KÉN RỂ PHAN SINH
(Tên người và nơi chốn đều là tưởng tượng cho câu chuyện;
nếu có sự trùng hợp, xin lượng thứ.)
Ông Hợi ở cạnh đồi La san đã lâu, từ hồi mới định cư. Gia đình ông là giáo dân xứ Thanh Hải, ông cũng là thành viên Dòng Ba Phan Sinh từ hơn chục năm nay. Ông có một cô con gái tuổi đôi mươi, rất xinh, đẹp người đẹp nết, lại hiền lành, tháo vát như mẹ và chăm chỉ giỏi giang như bố.
Tuy không nói ra nhưng hai ông bà Hợi, từ mấy năm nay, đã để ý tìm bạn cho con gái mình. Nói là tìm bạn cho con gái nhưng thực ra là kén rể. Gia đình ông Hợi thuộc hạng trung lưu, gia sản cũng khá mà chỉ có một cô con gái rượu nên ông muốn có một anh con rể hiền lành, chí thú làm ăn và biết thương vợ thương con. Những tiêu chuẩn này tự vợ chồng ông đặt ra, xem thì dễ, nhưng gặp được cũng khó. Một năm, hai năm rồi ba năm, ông vẫn chờ đợi và để ý tìm kiếm.
Ông tìm trong chỗ bạn học, chỗ quen biết, những người cùng xứ đạo. Như con ông bà Chánh cùng quê với ông, nhưng vợ ông chê cậu này hay nhậu nhẹt, ăn nói bạt mạng. Đến con ông Thành có tiệm bán đồ gỗ, vợ ông cũng lại chê, tay này ỷ dựa vào ông bố, chỉ ăn chơi chứ không biết lo. Cha mẹ kén chọn, con gái mỗi ngày mỗi lớn, bà Hợi bắt đầu lo; vừa lo con gái muộn chồng, lo không tìm được anh rể vừa ý, mà cũng lo cái chuyện ấy, như người ta thường ví: có con gái trong nhà như chứa một quả bom nổ chậm... không biết lúc nào ... ! Đôi khi thấy mệt mỏi quá, ông Hợi thở dài nói với vợ: "Nó lớn rồi, thôi thì để nó tự chọn lấy tấm chồng. Khôn nhờ dại chịu. Mình có sống mãi mà lo cho nó được đâu?" Nói thì nói thế nhưng ông Hợi vẫn khôn khéo theo dõi, hướng dẫn con gái mình.
Đan Thanh năm nay 25, ở nhà thì vẫn gọi là Bé, Bé Thanh; ra đường, Đan Thanh đã tốt nghiệp Y tá khoa Răng Hàm Mặt và đang làm việc tại Trung tâm chỉnh hình của bệnh viện tỉnh. Trong tuần, Đan Thanh đi làm ở nhà thương, cuối tuần cô sinh hoạt với Giới Trẻ Phan Sinh tại Giáo xứ Thanh Hải. Đoàn được cha Hải làm Trợ úy nên các anh chị thanh niên thích lắm, đến xin gia nhập khá đông. Cha Hải ngoài 40 tuổi, từng là huynh trưởng Hướng-đạo, rất giỏi trong sinh hoạt giới trẻ. Cha lại vui vẻ, cởi mở, biết lắng nghe và chỉ bảo, hướng dẫn cho từng anh chị trong Đoàn nên ai cũng quí mến. Mục đích của Đoàn là Sống Đạo theo gương Thánh Phanxicô thanh niên. Ấy! chính cái từ "thanh niên" này đã gây nhiều tranh cãi trong Đoàn. Có mấy anh cứ vịn vào đấy để sinh hoạt thoải mái như các nhóm bạn ngoài đời. Nhưng cha Hải đã sớm cắt nghĩa cho rõ và điều chỉnh những xu hướng sai lạc. Cha nói: Theo sử liệu, thánh Phanxicô thời trai trẻ cũng có vui chơi, đàn ca hò hét, tán tỉnh các nàng khuê các với bạn bè, nhưng không phải là ăn chơi tội lỗi, hiểu theo nghĩa xấu, phá làng phá xóm. Giới Trẻ Phan Sinh không bắt chước cuộc sống của thánh Phanxicô trước khi Ngài trở lại nhưng học hỏi ở vị thánh này làm thế nào để biến một cuộc đời thanh niên ăn chơi tầm thường, không lý tưởng thành một cuộc đời thanh niên hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Nên nhớ rằng thánh Phanxicô trở lại hồi 20-25, qua đời lúc 44 tuổi, ở tuổi thanh niên.
Nhờ Giới Trẻ Phan Sinh, Đan Thanh quen biết được bạn bè tốt, trai cũng như gái. Nhờ Giới Trẻ Phan Sinh, Đan Thanh tìm hiểu, học hỏi sống Đạo có ý thức hơn, tốt lành hơn, dấn thân hơn. Ông bà Hợi rất mừng và an tâm. Thỉnh thoảng Đan Thanh lại mời Đoàn và cha Trợ úy đến nhà họp hành, sinh hoạt làm cho gia đình ông Hợi được vui thêm; nhất là bà Hợi có dịp trổ tài nấu nướng đãi các cháu "đến thăm nhà bác", có khi đến hai ba chục người. Cha Hải có lần nói: "Truyện "Ba người bạn" kể, thánh Phanxicô, khi trở lại, không hề có ý định lập Dòng. Phanxicô chỉ muốn kêu gọi một số anh em bạn cũ đến sống Phúc âm theo như Chúa đã soi sáng cho ngài. Nhóm người đầu tiên đến với Phanxicô là những bạn trẻ đã từng tham gia các bữa tiệc liên hoan, ca hát, nhảy nhót. Ngay cả những người chưa quen biết nhưng nghe tiếng rồi tìm đến xin nhập bọn với Phanxicô cũng là những thanh niên trai tráng. Dân chúng trong thành phố đã phải ngạc nhiên :"Lại cái bọn trẻ ăn chơi phá phách, bày trò. Không biết lần này chúng làm gì đây?" và người ta đã không tin Phanxicô và các bạn". Rồi cha Hải kết luận: Nhóm anh em Phanxicô, sau này là Dòng Phanxicô, được thành lập trước hết là cho giới trẻ, cho các anh chị thanh niên nhiệt tình, muốn theo Chúa thật và muốn sống những điều Chúa chỉ dạy trong Phúc âm thật. Qua giòng thời gian, tinh thần Phanxicô bị "già" đi, bị công thức hoá, bị gọt dũa sàng lọc để trở thành một khuôn mẫu nghiêm nghị, khắc khổ, khô khan... mất đi tính chất nhân bản, trẻ trung, khoáng đạt, sáng tạo của buổi đầu. Cha Hải còn nói: Giới Trẻ Phan Sinh không phải là Dòng Ba Phan Sinh, cũng không phải Dòng Ba thu nhỏ hay Dòng Ba của giới trẻ. Giới Trẻ Phan Sinh sống tinh thần thánh Phanxicô, sống linh đạo Phan Sinh theo gương người anh cả Phanxicô của mình lúc tuổi thanh niên, cả trước khi trở lại, khi mới trở lại và khi đã thánh thiện. Cha còn nói nhiều lắm nhưng tựu chung cha muốn mời gọi anh chị em thanh niên đừng để mất cơ hội sống Đạo khi mình đang trẻ trung, nhiều nhiệt huyết, nhiều khả năng lãnh hội cũng như khả năng chia sẻ, cho đi, hiến tặng cho Chúa, cho Giáo hội, cho người khác. Đừng để đến khi lớn tuổi rồi mới vào Dòng Ba, rồi mới sớm hôm kinh kệ. Món quà dâng Chúa nên là món quà "tươi ngon", bó hoa dâng Chúa nên là bó hoa mới nở, còn thắm đượm những giọt sương mai. Giới Trẻ Phan Sinh cũng có những.điều luật và nội qui riêng của giới trẻ để giúp anh chị em nắm vững mục tiêu, tinh thần và trách nhiệm của mình. Điều cần thiết nhất, cha Hải luôn nhắc nhở, là anh chị em hãy trân trọng tuổi xuân, tuổi thanh niên Chúa ban, hãy giữ gìn tình bạn trong sáng, đoàn kết, quí mến nhau để giúp nhau thăng tiến cuộc sống nhân bản và tâm linh.
Đan Thanh đã là thư ký của Đoàn Agnès, cô chững chạc hẳn ra, ăn nói có duyên hơn, có đầu có đuôi... nhất là không đòi đi mua sắm với mẹ hay đi ăn sáng với bố. Có những buổi họp Ban Phục vụ ở nhà ông bà Hợi, cô điều khiển buổi họp, hướng dẫn đọc kinh Phụng vụ và chia sẻ Lời Chúa rất khéo, nhẹ nhàng, vui vẻ làm mọi người đều mến và ông bà Hợi lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về con gái mình. Một hôm thứ bảy cuối tuần, hai mẹ con đang làm cơm trưa, bà Hợi bỗng vui miệng hỏi con gái:"Con đi họp Giới Trẻ Phan Sinh đã lâu, con đã quen anh nào chưa?". Đan Thanh trả lời:" Thưa Mẹ, con vào Giới Trẻ Phan Sinh không hề có ý đó. Mẹ có nhớ là chính Mẹ đã đưa cho con đọc cuốn sách Hạnh Thánh Phanxicô của tác giả Linh mục Trần Phổ không? Mẹ nói: Hay lắm đọc đi! Và con đã đọc say mê, một là vì Truyện Thánh Phanxicô hay quá, đẹp và thu hút quá; hai là vì cha Trần Phổ viết văn nhẹ nhàng, tinh tế, hấp dẫn như một nhà văn chính gốc. Cũng vì thế mà con mê luôn ông Thánh Phanxicô, mê cuộc đời thánh thiện, khâm phục sự trở lại của ngài. Con cũng rất phục Thánh Clara, Thánh Agnès, các chị cũng còn trẻ như chúng con mà dám quyết định theo Chúa một cách dứt khoát cho dù bị gia đình cấm cản. Con thì không dám thế. Hôm nào có dịp, con sẽ giới thiệu với Ba Mẹ, anh Đạt, bạn con, chắc Mẹ sẽ bằng lòng.
- Có phải cái anh cao ráo, hát hay đó không? Bà Hợi mau miệng.
- Dạ không, anh ấy cũng trong Giới Trẻ nhưng ở Đoàn Anrê nhà thờ Chính tòa. Nhà anh ở Chợ Đầm. Anh làm trong Ban Nông nghiệp của Tỉnh. Noel có họp các Trưởng Phục vụ Đoàn trong Tỉnh, anh ấy cũng đã đến nhà mình. Cái anh vừa mới vào nhà đã "Thưa bác gái" thật to làm cả bọn chúng con cười vỡ bụng hôm nào đó, Mẹ nhớ không?
- Cái anh trông hiền nhưng có vẻ lanh lắm.
- Vâng, anh ấy hiền, dễ thương lắm, Mẹ ạ.
- Đã dễ thương rồi hả con!
- Thưa Mẹ, chúng con chỉ mới quen nhau mà đã không qua mắt được cha Trợ úy. Cha biết, có hôm, cha gọi hai đứa con lại hỏi thăm và nhắc nhở:"Chúng con có dịp tìm hiểu nhau trong khi sinh hoạt Đoàn; cũng tốt thôi; nhưng nhớ kín đáo tế nhị vì còn có các bạn khác; hơn nữa, cha không muốn việc của chúng con gây ảnh hưởng tiêu cực cho Đoàn, cho người khác đàm tiếu. Đoàn có thể là nơi chúng con gặp gỡ rồi đi xa hơn nhưng Đoàn không phải là chỗ hẹn hò. Rồi khi nào thuận tiện chúng con phải thưa với cha mẹ hai bên, xin phép các ngài, rồi mới tính chuyện "đổ gạo nấu chung". Cha chúc chúng con khôn ngoan, cẩn trọng và cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn, chúc lành cho tình bạn của chúng con."
- Cha Hải chu đáo lắm đấy con ạ. Con phải nghe lời cha Hải. À mà Mẹ nghe Đạt nói Mẹ của Đạt cũng trong Dòng Ba phải không con?
- Dạ vâng, Mẹ anh Đạt là thủ quĩ Huynh Đệ Đoàn Phanxicô Năm Dấu bên Cầu Đá.
- Thế thì hay quá, toàn là Phan Sinh!
...
Hai năm sau, đám cưới của Đạt và Đan Thanh được cử hành tại Giáo xứ Thanh Hải trước Tết hai tuần. Chủ tế lễ cưới là cha Bề Trên Dòng Phanxicô, Chánh xứ Vĩnh Phước; làm phép Hôn phối là cha Hải Trợ úy. Nhà thờ hôm đó chật ních người. Năm hàng ghế đầu là các em Thiếu Nhi Phan Sinh, kế đến là các Huynh Đệ Đoàn Phan Sinh Tại Thế: Đoàn Ysave, Năm Dấu, Agnès, Đức Mẹ Vô Nhiễm...Tiếp theo là các anh chị Giới Trẻ Phan Sinh từ Đồng Hộ, Cư Thịnh, Hà Dừa, Chính Tòa đến Xóm Bóng, Ba Làng, Thanh Hải.. được cha Phúc sắp xếp thành Ca đoàn với 3 bè hát lễ thật hay, thật hùng tráng. Trong bài giảng lễ, cha Bề trên, chủ tế, nói: "Đạt và Đan Thanh thân mến. Có một nhà văn người Pháp đã viết: Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng. Cha không đồng ý với ý kiến này vì nếu không nhìn nhau thì có biết nhau đâu để mà cùng nhau nhìn về một hướng. Đạt và Đan Thanh đã gặp nhau, nhìn nhau, tìm hiểu nhau, thông cảm quí mến nhau và yêu nhau với sự nâng đỡ, góp ý, khuyên bảo của cha mẹ đôi bên, sự hướng dẫn của cha Trợ úy và khuyến khích, hỗ trợ của các bác trong Dòng Ba, các anh chị trong Đoàn. Hôm nay, trước mặt Chúa và trước mặt cộng đoàn, các con thề hứa yêu thương, trung thành với nhau và cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình, cùng nhau xây dựng một căn nhà Chúa mang tên Đan Thanh và Đạt. Nhà Chúa thì có nhiều loại kiến trúc, to nhỏ, gô-tích hay rô-manh, kiểu tây hay á đông ...cha mong rằng căn nhà của chúng con dâng Chúa sẽ có "dáng vẻ" Phan Sinh; vì chúng con là Giới Trẻ Phan Sinh, cha mẹ chúng con là Dòng Ba Phan Sinh, các bác, cô chú, anh chị ở đây là Phan Sinh. Mái ấm của chúng con, ngoài việc gìn giữ những đức tính truyền thống Á đông, kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa ... phải có thêm những đức tính Phan Sinh như đơn sơ chân tình, hiền lành khiêm nhường, rộng lượng tha thứ và yêu thương phục vụ, không phải chỉ trong gia đình chúng con mà còn mở rộng ra với mọi người."
Tiệc cưới được tổ chức tại Hội trường Giáo xứ. Hơn 30 bàn. do chính các bác trong Dòng Ba nấu nướng và các anh chi Giới trẻ tiếp tân. Hai ông bà sui gia, tức Ba Mẹ của Đạt và Đan Thanh ngồi chung bàn với các cha. Cha Hải trong lúc cụng ly với ông Hợi, hỏi khéo:: "Nghe nói ông Hợi kén rể lắm, bây giờ có rể mới, ông có vui không?. Ông Hợi thưa: Thưa cha, đúng là con có ý lựa chọn, nhưng mình chọn không bằng Chúa ban cho. Thưa cha, chúng con là Phan Sinh, kén được Dâu Rể Phan Sinh là tốt nhất rồi". Cả bàn tiệc cùng vỗ tay hoan hô ý kiến bộc trực nhưng rất thành thật của ông Hợi, trong lúc ban nhạc bắt đầu trổi lên khúc ca đám cưới quen thuộc:"Em bên mình anh, lặng yên trước bàn thờ ..." (Oui devant Dieu).
Nguyễn Đình Nam, Montréal.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét