăng nét ngây thơ, dễ mến. Bức tượng Mẹ LAVANG thật hoàn hảo.

Chúng tôi đã ngắm nhìn tác phẩm này với tất cả tấm lòng ngưỡng phục: ngưỡng phục nét đẹp cuả Thánh Tượng MẸ LAVANG, ngưỡng phục Nghệ Nhân Nguyễn Hữu Thạo, người đã bỏ công sức, tiền cuả, thời gian để thực hiện tác phẩm này nhân dịp Lễ Bế Mạc Năm Thánh tại Trung Tâm Thánh Mẫu LAVANG vào đầu năm dương lịch 2011.

Một điều làm nhiều người ngạc nhiên, đó là Nguyễn Hữu Thạo không phải là người Công Giáo. Trước khi ăn trưa, tôi đã nói đùa với Thạo: “Cháu phải đọc nhiều Thơ về Mẹ Maria, khi Cháu hiểu Mẹ, yêu Mẹ nhiều Cháu làm Tượng Mẹ sẽ đẹp hơn nữa”.

Xin trân trọng giới thiệu Tượng MẸ LAVANG qua bàn tay khéo léo cuả Nhả Điêu Khắc Gỗ NGUYỄN HỮU THẠO. Cẩn biết thêm những tác phẩm khác cuả Nghệ Nhân này, xin Quý Vị vào trang web: www.tuonggoconggiao.com hoặc liên lạc qua email: dkhuuthao@gmail.com
Virginia – USA.
Lễ Thánh Gioan 27/12/2010

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

PHÉP LẠ GIÁNG SINH ?

Phép lạ mùa Giáng Sinh? Chuyện một chiếc Chén Lễ bụi đời
VietCatholic News (28 Dec 2010 18:10)
Cha Jerry Bruggeman định xé mảnh giấy gói của bưu kiện ra rồi lại vụt ngừng tay lại, trên 10 phút như thế ngài tự hỏi liệu mình có đủ can đảm để nhìn vào một sự thật không? liệu chiếc chén lễ của ngài vẫn còn nguyên vẹn một mảnh hay đã gẫy vụn, méo mó, trầy trụa?

Chiếc đĩa thánh mà ngài vẫn giữ khi chiếc chén lễ bị mất 14 năm qua đang chiếu sáng lóng lánh trên bàn đợi tái ngộ với chiếc chén đồng hành.

14 năm qua khi ngài còn phục vụ tại nhà thờ Corpus Christi của Colorado Springs thì một đêm nọ kẻ gian đã đột nhập vào nhà thờ và lấy đi chiếc chén lễ. Hình như đây là một sự cố tình vì ngòai chiếc chén ra không một vật nào bị mất kể cả ngay cạnh đó có một chiếc chén đẹp hơn.

"Thật sự, tôi không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ được trả lại," Cha Bruggeman đã nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 12 với tờ báo Colorado Herald, tờ báo của Giáo Phận Colorado Springs. "Nó giống như thể là mình mất đi một người thân trong gia đình."

Chiếc chén bạc mạ vàng là món quà của cha mẹ ngài tặng làm kỷ niệm ngày ngài chịu chức linh mục tại giáo phận Pueblo. Tay cầm có gắn sáu viên ngọc màu đen, và dưới đế có khắc dòng chữ: "Xin Chúa ban phước lành cho cha mẹ và tất cả những người đã đóng góp cho ơn gọi của con. Linh mục Gerald Bruggeman, thụ phong 26 Tháng 5, 1949."

Ngài giữ chiếc chén lễ được 47 năm thì bị mất vào năm 1996. Theo lời bà thư ký của giáo xứ, bà Marge Knight, thì ngày nay tuy ngài đã 87 tuổi và đang nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên tới dâng thánh lễ cho giáo xứ và tiếp tục làm tuyên úy cho bệnh viện Penrose ở gần đó.

Bà cho biết lúc bị mất, chồng bà đã lập tức đi đến các cửa hàng cầm đồ địa phương với hy vọng chuộc lại món hàng. Nhưng cảnh sát cho biết một món đồ như thế không phải là loại mặt hàng thông thường có thể bán.

Bà thậm chí còn đăng một quảng cáo trên tờ The Colorado Springs với lời hứa hẹn là "không đặt câu hỏi" nếu được trả lại, nhưng không hề có tin tức nào cả.

Không có hy vọng tìm lại được chén thánh cũ, Cha Bruggeman đã liên lạc với nhà sản xuất Beaugrand Gilles ở Montreal để tìm một chén thánh thay thế nhưng nhà sản xuất đã trả lời là họ đã ngưng sản xuất kiểu chén như thế.

"Tôi cảm thấy như là, 'Nó đã đi mãi mãi,'" Cha Bruggeman tâm sự. Ngài nói thêm rằng nhiều đêm ngài đã ác mộng thấy chiếc chén bị nấu chẩy ra để lấy bạc. " Đó là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất ", ngài nói.

Trớ trêu thay, chiếc chén thánh có thể đã được trưng bày trên lò sưởi của một khách sạn chỉ cách nhà thờ có vài đường phố trong một thời gian dài gần 14 năm.

Bỗng nhiên ngày 3 Tháng 12 vừa qua, Cha Bruggeman nhận được một điện thoại của ông Larry Resel, một cư dân của Las Animas, nói rằng ông đã tìm thấy chiếc chén thánh và đã gửi cho ngài qua đường bưu phẩm ngày hôm đó.

Larry Resel từng là một mục sư Tin Lành đã trở về với đạo Công Giáo năm 2009, ông thường tìm mua đồ cổ và sau đó rao bán trên Ebay để lấy lời. Ông cho biết đã mua được chiếc chén thánh tại một cửa hàng bán đồ cổ ở Fowler một vài ngày trước đó với giá 12 đô.

Người bán hàng biết rằng ông Resel hay mua những đồ vật Công Giáo cho nên đã gói kỹ chiếc chén thánh đợi ông đến.

Sau khi nhìn thấy tên của vị linh mục khắc dưới đế của chiếc chén, ông Resel đã dùng Google để tìm và biết được địa chỉ hiện tại của Cha Bruggeman, ông lập tức gởi lại cho ngài làm quà Giáng Sinh.

Chiếc chén thánh đến nhà Cha Bruggeman vào ngày 4 tháng 12, được bọc cẩn thận trong lớp đệm vỏ đậu phộng. Tuy nhiên, Cha Bruggeman nói rằng ngài không dám mở hộp, sợ rằng sẽ thấy chiếc chén thánh trong một tình trạng tơi tả của nhiều năm 'bụi đời.'

"Tôi đã có một thời gian khó khăn trước khi mở hộp, tự hỏi nếu nó có còn là một mảnh không," ngài nói.

Tả cảnh lúc ngài mở hộp ra, cô cháu gái của ngài là Carol Lutz cho biết ngài đã 'ngây ngất' khi nhìn thấy chiếc chén thánh hoàn toàn nguyên vẹn, 6 viên ngọc vẫn còn đó.

Qua lời bà chủ hàng đồ cổ ở Fowler tên là Tammy Harris thì một phụ nữ giấu tên đã mang đến cho bà món đồ này vào ngày 18 tháng 11 vừa qua. Người phụ nữ ấy cho biết vào năm 1997, khi bà đi chơi rừng với con trai ở chân núi Manitou Springs thì nhìn thấy một cái gì đó lấp lánh trong đám bùn. Họ đào lên và phát hiện ra chiếc chén thánh và mang nó về nhà.

Sau đó, họ mở một 'khách sạn với bữa ăn sáng' (B&B) tại trung tâm thành phố Colorado Springs lấy tên là khách sạn Chén Thánh, họ trưng bày chiếc chén thánh trên lò sưởi của phòng tiếp khách.

Khi họ đóng cửa cơ sở khách sạn, chiếc chén thánh cũng được đóng gói với các đồ vật khác để bán làm đồ cổ.

Khi nhìn thấy chiếc chén thánh, bà Harris đã đặt nó sang một bên cho ông Resel, biết rằng ông ta thích sưu tầm các cổ vật Công giáo.

"Tôi coi đây là một phép lạ Thánh Thể," Ông Resel nói. "Nó không bị móp, không rỉ sét bất chấp thực tế là nó bị chôn trong bùn đất. Đây là một món quà Giáng sinh tuyệt vời cho Cha Bruggeman."

Khi nghe tin chén thánh được tìm thấy, Đức Giám Mục Michael J. Sheridan của Colorado Springs nói: "Đối với hầu hết các linh mục, chén thánh là một vật rất quý giá. Tôi vẫn còn giữ chiếc chén thánh của cha mẹ tôi tặng. Đó là một lời nhắc nhở hàng ngày về tình yêu của họ dành cho tôi và những khuyến khích của họ cho ơn gọi linh mục của tôi."
Trần Mạnh Trác

GÀN DỞ ,VÔ NGHĨA ???

NHỮNG CỬ CHỈ ĐẸP
 CPS Đặng Ngọc gửi từ Pháp.
“Hãy thực thi sự tử tế một cách gàn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa.”

Đó là một khẩu hiệu đã thúc đẩy rất nhiều người ở khắp nước Mỹ hiện nay.
Một buổi sang mùa đông nọ, trên chiếc xe chất đầy quà Giáng Sinh , một người đàn bà đã làm một cử chỉ lạ thường . Khi dừng xe lại để đóng thuế cầu bắc qua vịnh San Francisco, người đàn bà đưa tiền thuế và nói :
- Tôi đóng thuế cho xe tôi và cho 6 chiếc xe phía sau tôi.
Thế là lần lượt đến phiên mình, 6 chiếc xe đến sau đều dừng lại và nghe người thu thuế giải thích:
- Người đàn bà lái chiếc xe đỏ phía trước đã đóng tiền thuế cho ông rồi.
Người đàn bà hành đông khác thường như thế là bởi vì đã đọc trên chiếc tủ lạnh tại nhà người bạn câu: “Hãy thực thi sự tử tế một cách gàn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa”. Nhận thấy đây là một lời khuyên đẹp, bà chép câu này và quyết tâm thực hành. Sau đó, dưới bất cứ lá thư nào bà cũng chép câu này.
Chồng bà cũng thích câu này đến độ chép lên tường một lớp tiểu học do ông phụ trách . Một học sinh cũng thích câu nói đến độ chép mang về cho cha. Ông này là biên tạp viên của một tờ báo , liền đăng lên báo. Không mấy chốc câu nói như một vết dầu loang đạ lan đi nhiều nơi tại Mỹ và đã thúc đẩy được nhiều cử chỉ tử tế rất ư là gàn dở và những nghĩa cử vô nghĩa.
Tại New Jewsey, một buổi sáng nọ , người ta bỗng thấy có 12 người trên tay cầm cuốc xẻng đứng trước sân cỏ của viện dưỡng lão và tự động làm vệ sinh, quét dọn sạch sẽ. Tại Chicago, một thiếu niên tự động đến nhà những người hàng xóm và cào tuyết trước garage đậu xe. Tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có và khó tính, một hôm ra đường bị một chiếc xe khác quẹt trầy, ông thò đầu ra khỏi xe mỉm cười , vẫy tay và nói:
- Không có gì đâu, cứ đi đi.
Người ta có thể kể không biết bao nhiêu những hành động tử tế được thực thi một cách gàn dở và những nghĩa cử được làm một cách vô nghĩa như thế.






      Mầu nhiệm Giáng sinh quả thật là khó hiểu. Theo lẽ khôn ngoan loài người thì Ngôi Hai Thiên Chúa đã hành động một cách hết sức gàn dở, bất thường : Con Thiên Chúa cao trọng vô cùng lại hóa thân làm kiếp con người , sống rồi nghèo hèn rồi chịu chết ô nhục trên thập giá. Đến nỗi người Do Thái gọi đó là điên rồ , người Hy Lạp cho là yếu đuối. Nhưng Thiên Chúa lại cho là lẽ khôn ngoan và sức mạnh, là tình yêu và trao ban vô vị lợi. Thánh Phaolô cũng gàn dở không kém khi Ngài nói : “ Vinh dự của tôi chính là Thập giá Đức Kitô”.
Toàn bộ Tin Mừng đầy dẫy những “sự tử tế một cách gàn dở”. Trao ban mà không cần tính toán, cho mà không mong được cho lại, hành đông mà chẳng sợ khen chê, không chỉ yêu thương bạn hữu mà yêu thương cả kẻ thù. Đó chính là cung cách hành xử của Chúa Giê-su khi Nhập Thể và Cứu Chuộc . Tám Mối Phúc Thật mà Ngài công bố quả là một chướng kỳ và càn dở theo cách sống người đời.
Nhưng người tín hữu Kitô lại được mời gọi hành xử theo cung cách và lối suy nghĩ của Chúa. Người tín hữu Kitô được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên, ra khỏi cái thường tình , để bước vào thế giới siêu nhiên, thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha trên trời. Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện. Sống nhân hậu như Cha là sống tha thứ và yêu thương , không loại trừ bất cứ một ai, nhưng thân ái đón nhận tất cả./.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

HÃY BỒNG EM RA KHỎI ĐỜI ANH !

 
Hãy "Bế Em" Ra Khi Đi Anh !
Vào ngày cưới của tôi, tôi đã ôm vợ trên đôi tay của mình. Xe đưa dâu dừng tại trước tổ uyên ương của chúng tôi. Đám bạn thân của tôi nhất quyết bắt tôi phải đưa nàng ra khỏi xe trên đôi tay của mình.

Do vậy, tôi đã bế nàng vào nhà. Lúc đó, nàng là một cô dâu tròn trĩnh và e thẹn, còn tôi là một chú rể rất sung sức và tràn trề hạnh phúc.

Nhưng đó là cảnh của mười năm trước. Những chuỗi ngày sau đó cũng giản dị như một cốc nước tinh khiết: chúng tôi có con, tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.

Vợ tôi là một công chức nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi cùng ra khỏi nhà với nhau và hầu như về nhà cùng một lúc. Con chúng tôi thì học tại một trường nội trú. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhìn bề ngoài hạnh phúc đến nỗi nhiều người phải ganh tị. Nhưng thật ra cuộc sống yên ấm đó gần như bị xáo trộn bởi những đổi thay không ngờ...

Dew đã bước vào cuộc đời tôi.

Đó là một ngày đầy nắng. Tôi đứng trước một ban công rộng lớn. Dew ôm vòng sau lưng tôi. Con tim tôi, một lần nữa, lại đắm chìm trong dòng suối yêu đương cùng nàng. Đây là căn nhà tôi mua cho cô ấy.

Dew nói: “Anh là mẫu đàn ông có sức cuốn hút với đàn bà nhiều nhất”. Câu nói của Dew đột nhiên nhắc tôi nhớ đến vợ mình. Hồi chúng tôi mới cưới, nàng nói: "Mẫu đàn ông như anh, khi thành đạt sẽ rất quyến rũ với phụ nữ". Nghĩ đến lời nói đó của vợ mình, tôi thoáng do dự. Tôi hiểu mình đang phản bội lại nàng. Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại chính mình.

Kéo tay Dew sang một bên, tôi nói: “Em đi mua mấy món đồ trang trí trong nhà nhé? Anh có vài việc phải làm ở công ty”. Hiển nhiên là nàng thất vọng rồi bởi vì tôi đã hứa sẽ cùng đi với nàng. Ngay lúc ấy, ý nghĩ phải ly hôn xuất hiện trong tâm trí tôi mặc dù trước đây ly hôn là một điều tưởng chừng không thể.

Nhưng tôi nhận ra khó mà mở lời với vợ về chuyện này. Cho dù tôi có đề cập nó một cách nhẹ nhàng đến đâu chăng nữa, cô ấy chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc.

Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ tốt. Tối nào, cô ấy cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi tôi ngồi phía trước màn ảnh TV. Bữa ăn tối thường xong sớm. Sau đó, chúng tôi cùng xem TV. Không thì, tôi lại thơ thẩn bên máy tính, mường tượng thân thể của Dew. Đó là cách làm tôi thơ thới.

Một ngày nọ, tôi nửa đùa nửa thật nói với vợ tôi, “Giả dụ chúng ta phải ly hôn, em sẽ làm gì?”. Cô ấy nhìn chằm chặp tôi phải đến vài giây mà không nói lời nào. Hiển nhiên cô ấy tin rằng ly hôn là một cái gì rất xa vời với cô ấy. Tôi không hình dung được vợ tôi sẽ phản ứng thế nào một khi biết rằng tôi đang nói nghiêm túc về chuyện đó.

Lúc vợ tôi bước vào phòng làm việc của tôi ở công ty thì Dew cũng vừa bước ra. Hầu như tất cả nhân viên ở văn phòng tôi đều nhìn vợ tôi với ánh mắt ra chiều thông cảm và cố giấu giếm chút gì đó khi nói chuyện với nàng. Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.

Một lần nữa, Dew lại nói với tôi: "Ninh, anh ly dị cô ấy đi? Rồi chúng mình sẽ cùng chung sống với nhau”. Tôi gật đầu. Tôi biết mình không thể chần chừ thêm được nữa.

Khi vợ tôi dọn ra bàn chiếc dĩa cuối cùng, tôi nắm lấy tay cô: “Anh có điều này muốn nói với em”, tôi nói. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn.

Tôi lại nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt nàng. Đột nhiên, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đang suy nghĩ thôi. “Anh muốn ly hôn”. Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng.

Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ “Tại sao?”. “Anh nói thật đấy”, tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Cái gọi là câu trả lời của tôi đã khiến cô ta giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi “Anh không phải là đàn ông!”.

Đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Cô ấy khóc lóc. Tôi hiểu cô ấy muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó đưa ra được câu trả lời thỏa đáng bởi vì trái tim tôi đã nghiêng về Dew.

Trong tâm trạng tội lỗi tột cùng, tôi thảo đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần trong công ty tôi. Nhìn lướt qua tờ đơn, cô ấy xé nó ra từng mảnh. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Người phụ nữ chung sống với tôi suốt mười năm nay bỗng trở nên xa lạ chỉ trong một ngày. Nhưng, tôi không thể rút lại những lời đã nói.

Cuối cùng, điều tôi mong đợi đã đến. Cô ấy òa khóc trước mặt tôi. Tiếng khóc của cô ấy thực sự là liều thuốc an thần cho tôi. Ý định ly hôn dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ đây dường như càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ.

Trời khuya, tôi về nhà sau tiệc chiêu đãi khách hàng. Tôi nhìn thấy vợ tôi đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy cô ấy vẫn ngồi viết. Tôi trở mình và ngủ tiếp.

Vợ tôi đưa ra điều kiện ly hôn: Cô ấy không cần bất cứ thứ gì của tôi, nhưng tôi phải cho cô ấy thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng tôi phải sống với nhau một cuộc sống bình thường. Lý do chỉ đơn giản vì: tháng sau con trai của chúng tôi sẽ kết thúc kỳ nghỉ hè và cô ấy không muốn nó phải chứng kiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ.

Cô ấy đưa cho tôi thư thỏa thuận cô ấy soạn sẵn và hỏi: “Anh còn nhớ em đã vào phòng cô dâu trong ngày cưới như thế nào không?”. Câu hỏi này chợt làm sống tại trong tôi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời ngày ấy. Tôi gật đầu và nói: “Anh còn nhớ”.

“Lúc đó, anh đã bế em trên đôi tay của anh”, cô ấy tiếp tục, “do vậy, em có một yêu cầu là anh phải bế em ra vào ngày chúng ta ly hôn. Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng”. Tôi mỉm cười đồng ý. Tôi biết cô ấy đang nhớ lại những chuỗi ngày ngọt ngào hạnh phúc và muốn cuộc hôn nhân của mình kết thúc lãng mạn.

Tôi kể cho Dew nghe về điều kiện ly hôn của vợ mình. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. “Cho dù cô ta có đưa ra mánh khóe gì chăng nữa, thì vẫn phải đối mặt với kết cục ly hôn mà thôi”, cô ấy nói một cách khinh bỉ. Lời nói đó của Dew ít nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu.

Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi tôi có ý định ly hôn. Chúng tôi đối xử với nhau như hai người xa lạ. Vì vậy ngày đầu tiên tôi bế cô ấy, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Đứa con trai vỗ tay theo sau chúng tôi: “Cha đang ôm mẹ trên tay”. Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó mới đến cửa ra vào, tôi đã đi bộ trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, "Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay”. Tôi gật đầu và cảm thấy chút gì đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt, còn tôi lái xe đến công ty.

Vào ngày thứ hai, chúng tôi “diễn” dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Chúng tôi quá gần nhau đến nỗi tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của nàng. Tôi nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn kỹ người phụ nữ thân yêu của mình. Tôi nhận ra vợ tôi không còn trẻ nữa. Đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên gương mặt của nàng.

Ngày thứ ba, cô ấy thì thầm vào tai tôi: "Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe". Ngày thứ tư khi tôi nâng cô ấy lên, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn còn là một đôi uyên ương khăng khít và tôi đang ôm người yêu trong vòng tay âu yếm của mình. Những tơ tưởng về Dew trở nên mờ nhạt dần.

Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng. Tôi đã gật đầu. Cảm giác thân thiết, gần gũi lại trở nên mạnh mẽ nhiều hơn.

Nhưng tôi không nói với Dew về điều này. Tôi cảm thấy bế cô ấy dễ dàng hơn. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi mạnh mẽ hơn. Tôi nói với cô ấy: “Có vẻ bế em không còn khó nữa”.

Vợ tôi đang chọn váy đi làm. Tôi thì đứng đợi để bế cô ấy. Cô ấy loay hoay một lúc nhưng vẫn không tìm ra chiếc váy nào vừa vặn cả. Rồi, cô ấy thở dài, “Mấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi”. Tôi mỉm cười. Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng, chứ không phải vì tôi mạnh khỏe hơn trước. Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay chạm vào đầu cô ấy.

Đúng lúc đó, thằng con chúng tôi chạy đến "Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi" - nó nói. Đối với nó, hình như nhìn thấy cha bế mẹ ra đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng mình sẽ thay đổi quyết định vào phút chót.

Tôi ôm cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ qua phòng khách, qua hành lang. Tay cô ấy vòng qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, tưởng tượng như chúng tôi đang trở về ngày tân hôn. Nhưng tôi thật sự buồn vì vợ tôi đã gầy hơn xưa rất nhiều.

Vào ngày cuối cùng, tôi thấy khó có thể cất bước khi ôm cô ấy trong vòng tay. Con trai chúng tôi đã lên trường. Vợ tôi bảo: “Thực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già". Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói: "Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi".

Tôi phóng ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi ý. Tôi bước lên tàu. Dew ra mở cửa. Tôi nói với cô ấy: “Xin lỗi, Dew, anh không thể ly hôn. Anh nói thật đấy”.

Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi. Sau đó, Dew sờ trán tôi. “Anh không bị sốt chứ”, cô ấy hỏi. Tôi gỡ tay cô ấy ra. “Dew, anh xin lỗi”, tôi nói. “Anh chỉ có thể xin lỗi em. Anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ tẻ nhạt vì cô ấy và anh không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi, chứ không phải bởi vì anh và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Bây giờ, anh hiểu rằng bởi anh đưa cô ấy về nhà, bởi cô ấy đã sinh cho anh một đứa con, nên anh phải giữ cô ấy đến suốt đời. Vì vậy anh phải nói xin lỗi với em”.

Dew như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và khóc nức nở. Tôi xuống cầu thang và lái xe đến thẳng công ty. Khi đi ngang tiệm hoa bên đường, tôi đặt một lẵng hoa mà vợ tôi yêu thích. Cô bán hàng hỏi tôi muốn viết lời chúc gì vào tấm thiệp. Tôi mỉm cười và viết “Anh sẽ bế em ra, vào mỗi sáng cho đến khi chúng ta già”.
Không rõ tác giả

VỀ CÁC ANH HÀI THỜI NAY !

CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI ĐAU !
Làm việc mệt, nghỉ tay chút để xem tin tức. Một mẫu tin hết sức dễ thương. Đọc xong cảm thấy lòng lại cảm thấy vui vui. Như một món quà nhỏ để tiếp tục hành trình của phận người.
Sáng sớm ngày 26/11, chị P.T.K (35 tuổi, trú tại huyện Quảng Điền) vào Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch khi mang thai ở tuần thứ 35 trong tình trạng bị sốt cao, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, nhồi máu cơ tim.
10 g30 phút, một cuộc hội chẩn nhanh giữa BS. Nguyễn Cửu Lợi, trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch với BS Bạch Ngõ (trưởng ca trực khoa Sản) với anh H.V.D. (chồng chị K.). Anh D. đã đồng ý với phương án nếu vợ lên cơn đau tim đột ngột trong lúc đẻ và tử vong thì các bác sĩ được mổ lấy thai nhi ngay lập tức.
11 g30 phút, chị K. rơi vào tình trạng rất nguy kịch, huyết áp tụt, mạch yếu dần. Sau khi tích cực hồi sức cấp cứu tim không thành, bệnh nhân đã từ trần. Tức tốc như bay di chuyển bệnh nhân trên băng ca, các BS tại khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch đã chuyển kịp người mẹ đã không còn sự sống sang Khoa Sản.
Bác Sĩ Ngõ, người cứu sống đứa bé nói : “Tôi chỉ thấy còn nước còn tát, lương tâm tôi không thể đứng nhìn cảnh mẹ chết rồi con chết theo. Từ lúc người mẹ từ trần, chúng tôi chỉ có đúng 15 phút để cứu bé và phải cứu càng nhanh càng tốt. Vì nếu cứu trễ có khả năng bé sẽ bị các biến chứng sau này. Nếu sản phụ chết, theo nguyên tắc không được cho vào phòng mổ mà chỉ xuống nhà xác. Đến lúc đó con sẽ chết. Tôi đã liều để cứu đứa bé. Sẽ rất đáng tiếc khi thấy mình có khả năng mà không giúp cháu”.
Một tiếng nói lương tâm lóe lên giữa một bầu u ám của nhiều lương tâm chai cứng trước sự sống của con người. Bác sĩ Ngọ đã cố gắng hết sức để cứu sống mầm sống le lói trong lòng của người mẹ đã khuất.
Nghĩ về bác sĩ Ngọ lại nhớ đến nhiều và nhiều người trẻ ngày hôm nay dường như không còn cảm thức với sự sống nữa.
Nhiều lần và nhiều lúc tôi cảm thấy nghẹn lời trước những người phá thai như cơm bữa. Có những cô gái còn trẻ quá mà phá đến 4 lần. Có cô chưa đến tuổi thành niên đã can đảm giết đứa bé 4 tuần tuổi đang thành hình trong dạ mình. Điều đáng tiếc thay cô ta vẫn sống tiếp tục sống trong môi trường dẫn đến hành động sát nhân mà cô đã từng làm.
Chắc có lẽ cũng chẳng cần phải dài lời để kêu gào người ta đừng phá thai nữa, đừng giết người nữa vì đã quá nhiều người lên tiếng. Chỉ biết đau mà thôi khi tỷ lệ phá thai ngày cứ tăng cao đến mức chóng mặt.
Nhìn tỷ lệ sát nhân ngày càng cao nhưng hình như những người có trách nhiệm cứ dửng dưng vì lẽ chẳng liên can gì đến mình thì phải hay là nếu mình lên tiếng hay đụng vào thì lại phải thiệt thân !
Mỗi lần đi ngang con đường nào đó có những nhà trọ hay khách sạn mọc lên bỗng dưng tôi cảm thấy nhói lòng. Không còn giấu diếm, không còn úp mở nữa mà họ đã công khai : “50 ngàn / 1 tiếng’ 70 ngàn / 2 tiếng …”. Chẳng có ai “rảnh” đến độ đi vào nhà nghỉ, nhà trọ lụp sụp mà nghỉ 1 tiếng, 2 tiếng hoặc 3 tiếng cả. Những người đi công tác ở tỉnh lên thì họ cũng ít là nghỉ qua đêm để lo công việc. Những ai vào đó để “nghỉ” 1 tiếng, 2 tiếng thì chỉ có họ biết mà thôi.
Đơn giản với con đường dẫn vào Bình Quới Thanh Đa, ai đi ngang qua con đường đó sẽ không khỏi ngạc nhiên. Với con đường non non vài cây số mà số nhà trò, nhà nghỉ mọc lên như nấm vậy. Phải chăng đó là bước khởi đầu cho việc đi đến các bệnh viện để giải quyết vấn đề.
Hơn một lần, một người nọ hỏi tôi về việc gia đình kinh doanh khách sạn mini. Không ngần ngại để trả lời cho họ rằng nếu được thì có thể chuyển ngành kinh doanh khác vì ngành khách sạn là ngành hết sức nhạy cảm. Nói có quá lời chăng là không có khách sạn nào không có cái mục kinh doanh “đặc biệt” ấy. Khách sạn lớn thì lúc nào cũng có sẵn để cung cấp nhu cầu. Khách sạn nhỏ lúc nào cũng mời gọi những đôi nhân tình chóng vánh.
Có lẽ người ta chỉ nghĩ đến chuyện lợi lộc ngay lập tức sau khi khách trả phòng nhưng người ta đâu nghĩ đến khi khách đến trọ nhiều nơi phòng của họ cũng là khi mà các bệnh viện phải mệt nhoài với đơn gửi phá thai. Có thể họ cũng nghĩ ra nhưng có lẽ những đồng tiền đã làm cho họ không đủ can đảm dẹp những dãy phòng trọ, những dãy nhà trọ ngắn hạn do họ dựng nên.
Vui khi hay tin cháu bé Cẩm Tiên do bác sĩ Bạch Ngõ cứu sống nhưng vẫn còn đau với quá nhiều bác sĩ, nhiều nhân tố ngày đêm góp công góp sức để giết người. Chẳng biết phải nói sao nữa khi chỉ vì sự ích kỷ, sự nhỏ nhen của mình mà họ cam tâm giết những sinh linh vô tội.
Lm. Anmai, CSsR

GIÚP BẠN RELAX !!!

(Đặng Ngọc gửi từ Pháp ):

 

Mật mã đêm tân hôn


.

Hai ông bà nọ có ba cô con gái đều ngây thơ trong trắng. Hai ông bà chả bao giờ muốn xa họ, luôn tìm cách chở che, đùm bọc.

Vì thế, dù đã hơn hai mươi tuổi, các cô vẫn còn trong trắng ngây thơ. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, ba cô cũng lấy chồng...
Hai ông bà rất tò mò không biết con gái mình sẽ thế nào vào đêm động phòng đầu tiên. Vì thế khi các cô con gái đi hưởng tuần trăng mật, hai ông bà dặn dò:
- Bố mẹ muốn biết chuyện gì xảy ra với con vào đêm đầu tiên và liệu các con có thấy hài lòng không. Hãy viết thư về cho bố mẹ, nhưng đừng làm chồng con tò mò. Hãy viết một chữ mật mã nào đó và gửi về cho bố mẹ tả về kinh nghiệm của con.
Thế là cô con cả đi tuần trăng mật. Cô gửi lá thư về chỉ với hai chữ "STAR CRUISE". Hai ông bà mở tờ báo quảng cáo ra, và thấy trong đó có quảng cáo về con tàu du lịch Star Cruise với khẩu hiệu: To, Lớn, Mạnh Mẽ, Tốc Độ và Thân ái. Hai ông bà hài lòng lắm.
Đến là thư của cô kế. Hai ông bà mở ra và thấy trong đó có vỏ của NESCAFE. Nhìn vào tờ báo quảng cáo, hai ông bà thở phào hạnh phúc. Trong đó có ghi: NESCAFE - tận hưởng đến từng giọt cuối cùng.
Đến cô út, hai người nhận được lá thư với chữ "Hãng hàng không CATHAY PACIFIC". Bà mẹ mở tờ báo ra xem và lăn đùng ra ngất xỉu. Ông bố vội chạy tới xem và choáng váng. Khẩu hiệu của hãng Hàng không Cathay Pacific là "bảy ngày một tuần, ba lần một ngày - không nghỉ".

Trẻ vâng lời


Cô bé Anna trằn trọc không ngủ được, liên tục nhờ mẹ giúp làm việc này, việc kia khiến mẹ bé rất bực mình.
- Nếu còn một lần nữa mẹ nghe thấy tiếng "Mẹ ơi" từ miệng con thì mẹ sẽ cho con ăn đòn đấy!
Im lặng được vài phút. Bỗng trong phòng Anna có tiếng gọi:
- Thưa bà Mullet, bà có thể cho tôi xin một cốc nước được không ạ?

Dễ thế mà bố không trả lời được


"Cơ quan nào của phụ nữ to nhất?/ Lông, tóc của phụ nữ ở đâu xoăn nhất?" là những câu hỏi dành cho cặp cha con lọt vào chung kết trong cuộc thi nhân ngày các bà mẹ.
Nhân ngày hội các bà mẹ, công ty tổ chức một cuộc thi với sự tham gia của các cặp cha con. Ban tổ chức nêu ba câu hỏi cho cặp lọt vào chung kết. Hai cha con trả lời bằng cách viết vào giấy và gửi lại, sau mỗi câu thì ban tổ chức chỉ công bố kết quả đúng - sai.
Câu 1: Cơ quan nào của phụ nữ to nhất?
Kết quả: Bố trả lời sai, con trai - đúng.
Câu 2: Lông, tóc của phụ nữ ở đâu nào xoăn nhất ?
Kết quả: Bố - sai, con - đúng.
Câu 3: Mẹ thích nhất nắm cái gì của bố ?
Kết quả: Bố - sai, con - đúng.
Sau khi cậu con trai nhận phần thưởng về, người cha giọng hoảng hốt hỏi:
- Đáp án của con là gì?
- Câu trả lời của con là: Cơ quan to nhất của phụ nữ là Hội Liên hiệp Phụ nữ; lông, tóc của phụ nữ châu Phi xoăn nhất và mẹ thích nhất là nắm được ví của bố.
Điệp viên lãnh cảm
Sau một thời gian dài luyện tập, 3 điệp viên phải chịu thử thách cuối cùng về cám dỗ tình dục trước khi được cử làm một nhiệm vụ tối mật.
Trước mặt 3 điệp viên, vị tướng tình báo nói:
- Các anh đều là những điệp viên giỏi. Nay tôi muốn các anh có một thử thách cuối cùng về sự chịu đựng cám dỗ tính dục. Giờ các anh hãy ra ngoài và khi tôi gọi tên ai thì người đó vào.
Ba điệp viên tuân lệnh ra ngoài chờ.
- Joseph!
Điệp viên Joseph bước vào phòng, được yêu cầu cởi hết quần áo và đeo một chiếc chuông nhỏ vào cái "ấy". Một belly dancer bước ra và bắt đầu uốn lượn xung quanh với những động tác khêu gợi.
- Ting! - Chiếc chuông nhỏ rung lên sau khi người điệp viên nín nhịn được 3 phút.
- Tôi rất tiếc, Joseph, anh đã không vượt qua được sự cám dỗ này, anh hãy đi tắm đi! Tiếp tục, Igor! - vị tướng nói.
Igor bước vào và tương tự, đeo chiếc chuông nhỏ vào chỗ ấy. Belly dancer bước ra và xoay vòng quanh anh, bắt đầu cởi chiếc áo ngực sau màn uốn éo...
- Ting!
- Ồ, anh Igor, ta rất tiếc, anh đã không vượt qua được sự thử thách này, anh hãy đi tắm đi!
Đến lượt điệp viên David. Vũ công múa vòng quanh, cởi chiếc áo ngực, tụt nốt cả chiếc quần lót nhỏ xíu, thực hiện tất cả các màn trình diễn bốc lửa nhất suốt nửa giờ đồng hồ. Không thấy tiếng chuông nào cả. Vị tướng mỉm cười:
- Điệp viên David, xin chúc mừng anh! Anh đã vượt qua được thử thách cuối cùng, anh sẽ được nhận nhiệm vụ vinh dự này. Giờ anh hãy đi tắm cùng Joseph và Igor đi.
- Ting! Ting!...
Khi chồng mua bánh sinh nhật
Người đàn ông trung niên bước vào tiệm bánh sinh nhật và nói với cậu bé tại quầy: "Tôi muốn đặt chiếc bánh có viết chữ để mừng sinh nhật vợ".
- Trình bày thế nào ạ? - cậu bé hỏi.
- Cậu viết thế này: "Em không già đi", phía trên, "Mà em còn trẻ lại", phía dưới.
Thằng bé lấy bút ghi chép cẩn thận rồi nói:
- Chiều ông ghé lại lấy, con sẽ làm thật đẹp và cẩn thận cho ông.
Buổi tối, khi khách khứa đã ngồi vào bàn đầy đủ, người chồng mang bánh đặt giữa bàn, trịnh trọng mở hộp bánh ra.
Tất cả mọi người đều nhìn thấy dòng chữ: "Em không già đi phía trên mà em còn trẻ lại phía dưới".

10 BÀ MẸ KỲ QUẶC NHẤT HÀNH TINH !

10 bà mẹ kì quặc nhất hành tinh
SIMONE HÒA gửi (Xin lỗi A.HÒA là không tải được hình,uổng quá )
(24h) - Có người sinh 8 em bé trong một lần vượt cạn, lại có người sinh con khi đã sang tuổi 70 và cả đàn ông cũng sinh con.
1. Người mẹ sinh nhiều con trong một lần nhất (8 người con)
Nadya Denise Doud-Suleman Gutierrez, hay còn được giới truyền thông quen gọi với cái tên Octomom, một người Mỹ, được thế giới biết đến khi sinh 8 đứa con vào tháng 1 năm 2009. Đây là trường hợp sinh 8 thứ 2 tại Mỹ, và một tuần sau khi sinh, số người con sống sót đã vượt qua kỉ lục của gia đình Chukwu năm 1998. 
Nhưng điều này cũng đã gây tranh cãi trong lĩnh vực công nghệ sinh sản nhân tạo với sự tham gia của các chuyên gia và Ủy Ban Y Tế California. Giới truyền thông cũng  có nhiều ý kiến tiêu cực về vấn đề này, vì người mẹ độc thân này đã có 6 đứa con nhỏ vào thời điểm đó, và không đủ khả năng tài chính. Suleman là một người thất nghiệp, và phải nhờ đến các khoản hỗ trợ của cộng đồng để nuôi 14 đứa con của mình.
2. Người mẹ trẻ nhất thế giới (5 tuổi)
Đến bệnh viện tại Pisco (Peru) với vẻ mệt mỏi, rách rưới là một người phụ nữa Ấn Độ từ chân núi Andes. Cô dắt theo một cô gái nhỏ nhút nhát, đầy sợ sệt, cao khoảng 3 feet (tương đương 1m), với bím tóc và một cái bụng lớn. Nhìn vẻ sợ sệt của con, người phụ nữa Ấn Độ đã cầu xin bác sĩ phẫu thuật Geraldo Lozada đuổi những linh hồn ma quỉ đang hủy hoại cô bé. Nhận định rằng cô bé Lina Medina có một khối u trong bụng, bác sĩ Lozada đã khám và vô cùng ngạc nhiên khi ôngphast hiện ra rằng cô bé đã có mang 8 tháng.

Bác sĩ Lozada đưa cô tới Lima, thủ đô của Peru, và trước khi phẫu thuật, các chuyên gia đã khẳng định rằng Lina đã thật sự mang thai. Một tháng rưỡi sau, vào 14/5/1939, cô đã sinh một đứa bé trai nặng 2,7 kg và đặt tên là Gerardo, theo tên của bác sĩ. Gerardo được nuôi dạy với ý nghĩ rằng Lina là chị của mình, nhưng khi lên 10 tuổi, cậu đã nhận ra rằng Lina là mẹ của mình.
3. Người phụ nữ sinh con lần đầu muộn nhất (70 tuổi)
Hãy gặp Rajo Devi Lohan, một phụ nữ Ấn Độ, người sinh con lần đầu vào tháng 11 năm 2008 ở tuổi 70. Cô nói rằng mình đã phải chờ đợi hơn 40 năm để có đứa con này, và cô có kế hoạch cho con bú sữa mẹ ít nhất 3 năm.
4. Người mẹ sinh nhiều con nhất (69 người)
Feodor Vassilyev (1707-1782) là một nông dân vùng Shuya, Nga. Mặc dù cuộc sống của ông không đáng chú ý, nhưng người vợ đầu, Valentina Vassilyeva đã lập kỉ lục sinh nhiều con nhất. Cô đã sinh tổng cộng 69 người, và người ta còn biết thêm một vài chi tiết về cuộc đời cô, ví dụ như ngày sinh, ngày mất. Cô đã sinh 16 cặp sinh đôi, 7 lần sinh ba và 4 lần sinh tư từ năm 1725 đến 1765, trong 27 lần sinh. 67 người trong sống đó đã sống sót.
Kỉ lục thế giới hiện tại về số lần sinh con thuộc về Leontina Albina ở San Antonio, Chile. Hiện tại, khi khoảng 60 tuổi, cô đã làm mẹ của 64 người con.
Người mẹ với kỉ lục sinh con không phải sinh đôi là Livia Ionce. Người phụ nữ Romanian 44 tuổi này đã sinh đứa con thứ 18 ở Canada năm 2008.
5. Người đàn ông sinh con đầu tiên
Thomas Beatie, người sinh ra là phụ nữa, nhưng sống như một người đàn ông tại Oregon, sau khi phẫu thuật hooc môn đã trở thành người đàn ông trở thành mẹ đầu tiên.
Beatie, 34 tuổi, được coi là đàn ông hợp pháp, nhưng vẫn giữ những cơ quan sinh sản của phụ nữa, khi ông phẫu thuật thay đổi giới tính 10 năm trước, đã được biết đến trên toàn thế giới với tư cách “người đàn ông mang thai” khi sinh một cô con gái vào ngày 29/6. Sau khi sinh, ông không còn muốn trở về hooc môn nam sau khi phẫu thuật nữa, vì muốn có thêm một đứa con nữa. Vợ của Beatie, Nancy, 46 tuổi, người đã cưới ông 5 năm trước không thể có con được. Đó là lí do ông đã có con bằng cách thụ tinh nhân tạo.
 6. Người mẹ sinh đôi lớn tuổi nhất (70 tuổi)
Vì muốn có một đứa con trai bằng được, mà Omkari Panwar, 70 tuổi, đã không quan tâm đến chuyện mình là người mẹ lớn tuổi nhất thế giới, mà cùng chồng mình, Charan Singh Panwar, 77 tuổi quyết định dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo để sinh con. Để chi trả cho việc này, hai người đã phải bán trâu, thế chấp đất đai, sử dụng tiền tiếp kiệm và lấy ra một khoản vay thẻ tín dụng. Và tất cả được chi trả hết khi bà Panwar sinh đôi, một trai một gái ở bệnh viện Muzaffarnagar, 7 tiếng đi xe, phía bắc thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Cặp sinh đôi này, mặc dù chỉ nặng gần 1kg lúc mới sinh nhưng theo các bác sĩ là đều rất khỏe mạnh. Gia đình Panwar đã có 2 cô con gái lớn và 5 cháu ngoại.
7. Người mẹ đẻ thuê nhiều nhất thế giới (12 người con)
Carole Horlock, 42 tuổi, đã đẻ thuê 12 đứa con trong 13 năm, bao gồm cả sinh 3, đã lập kỉ lục thế giới, trở thành người mẹ đẻ thuê nhiều nhất thế giới. Khi trả lời phỏng vấn đài ABC, chương trình “20/20”, cô nói: “Khi mới bắt đầu, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm việc đó 1 lần. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thích làm việc này như vậy. Sau khi sinh một đứa con, tôi lại muốn làm điều đó một lần nữa. Những người đẻ thuê thường được trả trung bình 25.000$ đến 30.000$ một lần, theo chương trình “20/20”. Những nhược điểm khác của việc này là thụ tinh trong ống nghiệm, mệt mỏi, một vài loại bệnh…
Horlock sẽ không được yêu cầu cha mẹ của những đứa trẻ bất cứ việc gì, ngoài thông tin và ảnh để cô biết được họ đang sống như thế nào. Nhưng những kinh nghiệm của việc đẻ thuê không phải lúc nào cũng tính cực. Cha cô thường nói, nó giống như là cho đi những đứa cháu ngoại của ông vậy.

8. Người mẹ nhỏ nhất thế giới (71 cm)
Người mẹ nhỏ bé nhất thế giới đang có ý định sinh lần thứ 3, bất chấp sự cảnh báo rằng việc đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cô.
Stacey Herald, người chỉ cao khoảng 71 cm đã được khuyên rằng việc mang thai có thể giết chết mình, nhưng cô vẫn dũng cảm sinh hạ 2 đứa con cao bằng một nửa mình. Cô gái 35 tuổi đến từ Dry Ridge, Kentucky, Mỹ mắc bệnh Osteogenesis Imperfecta, khiến xương và phổn không phát triển, và điều đó khiến cô không thể cao lên được. Cô Herald, người phải ngồi xe lăn, và chồng, Will, cao 1m76 đang chờ đợi đứa con thứ 3, sau khoảng 4 tuần nữa.
Vì chiều cao, cô không thể bế con, nên những việc trong nhà hầu hết là chồng cô làm. Cô thừa nhận rằng việc mang thai là “không thoải mái”, và làm cô nằm liệt giường cả tuần. Đến bây giờ, đứa con trai của cô đã cao hơn mẹ. Và mặc dù những trở ngại, người mẹ và cha, một tu sĩ học việc, nói họ muốn có nhiều con hơn nữa. Cặp đôi này gặp nhau năm 2000 khi đang cùng làm việc tại một siêu thị ở vùng quê nhà.
9. Người mẹ có người con nhỏ nhất thế giới
Mahajabeen Sheikh đã sinh Rumaisa Rahman vào ngày 19/9/2004 tại trung tâm Y tế đại học Loyola. Đứa bé chỉ nặng khoảng 171g và dài khoảng 25 cm và thay thế Madeline Mann, sinh năm 1989, để trở thành đứa trẻ nhỏ nhất thế giới. Khoảng 36,5g nhỏ hơn Madeline Mann, Rumaisa Rahman còn nhẹ hơn một lon bia. Cô được sinh sau 25 tuần, 6 ngày mang thai.
Cô còn có một người em sinh đôi, Hiba, nặng khoảng 567g lúc mới sinh. Vào sinh nhận đầu tiên của mình, Rumaisa nặng khoảng 1,2kg. 
10. Người mẹ với khoảng thời gian sinh giữa 2 đứa con dài nhất
Elizabeth Ann Buttle có 2 người con, Belinda và Joseph hoàn toàn bình thường. Belinda Buttle sinh ngày 19/5/1956 khi Elizabeht Ann Buttle 19 tuổi. Và khoảng thời gian sinh giữa Belinda và Joseph là khoảng thời gian dài nhất giữa 2 người con.

Joseph Buttle sinh ngày 20/11/1997, khi Elizabeth Ann Buttle 60 tuổi, và khoảng cách giữa 2 lần sinh là 41 năm 185 ngày. Và chị của Joseph có thể được coi như bà của cậu bé vậy.