Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

TINH THẦN ASSISI !

Tinh Thần Assisi
VietCatholic News (28 Jan 2011 22:51)
Chính Chân Phúc tương lai, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã sáng chế ra thuật ngữ Tinh Thần Assisi vào năm 1986 khi ngài quyết định mời gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tới Assisi cùng cầu nguyện với ngài cho hòa bình thế giới. Mục đích cầu nguyện này dường như được đại đa số những người có thiện chí ủng hộ.

Trong số những người này ta thấy có Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người từng được tham dự vào việc thai nghén ra dự án và thấy nó đâm trồi nẩy lộc. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm dự án này, Đức Hồng Y bảo rằng: hôm dự án được công bố, ngài nghe thấy “trái tim thế giới rung động”. Đối với ngài, Đức Gioan Phaolô II là một “tiên tri dám nói dám làm” (audacious prophet) và ngày 27 tháng 10 năm 1986, ngày có cầu vồng xuất hiện trên nền trời Assisi như dấu hiệu hữu hình của tình thuận hảo giữa Thiên Chúa và miêu duệ Nôê, nước mắt cảm động của nhiều người, kể cả những vị vọng, đã lăn trên đôi má. Một biến cố độc nhất vô nhị (hapax). Phát sinh từ khát vọng hòa bình. Thôi thúc ta “đến với nhau để cầu nguyện nhưng không cầu nguyện với nhau” (to come together to pray but not to pray together). Một nguyên tắc đã được chính Đức Gioan Phaolô II giải thích để đánh tan những âu lo trước bóng dáng một chủ nghĩa chiết trung biểu kiến, sợ rằng tính đặc trưng Kitô Giáo có thể bị hòa tan.

Đức Hồng Y Etchegaray cho rằng: Assisi đã giúp Giáo Hội thực hiện một bước nhẩy vọt hướng về các tôn giáo không phải là Kitô Giáo, là những tôn giáo “tới lúc đó, đối với chúng ta, vẫn như còn sống trên một hành tinh khác, bất chấp các giáo huấn của Đức Phaolô VI (Thông Điệp Ecclesiam Suam) và của Công Đồng Vatican II (Tuyên Ngôn Nostra Aetate). Cuộc gặp gỡ hay đúng hơn sự va chạm giữa các tôn giáo chắc chắn là một trong các thách đố lớn nhất thời ta, lớn hơn cả cuộc va chạm với chủ nghĩa vô thần. Mỗi lần từ các nước theo Hồi Giáo, Phật Giáo hay Ấn Độ Giáo trở về, Đức Hồng Y đều tự hỏi mình: Thiên Chúa đã làm gì với Đức Giêsu Kitô khi Kitô Giáo cứ càng ngày càng bị thu nhỏ lại hay tự thu nhỏ lại trên một lục địa đang bột phát về dân số như Á Châu? Một câu hỏi như thế chỉ có thể bổ ích vì nó liên quan tới vấn đề nền tảng của cứu rỗi; nó chính là mũi nhọn vừa thanh tẩy vừa củng cố các lý lẽ tại sao ta là Kitô Hữu. Assisi là một biểu tượng, nói lên điều Giáo Hội phải làm vì chính ơn gọi đặc trưng của mình trước một thế giới đa nguyên tôn giáo, là tuyên xưng tính thống nhất của mầu nhiệm cứu rỗi nơi Đức Giêsu Kitô.

Có lẽ để giải thích thêm cho những tim óc còn hoài nghi, ngày 22 tháng 12 năm 1986, lên tiếng với các vị hồng y và thành viên của Giáo Triều, Đức Gioan Phaolô II đề cập tới thần học tôn giáo của ngài. Ngài nhấn mạnh tới sự mầu nhiệm của tính thống nhất nơi gia đình nhân loại đặt căn bản cả trên sáng thế lẫn cứu thế nơi Đức Giêsu Kitô: “Các dị biệt chỉ là yếu tố kém quan trọng so với tính thống nhất vốn có tính căn để, nền tảng và quyết định”. Bởi thế, Assisi giúp nhiều người cơ hội lên tiếng làm chứng cho một cảm nghiệm chân chính về Thiên Chúa giữa lòng tôn giáo riêng của họ. Đức Gioan Phaolô II nói thêm: “Mọi lời cầu nguyện chân chính đều được cổ vũ bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vốn hiện diện một cách huyền nhiệm trong trái tim mỗi con người nhân bản”.

Tuy nhiên, vẫn có những người nhìn theo hướng khác. John Vennari, viết trên tờ Catholic Family News số tháng 4 năm 2002, ngầm cho thấy thuật ngữ Tinh Thần Assisi cũng chỉ là một trong những khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa, không có chất lượng, không chuyên chở được hình ảnh thực sự của điều chúng muốn cổ vũ. Những khẩu hiệu này đang tràn ngập khắp các phố thị hiện đại của ta. Nhân cơ hội này, ông tấn công luôn những khẩu hiệu đại loại như “mùa xuân mới”, “văn minh tình yêu” và “Lễ Hiện Xuống Mới”. Người ta sợ ông muốn “vuốt râu” cả những vị giáo hoàng vĩ đại như Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Riêng thuật ngữ Tinh Thần Assisi, Vennari cho rằng hẳn nó cố tình gợi lên ý niệm liên hệ với Thánh Phanxicô thành Assisi. Nhưng thực ra, nó có ăn uống gì với Thánh Phanxicô hay không? Và ông trả lời ngay: không hề, trái lại, còn đi ngược hẳn lại tinh thần Thánh Phanxicô nữa. Vì nếu Thánh Phanxicô được chứng kiến những gì xẩy ra tại Assisi ngày 27 tháng 10 năm 1986, hẳn ngài sẽ phát rét vì kinh hoàng. Nó gồm đủ thứ hầm bà làng xí cáu mà dưới ngòi bút của Vennari là: Công Giáo, Thệ Phản, Chính Thống, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Vạn Vật Hữu Linh (animists), Ấn Giáo, Bái Hỏa Giáo (Zoroastrians), Phù Thủy Chữa Bệnh, và nhiều thứ khác, “tụ tập tại một chỗ để cầu cho hòa bình: Người Công Giáo thì cầu cùng Thiên Chúa chân thật, còn các thành viên các tôn giáo sai lầm thì cầu cùng các thần phật sai lầm của họ”. Không còn gì mâu thuẫn với tinh thần Thánh Phanxicô Assisi đến thế! Đặt tôn giáo duy nhất chân thật của Đức Giêsu Kitô trên cùng một bình diện với các tín ngưỡng sai lầm khác. Sách Thánh nói rõ: “chư thần các nước đều là ma quỷ” (Tv 45:5).

Chưa nói tới quan điểm thần học, chỉ thưa ngay là Vennari hình như trích dẫn Thánh Kinh không đúng. Thánh Vịnh 45, câu 5 không nói gì tới thần ngoại giáo. Cùng lắm có Thánh Vịnh 96 câu 5 nói như thế này: Chư thần các nước thẩy đều hư ảo”. Hư ảo đây là ngẫu thần, chứ không hẳn ma qủy. Vennari thuộc nhóm của Tổng Giám Mục Ly Khai Lefèbre, nên dễ hiểu là ông cố tình lái người đọc theo hướng khác với hướng của Đức Gioan Phaolô II. Nhưng gần đây, theo Sandro Magister trên tờ Chiesa ngày 14 tháng 1 vừa qua, nhân dịp nghe Đức Bênêđíctô loan báo sẽ đi Assisi để chủ tọa một cuộc gặp gỡ liên tôn theo khuôn mẫu 27 tháng 10 năm 1986 của vị tiền nhiệm, Giáo Sư Roberto de Mattei, tác giả một cuốn lịch sử về Công Đồng Vatican II, đã lên tiếng khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng làm thế nào để cuộc gặp gỡ Assisi “không bùng phát lại những lẫn lộn của chủ nghĩa chiết trung như cuộc gặp gỡ lần đầu ngày 27 tháng 10 năm 1986…”. Sở dĩ ông và các đồng chí lên tiếng như thế là vì họ nghĩ rằng hồi còn là Hồng Y Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI không những không tham dự nghi thức trên, mà còn lên tiếng chỉ trích (?). Họ cũng cho rằng năm 2000, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, dưới sự lãnh đạo của Đức HY Ratzinger, đã ra tuyên ngôn “Dominus Jesus” để chống lại việc đặt tất cả mọi tôn giáo lên cùng một bình diện như nhau, đều là nguồn mạch của cứu rỗi.

Ở đây, cần nhấn mạnh ngay rằng mục tiêu hàng đầu của “Dominus Jesus” không hẳn nhằm đả phá việc đặt mọi tôn giáo trên cùng một bình diện trong tư cách nguồn mạch cứu độ, mà là nhằm khẳng định rằng: không có Đấng Cứu Độ nào ngoài Chúa Giêsu Kitô.

Thực ra, về cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi trong cái hiểu của Đức Gioan Phaolô II, ngay khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã nói rõ quan điểm của ngài, một quan điểm hoàn toàn nhất trí với vị tiền nhiệm. Theo tờ The Tablet, trong một bức thư gửi Đức Cha Domenico Sorentino của giáo phận Assisi, được công bố tại Buổi Cầu Nguyện Liên Tôn Cho Hoà Bình Lần Thứ 20 năm 2006, Đức Thánh Cha hoàn toàn ủng hộ biến cố cầu nguyện liên tôn này vì đã chứng tỏ rằng cầu nguyện không chia rẽ mà hợp nhất, và đã nhập thân các tiền đề đối thoại trong tuyên ngôn Nostra Aetate của Vatican II. Trong cuộc viếng thăm Assisi ngày 17 tháng 6 năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô hồi tâm, Đức Bênêđíctô XVI còn gọi sáng kiến liên tôn của Đức Gioan Phaolô II là có tính trực giác tiên tri và là một thời điểm hồng ân. Chính vì thế, tờ The Tablet khuyên những người vẫn coi Đức Gioan Phaolô II chỉ là “Giáo Hoàng của Assisi” và những ai vẫn còn do dự không chịu thừa nhận cuộc đối thoại liên tôn do Vatican II chủ xướng đừng nên cầu cứu Đức Bênêđíctô XVI.

Cuộc Hồi Tâm của Chàng Tuổi Trẻ Phanxixô

Điều lý thú là nhân dịp viếng Assisi năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI gián tiếp nhấn mạnh đến sự tương hợp của Thánh Phanxicô với “Tinh Thần Assisi” khi đề cập đến việc hồi tâm của ngài. Khác với việc hồi tâm của Thánh Vương Đavít, người đã trở về từ những sai phạm tầy trời, Thánh Phanxicô trở về từ những sai phạm thuộc loại khác. Trong bản chúc thư viết vào cuối đời, ngài coi 25 năm đầu đời là “sống trong tội”. Nhưng tội đây được Thánh Phanxicô coi như việc tổ chức trọn đời mình quanh việc theo đuổi những giấc mộng phù vân của vinh quang trần thế. Thái độ ấy khiến ngài tởm gớm mỗi lần thấy người cùi hủi, không làm sao thắng phục được sự gớm ghiếc thể xác của họ để nhìn nhận họ như anh em trong yêu thương. Hồi tâm, đối với ngài, chính là biểu lộ lòng cảm thương đối với những con người này và nhờ thế nhận được lòng xót thương cho chính mình. Phục vụ người cùi, đến độ ôm hôn họ, không còn là một nghĩa cử nhân đạo, một thứ hồi tâm có tính xã hội, nhưng là một cảm nghiệm tôn giáo chính danh do sáng kiến ơn thánh và tình yêu Chúa thúc đẩy. Ngài nói: “Chính Chúa đã dẫn dắt tôi tới với họ. Điều lúc trước xem ra tởm gớm nay đã biến thành dịu ngọt trong hồn và trong xác tôi” (Chúc Thư 3). Câu kết luận của Đức Bênêđíctô XVI về thứ hồi tâm này như sau: “Vâng, thưa anh chị em, hồi hướng về tình yêu nghĩa là từ đắng cay bước vào dịu ngọt, từ sầu đau bước vào niềm vui chân thực. Con người chỉ thực sự là chính mình và hoàn toàn hoàn thành chính mình bao lâu họ biết sống với Thiên Chúa và bằng Thiên Chúa, biết nhìn nhận và yêu thương Người trong anh chị em mình”.

Những người ngoại giáo, kể cả những thầy lang phù thủy đi chăng nữa, chắc cũng chỉ gớm ghiếc, nếu có, như những người cùi hủi. Tất cả đều hiện hữu trong tình yêu của Phanxicô Assisi. Tinh Thần Assisi cũng chính là tình yêu này. Sự gớm ghiếc, dù là thể lý, dù là tinh thần, nơi anh chị em mình trong gia đình nhân loại không thể là lý do khiến mình không thể cầu nguyện với họ trong cùng một nơi chốn, “come together to pray but not to pray together”.

Cũng trong bài giảng trên, Đức Bênêđíctô XVI bình luận đoạn Tin Mừng Luca nói về người đàn bà tội lỗi dùng nước mắt mình rửa chân cho Người Rao Giảng Nay Đây Mai Đó khắp vùng Galilê, một cử chỉ làm ngỡ ngàng các bậc “công chính” của Giêrusalem, những người luôn ngồi ở ghế xử án. Đức Giáo Hoàng lưu ý mọi người tới thái độ âu yếm của Chúa Giêsu đối với Chị, một người luôn luôn bị người ta khai thác và phán xử. Nơi Người, Chị nhận ra đôi mắt thanh trong, một trái tim biết yêu mà không khai thác.

Có điều cái trái tim ấy không hề cho luật luân lý vào ngoặc đơn. Đối với Chúa Giêsu, tốt vẫn tốt mà xấu vẫn là xấu. Lòng cảm thương hay xót thương hay gì gì đi nữa cũng vẫn không thay đổi hơi hướm của tội nhưng đã hủy thiêu nó trong ngọn lửa yêu thương. Tất cả những điều này đều phản ảnh trong cuộc hồi tâm của chàng tuổi trẻ Phanxicô, con người đã trở thành hiện đại hơn nhiều người hiện đại, dù là mang so sánh với các chủ đề lớn của ta hiện nay như tìm kiếm hòa bình, bảo vệ thiên nhiên, cổ vũ đối thoại giữa các dân tộc. Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “Trong tất cả các vấn đề ấy, Phanxicô quả là thầy dạy đích thực”.

Sau lời quả quyết ấy, Đức Bênêđíctô nhắc lại biến cố 27 tháng 10 năm 1986 và gọi nó là “một trực giác tiên tri và một thời điểm hồng ân”. Sự liên hệ giữa Tinh Thần Assisi và Thánh Phanxicô Assisi không còn gì rõ ràng hơn: “Việc chọn cử hành cuộc gặp gỡ tại Assisi thực sự đã được thúc đẩy do chứng tá của Phanxicô, một con người của hòa bình, một con người mà rất nhiều người, dù thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác, vẫn đều ngưỡng mộ”.

Đức Bênêđíctô XVI nói rõ thêm: “Ánh sáng của Người Nghèo Hèn trên sáng kiến này bảo đảm được tính chân chính Kitô Giáo của nó, vì cuộc sống và sứ điệp của ngài rõ ràng đặt căn bản trên việc Chúa Kitô dứt khoát bác bỏ một cách tiên thiên bất cứ mưu toan nào chủ trương dửng dưng tôn giáo, một chủ trương không hề ăn nhằm gì tới cuộc đối thoại liên tôn đúng nghĩa. Tinh Thần Assisi, từng được phổ biến khắp thế giới kể từ biến cố kia, chống lại tinh thần bạo lực và việc lạm dụng tôn giáo làm cớ để bạo hành. Assisi nói cho ta hay: lòng trung thành với xác tín tôn giáo riêng của mình, và nhất là trung thành với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Đã Sống Lại, không được diễn tả bằng bạo lực và bất khoan dung nhưng bằng lòng kính trọng thành thực đối với người khác, bằng đối thoại, bằng một tuyên dương cổ vũ tự do và lý trí và bằng một dấn thân cho hòa bình và hòa giải. Không phối hợp được việc chấp nhận, việc đối thoại và việc tôn trọng mọi người với xác tín đức tin mà mỗi Kitô Hữu, giống như Thánh Phanxicô Assisi, có nhiệm vụ phải phát huy, nhằm tuyên xưng rằng Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con người (xem Ga 14:6), là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế giới, đều không phải là thái độ của Tin Mừng cũng như thái độ của Thánh Phanxicô”.

Vượt không gian

Tinh Thần Assisi ngày nay đã vượt không gian, không nhất thiết phải gò bó tại đất thánh của Phanxicô nữa. Thực vậy năm 2009, biến cố cầu nguyện liên tôn cho hòa bình thế giới đã diễn ra tại Auschwitz-Birkenau, trại tập trung nổi tiếng của Đức Quốc Xã, thuộc Ba Lan, do sáng kiến của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, vốn là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II và hiện là Tổng Giám Mục Krakow, và sự phối hợp của Cộng Đồng Sant'Egidio. Chủ đề buổi cầu nguyện liên tôn này là “Tinh Thần Assisi tại Krakow” để tưởng niệm 70 năm Thế Chiến II. Tại buổi cầu nguyện liên tôn này, Đại Giáo Sĩ David Rosen, giám đốc Văn Phòng Liên Tôn của Ủy Ban Do Thái Giáo Mỹ, phát biểu rằng “chính một người con của Krakow (Đức Gioan Phaolô II) đã đem chúng ta gần lại cái nhìn” về một nền hòa bình như tiên tri Isaia đã viết.

Tinh Thần Assisi cũng đã vượt qua nhiều tranh chấp biểu kiến để hướng tới đối thoại. John Borelli của tờ The Tablet nhận xét rằng dù một số người Hồi Giáo phản đối bài diễn văn Regensburg của Đức Bênêđíctô XVI, cuộc đối thoại liên tôn, được Đức Gioan Phaolô II khởi xướng tại thành phố của Thánh Phanxicô, vẫn tiếp tục khai triển và đề cập tới những mối quan tâm và sợ sệt của các tín hữu hoàn cầu. Thực vậy, 20 năm sau biến cố Assisi, thế giới Ả Rập đã chào đón việc Đức Bênêđíctô XVI đề cử Đức TGM Michael Fitgerald qua Cairo làm đặc sứ của ngài bên cạnh Liên Đoàn Ả Rập. Đến độ có người đã phải nhận định: “Chỉ dưới sự lãnh đạo của ngài… Vatican mới có khả năng thiết lập được và tiếp nối các cuộc đối thoại với người Hồi Giáo”. Một tiến bộ khác cũng do Tinh Thần Assisi tạo ra là các cuộc đối thoại liên tôn ngày nay, theo Borelli, đã đang diễn tiến phần lớn ở bình diện địa phương. Tại Mỹ, năm 2006, đã có ba cuộc đối thoại hàng năm với người Hồi Giáo, tập chú vào công trình thần học, mà một số đã được công bố thành sách.

Borelli rất hiểu Tinh Thần Assisi khi cho rằng: “Mục tiêu của đối thoại liên tôn không phải là việc thống nhất thờ phượng và học thuyết; đúng hơn, nó nhằm các mục tiêu khác có giá trị, như tính hỗ tương trong hiểu biết và chia sẻ tâm linh, cùng chung nghiên cứu các đề tài, hàn gắn hiệu quả các tranh cãi quá khứ, và hợp tác để bảo đảm công lý và chăm sóc những người túng thiếu. Giống việc đại kết tâm linh, đối thoại liên tôn có thể trở thành một thực hành tâm linh”.

Cũng cần lưu ý, ngay từ đầu triều đại của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh thêm nhiều chiều kích đối thoại đa phương khác nữa. Trong diễn văn tháng 12 năm 2005 với Giáo Triều về việc giải thích đúng đắn Vatican II, trước khi nói tới đối thoại liên tôn, ngài đề cập tới cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin nhất là tại Âu Châu. Nhân dịp này ngài nêu ra 3 câu hỏi liên quan tới mối liên hệ giữa đức tin và khoa học hiện đại, mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước hiện đại nhằm dành cho các công dân thuộc các tôn giáo và ý thức hệ khác nhau được đối xử một cách không thiên vị, và vấn đề khoan dung tôn giáo, một vấn đề đòi hỏi phải có “một định nghĩa mới cho mối liên hệ giữa đức tin Kitô Giáo và các tôn giáo thế giới”. Ngài muốn đặt cuộc đối thoại liên tôn trong bối cảnh rộng rãi hơn của tự do và khoan dung tôn giáo cũng như các giá trị chung để đối phó với chủ nghĩa duy tương đối đang thịnh hành.

Linh Mục James V. Schall, S.J., trên tuần san America ngày 16 tháng 10 năm 2006 nhìn cuộc đối thoại liên tôn dưới một khía cạnh khác. Ngài cho rằng, căn cứ vào sự kiện mọi con người nhân bản đều có khả năng nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, nên hết thẩy đều là anh chị em với nhau. Đàng khác, mọi tôn giáo đều tuyên xưng mối liên hệ gần gũi giữa sự hiện hữu của Thiên Chúa và các mối liên hệ đạo đức thích đáng. Nhưng những điểm chung ấy có đủ để biện minh cho việc cầu nguyện chung với nhau hay không? Ở đây ta cần giới hạn vào việc cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau và các yếu tố này phải đến cùng một lúc. Trước nhất, nó bắt đầu trong trái tim con người. Mà trái tim con người chính là chỗ để Thiên Chúa can thiệp. Việc nhấn mạnh tới cuộc sống nội tâm của mỗi người này có nghĩa là ta phải nhìn vào cả mối tương quan “chiều dọc” với Thiên Chúa, chứ không chỉ nhìn vào mối tương quan “chiều ngang” với nhau mà thôi. Việc cầu nguyện chung cho hòa bình vì thế là điều thích hợp. Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “Giống Kitô hữu chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo khác biết rằng trong cầu nguyện, người ta có thể có cảm nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa và từ cảm nghiệm ấy họ rút tỉa được sáng kiến hữu hiệu để hiến thân phục vụ chính nghĩa hòa bình”.

Điểm cuối cùng, theo phúc trình của các hãng tin cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, trong thông điệp đầu năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI còn cho thấy không những ngài ủng hộ sáng kiến của vị tiền nhiệm, mà ngài còn đề cao nó nữa bằng cách nâng nó lên hàng “Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình” (Peace Summit) sẽ được tổ chức tại Assisi vào tháng 10 năm 2011 để “long trọng canh tân cố gắng của những người có niềm tin thuộc mọi tôn giáo nhằm sống thực niềm tin của mình để phục vụ chính nghĩa hòa bình”. Dù trước đó mấy giờ đồng hồ, một trái bom đã sát hại nhiều Kitô hữu tại Ai Cập. Khó khăn và hiểu lầm vẫn không làm chùn bước các cố gắng đối thoại liên tôn, nhất là để phục vụ chính nghĩa hòa bình.
Vũ Văn An

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

CPS CHÚC TẾT TỈNH DÒNG !




10g ngày 30/1/2011,Đại diện cho ACE .CPS khắp nơi , 10 Anh Em vùng SG-Thủ đức tập trung tại Dakao chúc Tết Tỉnh Dòng.
Cuộc họp mặt thắm Tình Gia đình:
-Cha GT Vũ Phan Long chia sẻ về nguyện vọng muốn dấn thân tích cực hơn của Tỉnh Dòng sau Tu nghị vừa qua (Trong việc dấn thân này,CPS cũng sẽ có phần !) . GT còn chia sẻ cảm nhận rất đặc biệt về việc hiện diện của chiếc áo Dòng PHANXICO trong phái đoàn Tòa Thánh dịp Đai hội La vang ( Quả là Tình thương của Chúa với Dòng AEHM VN,lòng ưu ái của Tòa Thánh...)
-AE cũng dành ít phút cầu Bình An cho mọi Gia đình CPS khắp nơi và nhận phép lành của Chúa qua chuyển đạt của Cha GT

CPS HẢI NGOẠI (MỸ) GẶP GỠ GIÁP TẾT !!!




22/1/2011 AC NGÔ VĂN HUỆ (L.SƠN THẠCH) tổ chức đám cưới cho con trai.
ACE.CPS Hải ngoại lại có dịp gặp gỡ thân tình,không phân biệt cấp lớp !
"Kìa xem Anh Em sống chung một nhà..." !!!
Xin chúc mứng Anh Chị HUỆ có dâu mới !
Xin chúc Đôi Tân hôn luôn Hạnh phúc trong Tình yêu của mình !!!
(Hình do PHI NGHỆ gửi )

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

CHO NHAU MÙA XUÂN !

Photobucket
Cho nhau một mùa xuân
VietCatholic News (28 Jan 2011 10:44)
Mùa xuân đến.

Mỗi người đang nhận được thật nhiều hồng ân.

Hồng ân không đếm được như tiền lì xì năm mới, hay nhìn thấy được như những trang phục mới,  nhưng có thể cảm nghiệm được chỉ trong một phút lắng lòng nghe mùa xuân đang nói, mùa xuân đang hát, mùa xuân đang rạo rực trong lòng.

Ai cũng đã có hơn một lần nhầm lẫn tiếng xuân nói, tiếng xuân hát với tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng người rộn rã mừng xuân, tiếng chúc mừng năm mới, tiếng nhạc tiếng đàn nơi nơi từ thôn quê lên phố thị… Tưởng như là xuân đấy sao?

Không, trăm ngàn lần không. Vì âm thanh của mùa xuân rất trầm lắng trong cõi lòng, tai nhân gian không thể nào nghe được. Tiếng nói của mùa xuân rất đỗi nhẹ nhàng êm ái, đến nỗi phải tách ra khỏi những âm thanh hỗn độn của cuộc đời, con người mới có thể nghe được. Có người nói với tôi “em đang nghe mùa xuân về”, hay “em đang nghe mùa xuân nói”. Tôi hỏi lại: “Mùa xuân thế nào, mùa xuân nói gì em ơi”, thì không thấy trả lời, hoặc trả lời rằng: “anh hỏi gì kỳ vậy!”. Nhưng cũng có người cho tôi biết “Mùa xuân đẹp tinh khôi, mùa xuân tuyệt trong trắng, mùa xuân nói rằng Em đẹp vô ngần, Em tinh tuyền lắm, hãy bước vào với mùa xuân”.

Cảm ơn em. Câu trả lời của em nhắc nhớ tôi về nét đẹp tinh tuyền của Mùa Xuân.

Vâng, đã có Mùa Xuân đầu tiên trên dương gian này: Mùa xuân tinh tuyền đến nỗi có thể nói, có gió xuân nhẹ bay, có cuốn cả những hạt bụi trần nhưng hạt bụi trần còn óng ánh như pha lê tinh khiết. Mùa xuân mà sách Sáng Thế ghi lại là Thiên Chúa thích xuống dạo chơi với con người, một tạo vật đẹp tuyệt vời vì mang hình ảnh của Thiên Chúa. Một mùa xuân hòa bình bởi lòng người luôn chan chứa niềm hạnh phúc bình an: có Thiên Chúa ở với con người, được Thiên Chúa vui thích tung tăng múahát dạo chơi cùng muôn tạo vật trong vườn địa đàng, hoa xuân không tàn vì thời gian vô hạn, tình yêu vô biên.

Cảm ơn em, làm tôi nghĩ đến Mùa Xuân của Noe sau lụt Đại Hồng Thủy. Con chim bồ câu ngậm cành ô liu mới nhú trở về, báo tin Xuân đang đến, tất cả đều đang rất mới, đang tràn trề một sức sống mới trên địa cầu đã được thanh tẩy. Dòng nước của cơn hồng thủy đã cuốn trôi đi một thế giới cũ, một trần gian cũ, để thiết lập một trần gian mới, một thế giới mới tuyệt tinh tuyền, một mùa xuân mới.

Có một mùa xuân bắt đầu từ lòng khiêm cung vĩ đại của cô thôn nữ trinh nguyên diễm kiều được Thiên Chúa để mắt yêu thương. Thiên Chúa bàn bạc, hỏi ý kiến cô về việc cho phép Ngài thực hiện một mùa xuân cứu thế, bắt đầu từ cung lòng trinh nữ của cô. Và chỉ từ hai tiếng “xin vâng”, Mùa Xuân Cứu Thế đã khởi đầu. Mùa xuân lắng trong cung lòng thôn nữ khiêm cung và trầm lắng.

Vâng Mùa Xuân Cứu Thế, một mùa xuân thánh khiết tinh khôi. Giữa đêm đông cất tiếng khóc con người. Đêm cực thánh chồi Giêsê nẩy lộc. Một mầm Xuân Cứu Thế đã ra đời. Thế đấy, Xuân mãi tinh tuyền, trong thân phận bé thơ. Máng chiên lừa tanh hôi không đủ làm cho Xuân ra nhơ uế, mà ngược lại, ánh sáng tinh tuyền của Xuân đã biến máng chiên lừa tanh hôi nên chiếc nôi trọng thể cho Mùa Xuân Giáng Thế.

Mùa xuân nay đã thành nhục thể. Giữa trần gian rong ruổi kiếp nhân sinh.

Vâng, đúng thế, xuân rong ruổi kiếp nhân sinh, từ một buổi sáng xuân thanh bình, trên dòng sông Giordano lờ lững. Các tầng trời ngàn xưa đóng kín, nay phải mở ra long trọng, cùng với tiếng loa thần vọng xuống: Đây Xuân Mới, Con Chúa Trời yêu chuộng, cả nhân gian hãy đón lấy hồng ân.

Tôi còn nhớ có một mùa xuân rất riêng của một người tên là Matthêu, của một người khác tên là Giakêu, của mười người phung hủi, của cuộc đời cô gái Madaleine đẫm lệ, của người trộm lành, và cả của người lính kia bừng tỉnh đón xuân khi đất động, núi đã vỡ tung… Cả nhân gian hãy đón lấy hồng ân Mùa Xuân là đón lấy chính Con Người của Mùa Xuân Mới.

Vì Xuân đi mười phương cõi dương trần. Để tái thiết một mùa xuân tinh khiết. Mùa xuân tình thương tự cõi trời tha thiết. Muốn du xuân, múa hát với phàm nhân…

Chiêc cầu du xuân của Thiên Chúa đã nối lại. Chiêc cầu mang hình thập tự từ đất lên tới trời. Nắng xuân bên kia cầu Thập Tự, đổ tràn về ấm cả trần gian

Tạ ơn Mùa Xuân mới đã đến, với phúc lộc muôn ngàn. Tạ ơn trời cao đã ban tặng Mùa Xuân Mới, Mùa Xuân Ơn Cứu Rỗi: CHÚA GIÊSU KITÔ, MÙA XUÂN CỦA CUỘC ĐỜI CHÚNG CON.

Bây giờ thì tôi hiểu tiếng Mùa Xuân nói với em: “Em hãy đẹp tinh khôi, Em hãy tuyệt trong trắng bước vào với Mùa Xuân”.

Vâng, vì yêu Đức Giêsu, vì ước ao được hưởng trọn Chúa Giêsu, hưởng trọn Mùa Xuân Cứu Thế mà em được thôi thúc nên toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ làm một với Ngài. Em xứng đáng được vui xuân với Ngài. Em có một mùa xuân bình an hạnh phúc, vì em có chính Ngài, Chúa Giêsu, Mùa Xuân của em.

Hãy cho nhau Mùa Xuân Tinh Tuyền, Thánh Khiết.

Hãy chia nhau Chúa Giêsu, quà tặng Mùa Xuân tự trời cao ban xuống, để mọi người cùng sống trong Một Mùa Xuân An Bình, Hạnh Phúc.


28-1-2011
PM. Cao Huy Hoàng

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

"8 KHÔNG"...ĐỂ NĂM MỚI SỐNG KHỎE MẠNH !

TÁM KHÔNG
Simone HÒA (Bình thạnh )gửi
Bảo vệ duy trì và năng cao sức khỏe chính là chìa khóacủa cuộc sống.
Để sức khỏe ngày càng tốt hơn, chúng ta hãy làm quen với chữ “không”.
1. Không có chuyện vui cũng tươi cười
Nụ cười ngày càng được các chuyên gia sức khỏe coi trọng bởi nó được coi là một phương pháp phòng ngừa ung thư hiệu quảvà là một trong những bí quyết sống lâu.
2. Không đau ốm cũng kiểm tra
Một số căn bệnh trong giai đoạn đầu không có những triệu chứng rõ ràng, phải thông qua kiểm tra mới có thể phát hiện. Nên kiểm tra sức khỏe một năm 1 lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh.
3. Không khát cũng uống nước
Nước là thành phần cơ bản duy trì hoạt động sống của cơ thể, thiếu nước dẫn đến suy gan, thận, nồng độ đông trong máu tăng cao, gây tắc động mạch ở tim và não. Khi cảm thấy khát nước chính là lúc cơ thể bạn đã thiếu nước một cách trầm trọng. Nên chủ động uống nước, không nên để khát mới uống.
4. Không bệnh tật cũng bồi bổ
Căn cứ từng mùa, thể chất, độ tuổi và loại bệnh khác nhau để bổ sung chất dinh dưỡng. Ví dụ người già dễ bị gãy xương hay nặng tai nên sớm bổ sung chất sắt và canxi.
Nên phân biệt các loại bệnh khác nhau để bổ sung dinh dưỡng hợp lý như bệnh nhân thiếu máu nên ăn táo tàu, người khí nhược nên dùng thêm nhân sâm…
5. Không buồn ngủ cũng ngủ nghỉ

Buồn ngủ là hiện tượng xuất hiện khi đại não làm việc quá mức, không nên đợi đến khi thực sự buồn ngủ mới đi ngủ. Nên hình thành thói quen đi ngủ đúng giờ bảo vệ đại não và nâng cao phẩm chất giấc ngủ và giảm mất ngủ.
6. Không mệt mỏi cũng nghỉ ngơi
Sau khi làm việc, học tập, lao động hay vận động, dù không cảm thấy mệt mỏi cũng nên nghỉ ngơi. Bởi khi vận động, các chất độc và cặn bã trong cơ thể đã được bài tiết ra ngoài theo tuyến mồ hôi, nghỉ ngơi giúp tinh thần sảng khoái, diệt trừ các mầm bệnh trong cơ thể và phòng ngừa lao lực
7. Không đói cũng ăn
Thói quen thích ăn lúc nào thì ăn, chỉ khi đói mới ăn sẽ dễ gây viêm dạ dày hay các bệnh về tiêu hóa vì khi cảm thấy đó i tức là dạ dày đã bị rỗng, dịch vị dạ dày đang không có gì để “ăn”.
8. Không muốn cũng cần đi vệ sinh
Đại, tiểu tiện đúng thời gian giúp kịp thời thải các chất độc trong cơ thể, làm sạch nội tạng có lợi cho khả năng tiêu hóa và hấp thụ.  Người trung niên và người già thường mắc bệnh đi ngoài do đó nếu hàng ngày đi vệ sinh đúng giờ sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, rất tốt cho đại tràng. Nếu lâu ngày không đại, tiểu tiện sẽ khiến độc tố trong phân và nước tiểu không ngừng bị cơ thể hấp thụ lại dẫn đến tự thân trúng độc.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

TẾT LẠNH CĂM,TẾT KHỔ ĐAU CỦA BAO NGƯỜI !!!


Cầu nguyện trước khi lên đường .

21-25/1/2011,hai AE.CPS tham gia đoàn NHÀ TÌM HIỂU Thủ đức đi "hành hương" Đất Nước từ Sài gòn đến TP.VINH để cảm nhận một cái Tết khó khăn đang chờ đón con dân Đất Việt.

-H1-2: Cầu nguyện trước khi lên đường.

-H.3 :Chủ yếu ngủ trên xe vì đường xa,thời gian ngắn và tiết kiệm chi phí .

-H.4,5 :Ăn đồ ăn mang theo (Bánh chưng,xôi,bánh mì...)

-H.9 :Ngày giữ đủ 3 giờ kinh sáng,trưa,chiều trên xe

-H.10-11,12 : Trời mưa lạnh,âm u suốt; lúa sau lũ chưa hồi phục...

-H.13,14,15 :Phố vắng tanh,chưa có chút màu sắc Xuân

-H.16,17,18,19 :Trẻ em trên đường Trường sơn đi học,đi làm rẫy và em bé không quần giữa rét lạnh

-H.20,21,22 :Xứ đạo (quê hương Thánh Tomas THIỆN ) nghèo,không nhà thờ giáo dân dự lễ ngoài trời giữa rét lạnh;chuông nhà thờ cổ đã sập không còn chỗ treo...

-H.23-28 :Niềm vui được chia sẻ nơi xứ đạo nghèo (Xứ Trung Quán,Quảng Bình)
-H.29-36:Niềm vui được chia sẻ nơi cô nhi viện Vinh Sơn (Pleiku)

-H.37-40:Viếng MẸ LAVANG (Cô đơn!) giữa đêm lạnh !

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

KITÔ GIÁO TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

http://gxthuanhoa.net/tintuc/images/stories/HinhBaiViet/TinGiaoHoi/chua%20giesu%20va%20cac%20tong%20do.jpg

NGỌC ĐẶNG gửi từ Pháp
Kitô giáo trong thế giới hôm nay

Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM

Trên Internet, tôi đọc một đoạn tin mà tôi cho là thật khó tin.
Một Ủy ban của Cộng đồng châu Âu đã in ra hơn ba triệu cuốn Agenda (Sổ tay), để phân phát cho học sinh các trường trung học của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó hoàn toàn không nhắc tới các ngày lễ của Kitô giáo, kể cả lễ Giáng Sinh, thế nhưng các lễ của Do-thái giáo, đạo Hin-đu (Ấn-độ), đạo người Sikhs và Hồi giáo thì lại được ghi đầy đủ. Tất nhiên một hành động như thế đã gây ngạc nhiên và thậm chí phẩn nộ trong quần chúng.

Mối thù ghét khó hiểu đối với Kitô giáo

Người ta hoàn toàn có lý khi nói tới một nỗi thù ghét Kitô giáo rất vô lối và vô lý tại Châu Âu hiện nay. Người châu Âu lớn tiếng lên án chủ trương bài Do Thái (Antisemitism) và bài Hồi giáo (Islamophoby), và như thế là đúng, trong lúc chính họ lại chống Kitô giáo là đạo đã làm nên nền văn hoá của mình. Ít lâu nay, Đức Thánh Cha thường nói tới thái độ thù ghét này đối với Kitô giáo, ( Christianophoby), được biểu lộ ra bằng nhiều cách. Chủ trương này không phải là nguyện vọng chung của quần chúng châu Âu mà do một số nhà chính trị và nhà hoạt động truyền thông tạo ra và tìm cách áp đặt trên dư luận.

Tìm cách xoá bỏ các dấu tích Kitô giáo trong xã hội

Câu chuyện thời sự về những cuốn sổ tay (Agenda) gợi cho tôi nhớ lại cuộc tranh luận chung quanh việc treo tượng thánh giá trong trường học tại Ý cách đây chỉ mấy năm. Đầu đuôi là do bà Lautzi, một phụ huynh học sinh phản đối nhà nước Ý và đòi phải cất các tượng thánh giá ra khỏi các phòng học của trường công, nơi các con bà theo học. Bà đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền của người công dân “được học hành và giáo dục phù hợp với những xác tín tôn giáo và triết lý của họ”, và trong trường hợp này, là sự tôn trọng tính trần tục của nhà nước. Chính quyền Ý coi tượng thánh giá trong các trường học không phải là một biểu lộ của niềm tin tôn giáo nhưng là một biểu thị văn hoá, vì Kitô giáo chiếm một vị trí rất đặc biệt trong văn hoá và lịch sử của nước Ý. Vì các toà án trong nước từ chối lời khiếu nại của bà, nên bà Lautzi đã nại lên Toà án châu Âu về Nhân quyền tại Strasbourg (Pháp). Toà án xét xử cho bà thắng kiện. Nhà nước Ý khiếu nại. Nhưng trong thực tế, phán quyết này  đã bị từ chối bởi hầu hết mọi người khuynh hữu cũng như khuynh tả trong một nước vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo công giáo. Một số nước, bắt đầu là Ba-lan, Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha, rồi 10 quốc gia khác cũng như một số tổ chức tôn giáo và ba mươi dân biểu của Quốc hội châu Âu đã lên tiếng ủng hộ chính phủ Ý.

Tranh cãi liên quan tới Kitô giáo trong Hiến chương châu Âu

Cũng chưa xa chúng ta bao nhiêu, trong cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu liên quan đến nội dung của Lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp châu Âu, đại diện chính quyền Pháp cũng nhất định chống lại việc nhắc tới Kitô giáo như yếu tố cốt yếu và tiêu biểu tạo nên văn hoá châu Âu. Họ bảo: Tây phương còn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo khác như Do-thái giáo, Hồi giáo, và những nền văn hoá Hy-lạp, La-mã, celtic, slave. Đúng thế, nhưng không thể chối cãi rằng tất cả đã được tiếp thu, nhào nặn bởi Kitô giáo là nguyên lý sáng tạo, khiến cho văn hoá châu Âu mang một nét riêng tư độc đáo. Ngay cả phong trào Khai Sáng thế kỷ XVIII đề cao tự do, dân chủ, nhân vị, nhân quyền, v.v. mà nước Pháp rất hãnh diện, cũng vẫn còn gián tiếp chịu ảnh hưởng của di sản Kitô giáo bởi vì nếu không có Kitô giáo thì cũng không có những giá trị mới mẻ hiện đại kia. Cũng vậy, khoa học kỹ thuật tuy vẫn có nhiều ít nơi nhiều nền văn minh khác, nhưng cũng chỉ được phát triển quy mô và triệt để ở châu Âu Kitô giáo mà thôi. Nói như thế là để cho thấy vai trò đặc biệt của Kitô giáo đối với văn minh này. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận sôi nổi, cuối cùng người ta đã đi tới một sự thoả hiệp. Lời mở đầu của Hiến Chương Liên hiệp châu Âu hiện nay quy chiếu về “những di sản văn hoá, tôn giáo và nhân văn của châu Âu”.  Danh từ “tôn giáo” được sử dụng thay cho “Kitô giáo”. Một thắng lợi đặc biệt của người Pháp.

Thái độ hai mặt

Trong thái độ của giới chính trị và truyền thông hiện nay, rõ ràng có sự kỳ thị đối với Kitô giáo. Hằng ngày, nhiều nơi trên thế giới người Kitô hữu bị đe doạ, bị đàn áp, bị bắt bớ, bị chém giết; nhà cửa họ, nhà thờ họ bị đốt phá. Bi đát nhất có lẽ là thiểu số người Kitô hữu ở Irak; những nhóm khủng bố làm mọi cách, kể cả chém giết để buộc họ phải rời đất nước ra đi. Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy nói tới một sự “thanh lọc tôn giáo”. Ở Pakistan, có luật chống xúc phạm tới nhà tiên tri Mohammed, tới Kinh Koran, thậm chí tới các nhà lãnh đạo Hồi giáo; những ai phạm luật này đều bị phạt hết sức nặng nề, không loại trừ bị xử tử. Bất cứ ai nghe một lời xúc phạm tới Hồi giáo đều có thể đến bót cảnh sát gần nhất và tố cáo. Nhưng ngay cả khi, trong một cuộc cãi vã giữa một người Hồi giáo và một người khác, người này nói xúc phạm tới người kia, người Hồi giáo vẫn có thể tố cáo họ về tội “phạm thánh” (blasphemy) –thật ra là vu cáo- và cảnh sát có quyền bắt họ nhốt ngay. Một vài nước còn có luật chống cải giáo (anti-conversion), theo nghĩa chính xác là cấm bỏ đạo mình đang theo để gia nhập một đạo khác, nhưng trong thực tế, luật này chỉ cấm người Hồi giáo hay người đạo Hin-đu cải đạo mà thôi, đàng khác nó còn nhắm tới mọi hoạt động truyền giáo hoặc bị coi là truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp của các tôn giáo khác (thường nhằm vào Kitô giáo) đối với tín đồ Hồi giáo và đạo Hin-đu (Ấn Độ).  
Tât cả những sự kiện nêu trên đều là vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Nhưng lạ thay, hầu hết các chính phủ đều im lặng. Giả sử đó là tình cảnh của một thiểu số tín đồ Hồi giáo hay tín đồ của một tôn giáo khác trong một nước đa số theo Kitô giáo, chắc chắn các chính khách và giới truyền thông châu Âu đã làm ầm ĩ lên rồi. Thái độ hai mặt này mang tính chính trị hay ý thức hệ, chứ không liên quan tới lương tâm đạo đức muốn bảo vệ công lý.

Sứ điệp ngày hoà bình thế giối 1-1-2011

Chúng ta phải đọc và hiểu Sứ điệp của ĐGH Bênêđitô XVI “Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hoà bình” nhân ngày hoà bình thế giới 1-1-2011, trong bối cảnh tự do tôn giáo bị vi phạm nói trên. Ngay trong đoạn mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:
Vào đầu Năm Mới, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tất cả mọi người và từng người; những lời cầu chúc khang an và thịnh vượng, nhưng nhất là lời cầu chúc an bình. Đáng tiếc là trong năm sắp chấm dứt cũng đã có những cuộc bách hại, kỳ thị và những hành vi kinh khủng bạo lực và bất bao dung về tôn giáo”. Rồi Đức Thánh Cha nhắc tới hai loại vi phạm tự do tôn giáo phổ biến hiện nay: “Thật là đau lòng khi nhận thấy tại một số miền trên thế giới người ta không thể tuyên xưng và tự do biểu lộ tôn giáo của mình, vì có nguy cơ bị mất mạng và mất tự do bản thân. Tại các miền khác, có những hình thức âm thầm và tinh vi hơn qua những thành kiến và chống đối các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo ” (số 1). Tự do tôn giáo có cội nguồn là phẩm giá con người, là bản tính siêu việt của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vi phạm quyền tự do tôn giáo là vi phạm nhân quyền. Tự do tôn giáo không giới hạn vào cá nhân mà còn có chiều kích xã hội, nó cũng không thu hẹp vào tự do phụng tự nhưng còn liên quan tới các hoạt động khác của tín hữu trong xã hội. Các cộng đoàn tôn giáo đóng góp không nhỏ cho công ích, đó là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt nên nói tới đóng góp của tôn giáo về mặt luân lý đạo đức trong lãnh vực chính trị. Đức Bênêđitô khẳng định:
 “Ta có thể nói rằng, trong số các quyền và tự do cơ bản có căn cội trong phẩm giá con người, tự do tôn giáo có một qui chế đặc biệt. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Trái lại, khi tự do tôn giáo bị chối bỏ, khi người ta toan tính ngăn cản việc tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng và cuộc sống phù hợp với tôn giáo, thì người ta xúc phạm đến phẩm giá con người, và đồng thời đe dọa công lý và hòa bình, là những điều dựa trên trật tự ngay thẳng của xã hội được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao” (số 5).
Nói cho cùng, vai trò thiết yếu của tôn giáo đối với đời sống con người, cá nhân cũng như thập thể, nằm trong lãnh vực luân lý đạo đức. Cả trong những trường hợp nó không được phép hoạt động trong phạm vi giáo dục, văn hoá và xã hội, một tôn giáo chân chính vẫn hữu ích cho cộng đồng như một “uy quyền” luân lý bảo vệ sự thiện và sự thật, và hướng dẫn tín đồ ăn ngay ở lành và trở nên người công dân tốt. Phải chăng chính là trong vai trò bảo vệ sự thật và sự thiện này mà Kitô giáo thường bị con người thời nay ghét bỏ vì họ có một quan niệm khác về tự do, chân lý và sự thiện?

19-1-2011

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

THÁNH QUAN DON BOSCO ĐẾN LINH XUÂN (THỦ ĐỨC)




Tối 18/1/2011,theo lời mời của A.TRỌNG (Cựu Don Bosco) ,AE CPS đến viếng THÁNH Quan DON BOSCO (đang du hành Thế giới) đến LINH XUÂN Thủ đức,nơi có Dòng Don Bosco.
Nơi đây,liên tục có Thánh Lễ cho khách hành hương,có các Linh mục thường xuyên ngồi tòa để ban Ơn Hòa giải,có Ơn Đai xá cho người có đủ điều kiện nhận lãnh.
Bà con nào quan tâm xin nhanh chân sắp xếp thời gian.Đây là sự kiện lành thánh hiếm có .

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

THƯ TU NGHỊ TỈNH DÒNG OFM.VN


 Thư Tu Nghị 2011 gửi các anh em trong Tỉnh Dòng
Chúng tôi, những anh em về tham dự Tu Nghị Tỉnh Dòng từ  ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng 2011, xin gửi đến anh em lời chào huynh đệ.
Xin Chúa ban bình an và phước lành cho anh em.
Thời gian họp Tu Nghị là thời gian cử hành sự hiện diện của Chúa giữa anh em chúng tôi. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện và cử hành thánh lễ. Chúng tôi đã cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và để Lời Chúa soi dẫn công việc chúng tôi làm.
Trong thời gian họp Tu Nghị, chúng tôi đã được tay bắt mặt mừng các anh em đến từ mọi miền đất nước và cả từ hải ngoại. Chúng tôi đã có những ngày sống trong tình huynh đệ chan hòa. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những niềm vui, những nỗi buồn, những thành tựu, những thất bại và ưu tư. Chúng tôi đã được nghe những việc kỳ diệu Chúa đã làm cho anh em và qua anh em tại các nơi anh em sinh sống và làm việc.
Theo đúng mục đích, thời gian Tu Nghị cũng là thời gian chúng tôi “làm luật”, nghĩa là ấn định những điều cần phải làm trong thời gian tới để thăng tiến đời tu và phục vụ đắc lực hơn cho xã hội, cho Giáo Hội và cho chính các cộng đoàn chúng ta. Để làm điều này chúng tôi khởi đi bằng việc xem xét những gì Tỉnh Dòng đã làm được và những gì chưa làm được trọn vẹn trong những điều đã quyết định tại Tu Nghị Tỉnh Dòng 2008. Chúng tôi đã lượng định hiện tình của Tỉnh Dòng, dựa trên báo cáo của anh Giám Tỉnh, của các Văn Phòng, các Ban trong Tỉnh Dòng và của các cộng đoàn. Chúng tôi đã cùng nhau lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần nói qua các dấu hiệu thời đại. Chúng tôi đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em được đúc kết trong các bản góp ý hay qua các góp ý riêng. Chúng tôi đã cùng nhau phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan của các việc đã làm được và chưa làm được.
Khi duyệt xét lại những việc đã làm trong thời gian ba năm qua, chúng tôi vui mừng trước những thành quả Chúa đã ban cho anh em chúng ta. Về mặt huấn luyện khởi đầu, số ứng sinh gia nhập các giai đoạn Tìm Hiểu, Thỉnh Sinh, và Tập Viện tiếp tục gia tăng. Về huấn luyện nâng cao, có sáu anh đã tốt nghiệp Đại Học với các văn bằng Tiến Sĩ, Thạc Sĩ hay Kỹ Sư. Trong thời gian qua Chúa đã ban thêm cho chúng ta 27 anh em khấn trọng và 10 anh em thụ phong linh mục.
Chúng tôi vui mừng trước những thành quả về mặt  học vấn và văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là việc một người anh em chúng ta đạt Huy chương Bạc Triển Lãm Nghệ Thuật Toàn Quốc 2010 về bộ môn Điêu Khắc.
Về mặt truyền giáo, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Chúa tiếp tục khơi dậy sự tha thiết và nhiệt tình dấn thân trong nhiều anh em chúng ta, đặc biệt là các anh em trẻ. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì Chúa vẫn cho được điều kiện để công tác phục vụ anh chị em dân tộc thiểu số tại Diên Khánh, Khánh Hòa, được tiến triển thuận lợi. Riêng tại Tây Nguyên, Chúa Thánh Thần đã mở rộng cửa để anh em có thể vào những nơi trước nay vẫn bị cấm đoán. Anh em đã có thể đi tới các buôn làng ở vùng sâu vùng xa tại Tây và Đông Trường Sơn, để Loan Báo Tin Mừng và phục vụ những nghèo, những người phung cùi.
Tại Cambodia, qua các ân nhân, Chúa đã giúp cho anh em chúng ta hình thành được một nhà tại làng Tua Khosang, cách thủ đô Phnom Penh 15 km. Các anh em ở đó đã bắt đầu công việc phục vụ người dân địa phương bằng việc cộng tác mở trường làng.
Chúng tôi vui mừng khi biết được Chúa đã dẫn đường chỉ  lối cho anh ẹm chúng ta ở Cần Thơ gặp gỡ  các bệnh nhân tâm thần và bệnh nhận HIV/AIDS vô  gia cư. Chúa đã tạo điều kiện cho anh em chúng ta được sự giúp đỡ của Đức Giám Mục  giáo phận, của các ân nhân và anh em đang trên tiến trình thành lập một cơ sở để tiếp đón các bệnh nhân vô gia cư này.
Chúa đã dẫn  đưa các anh chị em công nhân nhập cư ở vùng quanh Thủ Đức đến gặp anh em chúng ta. Đối với các anh chị em công nhân có đạo, chúng ta đã giúp  đỡ họ sống đời sống Kitô hữu bằng việc dạy giáo lý và ban các phép bí tích. Đối với các anh chị em công nhân không có đạo, chúng ta đã Loan Báo Tin Mừng cho họ, và qua anh em chúng ta, Chúa đã ban ơn đức tin cho nhiều người và họ đã được Rửa Tội.
Để giúp anh em chúng ta có phương tiện để thực hiện các công tác huấn luyện, công tác xã hội và truyền giáo, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ân nhân rất quảng đại. Nơi các người ấy, anh em như cảm nhận được Chúa đang đưa tay để ân cần nâng đỡ chúng ta trên từng bước đi. Các vị  ân nhân giúp đỡ anh em chúng ta cách rất đa dạng. Có người giúp chúng ta bằng sự quan tâm ưu ái, đặc biệt là các đức giám mục tại các giáo phận chúng ta đang hoạt động. Có người giúp chúng ta bằng lời cầu nguyện và những hy sinh âm thầm. Có người giúp chúng ta bằng thời giờ công sức, bằng tài năng và hiểu biết chuyên môn. Có người giúp chúng ta bằng phương tiện vật chất, đặc biệt là các ân nhân ở trong nước và ở nước ngoài đã liên tục đóng góp vào Quĩ Bảo Trợ Ơn Gọi Phan Sinh. Trên con đường đi theo vết chân Con Chúa là Đức Giêsu Kitô theo gương thánh Phanxicô Átxidi, chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta những anh chị em đồng hành là các chị em Clara, các chị em Thừa Sai Phan Sinh Đức Ba, các anh chị Phan Sinh Tại Thế, Giới Trẻ Phan Sinh và các anh Cựu Phan Sinh. Trong ba năm qua, chúng ta tiếp tục nhận được tấm lòng quí mến và sự giúpđỡ nhiệt tình từ phía các anh chị ấy.
Vui mừng trước những thành quả, chúng tôi vẫn nhận ra còn nhiều  điều đáng lẽ chúng ta đã phải làm nhưng chưa làm, nhiều điều đáng lẽ chúng ta có thể làm hơn nhưng đã dừng lại ở mức vừa đủ, trong các lãnh vực đời sống thiêng liêng, đời sống huynh đệ, trong các công tác huấn luyện, công tác xã hội và truyền giáo. Theo đánh giá của anh Giám Tỉnh, đã được Tu Nghị biểu quyết đồng ý, thì, cám ơn Chúa, không có nghị quyết nào của Tu Nghị 2008 mà Tỉnh Dòng không thực hiện. Tuy nhiên, tiếp theo anh Giám Tỉnh và anh Thư Ký Văn Phòng Phúc Âm Hóa, chúng tôi, các anh em có chức vụ trong Tỉnh Dòng, chúng tôi xin nhận khuyết điểm về những gì chúng tôi không làm hoặc chưa làm trọn vẹn trong công tác “rửa chân cho anh em”, bởi vì thực hiện đủ theo luật định không có nghĩa là đã thực hiện trọn vẹn. Có một số việc anh em đã không được thông tin hay góp ý đầy đủ khiến nhiều anh em phải thắc mắc và bức xúc. Cụ thể xin kể ra việc ngưng chương trình Đại Học và tập trung các em Tìm Hiểu tại Thủ Đức, việc xây dựng trung tâm tiếp đón bệnh nhân tâm thần và HIV/AIDS tại Cần Thơ, việc chưa giải quyết được cách dứt khoát các vấn đề của Cơ Sở Xi Mạ Phan Sinh tại Thủ Đức.
Hướng về  tương lai, để tăng cường phẩm chất đời sống Phan Sinh của anh em, theo hướng dẫn của anh Tổng Phục Vụ viết trong bức thư gửi Tu Nghị, chúng tôi đã lấy quyết tâm đọc và suy gẫm Lời Chúa cách chuyên cần hơn. Chúng tôi đã lấy quyết tâm củng cố tình huynh đệ bằng những việc làm cụ thể như chu cấp đầy đủ hơn nữa cho các nhu cầu của các anh em lớn tuổi và các anh em bệnh tật. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu xây dựng Nhà Hưu Dưỡng để chăm sóc các anh em ấy cách chu đáo hơn. Chúng tôi đã lấy quyết tâm đáp lại cách tích cực lời mời gọi của Chúa và của Hội Thánh đi đến những cánh đồng truyền giáo đang cần nhiều thợ gặt. Chúng tôi đã lấy quyết tâm trở thành những người đáp trả “quà tặng Tin Mừng”. qua việc tích cực Loan Báo Tin Mừng cho anh chị em lương dân ở gần hay đi đến với anh chị em ở nơi xa. Chúng tôi đã lấy quyết tâm đáp lại tiếng kêu than của Chúa nơi các anh chị bệnh nhân tâm thần và HIV/AIDS.
Anh em thân mến, chúng tôi những người tham dự Tu Nghị Tỉnh Dòng với tư cách là người có chức vụ hay với tư cách là đại biểu của anh em, xin chân thành cám ơn anh em đã cầu nguyện cho chúng tôi, đã tin tưởng giao phó trách nhiệm lượng định và  đưa ra những định hướng cho đời sống của Tỉnh Dòng trong giai đoạn 2011-2013 sắp tới. Chúng tôi hy vọng đã không phụ lòng tin tưởng của anh em, đã phản  ánh đúng hiện tình của Tỉnh Dòng, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng, thao thức và bức xúc của anh em.
Phần còn lại, “chúng ta hãy thực hiện những gì chúng ta đã cam kết với Chúa”.
Thủ Đức ngày 15 tháng Giêng năm 2011.

XUÂN VỀ:TÌM ĐẸP TỪ THIÊN NHIÊN VÀ TRONG TÂM HỒN !!!

SIMONE HOA (SG) gửi : 

CHÚC NĂM MỚI BÌNH AN ,HẠNH PHÚC !

Niềm tin cho một năm mới thành công
Anh NGUYỄN TRỌNG ĐA gửi
Một năm sắp qua đi, nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi chúng ta đều có một cảm xúc riêng. Có người thật hạnh phúc khi được gặt hái, được ôm ấp bao nhiêu thành quả của mình, cũng có người ngậm ngùi vì tiếc nuối với câu giá như …, cũng có người thấy hài lòng và mãn nguyện với những gì đang có, và có nhiều người tự an ủi bản thân rằng đừng nản lòng khi chưa đạt được ước mơ …và không ai trong chúng ta là không ngừng hy vọng, không ngừng đặt niềm tin vào những hạt mầm của những dự định trong năm mới.
Không khí cuối năm thật hối hả, dường như tất cả mọi thứ đều cuốn chạy theo nhau, nhanh nhanh bước đi kẻo năm cũ sắp hết rồi, phải bước qua ranh giới để chào đón một năm mới với biết bao dự định và ước mơ. Ai cũng mong năm nay làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn năm ngoái, cuộc sống sung túc hơn, công việc tốt đẹp hơn, sức khỏe dồi dào hơn và tỉnh cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gắn bó hơn, ấm áp hơn, …
Dù bạn có bận rộn đến đâu với những bộn bề công việc, với những lo toan của cuộc sống mưu sinh, bạn hãy dành chút thời gian để ngẫm về cuộc sống, sẽ giúp bạn có cài nhìn sáng suốt hơn, có những quyết định đúng đắn hơn, … và hạnh phúc hơn với những lựa chọn của mình.
Cuộc sống là một cơ hội – hãy nắm lấy.
Cuộc sống là một vẻ đẹp – hãy chiêm ngưỡng.
Cuộc sống là một giấc mơ – hãy nhận ra.
Cuộc sống là một thử thách – hãy đương đầu.
Cuộc sống là bổn phận – hãy hoàn thành.
Cuộc sống là một trò chơi – hãy tận hưởng.
Cuộc sống là một lời hứa – hãy thực hiện.
Cuộc sống là một nỗi buồn – hãy vượt qua.
Cuộc sống là một bản nhạc – hãy hát lên.
Cuộc sống là một trận đấu – hãy chấp nhận.
Cuộc sống là một thảm kịch – hãy đối đầu.
Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu – hãy can đảm dấn thân.
Cuộc sống là một niềm may mắn – hãy nắm lấy.
Cuộc sống là sự sống – hãy tranh đấu vì nó.
Cuộc sống vô cùng quý giá – đừng hủy hoại nó
………………
Hãy vững tin gieo cho mình một hạt mầm để một năm sau nữa bạn sẽ là người hạnh phúc nhất khi đón nhận những thành quả bạn đạt được bằng tất cả sự nỗ lực của mình.

26 ĐIỀU HỮU ÍCH CHO CUỘC SỐNG

26 Điều cần ghi nhớ trong cuộc sống
NgocĐang gửi từ Pháp 

Đó là những điều giản dị nhưng cực kỳ hữu ích cho những ai muốn làm giàu thêm hành trang cuộc sống.

 
1. Nổi giận là trạng thái cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu.
2. Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể phá huỷ hiện tại bằng cách quá lo lắng cho tương lai.
3. Hãy yêu thương đi... rồi bạn chắc chắn sẽ được đáp lại.
4. Cuộc sống luôn ban tặng những điều tốt đẹp nhất cho những ai biết nhẫn nhịn.
5. Tất cả nụ cười đều có chung một ngôn ngữ.
6. Cái ôm là món quà lớn... Có thể cho đi lúc nào và dễ dàng được đáp lại.
7. Mọi người cần được yêu thương... nhất là khi họ không xứng đáng điều đó.
8. Thước đo của cải của một người là những gì anh ta đã cống hiến cho đời.
9. Tiếng cười là mặt trời của cuộc sống.
10. Ai ai cũng đẹp, có điều không phải ai cũng nhận ra nó.
11. Điều quan trọng cho cha mẹ là sống theo những gì họ dạy.
12. Cảm ơn cuộc sống về những gì bạn có, tin cuộc sống về những gì bạn cần.
13. Nếu bạn tiếc nuối ngày hôm qua và lo lắng ngày mai, bạn sẽ không có ngày hôm nay để cảm tạ.
14. Người bình thường nhìn hình thức, người thông thái nhìn nội tâm.
15. Sự lựa chọn của bạn ngày hôm nay sẽ có tác động đến ngày mai
16. Dành thời gian để cười, bởi đó chính là điệu nhạc của tâm hồn.
17. Nếu có ai nói xấu bạn, hãy sống làm sao để không ai tin điều đó.
18. Kiên nhẫn là khả năng bạn hãm phanh khi bạn có cảm giác như đang tăng tốc.
19. Tình yêu thương vững chắc sau khi trải qua những xung đột.
20. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là yêu thương nhau.
21. Những lời nói không tốt không làm gãy xương, nhưng có thể làm vỡ trái tim ta.
22. Để thoát khỏi gian nan, chỉ có cách đi xuyên qua nó.
23. Yêu thương là từ duy nhất có thể chia mà không bị giảm.
24. Hạnh phúc được tăng lên nhờ những người xung quanh, nhưng không phù thuộc vào họ.
25. Với mỗi phút bạn nổi giận, bạn mất đi 60 giây hạnh phúc mà không thể nào lấy lại được.
26. Làm bất cứ việc gì với hết khả năng, cho những ai bạn có thể, với những gì bạn có, và ở nơi nào bạn đang đứng.



Mai Liên (dịch)