Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

CHỚ SAY&NGHIỆN RƯỢU


(Bài viết của Anh PHAM VĂN CẢNH ,CPS Lớp 61-gốc Hó nai,hiện cư ngụ ở Mỹ,mới AE đọc và suy)
Anh Đừng Uống Rượu Mà Say

Rượu gắn liền với đời sống của con người. Đối với dân tộc ta rượu thật quan trọng, không thể thiếu trong các lễ nghi, giao tế.
Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
Từ đồng bằng, thành thị đến non cao, thanh niên trai trẻ đến các ông, các cụ ai cũng uống được rượu. “Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Họ uống rượu dịp lễ, tết, đám hỏi, đám cưới, đám ma, đám giỗ, tiệc tùng. Anh Trung thời gian ở trong quân đội có dịp cũng nhậu tới bến. Nhưng lúc đang ở chiến trường, hành quân không ai dám uống rượu. Anh là hạ sĩ quan, đi chiến đấu được mấy năm thì bị thương ở cánh tay và được giải ngũ. Anh về sống với cha mẹ tại Ban Mê Thuột, phụ giúp trông nom vườn cà-phê. Cánh tay trái bị thương khi nào trái gió trở trời mặc cái áo vào cũng thấy đau. Anh sống ở đây từ hồi nhỏ và khi đó anh không biết nó như thế nào so với các nơi khác vì có khi nào anh được cha mẹ cho đi chơi xa. Khi trở thành một người lính, đi thụ huấn, đi đây đi đó, sống ở những tỉnh thành khác, giờ trở về lại đây, anh thấy Ban Mê Thuột buồn tẻ và đơn điệu quá. Anh hay uống rượu để hy vọng có cuộc sống vui hơn.
Có nhiều lý do để người ta uống rượu. Đối với giới sinh viên, cái cớ nhậu có khi là rất đơn giản: thi xong, gặp bạn bè cùng quê, kiếm được bồ mới, sau tết gặp lại nhau, vân vân. Rượu ảnh hưởng đến trí nhớ nên các bạn trẻ còn đi học ý thức không được uống rượu thường xuyên. Tìm hiểu các người hay uống rượu các nhà tâm lý học thấy rằng: Người ta tin rượu có thể giải quyết những ưu tư, lo lắng của mình. Có người uống vì muốn quên đi sự thất vọng, sự không hài lòng. Người khác uống để thoát ra khỏi thực tại, tìm sảng khoái loại bỏ cái buồn. Nhưng có những nghiên cứu chỉ ra rượu không làm hứng thú yêu đời mà lại gây ra sự chán nản. Thi sĩ Lý Bạch đưa ra nhận xét: “Rút dao chém nước, nước vẫn trôi. Lấy rượu tưới sầu, sầu càng sầu.” (Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Tương tửu kiêu sầu, sầu cánh sầu.)
Anh Trung lấy vợ, được cha mẹ mua cho căn nhà ở riêng để tránh cảnh chị dâu em chồng, giao hẳn vườn cà-phê cho anh. Năm sau anh có đứa con trai đầu lòng đặt tên là Tuấn. Gia đình hạnh phúc, anh không còn lý do gì để buồn, tại sao anh vẫn uống rượu. Anh ăn cơm mà không có rượu thấy nó nhạt nhẽo làm sao. Sau những giờ lao động mệt nhọc ở vườn cà phê, rượu như cho anh lấy lại sức lực, khỏe ra. Vợ anh tên Lan là cô giáo tiểu học. Lan đi dạy buổi sáng, buổi chiều ở nhà trông con, anh Trung đi làm vườn cà phê. Ở ngoài vườn, anh cố làm cho xong việc để về nhà với vợ con và làm một cốc rượu.
Người nghiện rượu luôn có nhu cầu mạnh mẽ phải uống tuy rằng họ biết rõ cái tai hại của rượu liên quan đến sức khỏe, đến công việc làm. Họ không còn kiểm soát được họ, không thể ngưng uống một khi cử rượu bắt đầu. Họ phải uống lần sau nhiều hơn lần trước để thỏa mãn cơn nghiện. Nghiên cứu cho thấy mười người uống rượu chỉ có một người trở thành nghiện. Chưa ai tìm ra câu giải đáp cho dữ liệu này. Người ta chỉ nhận ra rằng con cái của những người nghiện rượu dễ trở thành nghiện. Bố của anh Trung uống rượu mỗi ngày trong hai bữa ăn. Anh nhớ hồi nhỏ anh hay xách chai đi mua rượu cho bố. Anh đoán chắc bố của những thằng bạn cũng uống rượu như bố mình. Tuy nhiên ở những làng, thôn còn giữ truyền thống không bao giờ thấy cảnh một người đàn ông mặt đỏ ké như gà chọi, đi chân nọ đá chân kia, tay cầm chai rượu vừa đi vừa tu, hát nghêu ngao. Một đám con nít theo sau la hét, vui cười nhưng kẻ đang say khướt coi như không có chuyện gì xảy ra, thỉnh thoảng còn quay lại đối đáp, phụ họa với chúng. Nói như vậy không phải các ông thời trước uống rượu vào không biết say. Cái say của họ là ‘rượu vào lời ra’ giảng luân lý, đạo đức cho vợ con. Ở nông thôn ít có chuyện các ông say đánh vợ đánh con, chửi làng chửi xóm. Các ông cũng biết tự kiềm chế để giữ sĩ diện, sợ dư luận.
Thái độ của người thân đối với người có tật uống rượu say như thế nào? Xã hội Việt nam trước đây rất kính trọng người gia trưởng và giữ luân thường đạo lý của Thánh hiền được pháp luật hóa trong cổ luật (Luật Hồng đức), con cháu không được thưa kiện, tố cáo ông bà cha mẹ. Phàm ai thưa kiện, tố cáo ông bà cha mẹ (dù điều tố cáo là đúng) bị phạt trượng và tiền. Nên chi trước đây ông hay bố có uống rượu say, rồi mắng chửi, con cháu không được bất hiếu cãi lại. Chị Lan không bao giờ cằn nhằn, la anh Trung khi anh ta say rượu. Mà thật sự có gì để mà nàng khó chịu. Anh Trung bản tính ít nói, uống rượu ở nhà hay đi nhậu nơi khác, về đến nhà anh không bao giờ lảm nhảm nhưng lo đi ngủ. Chị thấy thương, làm cho một ly nước chanh uống giã rượu. Chị cũng để ý khi hết rượu, chính chị là người đi mua cho anh uống. Bạn bè đến nhà nhậu, chị tiếp đãi ân cần.
Đất than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Gặp khi có khách xuống chơi
Mời cơm mời rượu cho vui lòng chàng.
Khác với bia là loại lên men chỉ chứa 5 – 20%, rượu đế giống như whiskey, vodka, brandy là loại rượu chưng cất chứa tới 20 – 55% ethyl alcohol. Do rượu đế có độ cồn cao như vậy nên một người trong buổi nhậu uống từ nửa xị (125cc) trở lên thì làm sao mà không say. Theo thống kê mới đây ở Mỹ, những kẻ say rượu đã gây ra hơn 25,000 tai nạn giao thông chết người hàng năm, họ chiếm 50% của tất cả những người bị bắt giữ về tội bạo hành, ẩu đả. Hơn 25,000 người phạm tội giết người hay tự tử hàng năm vì rượu. Ở Việt Nam không có con số rõ ràng nhưng hậu quả của những cuộc say xỉn rất tàn khốc như đánh lộn chết người, tấn công tình dục, gây tai nạn, hư hao tài sản. Điểm qua báo chí trong nước thấy có nhiều bi kịch về rượu. Con rể nhậu nhẹt tối ngày được bố mẹ vợ khuyên can, tức giận đốt nhà bố mẹ vợ. Con nhậu nhẹt say sưa, ăn cắp, làm áp lực cha mẹ để cho tiền đi nhậu. Chịu không nổi cha mẹ nhờ pháp luật can thiệp. Một anh chàng uống rượu say về nhà ngủ. Vợ không cho đắp chăn cùng, hai người cãi nhau. Chàng dọa đâm vợ, nàng thách thức. Nói là làm, chàng xuống bếp lấy dao đâm nàng đang trùm chăn kín mít hai nhát, vợ chết tại chỗ. Xong, chàng tự đâm mình ba nhát nhưng không chết. Chàng lãnh án bóc lịch suốt đời. Lời khuyên: Không bao giờ thách thức người say rượu. Năm năm lấy nhau, thường xuyên chị Tươi bị chồng bắt cởi hết quần áo, ngồi rót rượu để chồng vừa uống, vừa đánh đập, làm nhục. Không ít lần chị vùng chạy trốn ra khỏi nhà trong tình trạng không mảnh vải che thân. Chính quyền thôn, xã chỉ can thiệp lấy lệ. Để đến khi chị Tươi bị đánh mang thương tật nặng, lối xóm tố cáo lên cấp trên, công an huyện mới khởi tố bắt giam tên người ngợm này. Thật là buồn cho những chuyện này. Hệ lụy xấu xa của rượu là làm cho những cô con gái nông thôn thời nay ưa lên thành phố tìm việc làm, kiếm chồng, lấy chồng Đài hay Hàn, chê thanh niên cùng quê vai u thịt bắp khỏe mạnh đấy nhưng nhậu nhẹt tối ngày.
Nhưng cũng có những cảnh uống rượu thanh thản, không hành hạ ai. Chiều chiều ở một quán cóc, một ông ngồi một mình nhâm nhi xị rượu, nét mặt trầm ngâm như một triết gia đang suy tưởng. Hoặc hai người, sau một ngày lao động mệt nhọc, thư thả ngồi ở một cái bàn nhỏ. Khi chai rượu vơi nửa, câu chuyện của họ trở nên tâm giao như hai người bạn tri kỷ lâu lắm mới gặp nhau. Những người này chấm dứt cuộc nhậu rất đẹp, êm đềm. Mồi của họ nhiều khi chỉ là một trái cóc, vài trái me, mấy miếng xoài tượng, con cá khô hay miếng khô mực. Theo những nghiên cứu một ounce rượu mạnh cung cấp cho cơ thể 150 calories. Nửa xị bằng 4 ounces. Uống nửa xị rượu, trong người đã có 600 calories. Như vậy khi uống rượu vào, người ta sẽ không còn cảm thấy thèm ăn cơm. Coi chừng những người nghiện rượu bị suy dinh dưỡng. Thêm nữa, rượu làm sai lệch sự hấp thụ và tồn trữ các chất khoáng. Rượu uống vào bắt phải đi tiểu nhiều, những chất khoáng có thể hòa tan trong nước (water soluble minerals) sẽ bị mất đi cùng với nước tiểu. Vậy chất khoáng cần thiết để duy trì sức khỏe đã không được bổ túc thêm vì không dùng thực phẩm, phần trong cơ thể còn bị tống ra ngoài. Và điều nguy hiểm nhất đối với người nghiện rượu là bị bệnh về gan. Rượu làm cho acid béo (fatty acid) tích tụ trong gan. Đây chính là giai đoạn đầu của sự phát triển bệnh xơ gan (cirrhosis). Chị Trung đọc sách báo am hiểu những điều này, khuyên chồng bỏ rượu để giữ gìn sức khỏe. Anh Trung nghe có lý, anh thử ngưng uống. Nhưng chỉ được một ngày, ngày hôm sau anh thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ăn cơm không nổi. Chị thấy anh có vẻ mệt mỏi, mặt mày ủ dũ trông rất tội nghiệp. Chị nói với anh, “Anh chịu không nổi rồi, thôi anh uống lại đi, nhưng em xin anh tập uống từ từ ít đi.”
Tết là dịp vui chơi, ăn uống, xum họp gia đình. Thế nhưng Tết Ất Mão 1975 dân Ban Mê vừa ăn tết vừa lo vì cái tin ngày 6 tháng giêng rồi quân Cộng sản chiếm được Phước Long. Sau Tết mọi sinh hoạt trong thị xã vẫn bình thường. Nhưng những ngày đầu tháng ba, bầu khí ở đây như có cái gì khác lạ. Anh Trung đi làm vườn cà-phê, cảm giác như bị rình rập, theo dõi. Anh sợ không dám ra đó nữa. Anh nhớ rõ ngày mùng 9 của tháng này nhằm chủ nhật, sáng hai vợ chồng và con đi nhà thờ nhìn thấy ngoài đưòng có nhiều xe, nhiều người đi lại. Nhưng đến chiều tối phố phường vắng lặng lạ lùng, không một tiếng xe. Quá nửa đêm khi mọi người đang yên giấc ngủ, một loạt súng máy bắn liên hồi. Anh chị Trung bật dậy, bế con nằm xuống nền nhà. Khoảng nửa giờ sau tiếng súng máy vang động nhiều hơn và khắp nơi. Không biết chuyện gì xảy ra, mọi người lo sợ, hãi hùng suốt đêm. Chưa hết, từ tảng sáng ngày hôm sau người ta đã nghe tiếng mấy chiếc khu trục dội bom một số vị trí trong thị xã. Anh chị Trung hốt hoảng. Chị Trung mặt mày tái mét, ghé sát tai anh giọng nói run run: “Thôi chết rồi! Chúng về đây lại như Mậu Thân ở Huế. Anh trốn vào Sàigòn trước đi, em và con sẽ vào sau.” Chị lấy cái túi xách của chồng đã chuẩn bị sẵn ra, lấy một mảnh giấy ghi địa chỉ nhà anh chị Tâm ở Sàigòn, lấy thêm tiền rồi bỏ cả hai vào ví cho anh. Chị nói với anh: “Địa chỉ anh chị Tâm em bỏ vào ví cho anh.” Anh Trung ôm vợ, ôm con, những hàng nước mắt chảy, rồi từ giã ra đi. Anh ra đến cửa, chị theo ra dặn dò thêm rồi mới để anh đi.
Anh Trung đi theo con đường mòn Buôn Păm Lâm gặp khá đông người như anh. Họ đi đến cây số 5 quốc lộ 26 vào lúc 10 giờ sáng, đón xe đi Nha Trang. Đoàn xe khá đông có đủ các loại xe, chạy chậm chạp. Đến cây số 82, xe chở anh Trung và rất nhiều xe khác phải quay đầu trở lại vì tin truyền xuống từ những xe đầu nói có chốt chặn. Nhiều đàn ông bị bắt dẫn vào rừng. Họ về thị trấn Phước An cách Ban Mê Thuột 40 km. Ở đấy sau hai ngày nghe ngóng, anh Trung và một nhóm đàn ông, thanh niên quyết định băng rừng đi Nha Trang. Rừng không phải dễ đi, sợ gặp cướp, thú dữ, gặp du kích cũng mệt. Trong nhóm chia xẻ nhau nước uống, thực phẩm. Anh Trung có ít rượu mua ở Phước An mang theo để uống cầm hơi. Nhóm đã đi không biết được bao xa, đến chiều tối ngày hai họ lại gặp một chốt của VC trong rừng. Họ đánh một vòng ra xa để tránh chốt. Trời tối đen không một ánh trăng, ai cũng hồi hộp lo sợ. Anh Trung cũng vậy dù đã từng ở trong quân đội. Anh còn phải chiến đấu với những triệu chứng do sự uống rượu không đủ ‘dose.’ Từ lúc tránh chốt đi khoảng một giờ thì tốp người trước lạc mất tốp người sau.
Tốp của anh Trung nghỉ đêm đó trong rừng. Sáng hôm sau tìm đường ra quốc lộ. May quá họ nhìn thấy trực thăng đáp xuống di tản Bộ chỉ huy đồi Chu Cúc. Họ đi gặp viên phi công và anh này chỉ cho đường đi tới Nha Trang mà không gặp chốt. Anh ta rất tử tế còn tiếp tế bánh mì và nước uống cho họ. Đoàn người lại lên đường, đến 3 giờ chiều hôm sau thì đến một thung lũng. Tại đây có những trực thăng đang di tản Biệt Động quân và họ cũng chở luôn nhóm này mười người tới phi trường quân sự Khánh Dương. Ngủ ở đây một đêm, sáng hôm sau đón xe đò để đến Trung tâm Đồng Đế được dùng làm trại tiếp cư. Mọi người thở phào nhẹ nhõm nhưng trong lòng chưa hết lo. Cha mẹ, vợ con, thân nhân ở lại có bị sao không? Những ngày vừa rồi khi ở trong rừng chịu đói chịu khát, giờ có đủ thứ do các dì, các cô từ trại gia binh mang vào bán. Anh Trung cũng mua ít rượu uống. Anh tính chờ vợ con đến trại để cùng đi vào Sàigòn nhưng trong thâm tâm anh cầu mong cho vợ con đừng đi vì đường quá nguy hiểm. Anh ở trong trại được một ngày, nghe tin tức Ban Mê Thuột đã bị đánh úp, lính cộng hòa rút đi. Anh lo chúng đánh xuống Nha Trang nên sáng hôm sau anh theo những người khác ra xe đò đi vào Sàigòn.
Chị Trung ở lại, trong lòng cũng không yên. Hơn một tuần lễ trôi qua thấy họ chưa đả động gì tới giáo viên của chế độ cũ, chị tính không đi. Nhưng ngày hôm trước bố mẹ của anh Trung tới thăm khuyên chị đi vào với anh ấy, “Trung nó hay say sưa rồi ra đường xe cộ nhiều không biết có sao không.” Thêm nữa trong thâm tâm có cái gì thôi thúc chị phải vào Sàigòn. Hành trình của chị và đứa con không khó lắm. Họ lập nhiều trạm kiểm soát, đàn ông con trai họ bắt quay về, gạo thịt bị tịch thu. Đàn bà con nít đi bộ qua trạm kiểm soát khai đi gần gần ở phía trước họ cho qua. Chị cũng đến trại Đồng Đế, hỏi thăm và biết được chồng có vào đây, chị yên tâm ra đón xe đò vào Sàigòn. Xe đi đến Ngã Ba Bình Tuy thì bị tắc đường ở Rừng Lá. Chị và đứa con đi xe lam ra biển Bình Tuy tìm phương tiện chở vào Vũng Tàu. Kiếm được thuyền nhưng phải đợi đến 2 giờ sáng nước lên thuyền mới đi ra cửa biển được. Thuyền chở nhiều người, trên còn một chiếc xe du lịch. Mạn thuyền cách mặt nước chưa đầy gang tay. Gió mạnh làm thuyền lắc lư, chòng chành. Mặt mày ai cũng tái xanh, nhiều người say sóng ói mửa liên tục. Chị Trung vô cùng kinh khiếp nhưng cố trấn tĩnh sợ bé Tuấn hoảng theo. Bé ôm mẹ cứng ngắc, gục đầu xuống vai mẹ không dám nhìn biển. Thuyền chạy không xa bờ lắm, vài ông cởi bỏ giầy dớ trong tư thế sẵn sàng để bám víu vào vật gì đó bơi vào bờ nếu thuyền bị lật. Đến 12 giờ trưa hôm sau thuyền cập bến Vũng Tàu trong nỗi mừng vui của mọi người. Chị Trung và đứa con đi xe đò về Sàigòn. Khi đến nhà anh chị Tâm, hai mẹ con rất đỗi ngạc nhiên không thấy anh Trung ở đây. Những mệt nhọc, lo sợ tưởng sẽ tan biến hết khi xuống xích-lô bước vào nhà anh chị, thấy anh Trung đang ngồi đó tươi cười, đã không xảy ra. Linh tính có chuyện gì không hay, chị chết lịm trong lòng, hai hàng nước mắt bắt đầu chảy. Trái tim của chị như bị xé ra khi đứa con hỏi: “Mẹ ơi! Bố đâu.” Anh chị Tâm cũng không cầm được nước mắt, hỏi han em. Chị Trung sụt sùi cho biết:
-Em ghé trại Đồng Đế, hỏi các bác bán hàng. Một bác cho hay có bán rượu cho một anh mô tả ra đúng là anh Trung. Mấy bác ấy nói ai cũng ở đây độ một, hai ngày là đi vào Sàigòn. Như vậy anh ấy đã đi trước em cả nhiều ngày rồi tại sao giờ này lại chưa đến đây. Chị Tâm châu mày hỏi:
-Chú ấy có biết địa chỉ nhà anh chị không?
-Dạ biết, trước khi anh ấy đi em đã ghi địa chỉ vào một mảnh giấy, rồi bỏ vào ví của anh ấy.
-Có địa chỉ, chỉ cần đưa cho mấy bác xích-lô là họ chở đến đúng nhà. Mà . . . chú ấy có giận dỗi gì em không?
Chị Trung mắt còn ướt lệ nhìn chị mình với vẻ ngạc nhiên.
-Không! Chúng em không bao giờ cãi nhau. Anh ấy hiền lành, thương em và con nhiều lắm. Chị Tâm nắm lấy tay em:
-Thôi bây giờ không biết điều gì xảy ra, cầu nguyện cho chú ấy. Em và cháu vào nhà sau nghỉ ngơi đi.
Chị Trung làm theo lời bà chị. Tâm hồn rã rời nghĩ tới chồng không biết bây giờ đang ở đâu. Những ngày sau không thèm ăn uống gì, hai mẹ con ra đầu hẻm đứng, nhìn bên phải, bên trái, theo dõi từ xa những chiếc xích lô chở người đi tới. Nhưng khi nó tới gần, hai mẹ con lại phải thất vọng. Đứng mỏi chân chị ngồi xuống, ôm con vào lòng để những dòng nước mắt chảy xuống đau buồn. Nhiều ngày tiếp theo hai mẹ con ngồi trên xe xích lô, nói họ chở đi vòng vòng, mắt mở to nhìn hai bên đường, nhưng không thấy đến một người quen. Một buổi chiều chị và con ra lại bến xe Vũng Tàu, chị hỏi nhiều người, hỏi cả những quán ăn quanh đấy, xem họ có thấy chồng mình. Họ đều trả lời không biết. Hai mẹ con về trong lòng sầu khổ vô cùng. Cái kinh nghiệm đi thuyền vào Vũng Tàu ám ảnh chị. Không biết thuyền chở anh và những người khác có làm sao không khi gặp sóng to gió lớn. Những lời bố mẹ chồng nói với chị hiện ra trong đầu. Xe cộ tấp nập thế này anh ra đường có sao không.
Đã hơn một tuần lễ trôi qua chị Trung, anh chị Tâm đi đâu, gặp ai, nghe tin gì là dò la, hỏi han nhưng tin tức về anh Trung vẫn biệt vô âm tín. Chị Trung còm cõi, buồn khổ, khóc muốn khô cả nước mắt. Chị lo sợ khi nhớ cái lần anh thử ngưng uống rượu một ngày mà đã không chịu nổi, giờ đi đường xa nhiều ngày không có rượu, cơ thể phản ứng kịch liệt rồi sẽ chết bờ chết bụi như kẻ nghiện xì-ke ma túy. Trời ơi! Anh ấy có tội tình gì mà trước khi chết không được nhìn mặt vợ con, không ai vuốt mắt. Chị tự trách mình, “Lỗi tại tôi. Em ra ý kiến, cố xua đuổi anh đi nên anh ra nông nỗi này.” Lòng hối hận vô cùng, chị khóc. Những hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt phờ phạc. Bé Tuấn thấy mẹ khóc, vội vàng đến lau nước mắt cho mẹ, nó cũng khóc.
. . .  Xe đò chở anh Trung bắt đầu lăn bánh gần trưa. Đường còn thông suốt nhưng ở nhiều đoạn phải dừng lại chờ dọ hỏi các xe khác đi ngược lại, nên xe về đến Sàigòn vào khoảng 6 giờ chiều. Xe vào bến Petrus Ký. Dọc con đường nhà hàng, quán ăn đã mở đèn sáng choang. Có câu ca dao
Rượu tăm thịt chó nướng vàng,
Mời đi đánh chén cách làng cũng đi.
đàng này quán nhậu ở trước mặt, bụng đang cồn cào thèm rượu, anh ta tội gì mà không vào.
Trời đã sáng, anh Trung thức dậy thấy mình đang nằm ở một cái bùng binh. Anh uể oải ngồi dậy, nhìn xe cộ đi vào đi ra. Anh đếm các con đường. Có đến bảy đường. Anh lẩm bẩm: “Ban Mê Thuột của mình chỉ có sáu đường nên gọi là Ngã Sáu. Đây bảy con đường phải gọi là Ngã Bảy.” Anh sực nhớ điều gì, đứng dậy, ngó dáo dác tìm, lấy tay sờ sờ túi áo, túi quần, “Chết rồi! Cái ví, cái túi xách áo quần đâu?” Vẻ mặt hốt hoảng anh đi vòng vòng cái bùng binh để tìm. Anh nhớ tối qua vào cái quán, phải hỏi họ xem có giữ chúng không. Anh băng qua bùng binh, đi vào con đường có những bến xe. Tìm một lúc lâu mới thấy bến xe Nha Trang. Khách đi xe giờ này thưa thớt. Những lơ xe luôn miệng chào mời: “Tài chót! Tài chót!” Họ thấy anh đi người không, họ không thèm mời. Quán xá giờ này còn đóng cửa. Anh Trung cứ đi từ đầu đường đến cuối đường, đi lên đi xuống, vẻ mặt nóng giận, bực bội. Anh không tài nào nhớ ra đã vào quán nào tối hôm qua. Đi được mấy vòng bỗng thấy một cái nhà có người mở cửa dắt xe ra. Anh chạy tới hỏi. Người này lắc đầu không nói không rằng, rồi kéo cửa sắt đóng lại một cái rầm, leo lên xe, nổ máy đi mất. Anh Trung thất vọng vô cùng vì gặp người Sàigòn đầu tiên lại vô cảm như một người máy. Anh đi tìm chỗ làm những việc cần thiết rồi trở lại chỗ cũ, ngồi xuống vệ đường nghỉ. Anh thấy trong lòng thật là tức giận, phải kiếm cho ra đồ của mình. Mọi thứ mất anh không tiếc nhưng miếng giấy ghi địa chỉ nhà anh chị Tâm mất thì làm sao đây. Anh cứ ngồi đấy. Đến gần trưa các nhà hàng, quán ăn bắt đầu mở cửa, lai rai đã có khách vào. Anh định vị trí cái quán tối hôm qua và vào hỏi thử. Một người có vẻ là chủ quán trả lời rất lịch sự: “Tối qua chúng tôi không tiếp một người nào như vậy.” Anh Trung nghĩ đã vào lầm quán và hỏi vài quán kế bên. Quán nào cũng nói không biết. Có quán nói: “Chúng tôi không bao giờ làm thế.” Họ nói vậy vì thật lòng hay là nói dối vì sợ mất mặt với thực khách đang có mặt trong quán.
Anh Trung quá chán nản. Anh còn đang đứng suy nghĩ miên man bỗng thấy một bác từ trong hẻm đi ra. Bác đứng lại như đợi ai. Anh Trung đến bắt chuyện và hỏi bác về trường hợp của mình. Bác nhìn anh vẻ nghiêm nghị nói: “Như vậy chú em mất tiền mất của là đúng rồi. Tôi hỏi, nếu chú em biết chắc cái quán đã vào, chú em có bằng cớ, nhân chứng để đòi họ không.” Một cậu thanh niên chạy Honda chợt tới, chở bác đi. Anh Trung ngao ngán ngồi xuống lại vệ đường, nhìn trời nhìn mây. Đột nhiên anh nhớ lời vợ dặn trước cửa nhà khi cất bước ra đi, “Đi đâu anh đừng uống rượu nhiều.” Hồi còn kẹt ở Phước An hay đến trại Đồng Đế, mua được rượu anh chỉ uống ít ít. Vào đến Sàigòn, rượu ngon mình quên lời vợ dặn, say bí tỉ nên ra cái cảnh dở khóc dở cười này. Anh thấy tụi này độc ác thật, phải chi chúng lấy tiền lấy đồ của mình, chúng chừa lại cái địa chỉ. Tự nhiên anh cảm thấy hai tay run run, lưỡi như tê dại, mồ hôi vã ra, buồn nôn. Anh lo sợ không biết mình bị bệnh gì đây. Một thân một mình biết xử trí ra sao. Thuốc men ở đâu ra để chữa trị. Càng nghĩ tới những điều này anh càng cảm thấy hãi sợ. Biết làm sao đây. Anh muốn khóc. Ngồi mỏi lưng anh lết vào thềm nhà, dựa lưng vào tường gạch. Xế chiều xe đò về bến, hết chuyến này đến chuyến khác. Khách buôn đỡ hàng xuống chất vào xe ba gác. Hành khách xuống xe, ngã giá với xích-lô nhanh chóng rời bến. Anh nhìn cảnh này thấy tiếc cho mình. Nếu được làm lại anh sẽ làm như họ thì đâu mất ví, mất địa chỉ. Anh cứ ngồi thế rất lâu, tâm trí ra như điên như dại. Đến chiều tối khát nước quá, anh đứng lên đi tới đầu đường phía Ngã Bảy. Có vài quán ăn trên vỉa hè. Một cặp trai gái ăn xong đang trả tiền, trên bàn có hai ly nước uống dở. Anh đến xin họ. Hai người trẻ nhìn anh với vẻ thương hại, vui vẻ mời anh lấy uống. Anh Trung uống hết hai ly nước đá lạnh còn phân nửa thấy đã khát, mát trong người. Cô cậu thanh niên đã chở nhau đi mất, anh cám ơn bà chủ quán nhìn anh vẻ ái ngại. Rồi anh đi đến đầu đường phía kia tìm chỗ tối. Xong trở lại chỗ cũ, nằm xuống nền xi măng ngủ.
Anh nằm đó nhưng không ngủ được, đau mình đau mẩy, muỗi vo ve cứ phải lấy tay xua đuổi. Đầu óc rỗng tếch, anh thấy trí nhớ của mình thật tồi tệ. Lúc ra đến cửa, vợ mình căn dặn địa chỉ nhà anh chị Tâm, giờ chỉ nhớ được quận 10. Các chi tiết khác không nhớ. Anh cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Anh nhớ vợ con và cầu mong vào đây tìm mình. Lâu sau mệt quá anh ngủ thiếp đi. Sáng 3 hay 4 giờ gì đó anh đã phải thức dậy vì bến xe bắt đầu hoạt động. Anh ngồi dậy, ngủ gà ngủ gật, đợi sáng. Hành khách nhộn nhịp, xe đón khách rồi xuất bến như giòng nước chảy rồi từ từ cạn. Trời sáng lên, anh đứng dậy, đi. Người như không còn một chút sinh lực, anh bước đi từ từ, chậm chạp. Anh đi rất lâu, đi thẳng, quẹo trái, quẹo phải, theo những xe ba gác chở hàng, đến một cái chợ. Anh dừng lại, đứng nhìn. Có nhiều người đi chợ. Anh thấy chợ thị xã của anh không to bằng chợ này. Anh lân la đi vào trong chợ, đi vòng vòng qua các sạp hàng. Anh thấy đói bụng. Anh tính xin tiền mấy bà bán hàng. Không được. Mới sáng ra xin như vậy không ai cho, còn bị chửi. Nghĩ vậy anh đi ra phía trước chợ. Hay ta ngồi đây chìa tay xin tiền. Suy đi ngĩ lại cũng không được. Mình có tư cách gì để chia phần với những kẻ khất thực đang ngồi đây. Kìa những em nhỏ tàn tật, thân thể, tứ chi bị biến dạng vì bệnh tật, chiến tranh. Bác kia không biết bệnh chi mà chỉ còn da bọc xương, trên người độc một cái quần đùi. Bác ngồi trên miếng ván có những bánh xe ở dưới. Khi có người cho tiền, bác nhoẻn một nụ cười cám ơn. Còn những bà cụ đưa cánh tay gầy nhẵng, chằng chịt gân xanh lên khi có người đi qua với vẻ mặt van nài. Thân nhân của họ đâu. Họ có tự làm ra như vậy không. Anh Trung nhìn lại mình, chân tay lành lặn, áo quần đàng hoàng, tự mình rước ma men hại mình. Anh không thể nào ngồi xuống chung với họ.
Anh hỏi ra đây là chợ quận 10. Anh mừng rỡ: “Đúng rồi! Anh chị Tâm thế nào cũng đi chợ này.” Anh đứng chỗ bãi gởi xe và cố chừa mặt ra để anh chị thấy nhận ra. Mình quên nhưng anh chị chắc không quên mình vì mấy năm trước có lên thăm cậu mợ ruột là bố mẹ Lan. Anh chị đi qua đi lại nhà mình, ở lại ăn cơm. Anh Trung hy vọng, đứng đợi. Đói bụng, khát nước anh làm cách tối hôm qua. Chung quanh chợ thiếu gì quán ăn, bán đủ thứ. Lần này không những xin nước uống, anh còn dùng luôn những đĩa, tô thức ăn thừa để dằn cái bao tử. Vài người bán quán để anh tự nhiên nhưng cũng có quán không cho, xua đuổi anh. Những triệu chứng đau của ngày hôm trước chưa giảm, anh đi lại thỉnh thoảng bị chuột rút. Khi màn đêm buông xuống, anh kiếm một cái xó xỉnh để đặt lưng. Đêm dài anh ngủ không được bao nhiêu thời gian. ‘Thức đêm mới biết đêm dài.’ Thời gian như muốn trêu chọc anh, đi chậm lại. Mỗi ngày trôi qua, niềm hy vọng gặp anh chị Tâm bị xói mòn đi một phần. Nhưng không có cách nào khác, anh vẫn ra đấy đứng, sống nhờ những ly nước, tô thức ăn thừa, trông ngóng anh chị Tâm đi chợ. Nhiều lần anh nhìn chằm chằm vào một người đi tới để tìm một tín hiệu thân quen nhưng lại thất vọng ê chề vì họ chỉ liếc nhìn anh một cái rồi đi qua.
Người ta hay mắc bệnh chủ quan. Anh Trung vào Sàigòn, xa lạ, một thân một mình mà lại dám nhậu say không còn biết trời trăng gì nữa thì làm sao không bị mất ví, mất đồ.  Anh cứ tưởng như ở Ban Mê Thuột, quận 10 chỉ có một cái chợ, mà không biết nó còn những chợ khác. Anh ở đây trông dài cả cổ ra không thấy anh chị Tâm đâu. Không biết bao giờ mới thoát khỏi tình trạng này, anh xin rửa bát đĩa, chạy bàn cho mấy quán ăn, chỉ xin hai bữa cơm nhưng họ đều từ chối. Có lẽ mình mẩy anh hôi hám quá không ai dám để anh làm. Ngày này qua ngày khác, đói khát, lo sợ làm thân hình anh gầy ốm, xanh xao. Anh nghĩ tới nếu mình bị tai nạn, trúng gió không ai cứu chữa thì sẽ ra sao. Anh sợ chết. Anh nhớ nhiều về vợ con. Lúc này anh cần vợ con vào Sàigòn để cứu anh. Anh thì thầm đọc mấy kinh cho bớt sợ. Đêm trong cảnh màn trời chiếu đất, mệt mỏi, đói bụng, anh cố dỗ giấc ngủ để quên mọi sự. Nhưng đêm nay không làm sao anh chợp mắt được, tên chợ Nguyễn Tri Phương mà anh đang ăn đậu ở nhờ cứ lởn vởn trong đầu. Bỗng anh ngồi bật dậy, nghĩ ra điều gì. “Nhớ ra rồi! Vợ mình dặn đường Nguyễn – ương – ương gì đó.” Bất chợt những giọt nước mắt tràn ra. Anh làm dấu đọc kinh cám ơn. Anh có một đêm yên bình, tràn trề hy vọng. Sáng mai thức dậy anh đến hỏi người giữ xe: “Quận 10 có đường Nguyễn Tri Phương không? Nó ở đâu?”
Sáng nào chị Trung cũng đi Lễ. Hôm nay đang sửa soạn thì bé Tuấn thức dậy xin đi Lễ với mẹ. Lễ xong còn sớm hai mẹ con ra cuối nhà thờ cầu nguyện với Đức Mẹ. Bé đứng khoanh tay cầu xin. Về ăn sáng xong chị Trung muốn ra chợ mua ít rau thịt về nấu cơm. Bé theo mẹ đi. Nhà anh chị Tâm ở đường Nguyễn Duy Dương chạy song song với đường Nguyễn Tri Phương. Ở gần đầu đường về phía đường Bà Hạt, một con hẻm lớn nối hai con đường này được dùng làm chợ. Chợ có tên là chợ Da Bà Bầu nhưng dân chúng chỉ gọi là chợ Bà Bầu. Sáng nay chị Trung vào chợ không hiểu tại sao hồi hộp lạ thường. Sau khi mua xong các thứ, chị quay ra về. Đi chưa được mấy bước chị lại dắt con quay trở lại, trong đầu như có gì thúc dục phải đi tới để mua thêm thức gì. Chị vừa đi vừa nhìn những sạp hàng. Bỗng đứa con la lên: “Mẹ ơi! Bố kìa!” Chị nhìn phía trước, rồi hai chân mềm nhũn, chị ngã quỵ xuống ngất xỉu. Trong khi đó thằng bé đang tính giật tay khỏi tay mẹ để chạy tới bố, vội vàng ngồi xuống lay mẹ, miệng cứ gọi: “Bố ơi!” “Mẹ tỉnh dậy đi!” “Bố ơi!” “Mẹ tỉnh dậy đi!” Nhiều bà, nhiều chị vây quanh hai mẹ con, sẵn sàng xoa dầu, cạo gió. Từ đằng xa anh Trung nhìn thấy đám người đang làm cái gì ở giữa đường, anh cố đi nhanh đến để xem. Đến gần anh nghe tiếng bé Tuấn gọi “Bố ơi!” người tự nhiên run lẩy bẩy, tim như muốn ngừng đập. Anh ngã quì xuống. Anh lết bằng hai đầu gối, rẽ đám người đi vào. Vừa lúc đó chị Trung tỉnh lại, ba người ôm nhau khóc thảm thiết. Trước cảnh này những người đứng chung quanh xúc động không cầm được nước mắt.
                                                                      Phạm Văn Cảnh
                                         (Viết theo những sự có thật 1975)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét