Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô và GM Myriel của Victor Hugo

Đức Phanxicô và GM Myriel của Victor Hugo: hư thực gặp nhau
Vũ Văn An3/28/2013 9vietcatholic)

Cuốn phim phỏng theo Les Misérables của Victor Hugo, dù rất có giá trị về phương diện giải trí, nhưng vì nội dung của nó chỉ vỏn vẹn tóm gọn trong hai tiếng đồng hồ, nên không thể nói hết được những gì văn hào vĩ đại của Pháp muốn nói, như trong cuốn tiểu thuyết cùng tên không bị giản lược. Và bị phim giản lược hơn cả là phần nói về Đức Cha Myriel, giám mục một giáo phận vô danh (Hugo gọi là giáo phận “D----“).

Trong cảnh then chốt khi vị giám mục đồng ý với câu truyện Jean Valjean “bịa” ra để cho rằng anh ta không đánh cắp hai đế nến mà là được người ta tặng, do đó đã biến dối trá thành sự thật và kẻ phạm tội thành người công chính, cuốn sách và cuốn phim giản lược cố tình biến tình tiết ấy thành một ngạc nhiên. Quả tình, đó là một ngạc nhiên đối với Valjean, nhưng đối với người đọc cuốn tiểu thuyết không bị giản lược, thì tác phong của vị giám mục chẳng có chi đáng ngạc nhiên cả, bởi trước đó, đã có tới 14 chương nói về tác phong đầy ngạc nhiên của vị giám mục này rồi.

Thiển nghĩ, các vị giám mục mới thụ phong nên dùng 14 chương này làm “sách thiêng liêng”, để biết làm giám mục phải nên như thế nào. Người ta có cảm tưởng dường như đó là điều Giám Mục Jorge Mario Bergoglio đã làm khi mới thụ phong!

Kiệt tác của Hugo bắt đầu như sau: “Năm 1815, M. Charles-Francois-Bienvenu Myriel là giám mục giáo phận D---- Ngài là một ông già khoảng 75 tuổi; và đã giữ toà D---- từ năm 1806”. Ai cũng biết, năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio trở thành giáo hoàng. Ngài là một ông già 76 tuổi, từng là hồng y từ năm 2001. Các con số trên ít nhiều có tính sóng đôi.

Dĩ nhiên những tương tự bên ngoài ấy không quan trọng bằng những tương tự bên trong giữa “Đức Cha Nghinh Đón” và vị tân giáo hoàng thân thương của chúng ta, những tương tự trong phong thái mục vụ, trong phong thái giảng dạy, trong cách ngài được tiếp nhận và trong tập chú của ngài đối với lòng cảm thương.

1. Phong thái mục vụ

Chương ba của Les Misérables có tựa đề là “Một Tòa Giám Mục Khó Khăn cho Một Vị Giám Mục Tốt Lành”. Điều này thật đúng đối với cả Buenos Aires, lẫn Rôma, và nói chung với cả thế giới ngày nay nữa. Ấy thế nhưng Đức Cha Myriel vẫn cương quyết đi thăm hết. Trong tương lai, người ta sẽ thấy Đức Phanxicô đi thăm mọi giáo xứ trong giáo phận Rôma của ngài. Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên trong đời giáo hoàng của ngài đã được cử hành tại giáo xứ Thánh Anna, nơi sau Thánh Lễ, ngài đã tiếp đón các tín hữu như một cha xứ khiêm nhu như thế nào, khiến nhân viên an ninh phải ngỡ ngàng và lo lắng xiết bao. Ta hãy nghe mẩu đối thoại sau đây trong Les Misérables:
-Thưa Đức Cha, Đức Cha đừng có đi. Nhân danh Chúa đấy! Đức Cha liều mình nguy đến tính mạng đấy!
- Thưa Ông Thị Trưởng, chỉ có thế thôi sao? Tôi ở trên thế gian này đâu phải để giữ mạng sống mình, mà là để giữ các linh hồn.


Đức Cha Myriel dùng tòa giám mục làm bệnh viện, và sống khiêm nhường với bà chị ruột cao niên và một bà bếp, người mà ngài không nỡ cho thôi việc. Đức Hồng Y Bergoglio cũng đã không dùng Toà Giám Mục Buenos Aires làm nơi cư trú mà sống trong một căn hộ nhỏ, với một vị giám mục cao niên đã về hưu. Chính ngài nấu nướng lấy. Vị giám mục của Hugo bán cỗ xe của ngài để du hành trên lưng lừa, kiểu đi lại của người nghèo. Ở Buenos Aires, vị giáo hoàng tương lai của chúng ta thích sử dụng phương tiện đi lại của người nghèo: cỡi xe buýt!

Trong ngân sách và trong kế hoạch mục vụ của giáo phận D----, người nghèo được xếp hàng đầu. Vị giáo hoàng của chúng ta, lấy tên theo Người Nghèo Assisi, xưa nay vốn cho thấy: người nghèo và người bị bỏ rơi luôn là ưu tiên số một. Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh của ngài sẽ được cử hành tại một trại tù thiếu niên.

Đức Phanxicô sẽ không chiếm trọn phủ giáo hoàng. Nơi ở của ngài sẽ đơn giản và khắc khổ. Các phòng ốc của Vatican sẽ làm ngài khó mà ganh đua với Đức Cha Myriel về sự khắc khổ, nhưng chắc chắn sự đơn giản sẽ trổi vượt. Còn nhiều điển hình khác mà bạn đọc có thể đọc tiếp trong tác phẩm trọn vẹn của Hugo.

2. Phong thái giảng dạy

Nhiều người đã viết về phong thái thích nói tự phát của Đức Phanxicô. Ngài thích giảng giải một cách trực tiếp, trích dẫn Tin Mừng và các giáo phụ đã đành, mà còn dùng các thí dụ đơn giản, rất quen thuộc như người cha nói với con cái mình.

Đức Cha Muriel của Hugo đi thăm khắp giáo phận của mình, và trong các dịp thăm viếng này, ngài rất nhân từ và dễ dãi, nói chuyện chứ không giảng thuyết. Ngài không bao giờ phải đi xa để kiếm luận chứng hay điển hình. Ngài trích dẫn cho cư dân ở một nơi nghe điển hình của một nơi kế cận . Nói chuyện chứ không giảng thuyết. Điều này rõ ràng là sở trường của đức tân giáo hoàng.

Trong sự đơn giản, người ta thấy cả một sức mạnh lớn lao. Những vị như Thánh Phanxicô, trong giảng thuyết, cũng dùng lời lẽ. Nhưng lời lẽ của ngài hết sức đơn giản, trực tiếp và mạnh mẽ. Nhờ thế, ngài ăn nói trịnh trọng nhưng như một người cha; không có thí dụ, ngài tạo ra dụ ngôn, đi thẳng vào trọng điểm, bằng một ít câu nhưng nhiều hình ảnh, là những đặc điểm từng tạo nên sự hùng biện thực sự của Chúa Giêsu Kitô. Và vì ngài tự xác tín bên trong, nên ngài thuyết phục được người ta.

Tính thuyết phục của Đức Phanxicô cũng thế, cũng đã phát xuất từ chính xác tín trong tâm hồn ngài. Và ngài quen ký các sứ điệp mục vụ của ngài bằng chữ paternalmente (trong tình cha con). Lối giảng của ngài nghiêm chỉnh y như trong Hugo, vì Đức Cha Myriel cũng nghiêm chỉnh, nhưng không theo nghĩa ảm đạm. Có người đã nhận xét như sau về Đức Phanxicô: “khi ngài cười, đó là cái cười của một cậu học trò”.

Tiếng Ý của Đức Phanxicô có giọng Tây Ban Nha, nhưng tiếng Tây Ban Nha của ngài lại có giọng Argentina, một giọng đặc porteño, vùng Buenos Aires. Đức Cha Myriel nói giọng Provençal, và rất thoải mái khi ở vùng cao nguyên. Điều này làm dân chúng cực kỳ thích thú, và góp phần không nhỏ vào việc giúp ngài đi vào lòng mọi người. Ngài hoàn toàn thoải mái ở vùng thôn dã và ở vùng cao nguyên. Ngài biết cách nói những điều trang trọng nhất bằng những thành ngữ thông thường nhất. Vì ngài nói được mọi thứ tiếng nên ngài vào được mọi cõi lòng. Đàng khác, đối với các vị vọng của thế giới hay đối với giai cấp cùng đinh, ngài vẫn chỉ là một. Ngài không vội vã kết án bất cứ điều gì mà không xét đến các hoàn cảnh khác nhau. Ngài hay nói: hãy khảo sát con đường mà lỗi lầm đã bước qua.

Nếu sự đơn giản trong ngôn từ và giọng nói của Đức Phanxicô chưa được chú ý nhiều, thì nay mai nó sẽ được nhiều người nhận định. Điều được nhiều người chú ý hơn là ngài không ngừng nhắc đến lòng thương xót. Ngài nhắc đến nó trước mặt tín hữu nói chung và cả trước mặt các nhà cầm quyền trên thế giới nữa. Chỉ có điều, với những nhà cầm quyền, ngài nghiêm nghị hơn khi khiến họ ý thức được trách nhiệm lớn lao của họ. Họ tiếp nhận ngài ra sao, lại là chuyện khác.

3. Ngài được tiếp nhận ra sao

Cả Đức Phanxicô lẫn vị giám mục giả tưởng của ta đều được người nghèo và người đơn sơ trong tâm hồn tiếp đón hân hoan và cởi mở, nhưng bị người kiêu căng và quyền thế tiếp đón nghi ngờ và phê phán. Bất cứ ngài xuất hiện ở đâu thì đó là ngày hội tuyệt hảo. Người ta dám nói: sự hiện diện của ngài có điều gì đó rất ấm áp và sáng láng. Trẻ em và bô lão tuôn ra khỏi cửa để đón Đức Giám Mục như đón ánh mặt trời. Ngài ban phép lành, và họ chúc tụng ngài. Họ chỉ nhà ngài cho bất cứ ai cần bất cứ điều gì. Ngài ngừng hết chỗ này tới chỗ kia, tới sát các bé trai bé gái và mỉm cười với các bà mẹ. Ngài tới thăm người nghèo bất cứ khi nào có chút tiền; khi không có đồng nào, ngài tới viếng người giầu.

Hẳn ai cũng đã thấy Đức Phanxicô xuất hiện trên bancông Nhà Thờ Thánh Phêrô tối ngày 13 tháng 3 và không thể không nghe người ta bình luận: “Ngài ban phép lành và người ta cầu nguyện cho ngài”. Mưa vừa mới ngưng, và khi tân giáo hoàng xuất hiện, họ có cảm giác mặt trời như mới mọc lại vào lúc 8 giờ tối.

Có một tình tiết hết sức cảm động ở Chương IV trong đó Đức Giám Mục giúp một tội nhân cứng lòng trở lại trước khi bị hành hình vì tội sát nhân. Ngài tháp tùng anh ta tới đoạn đầu đài. Vì những điều cao cả nhất thường là những điều ít được hiểu biết nhất, nên có những người trong thành, khi bình luận về tác phong của vị giám mục, đã nói rằng: mầu mè chi rứa! Tuy nhiên, đây hẳn chỉ là nhận xét của những người giam mình trong các phòng khách. Chứ quảng đại quần chúng, những người không đùa bỡn với những việc làm thánh thiện, thẩy đều xúc động và ca ngợi ngài.

Ngày nay, những nhận xét như trên không còn bị giới hạn trong các phòng khách nữa, mà xuất hiện công khai tại các phòng tin tức, trên các blog to nhỏ và trong nhận định của rất nhiều người không bao giờ hiểu được Giáo Hội vì họ không bao giờ biết tôn trọng sự thánh thiện, và cả của những người trong Giáo Hội không biết trân quí những gì là nhân bản.

Hậu cảnh của Đức Phanxicô vốn từng bị phê phán. Một số người mưu toan kéo ngài vào những tai tiếng mà ngài chưa bao giờ mắc phải, từ chủ trương về “hôn nhân đồng tính” và việc họ nhận con nuôi (một chủ trương mà ngài thừa hưởng từ hơn 250 vị tiền nhiệm và từ giáo huấn Công Giáo 2 ngàn năm nay), tới tác phong “đồng lõa” trong Cuộc Chiến Bẩn Thỉu trước đây tại Argentina.

Người duy thế tục than phiền rằng ngài không chịu bán mọi bức tranh của Vatican. Người duy truyền thống thì than van việc ngài mang giầy đen, thay vì mang giầy đỏ, sẽ phá bỏ nghi lễ và là dấu báo hiệu sắp nổ ra ly giáo. Nhưng người đơn giản sẽ tôn trọng ý định của các nghệ sĩ khi họ hiến tặng nghệ phẩm cho Giáo Hội, và người nghèo thì không bao giờ mua giầy mới khi giầy cũ vẫn còn tốt và vừa vặn. Cám ơn Chúa vẫn còn những người “không đùa bỡn với những việc làm thánh thiện”. Họ chính là người hiểu được Đức Phanxicô nhiều hơn cả.

4. Tập chú của ngài đối với lòng cảm thương

Đoàn chiên của Đức Phanxicô, trên hết, là những người bị đẩy ra bên lề, những người nghèo về vật chất và cả những người nghèo về tinh thần đo điều được Đức Bênêđíctô gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” gây ra. Thái độ của ngài đối với họ là thái độ cảm thương sâu sắc.

Chương X trong Les Misérables kể lại câu truyện rất cảm động về việc Đức Cha Myriel tới thăm một người đàn ông hấp hối, được Hugo mô tả là “thành viên của Nghị Hội G---,” có thể là một lãnh tụ thời Cách Mạng Pháp. Hai người tranh luận sôi nổi về cách mạng, các ý tưởng và các thảm họa của nó.

Điều đáng nói ở đây là khi cái chết tới gần và theo như cuốn phim hồi thập niên 1950 diễn lại, thì người đàn ông này ăn năn trở lại và xin được xưng tội. Đây là lời “thú tội” của ông ta: “Con đã cứu giúp người bị áp bức, con đã an ủi người đau khổ. Con đã xé nát khăn bàn thờ, đúng như vậy; nhưng là để băng bó các vết thương của đất nước con. Con luôn luôn ủng hộ bước tiến lên của loài người, bước tiến lên ánh sáng của họ, nhưng cũng có lúc cưỡng lại tiến bộ một cách không thương tiếc. Khi có dịp, con đã che chở thù địch của con, những người theo nghề của cha. (…) Con đã làm nhiệm vụ theo quyền lực của mình, và mọi điều thiện theo khả năng. Để đáp lại, con đã bị săn đuổi, lùng bắt, bách hại, bầm dập, chế nhạo, mắng nhiếc, nguyền rủa, đặt vòng ngoài pháp luật. Trong nhiều năm qua, với mớ tóc bạc này, con biết rõ rất nhiều người nghĩ rằng họ có quyền khinh bỉ con; đối với quần chúng ngu dại đáng thương, con biểu tượng cho khuôn mặt của một người bị nguyền rủa. Và con chấp nhận sự cô lập đầy hận thù này mà không hề ghét chính mình. Bây giờ con đã 86 tuổi; con đã gần chết. Vậy cha tới đây để yêu cầu con điều gì?.

Vị giám mục đáp lại: ‘sự chúc lành của con’ và ngài qùy gối xuống. Khi ngài ngửng đầu lên, thì khuôn mặt của nghị hội viên đã trở thành uy nghi. Ông vừa trút hơi thở cuối cùng. Vị giám mục trở về nhà, trầm ngâm suy nghĩ những gì ta không thể biết. Ngài cầu nguyện suốt đêm đó. Sáng hôm sau, một số người mạnh bạo và tò mò cố gắng nói với ngài về người thành viên của Nghị Hội G---; ngài chỉ lặng lẽ chỉ tay lên trời.

Thời gian sẽ cho ta biết thái độ của Đức Phanxicô đối với một lãnh tụ thời nay, một người vốn tranh đấu, nhưng tranh đấu ở phía bên kia và chống lại Giáo Hội. Loại người mà ta thường dễ dãi gọi là tội lỗi. Và nhiều người trong Giáo Hội sẽ xé áo mình vì đức giáo hoàng dám cúi đầu xin sự chúc lành của người này, vì tôn trọng phẩm giá làm người của anh ta và vì dù sao đây cũng là một linh hồn mà Chúa Kitô đã chết cho. Magdi Cristiano Allam, người được Đức Bênêđíctô đích thân rửa tội, nhưng vừa từ bỏ đức tin Công Giáo, coi việc bầu Đức Phanxicô là một lầm lẫn, có thể là một trong những người này.

Ước mong sao, lòng nhân từ ấy không là gương mù đối với ta và ta đừng là người con cả trong dụ ngôn. Đức Cha Myriel của Victor Hugo đã có lời suy niệm hết sức ý nghĩa như sau: Sách Giảng Viên gọi Ngài là Đấng Toàn Năng; Sách Macabê gọi Ngài là Đấng Tạo Hóa; Thư Êphêsô gọi Ngài là Tự Do; Sách Barúc gọi Ngài là Mênh Mông; Thánh Vịnh gọi Ngài là Khôn Ngoan và Chân Lý; Tin Mừng Gioan gọi Ngài là Ánh Sáng; Sách Các Vua gọi Ngài là Chúa; Sách Xuất Hành gọi Ngài là Quan Phòng; Sách Lêvi gọi Ngài là Thánh Thiện; Sách Esdra gọi Ngài là Công Lý; tạo vật gọi Ngài là Thiên Chúa; con người gọi Ngài là Cha; nhưng Salômôn gọi Ngài là Cảm Thương, và tên này quả là tên đẹp nhất trong mọi tên của Ngài (1).

Đức Phanxicô quả là hiện thân của vị giám mục tưởng tượng trong Les Misérables vì cả hai vị, một vị có thực một vị giả tưởng, đều đặt trọng tâm tâm hồn mình nơi Đấng Thiên Chúa xót thương và đầy cảm thương. Ta sẽ không lấy làm lạ nếu một ngày nào đó ngài cho cả đế nến của mình.
Viết theo Edward Mulholland, http://www.ncregister.com/blog/edward-mulholland/pope-francis-and-les-mis-fiction-meets-fact.
_____________________________________________________________________
(1) Các đoạn viết nghiêng được trích từ Les Misérables.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét