Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH ANH EM RUỘT THỊT !!!

Hết Tình Anh Em
A.DOMINIQUE CẢNH (ở Mỹ) Gữi :
Hiện đã có hơn ba triệu người Việt sống ngoài Việt Nam, đông nhất là ở Mỹ. Những nơi cư ngụ đông người, dân Việt đều xây Chùa, Nhà thờ, Thánh thất của mình. Tiệm phở, bánh cuốn, nhà hàng Việt mọc lên như nấm, còn lấy lại những tên hiệu nổi tiếng ở Sàigòn trước kia. Nhà nào có đất sau nhà, họ trồng đủ thứ rau thơm, rau nấu canh, bí, mướp, khổ qua, dưa gang, dưa chuột, hay vài cây ăn trái giống từ Việt nam, vừa để ngắm nhìn lại được thưởng thức hương vị quê hương. Đại đa số người Việt hải ngoại ăn cơm và các món ăn truyền thống hàng ngày, nghe xem văn nghệ Việt. Người mình có hội nhập văn minh, văn hóa nơi xứ người nhưng cũng chú trọng giáo dục con cháu giữ gìn ngôn ngữ, nề nếp, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Thật không sai khi người ta nói ‘chúng ta đi mang theo quê hương.’ Nhưng đáng tiếc thay có một số người đem theo tật xấu cờ bạc.
Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ cho phép cờ bạc tại các casino, khu bảo tồn của người Da Đỏ, trên tàu sông hay biển tổ chức thành casino. Las Vegas, sòng bài lớn nhất hành tinh, thu hút những ông hoàng, bà chúa trên thế giới, người giầu, người nghèo tới đây, chi ra không biết bao nhiên tiền để tìm thú vui đỏ đen. Nhiều casino lớn hay mới xây lôi kéo người ta đến bằng cách mỗi tuần gởi đến những cư dân chung quanh một chi phiếu $20, phiếu ăn buffet miễn phí. Muốn lãnh tiền hay ăn free phải có thẻ casino. Xin thẻ rất dễ chỉ cần vài phút là có ngay lại được thưởng thêm chi phiếu $25. Tiền chùa tại sao không dùng để thử vận may. Đối với dân mình người ta quảng cáo, chiêu dụ tới các sòng bài bằng các chiêu thức như có xe buýt đưa rước miễn phí, tổ chức những buổi văn nghệ Việt nam có MC, ca sĩ thượng thặng từ Cali qua. Hấp dẫn quá tại sao không đến xem rồi kéo máy cho vui.
Casino là loại kinh doanh lời nhiều, không sợ sập tiệm. Kinh tế khó khăn người ta càng hay đến đây tìm thần tài. Nó có thể xả stress hay thỏa mãn cái thú giải trí chơi bài của một số người. Nhưng hậu quả của những ai năng đến viếng những nơi này thật là tai hại: hạnh phúc gia đình tiêu tùng, nhà cửa tan hoang, những kẻ mê say như bị dìm trong vũng bùn tệ hại không dễ gì thoát ra được. ‘Đánh bài quen tay, uống rượu quen miệng.’ Cái gì cũng là thói quen, nhất là những thói xấu như cờ bạc rất dễ bị tiêm nhiễm, học đòi. Đã sa vào trò đỏ đen có ai rút ra được. Đến lúc này dân gian gọi là máu mê cờ bạc hay mê nghiện. Người mê nghiện như bị mất hết tự do, bị trói buộc vào cái bản năng thấp hèn của mình. Họ tạo ra những hậu quả tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội. ‘Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Do đó cờ bạc được xếp vào danh sách ‘tứ đổ tường.’
                                                     
Khác với người nghiện xì-ke nhìn là biết liền, thân hình xanh xao gầy ốm, hai vai rút lên, người lúc nào cũng ủ dũ như gà mắc dịch, người mê cờ bạc nhìn bề ngoài không có biểu hiện gì, nhưng người thua đậm trong lòng buồn chán, bi quan, yếm thế, muốn chết đi để dứt nợ tiền. Đó là trường hợp ông bạn Phong của chúng ta. Trong một thời gian dài, tối tối ông tụ họp nhà bạn bè xì-phé, binh xập xám. Cuối tuần cũng ít thấy ông ở nhà, ông tiếp tục tới nhà bạn hay đi casino vì ở nơi này có trò chơi Poker giống như xì-phé. Ông hay xem football hay đá banh nhưng không phải ông yêu thích thể thao mà vì cá độ. Ông đã chi không biết bao nhiêu tiền cho cái mục này, vì ông cho là có cá độ mới thấy cái sự hồi hộp, hào hứng của trận đấu.  Thường bị thần tài quay mặt làm ngơ nhưng ông vẫn đánh, vẫn cá. Ông như bị ông tây bà đầm của cơ rô chuồn bích mê hoặc, một ngày không đụng đến lá bài là không chịu nổi.  Đã bao lần ông chơi canh bạc cuối cùng ‘được ăn cả, ngã về không’ và nhủ trong lòng sẽ chia tay bài bạc, nhưng ông không thực hiện được.
Tiền ở đâu ra để ông bài bạc? Lương không đủ cho ông đánh, ông gạc thẻ, vay mượn cho đến lúc nợ ngập đầu, phá sản. ‘Thủ lủ tàng tàng, bán chiếc Honda.’ Đây không phải bán chiếc xe hơi mà là bán nhà để trả nợ. Ông đưa vợ con ra apartment, chấp nhận một nơi ở chật hẹp, dơ bẩn, sống chung với gián, chung vách với những người mình không ưa thích. Lúc này đây tình cảnh của ông thật thê thảm.  Sáu tháng hưởng tiền thất nghiệp đã qua. Kiếm hoài chưa tìm được việc làm khác. Vợ ông chỉ làm bán thời gian. Hai đứa con của ông chưa đứa nào đi làm.  Không một đồng xu dính túi, nhưng bao thứ bill phải trả, biết làm sao đây. Ăn mày thì hổ ngươi. Đi cướp nhà băng ư? Không đủ can đảm để ra tay. Ra đường lao mình vào xe đang chạy để cho vợ con hưởng tiền đền?  Không xong, tự vận là xuống hỏa ngục ở đó mà sát phạt với quỷ dữ.  Ông đành nghĩ tới anh ruột của mình.
Ông Quân có hai người con tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Từ khi sang Mỹ, vợ chồng ông đi làm liên tục cho đến gần đây vì sức khỏe yếu kém ông bà mới chịu nghỉ việc. Ông Quân bị chứng cao huyết áp nên mỗi ngày phải uống thuốc và đi bộ. Ông bà thích làm việc tôn giáo, xã hội. Việc chung, việc bác ái nào cũng thấy có mặt ông bà.  Ông Phong chạy chiếc xe Chevrolet cũ kỹ đến cầu cứu ông anh. Ông vào trong nhà vừa mở miệng hỏi mượn tiền, ông Quân đứng phắt dậy, mặt bừng bừng đỏ.  Ông chửi mắng người em thậm tệ không còn chút tình nghĩa gì nữa.  Trong cơn giận dữ tột độ khi la những câu:  “Đừng vác mặt đến đây nữaCút điCút đi!” ông bị say xẩm, choáng váng. Ông lấy hai bàn tay ôm đầu, thân hình như muốn ngã đổ. Vợ ông vội đỡ ông ngồi xuống ghế salon.  Xong, bà bước sang giúi vào tay chú em một trăm đô, nói nhỏ nhẹ: “Thôi chú về đi, chú làm cho anh chú giận quá lên máu.” Ông Phong với nét mặt ngơ ngác, đứng lên lủi thủi ra về.
                                               
Đêm hôm đó ông Phong không làm sao ngủ được. Cuốn phim cuộc đời tự động quay lại trong tâm trí ông. Cha mẹ ông chỉ có hai người con. Lúc bé hai anh em bao giờ cũng chơi chung với nhau tuy rằng Quân hơn em gần năm tuổi. Tạt hình, tạt loong, bắn bi, nút phéng, đánh khăng, chơi gụ, đi bắt dế, bắt cà cuống . . . Ôi vui biết mấy! Quân lúc nào cũng yêu thương, nhường nhịn, bảo vệ em nên không một đứa nào dám bắt nạt.  Quân có cái gì ngon cũng nhớ đến em, chia cho em một nửa. Thời gian như không thể xóa bỏ những kỷ niệm ‘anh em như thể chân tay’ của ông. Câu chuyện sau đây đã khắc sâu vào tâm khảm ông. 
Một buổi chiều oi bức nghe tiếng xe cứu hỏa í o í o cháy to, bé Phong thấy nao nao muốn đi xem cháy nhà. Bé rủ anh Quân đi. Anh giải thích là bố cấm đi chơi xa ra khỏi khu mình ở. Bé cứ năn nỉ ỉ ôi mãi làm anh xiêu lòng và hai anh em trốn bố mẹ đi.  Đám cháy đã lan sang những nhà bên cạnh và người ta túa đến xếp hàng xếp lớp xem, làm cản trở công việc của cảnh sát và lính chữa lửa. Quân phải mệt nhọc giữ tay em vì nó cứ muốn len vào vòng trong nhìn cho rõ. Say sưa xem cảnh chữa cháy không còn biết thời khắc gì nữa nên chập choạng tối hai anh em mới về. Từ xa hai đứa đã thấy bố đứng trước cửa, tay cầm cái roi. Nét mặt đầy tức giận bố quát:  “Đứa nào rủ đi?”  Bé Phong cúi gầm mặt xuống không dám nói. Quân can đảm lên tiếng:  “Dạ, dạ . . . con.”  “Mày làm anh mà thế à. Vào trong nhà! Nằm xuống!”  Thế là một trận mưa roi quất vào mông anh. Bé Phong chạy đến góc nhà ngồi, mặt xịu xuống. Mỗi ngọn roi đánh vào anh nó như quất vào bé làm nó nhăn mặt, giật mình và làm động tác né tránh. Khi cho phép Quân đứng dậy, bố còn nghiêm khắc ra thêm một phán quyết nữa: “Tối nhịn cơm.”  Quân vừa xin lỗi bố xong, bé Phong chạy tới ôm anh khóc nức nở. Quân lấy hai tay đè lên chỗ vết roi ở mông cho đỡ đau, cúi xuống nói nhỏ vào tai em:  “Nín đi, không bố biết bố đánh em đấy.” Tối hôm đó bé Phong nuốt mãi mới hết nửa bát cơm, thương cho anh đã chịu đòn, chịu đói vì mình. Từ đó Phong không bao giờ dám rủ anh đi đâu nữa.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Phong lên học trung học. Chàng trai trẻ sau giờ học thích chơi những trò chơi hồi hộp, gây cảm giác mạnh, ngồi hằng giờ xem người lớn đánh cờ tướng. Suốt thời gian này Quân đóng vai một gia sư tận tụy giúp đỡ, kèm cặp em. Quân trưởng thành học xong một nghề, đi làm và lập gia đình. Anh trở thành cột trụ chính của gia đình vì bố mẹ già yếu đi. Không lâu sau bố mẹ bị bạo bệnh mất đột ngột, bố ra đi trước mẹ gần một năm. Quyền huynh thế phụ, anh chị Quân càng lo lắng cho em nhiều hơn. Phong học những năm cuối của trung học, mặc dù được anh mình chỉ dẫn, nhắc nhở, nhưng chàng không biết hy sinh những thú vui bên lề để chú tâm hoàn toàn vào việc học, nên chỉ đậu tú tài một, không qua được ải tú tài hai. Chàng bị động viên đi học khóa sĩ quan trừ bị. Người sĩ quan trẻ ra chiến đấu được sự cầu nguyện, nâng đỡ của gia đình người anh. Ngoài mặt trận các chiến binh luôn phải đối mặt với tử thần rất căng thẳng, nên lúc nghỉ phép hay dưỡng quân, những chàng lính độc thân thường tìm những thú vui để thư giãn. Chính lúc này Phong đã học và mê đánh bài.
Biến cố 75 đưa Phong vào trại cải tạo. Thời gian này đây Phong cần được thăm nuôi đầy đủ. Anh chị Quân ý thức rõ điều này, không quản ngại đường xa cực khổ, lo tiếp tế cho em. Hơn năm năm sau Phong được tha về. Đi làm được vài năm Phong lấy vợ, rồi ra đi tị nạn theo chương trình HO. Cũng thời gian này gia đình anh Quân đi định cư theo diện ODP do em của chị ấy bảo lãnh. Trước khi hai gia đình lên máy bay, bán căn nhà do cha mẹ để lại được một số tiền lớn, anh Quân không quên chia cho gia đình em phân nửa. Cuộc sống ban đầu trên đất Mỹ đầy vất vả lo toan, đi làm để có tiền trả tiền nhà, tiền xe và nhu cầu thiết yếu khác. Sau hơn chục năm khi cuộc sống đã ổn định, dành dụm được một số tiền, thanh toán gần hết tiền nhà, nhiều người bớt công việc làm, dành thì giờ cho sinh hoạt tôn gíáo, xã hội hoặc vui chơi lành mạnh. Trái lại một số người ‘nhàn cư vi bất thiện’ rủ nhau bài bạc. Cuộc sống mới, quan hệ gia đình cũng thay đổi. Nếp sống đại gia đình không còn nữa. Ông anh không còn để ý hoặc can dự, mà tôn trọng sự riêng tư của gia đình em. Còn ông Phong từ khi mê cờ bạc né tránh anh mình. Cho đến khi ‘cơm đã thành cháo’, người ta cho ông Quân biết em ông thua bài phải bán nhà trả nợ, ông mới giật mình lo sợ. Ông khuyên nhủ và lại tỏ ra thương yêu người em khốn khổ, ông giúp cho mười hai nghìn.
                                               
Đêm rất khuya ông Phong mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ ông mơ đi trên một con đường làng, nhìn phía trước ông thấy một cục gì chiếu sáng. Lại gần nhìn kỹ là thỏi vàng. Ông đứng ngắm nghía nó một lúc rồi kêu lên: “Ôi! Trời giúp ta!” Ông khoan khoái cúi xuống nhặt lấy. Khi tay vừa chạm vào thỏi vàng, đầu một cái gậy chặn lại.  Ông ngẩng lên thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, mặt mày sạm nắng, nhưng phong thái tươi vui, hóm hỉnh. Cụ mặc bộ quần áo nâu sồng, đi guốc mộc. Cụ nhìn ông, nói: “Của ta!” Rồi cụ cười cười rút trong túi áo ra một bộ bài tây. Ông Phong nghĩ cụ này thức thời thật không thích chơi tổ tôm, lại rủ mình chơi xì-phé hay xập xám gì đây. Cụ nói:  “Ta cho ngươi số vàng này nếu ngươi rút được bất cứ lá bài nào không phải là quân bích.” Ông Phong tính toán: Xác xuất thắng là 75%, nhưng cũng không phải là dễ ăn vì có lần ông chơi bài mười ba lá, tin rằng bài của ông rất lớn, chắc ăn chủ quan ông không giương. Nhưng cuối cùng ông vẫn bị thua vì có người còn hên hơn, binh giỏi hơn ông. Xui vô cùng tận. Cụ xào bài, ông Phong tay run run rút ra một lá, rồi làm động tác của một tay xì phé chuyên nghiệp từ từ chầm chậm lật lên xem. Bích. Ông Phong gãi tai, xuýt xoa nhìn cụ. Thấy vậy cụ nói: “Cần gì cứ nói.” Ông Phong thưa: “Xin cụ cho con thêm cơ hội.” Cụ mỉm cười, đồng ý. Ông Phong lại rút, lần này còn cẩn thận hơn. Cũng lại bích. Ông Phong thất vọng ê chề. Quá tam ba bận ông xin rút lần nữa và muốn tự mình xào bài. Cụ chấp nhận và đưa bộ bài. Cầm bộ bài và lật lên, ông Phong tá hỏa hô lên: “Cụ ăn gian.” Ông phát hiện ra bộ bài toàn lá bích. Cụ tỉnh bơ nhìn ông, vuốt râu, cười, đoạn phán: “Cờ gian bạc lận mà con!” Nói xong, cụ và mọi sự biến mất.
                                                 
Ông Phong giật mình thức dậy. Hơn bẩy giờ sáng, ông ra khỏi phòng. Vợ ông thấy ông, trách: “Đấy từ trước đến giờ cứ bênh anh của ông. Thấy em mình sắp ra gầm cầu ở mà cũng không chịu giúp. Đến cuối tháng này không có tiền trả tiền thuê nhà thì tôi sẽ qua Cali ở với em của tôi. Bố con ông muốn đi đâu ở thì ở.” Nghe lời tuyên bố tối hậu của vợ, ông cảm thấy choáng váng. Ông ra ngoài ghế salon ngồi, bộ tịch bẽ bàng như một kẻ chơi bài phải ra chầu rìa vì thua hết tiền. Lúc sau vợ ông ra xe đi làm không nói một lời, mặt lạnh lùng dễ sợ. Hai đứa con chắc đã đi học. Căn hộ giờ trở nên hoang vắng và vô hồn làm sao, nó như làm ngơ với cái hoàn cảnh bi thương của ông. Ông ngồi đó thảm hại, nghĩ về thân phận của mình. Tại sao số ông đen hơn mõm chó. Đời đen bạc biết khi nào mới buông tha ông. Ông cảm thấy thật khốn khổ và không muốn sống.  Phải chi với số tiền của anh Quân cho, ta không đi đánh bài nữa, thì đâu ra nông nỗi này. Ông thầm trách vợ, tại sao ông đã lên tiếng nói giữ số tiền này, lại trả lời: “Tiền bên chồng, tôi không muốn đụng vào.” Nhưng suy đi nghĩ lại ông thấy phúc đức ông bà lắm mới gặp người như vợ ông.  Nhiều gương sờ sờ ra đó. Đối với một ông chồng thua cờ bạc làm tiêu tán tài sản như ông, nhẹ nhất là bị vợ tống cổ ra khỏi nhà. Trường hợp xấu hơn, vợ cằn nhằn, đay nghiến liên tục, chồng chịu không nổi, uất ức và tuyệt vọng lên cao độ, thắt cổ tự tử chết. Thật may phúc cho ông Phong, ông không nằm trong những trường hợp này. Ông không bị vợ hành hạ, nhiều khi còn an ủi ông. Vợ ông đúng là mẫu người của những câu ca dao sau, than mà không chửi bới, trách móc.
Anh ham xóc đĩa cò quay
Máu mê cờ bạc lại hay rượu chè
Eo sèo công nợ tứ bề
Kẻ lôi người kéo, ê chề lắm thay
Nợ nần em trả chàng vay
Kiếp em là kiếp kéo cày đứt hơi.
Ông Phong biết lỗi lầm của mình, siêng năng làm việc nhà, không gây gỗ với vợ con. Thật ra, khác với người nghiện rượu, say xỉn về nhà la mắng, chửi rủa, nhiều khi còn đánh cả vợ con, người mê cờ bạc rất tử tế với gia đình. Khi ăn dẫn vợ con đi nhà hàng, thua cũng biết nghe lời khuyên của vợ, tạm nghỉ chơi để xả xui. Nhưng sau đó chứng nào tật nấy, để đi chơi tiếp.Nói dối là phương pháp của chàng để thuyết phục vợ. Anh chỉ đi uống cà phê với bạn thôi. Bảo đảm hôm nay anh về sớm. Đêm qua anh mơ thấy thần tài đến giúp, nhất định hôm nay thế nào cũng thắng. Rồi tối khuya về bao giờ cũng khoác lác khai báo với vợ là thắng, nhưng kỳ thật ví đã nhẵn tiền. Nghĩ tới đánh bài thua ông nhớ lại giấc mơ hồi tối. Ông nhận ra rằng giấc mơ là lời giải đáp cho những gì ông bị ám ảnh mấy ngày qua, vì một người bạn nói với ông là chơi xì phé chúng đánh dấu trên lá bài. Đểu giả thật! Nhưng cũng tại ông, mê muội và ngu xuẩn, tìm cái thú vị cờ bạc trên sự dụ dỗ và lừa bịp của chúng. Thế rồi được thì muốn thắng thêm, thua thì ham gỡ, do đó mà không thoát ra khỏi cái bẫy đỏ đen. Cờ bạc là trò tập thể. Những người đánh bài thích kết bạn với nhau. Người ta không thích chơi bài với người lạ, chắc chắn là những tay cờ bạc ‘gạo’, thua là cái chắc. Chơi bài với bạn mình ưa thích thì cảm thấy hứng thú hơn. Nhưng có những kẻ dụ khị, gian lận rất tài tình. Rốt cuộc nhiều người thua nặng nhưng vì u mê mù quáng cứ tưởng những người đánh bài với mình chỉ là hên. Ông Phong không phải là một ngoại lệ, trong sòng bài ông hành động như con thiêu thân, dâng cúng hết tiền bạc cho bọn chúng, kể cả mười hai nghìn của anh mình. Đến đây hình ảnh anh Quân nóng giận hiện lên trong đầu ông. Anh ông đã thay đổi, không còn là người anh thương yêu, bảo bọc em như trước nữa. Ông chua xót nghĩ rằng có ai đó đã xúi giục anh từ bỏ em mình.  Ông thấy thương cho anh mình và cảm thấy hối hận vì đã làm anh giận dữ. Anh ấy bị huyết áp cao không biết ra sao. Lúc trên đường về ông phải dừng xe vào lề vì có một chiếc xe cứu thương hú còi chạy phía sau tới. Ông đã mong rằng không phải anh mình ở trên đó. 
                                                   
Đến chiều vợ ông đi làm về, không khí trong nhà vẫn u buồn vì hai vợ chồng không nói năng gì với nhau. Lúc lâu sau có tiếng chuông gọi cửa. Ông Phong uể oải đứng lên ra mở. Ông anh họ đến, nét mặt vui tươi khác lạ. Sau lời chào thăm hỏi, ông anh họ lấy từ trong ví ra một xấp tiền. Ông gọi vợ ông Phong ra rồi nói với cả hai người: “Mỗi tháng tôi đưa cho chú thím mượn sáu trăm.  Chú thím cứ chi dùng, bao giờ giả lại cũng được.” Rồi ông đưa tiền cho vợ ông Phong, dặn: “Thím phải quản lý tiền này.”  Ông Phong nhìn vợ, lâu lắm ông mới thấy vợ ông nhoẻn một nụ cười.
Ông anh họ ra về, căn hộ như được hồi sinh. Ông Phong cảm thấy nhẹ nhõm.  Tiễn vị ân nhân ra cửa ông còn đứng lại đó hít hít thở thở mấy cái. Cái tối hậu lệnh của nội tướng đã bị triệt tiêu. Những ngày tiếp theo đầu óc ông không còn căng thẳng nữa. Rõ ràng lòng tốt của ông anh họ làm vơi đi bao lo lắng, u sầu trong gia đình ông. Ông nhớ lại trước đây, nhiều lần ông hỏi mượn tiền, ông anh này đều nhanh lẹ cho mượn.  Ông đoán rằng vì ông trọng chữ tín, luôn trả nợ đầy đủ và đúng hẹn, nên giờ thấy gia đình ông rất ư tội nghiệp, nên ông anh họ cho mượn thêm. Một hành động thiết thực giá trị hơn bao lời nói. Ông thấy đời cũng đáng sống và phải làm cái gì để thoát ra khỏi con đường mòn cũ. Những ngày sau ông tích cực đi tìm việc làm. Đọc trên báo hay nghe người ta giới thiệu hãng nào cần người, ông đều đến nộp đơn. Tuy nhiên, không biết ông đã điền bao nhiêu lá đơn, chờ hết tuần này qua tuần khác không thấy có hãng nào gọi. Mùa xuân là thì thức dậy của vạn vật. Cây cối đâm chồi, mọc nụ non để đơm hoa kết quả. Con người ông cũng cảm thấy háo hức muốn đi làm nhưng chưa chỗ nào mướn ông. Chờ mãi ông chỉ còn biết tự an ủi là lớn tuổi rất khó có việc làm, tuy nhiên vẫn an tâm vì có số tiền hàng tháng của ông anh họ. Đến giữa mùa hè ông mới được gọi đi làm.  Trước đó vợ ông cũng được hãng cho chuyển lên làm toàn thời gian. Gia đình ông dọn đến khu khác sạch sẽ, thuê một căn hộ rộng rãi hơn. 
 Từ khi có tiền của ông anh họ, ông Phong bất cần anh ruột của mình.  Khi đi làm lại, ông xem ra thỏa mãn, thấy anh mình là người tự cao tự đại và hậu quả của thái độ này là ông bị khinh bỉ nặng. Ông đoán ông anh tiếc số tiền đã giúp ông, vì đáng lẽ ông phải có kế hoạch mua nhà lại hay ít nhất đưa vợ con tới nơi đàng hoàng ở, ông lại đi nướng hết vào sòng bài. Nên chi ông đến chỉ hỏi mượn, ông anh vô cớ chửi mắng, đuổi ông đi để khỏi phải mất thêm một số tiền. Qua những lời chửi mắng, anh ông tỏ ra khinh chê ông, cho ông là con người bê tha, ngu dại, thương không nổi. Ôi thôi! Thuở xưa có ba người ở vườn đào, chỉ là kết nghĩa anh em còn sống chết có nhau, đây là tình ruột thịt, cớ sao chia lìa, vất bỏ. Xin đừng vừa xô vừa đạp em mình. Mình sẽ chứng minh cho anh biết mình cũng là người biết phục thiện.
Không ai có thể làm giàu bằng con đường bài bạc ngay thật. Bạn thắng lớn ở casino ư, chưa chắc bạn giữ được số tiền này. Các ông chủ tại đây sẽ cử người phục vụ bạn như hầu hạ một ‘thượng đế’.  Xếp cho bạn phòng khách sạn năm sao, mời bạn ăn ở nhà hàng VIP, cung cấp các dịch vụ thư giãn cho bạn. Tất cả đều free và mục đích của họ là giữ chân bạn lại. Bạn bị hấp dẫn bởi cái ‘lòng tốt’ này của họ, không lỡ bỏ ra về. Bạn tin mình đang số đỏ, tại sao không chơi tiếp. Thế là câu ca dao ‘Tiền cờ bạc gác bụi tre’ được ứng dụng, rồi bạn ‘mất cả chì lẫn chài.’ Người ta kể một anh thanh niên xứ Phù Tang qua Las Vegas đánh bài. Anh ta thắng 200,000 đô. Chiều đến theo chương trình anh phải về lại Nhật, anh hí hửng ra phi trường. Nhưng ở đây báo cho biết máy bay bị trục trặc không cất cánh được. Một nhân viên đứng ngay đó tỏ ý chở anh về khách sạn. Rồi anh ta trở lại chỗ chơi bài, tin rằng họ sẽ mất một số tiền lớn nữa về tay anh vì cơ may đang thuộc về anh. Nhưng hỡi ôi! Số đỏ đổi thành số đen, anh không biết người ta đã dàn cảnh máy bay hư để giữ anh lại. Sáng mai, mặt tiu nguỷu khi ra phi trường, anh đã trả lại Ceasar Las Vegas những gì thuộc về Ceasar Las Vegas. Ông Phong không bị casino cầm chân, nhưng hôm nào đến giờ ‘đan quạt’, ông chưa đi hay không muốn đi là y như rằng có bạn gọi điện thoại tới. Giờ mắt đã sáng ra, ông hối tiếc là nếu không theo chúng, không ham kiếm tiền bằng trò may rủi thì cuộc sống gia đình ông đã khác, không phải tủi thân vì sống trên đất Mỹ gần hai chục năm mà vẫn là vô sản. Ông cố quên đi những gì liên quan đến quá khứ đỏ đen của ông. Tuy nhiên vết thương lòng mà ông anh gây ra, ông không xóa bỏ nổi.  Ông tức giận vì anh ông cố chấp và có thành kiến với ông. ‘Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo’.  Ông anh ghét ông, nên coi ông là kẻ bất trị, không thể sửa chữa nổi. Thực tế là khi dám đến hỏi mượn tiền, ông đã thay đổi, hãi sợ cờ bạc.  ‘Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.’ Nhưng theo ông, sự chửi mắng và hất hủi của anh ông ngày hôm đó chứng tỏ anh ghét cay ghét đắng ông. Ông nghĩ rằng anh luôn nhìn ông là đứa em hoang đàng không biết hối cải. Vì vậy lúc đó, nếu ông có dùng những lời lẽ ngon ngọt thưa chuyện với anh, ông vẫn bị coi là giả dối, đóng kịch và bị xua đuổi như thường. Nhưng thôi, mặc kệ ông anh muốn coi ông là gì cũng được. Ông giờ đi làm có tiền, không phải chi cho cái khoản cờ bạc thì cũng thấy dư dả. Cuộc sống mỉm cười lại với ông.
                                              
Thời gian như ánh nắng mặt trời làm phai nhạt những gay gắt, chua cay của cuộc đời. Sự đầm ấm trong gia đình mà ông Phong tìm lại được đã làm dịu đi những ý nghĩ, những xét đoán của ông về anh của mình. Ông không thể quên được những hy sinh, những yêu thương của anh dành cho ông. Ông nghĩ thái độ nóng giận của anh ông đối với ông ngày hôm đó là hậu quả của bệnh cao huyết áp và tuổi già. Ông tin rằng sở dĩ anh không cho mượn tiền vì xưa nay như người ta nói ‘chó già giữ xương’, những người gần đất xa trời thường thủ về vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên họ làm mà không ý thức được rằng họ đang làm một việc vô ích. Họ quên rằng áo quan không có túi đựng tiền. Dù gì đi nữa, chỉ có hai anh em mà anh lại từ bỏ em sẽ bị người ta chê cười. Ông anh họ tỏ ra thương cảm gia đình ông. Lãnh séc đầu tiên khi đi làm lại, ông điện thoại cho anh ấy để cám ơn và nói đừng mang tiền đến cho mượn nữa. Nhưng anh ấy cứ chủ quan, coi gia đình ông còn khó khăn, nên đến kỳ anh ấy vẫn đến với số tiền như trước, còn căn dặn:  “Chú thím chi đầy đủ cho các cháu kẻo tội nghiệp chúng, còn dư bỏ vào tiết kiệm để dành mua nhà lại. Đừng lấy đi bài bạc là được.”  Vợ ông Phong liếc nhìn chồng, trả lời:  “Nhà em chừa hẳn rồi bác ạ!  Bây giờ lĩnh lương về đưa hết cho em giữ.”  Thật sự ông Phong đã thay đổi cách sống và ý thức được rằng ông đã phải trả giá đắt cho cái quá khứ điên rồ của mình.
Mùa thu lá rơi gợi nhớ sự chia lìa, nhớ thương. Vào một ngày khi những chiếc lá cuối cùng lìa khỏi cành, ông Phong ăn trưa trong hãng xong, cảm thấy bần thần trong người. Hết giờ làm việc ông vội vã lái xe ra về. Vào nhà ông lại ngay chỗ điện thoại thấy có một mẩu nhắn. Ông mở ra nghe. “Báo cho chú thím biết anh Quân của chú phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Saint Anthony. Chú thím đi làm về, đến bệnh viện gấp.”  Ông nhấn nút nghe lại, nhận ra tiếng ông anh họ, nhắn lúc 2:15 chiều. Ông cảm thấy buồn, không biết anh mình có sao không. “Nghĩa tử là nghĩa tận.” Ông sẵn sàng tha thứ cho ông anh về cái lòng thù hận đối với mình. Ông hối vợ sửa soạn nhanh lên để đi vào bệnh viện. Ngồi lái xe đầu óc ông quay cuồng vì ý nghĩ không biết ông phải nói gì với anh và anh sẽ nói gì với ông.
                                                  
Ông bà Phong đến phòng ông Quân nằm, đã có mặt chị Quân và các cháu, cùng vợ chồng ông anh họ. Mọi người lầm bầm đọc kinh cầu nguyện. Ông anh họ lên tiếng:  “Chú thím Phong tới trễ rồi. Anh của chú đã đi cách đây gần một tiếng đồng hồ. Lúc còn tỉnh anh của chú nhờ tôi nhắn với chú là ‘anh không giận chú, vẫn yêu thương chú.  Anh chỉ dùng câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ để mong chú sửa đổi.  Anh rất mừng vì chú đã trở lại người tốt không cờ bạc nữa.”  Nói đến đây ông anh họ ngừng lại, nét mặt thay đổi, môi run run, rồi nói tiếp trong nghẹn ngào: “Tôi nói cho chú thím biết số tiền hàng tháng tôi đưa cho chú thím không phải của tôi, là của anh Quân của chú.”
Mọi vật như sụp đổ. Vợ chồng ông Phong quay nhìn nhau miệng há hốc, vội vàng quì xuống bên xác người anh òa lên khóc.
                                                          Dominique Phạm Văn Cảnh, TĐ61

2 nhận xét:

  1. em cũng khóc! mừng cho người em trong câu chuyện và khóc cho phận mình! hichic

    Trả lờiXóa
  2. Xin cảm thông !
    Xin Chúa nâng đỡ Bạn !

    Trả lờiXóa