Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

CẦU CHO NGƯỜI TU XUẤT


Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM
T
rong ngày Ơn Thiên Triệu tôi nghĩ tới các anh chị em "tu xuất" và tôi cũng cầu nguyện cho họ cách riêng. Ồ, tôi không ngụ ý rằng họ làm thành một "bậc sống" trong Giáo Hội hay tu xuất cũng là một ơn gọi cần phải khuyến khích. Nhưng trong thực tế của Giáo Hội Việt Nam, chắc ai cũng có thể thấy rằng nói chung họ là một thành phần khá năng động và hữu ích, được đánh giá cao. Mặc dù vậy, vẫn dai dẳng tồn tại một vài ý nghĩ sai lầm, ít nhất là thiếu công bằng về "giới" tu xuất.

Nhất quỉ nhì ma thứ ba tu xuất?

Bà con ta thường có câu: nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò. Trong các cộng đồng người công giáo, câu nói đó có khi được áp dụng cho giới tu xuất: nhất quỉ nhì ma thứ ba "nhà thầy" xuất. Xét cho kỹ thì từ học trò chuyển qua tu xuất, mức độ "xấu" có tăng lên. Về anh học trò, người ta thường chỉ muốn nói anh ta nghịch ngợm, phá phách thôi,--những trò nghịch phá không có gì trầm trọng, đôi khi còn rất dễ thương nữa là khác! Tuổi học trò mà thiếu những thứ đó có lẽ sẽ mất đi một phần thú vị! Còn về anh tu xuất, dĩ nhiên cũng lắm người nghịch ngợm "đáo để", nhưng nhiều người công giáo vẫn nghĩ xa hơn: "Có sao mới 'bị xuất' chứ?". "Có sao", nghĩa là phải tệ lắm hoặc thậm chí "chắc là có 'phốt' gì nặng lắm đây!"! Có khi họ "thật thà" qui chụp: "phá ơn Chúa!" Bậc cha mẹ có con đi tu không thành đôi khi cũng có ý nghĩ không tốt, không đúng về con. Số đông bà con vẫn nghĩ rằng đã bước vào nhà tu, "nhà Đức Chúa Trời" rồi là đã được Chúa kêu gọi, vậy nếu "đường tu" dang dở thì nhất thiết do lỗi gì đó của đương sự. Tất nhiên cũng có trường hợp như thế, nhưng thông thường nên hiểu đơn giản là người ấy "không được Chúa kêu gọi", bậc sống ấy không thích hợp với họ. Việc nhận ra mình có ơn gọi hay không là việc không dễ dàng, phải qua một quá trình dài trong cầu nguyện, suy nghĩ, thực nghiệm, trao đổi bàn bạc với những người có trách nhiệm. Nếu sau khi đã làm những việc trên cách kỹ càng mà cảm thấy rằng mình không được Chúa kêu gọi ở bậc sống này, hoặc được "bề trên" kết luận như thế, thì can đảm ra về một cách vui vẻ, không sợ sệt, không mặc cảm, không oán trách ai … lại là điều rất đáng khen. 
Thật ra chúng ta còn gặp một suy nghĩ khác nơi bậc cha mẹ. Nhiều người không nghĩ là đã "đi tu" là đương nhiên phải có ơn gọi rồi, nhưng họ suy tính: cứ cho con đi, nếu không làm cha, làm thầy, làm "sơ" được thì cũng được học hành, được dạy dỗ nên người hơn. Đây phải coi là một cám dỗ "thiết thực" trong bối cảnh Việt Nam. Nói họ "lợi dụng" dòng tu hay chủng viện có thể là quá nặng vì trong thâm tâm họ vẫn đánh giá đời sống linh mục, tu sĩ rất cao và thực tình muốn cho con cái đi trọn con đường ấy, nhưng cho con đi tu khi không thấy dấu hiệu rõ ràng gì về ơn gọi nơi con cái, thậm chí làm áp lực tâm lý trên chúng, là một điều cần phải tránh. Về phần những người có trách nhiệm trong các chủng viện và dòng tu, họ biết rằng xưa nay số người xuất tu chiếm một tỉ lệ khá cao so với số người nhập tu (nhất là trong các nhà dòng), họ coi đó là chuyện bình thường, và còn tự an ủi rằng dù sao mình cũng góp phần đào tạo những người giáo dân tốt, sẽ giúp ích cho Giáo Hội cách riêng. 

Nhìn nhận công lao của giới "tu xuất"

Tôi dùng thuật ngữ "giới tu xuất" như một kiểu nói quen thuộc, không hàm ý phê phán tiêu cực. Trái lại, ngay từ đầu tôi đã ngụ ý rằng họ là những người thường có đóng góp đặc biệt trong thực tế đời sống Giáo Hội Việt Nam ta. Nói chung, cho đến nay, họ vẫn là những người giáo dân có học thức cao hơn mức chung, nhất là ở thôn quê, về mặt văn hoá và đặc biệt về mặt giáo lý và việc đạo. Số đông đã biết dùng lợi thế này để phục vụ đắc lực cho các giáo xứ, giáo họ. Gần như có thể nói họ làm thành một "giới" riêng, không phải theo nghĩa họ sống tách biệt, nhưng theo nghĩa họ được minh nhiên hay mặc nhiên coi như "thành phần lãnh đạo", một thứ gạch nối giữa cha xứ và giáo dân, thường là cánh tay phải của các linh mục. Hẳn là độc giả nào cũng có thể biết một vài người "cựu nhà tu" như thế. Họ dạy giáo lý, tập hát, tổ chức hội đoàn, hướng dẫn phụng vụ, và nếu là nữ thì còn thêm cả những việc âm thầm như trang trí và quét dọn nhà thờ, giặt đồ thờ phượng... Tôi biết ở Hoa Kỳ, một số trong họ được chọn làm phó tế vĩnh viện. Giáo Hội Việt Nam nên trân trọng những đóng góp như thế và tỏ lòng biết ơn họ. Thiết tưởng cũng phải công bằng với họ, đừng suy nghĩ trong lòng rằng họ chịu ơn của nhà Đức Chúa Trời rồi nay phải trả công, đó là "lẽ đương nhiên" thôi.
Có khen thì cũng phải có chê. Chúng ta cũng biết một thiểu số "cựu nhà tu" vì bất mãn hay vì lý do nào khác, thường hay đứng ngoài phê bình chỉ trích hàng giáo sĩ và cả công việc giáo xứ, giáo họ. Có người vẫn thích "làm thầy"; họ dễ dàng tự coi là không được đánh giá và sử dụng đúng tài năng; có vẻ như họ muốn cái gì hơn là "làm giáo dân thường dân"!… Nhưng xin nhắc lại, đây chỉ là thiểu số, không làm mất thanh danh của "giới tu xuất" chúng ta. 
Vượt ra ngoài ranh giới của tổ chức Giáo Hội, chúng ta cũng cần nhìn nhận và đề cao vai trò của giáo dân trong đời sống xã hội trần thế. Ở đây chúng ta cũng thấy khá nhiều thành công đáng biểu dương của giới cựu nhà tu trong nhiều lãnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế và đôi khi cả chính trị nữa. Nhưng cần đi xa hơn những đóng góp thuần túy "tự nhiên". Những đóng góp đó chỉ có giá trị tôn giáo thực sự khi được thực hiện trong tinh thần Phúc Âm, là cố gắng "đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi họ sống", một "bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ" (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 13). Ít nhất thì họ phải biết làm chứng cho niềm tin của mình trong thầm lặng bằng một đời sống hoà hợp với đức tin, nêu gương sáng về tính lương thiện, trung thực và bác ái. 
CN Chúa Chiên Lành, 17. 4. 05

1 nhận xét:

  1. Cám ơn cha Hồng Giáo đã chia sẻ với chúng con bài viết này.Đọc bài của cha,chúng con gần như mất đi mặc cảm "đứt gánh giữa đường" trong ơn gọi tu trì.Chúng con cũng cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhựng năm tháng được tôi luyện trong đời sống tu để bây giờ trở thành người Kito hữu đích thực.(P.Ng sơn Thạch)

    Trả lờiXóa