Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

NGHÈO MÀ TỰ TRỌNG !!!

Nghèo Mà Tự Trọng
Dominique CẢNH (Lớp 61,Mỹ)

Nghèo không phải là tội. Nhưng ‘có thực mới vực được đạo’, thiếu thốn quá cũng khó có hạnh phúc, thoải mái trong cuộc sống. Khi ‘nghèo lại mắc cái eo’ hỏi có ai giữ được sự đầm ấm, hòa thuận trong gia đình.
Cô Loan dạy tiểu học. Chồng tên Công là công nhân làm việc ờ Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Hồi đầu thập niên một chín tám mươi vợ chồng Công hưởng lương biên chế nhà nước nên chỉ đủ ăn. Đến khi sinh hai đứa con, gia đình họ trở thành túng thiếu. Tuần sau vợ chồng Công đi dự tiệc cưới của một người bạn của Loan tổ chức ở nhà hàng. Thật sự Loan ngại đi vì nghèo lại sống thời bao cấp nên giáo viên, công nhân viên làm sao có của ăn của để mua sắm vàng vòng đeo. Nhưng đây là bạn dạy chung trường lại quen thân cả Công nên không đi không được.
- Anh ơi làm sao bây giờ? Anh không biết đâu em mà không đeo trang sức, người ta sẽ khinh khi mình.
Loan nói ra làm chồng suy nghĩ thấy vợ mình nói đúng. Phụ nữ không trang điểm, thiếu trang sức như cây thiếu nước. Vợ chồng mình lèng phèng quá người ta sẽ nói mình không tôn trọng họ. Chàng quyết định đi mượn cái gì cho vợ chàng.
Chiều thứ sáu Công chở vợ con đến nhà anh chị Nhân ở đường Kỳ Đồng đúng lúc anh chị sắp sửa đi lễ. Sau những lời thăm hỏi Công vào đề ngay. Chị Nhân nói: “Có ngay!” rồi đến thẳng cái tủ ở góc nhà dùng chìa khóa mở ngăn kéo, lấy một cái hộp nhỏ xinh xắn đưa cho Loan, xong ngồi xà ngay xuống nựng hai đứa nhỏ. Chị Nhân rất thích trẻ em, thấy chúng như thấy vàng, chả vì hồi xưa chị đã từng là huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể, có thời gian phụ trách ngành Ấu. Loan muốn mở hộp ra xem là cái gì nhưng không làm được vì cứ phải nhắc chừng hai con trả lời bác Nhân. Công nói chuyện với anh Nhân, nhìn lên đồng hồ thấy gần sáu giờ vội vàng nhắc Loan và hai con cám ơn và chào hai bác đi về. Anh chị Nhân tiễn gia đình Công ra trước nhà, chị Nhân còn hôn tới hôn lui hai đứa nhỏ. Xe chạy khuất chỗ cua quẹo, anh chị mới quay vào nhà. Chị Nhân mặt nhăn nhăn nói một mình: “Quên không dặn cậu mợ.” Về đến nhà, Loan hớn hở mở hộp ra. Nàng ồ lên: “Anh ơi! Bông tai đẹp quá!” Nằm gọn gàng trong hộp là đôi bông tai hột xoàn xinh xắn, trông rất đẹp. Loan ra trước gương đeo vào đứng ngắm nghía, mặt tươi tỉnh hẳn lên. Nàng ra đứng trước mặt chồng hỏi có đẹp không. Công ngắm vợ một lúc khen: “Đẹp lắm, đẹp lắm! Em trông trẻ ra.” Hai con cũng khen: “Mẹ chẹp! Mẹ chẹp!
Đám cưới vào chiều thứ bảy, khách mời gần trăm người. Các con của Công được ăn món này món kia, lại được vui đùa với các bạn đồng trang lứa tỏ ra rất thích thú. Tiệc kéo dài hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Ăn đồ tráng miệng xong thấy có người ra về, Công ra dấu với vợ, vội vàng đứng lên dẫn hai con ra lấy xe. Loan ra khỏi nhà hàng với một người bạn vừa đi vừa nói chuyện. Trời tối mò chỉ có vài bóng đèn lờ mờ. Bỗng có hai tên thanh niên xuất hiện đến trước mặt hai người ra lệnh: “Tháo đưa đây!” Hai chị lưỡng lự tính tri hô. Hai tên cùng rút dao ra chĩa vào hai người, lưỡi dao sáng loáng trông dễ sợ. Loan run lên lập cập cởi được một bên. Tên này dí mũi dao vào gần Loan hơn ra lệnh cởi nốt đưa cho hắn. Chị bạn cũng hãi sợ không kém, cởi sợi dây chuyền vàng đưa cho chúng. Trấn lột xong liền có hai xe gắn máy chạy tới. Hai tên nhảy lên, xe phóng chạy mất. Chuyện xảy ra nhanh quá làm hai người choáng váng muốn xỉu. Vừa lúc đó đám người trong nhà hàng ra, xúm lại hỏi thăm. Công chở hai con tới. Loan thấy chồng tỉnh trí lại, ra lệnh: “Bỏ hai con xuống đuổi theo. Cướp! Cướp!” Công tính làm theo nhưng mọi người cản. Đứng bàn tán thêm một chút, rồi tất cả rút êm lo sợ.
Đêm đó hai vợ chồng trằn trọc không ngủ được. Công nghĩ tới những vụ cướp của giết người xảy ra như cơm bữa. Thật là ‘nghèo đói sinh đạo tặc.’ Rất may vợ chàng chỉ bị cướp của. Công tiếc đã không cẩn trọng bảo vệ cho vợ. Loan nằm đó tức giận cái bọn ‘trời đánh thánh đâm’ này. Đồ mình đeo là đồ đi mượn, như vậy có làm khổ thêm người ta không. Sáng hôm sau chủ nhật Loan đi lễ nhất, nét mặt buồn rầu như đi đưa đám. Công nhắc vợ:
- Em nhớ cám ơn Chúa và Đức Mẹ. Loan sừng cồ lên hỏi lại:
- Em bị mất của mà cám ơn về cái gì.
- Em phải cám ơn được bình an vì Chúa và Đức Mẹ soi sáng cho em không la lên hay chống cự lại chúng. Nếu không sẽ lãnh đủ một dao, có khi còn bị mất mạng.
Lễ về Loan dọn dẹp nhà cửa rồi ra đầu hẻm mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Đầu óc nàng bây giờ nó làm sao, đi ra đến chỗ bán thức ăn mới nhớ không mang tiền, lại phải trở về nhà lấy. Công đi lễ thứ hai về mặt mày buồn thiu, trông bộ điệu rất chán nản. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua, hai vợ chồng chẳng nói năng gì với nhau. Không khí trong nhà trở nên căng thẳng như đang có chiến tranh lạnh. Công ngồi ở ghế sa-lông, đĩa thức ăn trên cái bàn nhỏ trước mặt, chàng lấy mấy tờ báo cũ ra, lật trang này qua trang khác. Chàng cứ làm như vậy mà không đọc rồi thở dài. Mà thật sự chàng có đọc báo bao giờ đâu, báo được phân phối thường được dành để làm giấy vệ sinh, nhiều thì để bán giấy lộn. Loan mặt hơi sượng, nàng đi ra chợ mua vài thứ làm bữa và về rất nhanh. Đây là điều rất khác so với những ngày cuối tuần khác. Chứ mọi khi ra chợ mua miếng thịt hay bó rau cũng tốn hết cả tiếng đồng hồ dù rằng chợ đâu có xa nhà là bao. Nàng còn phải đứng nói chuyện với người này người nọ. Về đến nhà nàng lại say sưa kể cho chồng nghe hết mọi chuyện vừa được trao đổi ở ngoài chợ. Công cuối tuần hay đi đến nhà bạn bè chơi, có khi dẫn con đi theo. Những tuần ở nhà chàng sửa chữa, sắp xếp thứ gì đó trong nhà. Những lúc này chàng vừa làm vừa nghe vợ nói. Chàng thông hiểu người phụ nữ nào cũng có nhu cầu nói nhiều. Nếu chồng tỏ ý không muốn nghe thì thế nào cũng có chuyện. Nhưng hôm nay tình thế thay đổi, Công cứ ngồi đó đầu óc trống rỗng. Loan giặt giũ xong bắt đầu làm bếp. Nàng làm nhẹ nhàng, miệng câm nín. Hai đứa trẻ dậy trễ, ăn uống xong lấy đồ chơi ra chơi. Chúng cũng không muốn gây tiếng động hay ồn ào như mọi khi. Chúng hiểu được phần nào tình cảnh của bố mẹ chúng.
Người Việt nam khi ăn cơm là ăn chung cả gia đình và những chuyện quan trọng có tính cách nội bộ người ta mang ra bàn trong bữa ăn. Gia đình Công cũng có thói quen này. Đây là lúc họ bàn về đôi bông tai bị mất. Loan đưa ra hai không: không đền, không mua trả. Nàng trưng ra lý lẽ là nếu nói thật anh chị Nhân cũng không tin vì ngoài đời có biết bao vụ lừa gạt nhau, không ai tin được ai. Thêm nữa nhà mình nghèo quá lấy tiền đâu mua đền. Công cắn miệng làm thinh, nét mặt suy tư. Chàng ngạc nhiên về ý kiến này của vợ. Giải quyết vấn đề kiểu này là không được. Chàng tính phản bác lại ngay nhưng nhớ lại lời ông bà dạy rằng, “Chồng giận thì vợ làm lành, Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì? Vợ bước tới chồng bước lui, Bước lui một bước êm xuôi cả nhà.” Do đó chàng làm bộ gật gật cười cười, không trả lời chi về ý kiến của vợ. Trong bữa cơm chiều vợ chàng lại bảo vệ ý định của nàng, đưa ra lý lẽ mới: Tiền làm ra phải để nàng nuôi con, không có để đền. Lập luận này của vợ làm chàng suy nghĩ. Phụ nữ nghĩ về bản thân và gia đình trước tiên. Người vợ nào cũng vậy, có ý thức bảo vệ con cái cao hơn người chồng. Những đứa trẻ trong xóm chơi với nhau. Đứa này đánh chửi đứa kia. Đứa bị hại về méc mẹ thì thế nào người mẹ này cũng phản ứng dữ dội với gia đình của đứa kia. Trong khi người chồng hòa hoãn hơn, can: “Thôi tụi nó là con nít con nôi chấp nhất làm chi.” Với lý lẽ này của vợ, chàng phân vân không biết phải làm gì bây giờ.
Hôm sau trong xưởng làm, chuyện đôi bông tai bị cướp và các lập luận của vợ cứ lởn vởn trong đầu chàng. Chàng cố xua đuổi chúng đi để tập trung vào công việc, sợ làm hư hỏng sản phẩm hay xảy ra tai nạn nhưng không được. Lòng chàng như mớ bòng bong. Làm con cái Chúa đâu có thể quịt như vậy được. Tội chết. Lỗi phép công bằng có xưng cũng không khỏi nếu không đền trả. Chiều về cũng trong bữa ăn Loan lập lại ý định của nàng. Để nàng nói hết Công nhỏ nhẹ: “Anh thì suy nghĩ thế này. Mình không đền sợ anh chị ấy đi rêu rao vợ chồng mình giật đôi bông tai này thì lúc đó mọi người sẽ nhìn anh và em là người như thế nào.” Không biết anh chị Nhân có làm như vậy không, nhưng khi chàng bất chợt nghĩ ra và nói cảnh báo này, vô hình chung chạm tới lòng tự ái của vợ. Loan chau mày ra vẻ tư lự. Công nói thêm: “Chúng mình đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện hằng ngày, chúng mình không thể làm như em nghĩ.” Loan đăm chiêu một lúc, cuối cùng nàng nói lẫy: “Thôi anh muốn làm gì thì làm nhưng phải để mẹ con em sống được.”
Công lên kế hoạch mượn tiền để mua một đôi bông tai khác đền cho anh chị Nhân. Chàng biết rằng một mình chàng không thể làm được chuyện này, phải có nàng hợp tác vào. Về phần Loan, nàng cũng sớm hồi tỉnh để thấy rằng: Vì mình xí xọm để chồng con ra nông nỗi này. Ví rằng không mượn, không đeo thì đâu có bị trấn lột. Nàng nhất trí với chồng về việc làm trước nhất là cùng về quê mượn vàng của cha mẹ nội ngoại. Tiếp theo Loan hốt hai hụi dù phải bỏ thăm cao. Mượn thêm một số tiền lớn của bà Ba-Cho-Vay với lãi suất không phải là ít. Sang tuần thứ hai Công tổng cộng vàng, tiền muợn được với ít vốn dành dụm từ trước đến giờ, như vậy đã có một giá trị tiền bạc khá lớn đủ mua một đôi bông tai hột xoàn. Thật ra vợ chồng Công biết rất ít những gì liên quan đến hột xoàn như về màu sắc, độ trong và nhất là giá cả. Nhưng muốn biết cũng dễ thôi, người ta chỉ việc ra chợ hỏi mấy bà đang ngồi ở các sạp bán hàng là biết ngay. Thời kỳ đó không còn các tiệm vàng. Nhưng ở các chợ lớn hình thành một thị trường mua bán quí kim vàng bạc, ngoại tệ chui. Có khi là mấy người có tiệm vàng trước đây thuê một cái sạp hay ki-ốt, trên đó bày vài thứ hàng hóa gì đó để che mắt quản lý thị trường. Thực chất là họ mua bán những đồ quí hiếm này đằng sau cái quầy. Nếu cần thử hay cân đo thì họ mang đi chỗ khác làm. Họ chỉ giao dịch với những người quen biết ngày trước. Trường hợp khách mới thì cần có người quen giới thiệu dẫn tới vì họ sợ công an gài bẫy. Ở một mức độ thấp hơn, trong khu phố có những người làm công việc mối lái mua bán những thứ này. Họ lấy hàng của người muốn bán, đem đến giới thiệu với người muốn mua. Họ làm trung gian để hai bên thỏa thuận về giá cả và thanh toán. Có khi họ là vệ tinh của mấy người ngồi ngoài chợ.
Vào thời đó có cái Nghị định độc nhất vô nhị trên thế giới là cấm mua bán nhưng nhà nước quản lý vàng bạc đá quí của dân. Ai có phải khai báo nộp nhà nước giữ. Có mấy ai làm theo cái luật quái dị này. Ai lại ‘đem trứng giao cho ác.’ Cấm cũng không được vì người ta luôn luôn có nhu cầu mua bán trao đổi vàng bạc, trang sức. Những người lớn tuổi có đôi bông tai hay chiếc nhẫn hột xoàn muốn bán đi vì thời này cướp giật mọi nơi nên không dám đeo, mua vàng cất giữ cho chắc ăn. Nhiều người khác có trang sức phải bán đi để có tiền chi tiêu hay đi thăm nuôi chồng đang học tập cải tạo. Một số khác bán ra mua vàng đi vượt biên. Một chị mối lái đem đến tận nhà Công giới thiệu ba đôi bông tai hột xoàn. Loan thấy một đôi tuy hột hơi nhỏ nhưng kiểu dáng gần giống đôi của chị Nhân cho mượn. Vợ chồng Công chấm đôi này vì giá cả cũng vừa với số tiền gom góp được. Mua đồ trang sức không như mua bó rau ngoài chợ. Tuy người mối lái là quen trong xóm, Loan và chồng vẫn phải kỹ càng, cẩn thận. Cái hệ quả bị cướp đôi bông tai đi mượn còn đang đau xót nên lần này làm sao để không bị gạt. Người bán bao giờ cũng nói hay, nói đẹp về hàng của mình nhưng đừng tin, phải kiểm chứng lại. Chị mối sẵn sàng giao đôi bông tai cho Loan đi hỏi, đi thử. Loan mang ra hỏi bà quen ngoài chợ. Bà cho biết giá như vậy cũng được. Bà nói thêm: “Giá của những hàng này giờ chỉ bằng hai phần ba hồi trước. Bây giờ nhiều người bán ra, ít có ai  mua vào.” Bà chỉ cho Loan đôi hột xoàn này không trong hoàn toàn nhưng có hơi chút ánh vàng. Bà bày Loan chê khiếm khuyết này nói họ bớt thêm cho. Bà này tưởng Loan sắm đôi bông tai cho em hay cháu lập gia đình nên nói để giới thiệu một đôi mẫu mã đẹp hơn. Loan lắc lắc đầu mỉm cười, trả tiền công cho bà nhưng bà không lấy. Gặp lại người bán Loan kì kèo xin bớt, họ giảm thêm một số. Chiều thứ sáu Công làm về chở cả nhà đi trả đôi bông tai. Trên đường Công hy vọng chị Nhân đừng mở ra xem như lúc cho mình mượn thì đẹp đẽ biết mấy. Đến nhà, điều còn quá hơn mong đợi, anh chị Nhân đi vắng chỉ có cô con gái lớn ở nhà. Cháu nhận đôi bông tai đựng trong cái hộp như trước, đem cất ngay vào tủ. Gia đình Công ra về nhẹ nhõm, làm xong một bổn phận. Nhưng tiếp theo là phải kiếm cái gì làm để có tiền đóng nợ hàng tuần, hàng tháng.
Công đã hỏi thuê trước nên chiều thứ hai đi làm về chàng đi lấy xe xích lô chạy. Chàng từ nhỏ tới lớn chỉ đi học rồi làm công nhân nên ngày đầu đạp xích lô thật là lọng cọng và xấu hổ. Đến tám giờ tối chàng cảm thấy quá mệt mỏi, chân tay rã rời nên đi về, kiếm chẳng được bao nhiêu tiền. Những chiều tối tiếp theo cũng không hơn gì, có khi cũng phải về sớm vì cảm thấy người như muốn bệnh hoặc không có khách. Lâu lâu mới có cuốc đi xa nên về trễ hơn một chút. Sang tuần thứ ba chàng thích nghi dần nên có đêm chàng cứ chạy vòng vòng kiếm thêm khách, nhiều khi 11, 12 giờ đêm mới về. Loan thấy chồng về mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ, không cau có, nàng thương yêu chồng nhiều hơn. Với sự đồng ý của chồng nàng nhận đồ về may. Công thương vợ ngồi may riết chờ khi nào chàng về mới dừng tay đi ngủ. Chàng khuyên vợ ngủ sớm trước đi.
Ngày tháng trôi nhanh, Công càng chở nhiều mối quen vì họ thấy chàng vui vẻ dễ tính và không bao giờ họ bị kêu ca nhiều hàng quá nặng. Chàng kiếm được nhiều tiền hơn nhưng mồ hôi đổ ra đầm đìa hơn. Chàng nhớ lại những lúc chở những bà dọn hàng về, khách đã mập mạp còn chất lên rổ này thùng kia, nhiều khi phải đạp lên dốc mệt bở hơi tai. Những lúc đó chàng đọc kinh cầu xin Các Thánh giúp sức. Những lúc khác vì tinh thần suy sụp, Công tưởng như đang bị anh chị Nhân đuổi theo để mắng vào mặt: “Vợ chồng mày là những kẻ lừa đảo, dám đánh tráo đôi bông tai của chúng tao.” Mặt chàng xanh tím lại, đầu cúi gầm xuống không dám ngửng lên. Có khi đi ngang qua những khu phố ổ chuột tàn tạ, chàng nhận ra bao nhiêu người còn nghèo đói hơn chàng. Chàng nghĩ tới những kẻ giầu có dư tiền dư bạc sống ở các nước Âu Mỹ, họ chỉ biết ném tiền vào các thú vui vật chất, chứ không biết mở tay bố thí cho những người nghèo đói, hoạn nạn.
Gần ba năm cần lao cực nhọc là cái giá cho vợ chồng Công trả hết nợ nần. Nhờ dầm mưa dãi nắng, Công thấy thân hình chàng rắn chắc, khỏe mạnh ra. Loan hay thức khuya lại ăn uống thất thường nên người hơi ốm, trông già đi so với một hai năm trước. Nàng cứ vài tháng lại phải thay cặp mắt kính dày hơn. Về mặt tinh thần Công vui sướng vì chàng đã làm tròn điều chàng luôn tâm niệm: Giấy rách phải giữ lấy lề, dù nghèo cũng phải biết tự trọng. Biết bao cám dỗ, gương mù gương xấu trong xã hội như lừa đảo, giựt hụi, trốn nợ, làm giàu một cách phi pháp . . . không lôi kéo được gia đình chàng. Chàng cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết vì chàng và vợ chàng đã cùng thoát ra khỏi những khó khăn, khốn đốn nhưng không bị sứt mẻ gì. Không biết làm sao dạo sau này câu chuyện ông Gióp trong Kinh Thánh cứ hiển hiện trong đầu chàng. Chàng nghĩ gia đình chàng mất của cải vất chất, Chúa trả lại cho lòng can đảm và niềm tin vượt thắng thử thách. Nhưng cũng còn một thiếu xót mà vợ chồng Công quyết làm kỳ này là gặp anh chị Nhân xin lỗi.
Chiều thứ bảy đầu tháng gia đình Công đi lễ ở Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, tính sau lễ đến nhà anh chị Nhân. Lễ xong gia đình Công ra bằng cửa cuối. Vừa bước xuống các bậc thềm họ gặp anh chị Nhân. Trái với dự kiến của vợ chồng Công, chị Nhân rất mừng:
- Ôi hai em lâu quá không gặp, bộ các em đi đâu hả?
Chị Nhân nhìn chằm chằm Công:
- Em chắc đi kinh tế mới về phải không, sao người đen đủi quá vậy?
Công cúi mặt xuống không nói gì. Chị Nhân xoay qua trách Loan:
- Còn em xanh xao ốm yếu quá, chắc bị bệnh gì phải không?
Nghe thấy thế tự nhiên Loan ứa nước mắt, nàng nói trong tiếng nghẹn:
- Cũng tại cái đôi bông tai chị cho mượn bị giật mất chúng em phải vay bao nhiêu tiền mua đền chị.
Chị Nhân nhìn hai người, mặt chưng hửng, la lên:
- Em nói chi?  Đôi bông tai . . . ?  Vay tiền . . . ?  Trời đất ơi! Cái của chị là . . . là . . . đồ giả.!!!

  Dominique Phạm Văn Cảnh

3 nhận xét: