Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

CHỐNG LÃO HÓA CƠ THỂ !!!


        Theo thời gian, sự hóa già là quy luật tất nhiên của con người nhưng tốc độ hóa già phụ thuộc nhiều yếu tố nội và ngoại lai cũng như không phải diễn ra đồng thời ở mọi người.

        Trong các nguyên nhân gây lão hóa thì yếu tố ngoại lai chỉ tác động đến một mức nào đó nhưng không thay đổi được bản chất mà chỉ có giảm được yếu tố nguy cơ có liên quan đến lão hóa.

        Còn nguyên nhân cơ bản của sự hóa già và sinh các bệnh tật là sự hoạt động của các gốc tự do trong cơ thể.

Gốc tự do là gì?

        Gốc tự do là một chất hóa học sinh ra do quá trình hô hấp tế bào sinh năng lượng, do các hoạt động bệnh lý, do chất gây ô nhiễm môi trường, chất diệt cỏ, tia phóng xạ...

        Các gốc tự do có một thuộc tính là có khả năng ôxy hóa rất cao,
        Nếu vì một lý do nào đó mà gốc tự do tăng cao bất thường sẽ:
                + gây tổn thương cấu trúc và chức năng của tế bào,
                + biến đổi cấu trúc của protein,
                + ức chế hoạt động các men,
                + biến đổi thuộc tính các nội tiết tố...
        Các tổn thương này là cơ sở bệnh học của các trạng thái bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
        Nếu tránh được các bệnh này như bệnh tiểu đường, cholesterol, máu cao hoặc các rối loạn vì tuần hoàn trong cơ thể là một biện pháp tác động tốt chống lại sự lão hóa về nguyên nhân nội tại.

 Niềm vui giúp kích thích tăng cường sức sống ở người cao tuổi.
       
        Theo Dr. Marman, già hóa là hậu quả tổng hợp của các tổn thương xuất hiện và phát triển trong các tế bào tổ chức cơ quan hệ thống của cơ thể do các gốc tự do gây ra.

        Vậy cần phải làm gì để giảm sự sinh các gốc tự do và bổ sung các chất chống ôxy hóa, giúp con người tăng tuổi thọ?

        Các biện pháp sau sẽ giúp chúng ta:

        1. Hệ thần kinh khỏe mạnh, hoạt động tốt thì dù có những suy yếu trong cơ thể nhưng vẫn có khả năng tự điều chỉnh, thích nghi. Niềm vui kích thích tăng cường sức sống, giúp duy trì thăng bằng của hệ thần kinh, chống mọi stress đến hằng ngày, vì thế cần có một tâm hồn thanh thản dành thời gian thư giãn kết hợp thở sâu nhịp nhàng.

        2. Thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý với tuổi tác:

                - Giảm mức ăn so với thời trẻ: nhu cầu năng lượng của người trên 60 tuổi giảm 20%, trên 70 tuổi giảm 30% so với lúc 25 tuổi. Dù ăn rất ngon miệng vẫn phải tự điều chỉnh cho hợp lý, nếu ăn thừa sẽ quá mập dẫn đến các bệnh chuyển hóa, tim mạch. Nên thường xuyên theo dõi cân nặng của mình phù hợp tiêu chuẩn nên có. Đơn giản tính theo công thức sau:
[Chiều cao (cm) - 100] x 9 : 10

        Ví dụ: Một người cao 160cm thì cân nặng nên có là:
(160 - 100) x 9 : 10 = 54 kg

                - Tránh ăn no quá, nhất là khi có bệnh tim mạch do tính đàn hồi của thành mạch giảm và lòng động mạch hẹp lại làm cho sức cản ngoại vi của mạch máu tăng, cơ tim phải tăng co bóp trong khi tuần hoàn nuôi tim phải giảm ảnh hưởng đến dinh dưỡng cơ tim.

Những chế phẩm từ đậu nành rất tốt cho người cao tuổi.

                - Giảm đường và muối trong khẩu phần: Nhiều nghiên cứu cho thấy đường liên quan chặt chẽ đến bệnh xơ vữa động mạch. Còn nghiên cứu khác lại thấy lượng muối liên quan chặt chẽ với bệnh tăng huyết áp. Vì thế cần ăn nhạt hơn 4g muối/ngày và ít đường.

                - Ăn nhiều rau tươi, quả chín: Có nhiều vitamin, muối khoáng nên giàu chất chống ôxy hóa. Người cao tuổi dễ bị táo bón, đầy hơi, do vậy ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột dễ đi ngoài, đồng thời quét chất cholesterol thừa ra ngoài theo phân, phòng ngừa xơ vữa động mạch.

                - Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá: Các thức ăn này đều giàu đạm lại có nhiều chất béo không no, rất quan trọng trong phòng chống tăng cholesterol. Nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như đậu phụ, tương, sữa đậu nành, tào phớ. Nên có một lọ muối vừng lạc để bổ sung cho bữa ăn và tối thiểu mỗi tuần ăn 3 bữa cá.

                - Năng hoạt động thể lực: ngoài yếu tố ăn uống thì vận động cũng là một cách phòng chống các gốc tự do có hiệu quả. Vận động chân tay không chỉ cần thiết cho cơ bắp, xương khớp mà còn tác dụng đến toàn thân. Dành thời gian tập luyện đều đặn theo một phương pháp và chế độ tự chọn phù hợp với tuổi và sức khỏe từng người. Phương pháp thích hợp nhất với người cao tuổi là đi bộ và tập thở sâu.

        Tóm lại, để tránh giảm tuổi thọ, người cao tuổi cần:
                + Sống thanh thản, thân ái trong niềm vui với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè;
                + Chế độ ăn hợp lý, giàu chất chống ôxy hóa;
                + Năng vận động để được khỏe mạnh, dẻo dai, không trì trệ, không bị trầm cảm.
BS. PHẠM THỊ THỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét