Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

ANH HẠNH NGHI (CPS ,ĐỨC) GỮI QUÀ !

FRÉDÉRIC CHOPIN
Đa tài nhưng vắn số
(1810 – 1849)

Anh HẠNH NGHI (Lớp Cha BAN,QUÝ,THỊNH....hiện ở Đức ,hoạt động về văn hóa. Bài này Anh gữi qua Mail của A. Nguyễn Trọng Đa )

● Tường Lam

   Đặc biệt năm nay nhiều nước trên thế giới mừng 200 năm sanh của hai nhạc sĩ danh tiếng: Frédéric Chopin và Robert Schumann. Ngày chủ nhật 31.01.2010 thành phố Nantes của nước Pháp đã dành trọn ngày để vinh danh Frédéric Chopin, họ đã mời một số tuyệt thủ dương cầm chuyên về nhạc Chopin, đã từng thâu đĩa và phổ biến trên thế giới, đến trình diễn và dẫn giải tại thính đường lớn nhất của thành phố, lôi cuốn  hàng  ngàn khán thính giả từ xa đến tham dự. Các nước khác tại Châu Âu như Anh, Áo, Đức... đặc biệt Ba Lan quê hương của ông, đã có nhiều chương trình hòa nhạc để tôn vinh tài năng của ông.      
     Trong chúng ta không ai xa lạ gì với F.Chopin, dòng nhạc của ông đã cùng với quân đội viễn chinh Pháp du nhập vào quê hương Việt Nam, khiến từ thế hệ cha, anh của chúng ta cho đến nay có dịp thưởng thức để mà ngưỡng mộ những ca khúc hoặc dòng nhạc trữ tình đầy sức quyến rũ. Nói đến F.Chopin chúng ta còn nhớ ngay đến bản nhạc Buồn/Tristesse  (Étude Op 10 No.3 in E. Tristesse) qua giọng ca của Thái Thanh hay Mai Hương thuở nào.
      Frédéric Chopin là người Ba Lan, sanh trưởng trong một gia đình hiếu học, gồm có bốn chị em mà ông là người con thứ và là con trai độc nhất; sanh vào ngày 1.3.1810 tại Zelazowa Wola thuộc thành phố Warschau, mất vào ngày 17.10.1849 tại Paris, thọ 39 tuổi.
     Từ ngày còn bé ông đã được học đàn dương cầm với mẹ, đến năm lên 6 tuổi ông được theo học với nhạc sĩ Albert Zwyny, giáo sư này đã khám phá ra tài sáng tác âm nhạc nơi ông. Năm lên 7 ông đã sáng tác và xuất bản lần đầu tiên bản nhạc về vũ điệu dân tộc Ba Lan. Đến năm lên 8 ông bắt đầu trình diễn đàn dương cầm trước công chúng và còn được mời đến trình diễn tại thính phòng dành cho quí tộc và giới thượng lưu của thành phố Warschau. Mặc dầu dốc hết toàn lực vào ngành âm nhạc, ông vẫn không xao lãng về văn hóa. Năm lên 12 tuổi ông được nhận vào trường trung học đệ nhị cấp, nơi đây ông rất xuất sắc về các môn lịch sử, văn chương và thuật hùng biện, sau này người ta không những chỉ biết ông là một nhạc sĩ tài ba mà còn là một nhà văn hóa và sử gia lỗi lạc. Cùng năm 12 tuổi song thân ông đã cho ông theo học với nhạc sĩ danh tiếng thời bấy giờ, mà sau này còn làm Giám Đốc Viện Âm Nhạc Quốc Gia Ba Lan, đó là Joseph Xaver Elsner, chuyên về môn sáng tác âm nhạc. Sau một năm J. X. Elsner đã không ngần ngại hạ bút phê vào chứng chỉ của F.Chopin: "đặc biệt có thiên khiếu". Năm thứ hai: "tài năng đặc biệt" và năm sau: "tài năng độc đáo, là một nhạc sĩ thiên phú".
     Năm lên 15 tuổi ông được dân chúng biết đến nhiều hơn sau khi nghe bản Opus 1 (bản nhạc đặc biệt được ghi số) và bản Rondo c-moll (hoàn khúc), họ cho ông là một nhà soạn nhạc biệt tài, đến đỗi nhạc sĩ danh tiếng cùng thời với ông là Robert Schumann đã bình phẩm với nhiều thiện cảm: "Tính chất trẻ trung của nhạc sĩ Chopin nếu có, thì cũng chỉ được thể hiện mập mờ trên một vài đoạn mà người nghe phải chú ý lắm mới nhận ra (...); tuy nhiên bản Rondo hoàn toàn mang dấu ấn Chopin, du dương, nồng cháy và đầy duyên dáng". 
     Sau khi đỗ tú tài vào tuổi 16, ông phải nghỉ học một thời gian ngắn để đi dưỡng bệnh cùng với người em út, bác sĩ khám phá ông mang chứng sưng tuyến hạch, khiến ông chỉ còn cân nặng dưới 50 kg so với chiều cao 1,70 m làm cho song thân ông càng thêm lo lắng, nhất là sau cái chết của cô em út khi mới tròn 15 tuổi vì chứng bệnh lao phổi.
     Tốt nghiệp Viện Quốc Gia Âm Nhạc vào năm 1829 với những lời ban khen tuyệt vời của giáo sư, F.Chopin quyết định rời Warschau đi xây dựïng cơ nghiệp mới. Ngày 11.10.1830 ông giã từ Warschau bằng một buổi trình diễn âm nhạc, thu hút rất đông khán thính giả và được mọi người nhiệt liệt khen ngợi. Đến ngày 02.11.1830 thì ông lên đường, mang theo một hành trang âm nhạc đầy ắp trong tâm khảm, mà ông đã chuẩn bị chu đáo từ lâu qua thiên phú ông sẵn có, khiến cho song thân ông tin tưởng và an tâm khi phải rời xa đứa con mới tròn 20 tuổi trong tình trạng đất nứơc Ba Lan đang cơn tao loạn giữa quân đội Nga hoàng và dân Ba Lan. Ngoài ra ông còn mang theo một bình bằng bạc đựng đất nơi ông sinh ra và lớn lên, như mang theo quê hương bên mình làm cho gia đình thêm mủi lòng lúc chia ly.
     Dọc theo con sông Danube, F.Chopin đi qua thành phố Breslau, đến Dresden rồi dừng chân tại thành phố Wien nước Áo. Nơi đây là cái nôi của ngành âm nhạc, đã sản xuất nhiều danh tài, trong đó phải nói đến Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van  Beethoven v.v... Mặc dầu ông đựơc dân chúng ân cần đón nhận sau những buổi trình diễn âm nhạc nhưng không vì thế mà bảo đảm được tương lai của ông, nước Áo đang lâm vào bệnh dịch tả hoành hành, ít ai quan tâm về lối tiêu khiển xa hoa đối với họ thời bấy giờ. Ở lại đây không lâu, ông đành rời nơi này và nuôi mộng đến nước Ý, Anh hoặc Pháp để lập nghiệp, nhưng chẳng may các biên giới đều đóng cửa để ngăn chận bệnh dịch tả lan tràn sang nước họ. Cuối cùng ông đến thành phố Stuttgart/Đức, vừa đặt chân xuống nơi đây ông lại nhận được hung tín: cuộc khởi nghĩa của dân Ba Lan hoàn toàn thất bại, quân đội Nga hoàng Nicolas I đã làm chủ tình hình trên quê hương ông, làm cho ông thất vọng và đau buồn khi nghĩ rằng sẽ không có ngày trở lại trên quê hương thân yêu của mình. Thế là ông quyết tâm vượt mọi khó khăn để đến Paris cho bằng đựơc, một thành phố mà lâu nay được tiếng luôn dang tay đón mời khách thập phương. Có người lại còn nói: "Paris có đủ mọi thứ mà bạn muốn, bạn có thể vui, buồn, khóc than, hoặc làm gì tùy ý bạn, không ai thèm dòm ngó vì tất cả mọi người đều như bạn, họ đang đi trên con đường cuả riêng họ". Nếu đúng thật như thế thì con đường mà F. Chopin đang tìm chính là đây vì ông đang mang trong mình một tâm tư đầy hỗn loạn.

     Sự nghiệp:
     Đến Paris, F.Chopin gặp lại Ferdinando Paer người bạn cũ, ông này đã giới thiệu Chopin với Franz von Liszt một nhạc sĩ trẻ gốc Hung Gia Lợi. Sau một thời gian kết thân, F.v. Liszt đã khám phá ngón đàn điêu luyện và tài sáng tác âm nhạc của F.Chopin, F.v. Liszt liền giới thiệu Chopin với Francois Joseph Fétis, ông này rất có ảnh hưởng với tạp chí phê bình âm nhạc. Sau một thời gian tìm hiểu, F.J. Fetis đã đưa tên tuổi F.Chopin lên báo chí để gây chú ý cho dân chúng, nhưng việc làm này không đủ để giúp ông thăng tiến như ông đang chờ đợi, vì Paris là một thành phố lớn, qui tụ nhiều thành phần, nhiều nhân tài, lại gặp lúc không mấy thuận lợi trên thương trường cũng như chính trường; Napoléon III đang thanh lọc hàng ngũ theo và chống lại ông, bệnh dịch tả lại bắt đầu lan tràn vào nước Pháp.
    May thay trong một buổi dạo chơi trên hè phố, bất chợt F.Chopin gặp lại Valentin Radziwill là một người bạn chí thân ngày trước mà cũng là người đồng hương, quen biết nhiều với giới thượng lưu, hứa sẽ giới thiệu F.Chopin với Bá Tước Jakob de Rothschild là một nhà triệu phú có nhiều ảnh hưởng trong giới vương giả thời bấy giờ tại Paris. Sau lần đầu tiên trình diễn dương cầm (để khoe tài) với Bá Tước cùng phu nhân, F.Chopin đã để lại ấn tượng tốt đẹp, đôi vợ chồng này sẵn sàng ghi tên ông vào danh sách các nhạc sĩ được mời đến trình diễn dương cầm tại thính đường của họ dành cho quí tộc, giới thượng lưu và văn nghệ sĩ danh tiếng thời bấy giờ. Thế là từ đây Frédéric Chopin bước vào cuộc sống mới ngay giữa thành phố Paris trong một giai cấp thượng lưu, được ngồi chung với giới quí tộc, các nhà chímh trị, doanh nhân và văn nghệ sĩ v.v... gây hứng thú mỗi lần ông trình diễn vì tin rằng những người này biết thưởng thức ngón đàn của ông (theo thư ông gởi cho bạn). Tên tuổi ông thường xuất hiện trên báo chí, ca ngợi không ngớt tài sáng tác âm nhạc và là một tuyệt thủ dương cầm trẻ tuổi, nhờ thế đã lôi cuốn một số đông môn sinh con nhà giàu, giải quyết được vấn đề tài chánh để ông dành thì giờ cho việc sáng tác.
      Nhạc của ông đặc biệt tiềm ẩn vũ điệu và dân ca Ba Lan, biểu lộ sự cảm xúc và trí năng dành cho quê hương, giúp ông vơi đi phần nào niềm thương nhớ dạt dào nơi ông đã chào đời, đến đỗi chính quyền Nga tại Ba Lan thời bấy giờ phải lo ngại, ra lệnh cấm phổ biến nhạc của Frédéric Chopin vì sợ sẽ khích động tinh thần quật khởi dân chúng Ba Lan.
     Trong 20 năm đầu kể từ khi lên bảy tuổi, ông sáng tác rất nhiều đoản khúc dưới nhiều thể loại nhạc thính phòng như: Études, Mazurken, Polonaisen, Fantasien, Impromptus, Balladen, Scherzi, Sonaten, Préludes, Nocturnes, Lieder v.v... Thời gian sau ông vẫn tiếp tục sáng tác loại nhạc trên, nhưng thêm vào đó ông dành nhiều thì giờ sáng tác cho dàn nhạc đại hòa tấu phụ họa cho độc tấu dương cầm (Concert de Piano). Thời gian cuối cùng ông sáng tác nhạc ngẫu hứng nhiều hơn, dành tặng thêm cho khán thính giả sau mỗi lần ông trình diễn được yêu cầu, đem đến cho họ nhiều bất ngờ thú vị, vì nghe được nguồn cảm xúc của ông qua đôi bàn tay đang lướt nhẹ trên phím đàn.
      Nhà văn Heinrich Heine người Đức gốc Do Thái (1797-1856) đã ghi nhận: "Phải công nhận Frédéric Chopin là một thiên tài đúng nghĩa trọn vẹn của từ này, ông không những chỉ có ngón đàn tuyệt hảo mà ông còn là một thi sĩ, ông có khả năng làm ta cảm nhận được chất thơ trong tâm hồn của ông. Ông là một nhà thơ của âm thanh và không có gì so sánh được với niềm hứng thú mà ông truyền sang chúng ta lúc ông ngồi vào dương cầm và dạo đàn theo ngẫu hứng. Lúc ấy ông không còn là người Ba Lan, Pháp hay Đức, ông thể hiện một nguồn gốc cao xa hơn, ông đến từ thế giới của Mozart, Raffael, Goethe, quê hương đích thực của ông chính là cõi mộng trong thi ca". (Bàn về sân khấu Pháp 1837).
     Friedrich Nietzsche triết gia Đức (1844-1900) còn khen tặng: „Tự do trong cùm kẹp - một tự do vương giả. Trong các nhạc sĩ gần đây thì nhạc sĩ người Ba  Lan, Frédéric Chopin là người không ai sánh kịp - những người sanh ra trước ông và sau ông không ai đáng được nhận danh hiệu ấy - Ông đã từng chiêm ngắm và tôn thờ cái Đẹp tương tự như Leopardi, đã có một lối cư xử vương giả đối với ước lệ, tương tự như Raffael đã sử dụng mầu sắc đơn giản quen thuộc nhất, nhưng lề lối ước lệ của Chopin không nằm trong lãnh vực mầu sắc mà trong lãnh vực âm thanh và nhịp điệu. Ông hành xử như người được xuất thân từ môi trường ước lệ nhưng trong khuôn khổ những ràng buộc đó, ông vẫn giữ được phong thái phóng khoáng và uyển chuyển nhất, như vừa chơi đùa vừa nhảy múa, nhưng không hề khinh thuờng ước lệ“ (1878).    
     George Sand nhà văn nữ Pháp (1804-1876) mà cũng là người bạn đời của F.Chopin trong khoảng thời gian 9 năm đã ghi vào nhật ký được phổ biến vào năm 1877:  „Ông ấy có trí óc cực kỳ tinh tế và sắc bén, nhưng ông lại không hiểu gì về hội họa và điêu khắc. Michelangelo làm ông sợ hãi, Rubens làm ông kinh hoàng. Tất  cả những gì vượt lên trên khuôn khổ bình thuờng đều làm ông giận dữ. Ông vùi sâu trong ước lệ. Thật là lạ kỳ. Ông là một thiên tài độc đáo nhất từ trước tới nay, nhưng ông lại không muốn ai nói cho ông nghe điều đó.“ (Ấn tượng và ký ức).              
     Tuy cuộc đời của F.Chopin quá ngắn ngủi, ông đã để lại cho hậu thế hàng trăm tác phẩm âm nhạc với nhiều thể loại rất có giá trị, tiếc là trong một bài viết không thể kê khai hết. Sau 200 năm trải qua nhiều thế hệ, sản xuất thêm nhiều danh tài, người đời vẫn còn ca tụng ông là một thiên tài, là một ngôi sao sáng ngời trên nền trời âm nhạc.

      Đường Tình ái:
      Năm F.Chopin lên 16 tuổi mới bước vào trường Quốc Gia Âm Nhạc, chàng gặp ngay Konstancja Gladkowska cùng lứa tuổi, đang theo học ngành ca nhạc. Qua ánh mắt đầu tiên ông đã cảm thấy mình bị tiếng sét ái tình, liền vội vàng xây ngay bức tường ngăn cách để chận đứng niềm xúc cảm, phần vì rụt rè, phần vì e sợ bước vào trường tình quá sớm có ảnh hưởng đến việc học chăng! Thế là mối tình mới chớm nở đã trở thành mối tình câm, để mà thầm yêu trộm nhớ trong suốt thời gian dài.
      Giữa tháng 8 năm 1835, nhân dịp thân phụ của F.Chopin là Nicolas Chopin đi dưỡng bệnh tại Karlsbad, song thân của ông hẹn ông cùng đến đấy sum họp trong ít tuần. Sau năm năm gặp lại song thân, Chopin trở lại Frédéric bé bỏng của thuở nào, hạnh phúc ngày ngày được đi dạo bên bố mẹ, đã trút hết gánh nặng cho bố mẹ tâm tư mà ông phải mang theo một mình trong suốt thời gian xa gia đình. Nhưng ngày chia tay rồi cũng phải đến. Sau bốn tuần F.Chopin lên đường trở về Paris, dịp này ông ghé lại Dresden thăm gia đình Wodzinskis. Trước đây ba người con trai của gia đình này đã ở trọ trong nhà của bố mẹ ông suốt thời gian theo học tại Warschau, hai gia đình Chopin và Wodzinskis đã trở thành thân thiết từ đó. Trong các dịp hè ông đến đấy nghỉ dài ngày, đã dạy đàn dương cầm cho cô con gái út là Maria. Bẵng một thời gian không thấy, nay gặp lại Maria đã trở thành một cô gái 16 tuổi, xinh đẹp, duyên dáng, nhí nhảnh, đầy quyến rũ đang đứng trước mặt làm mê hoặc F.Chopin, gây lúng túng cho chàng. Nhưng lần này không còn rụt rè như trước đây gặp Konstancja Gladkowska, rút kinh nghiệm chàng đã mạnh dạn chuyện trò cởi mở với Maria trong suốt thời gian ghé thăm. F.Chopin lại còn sao lại bản nhạc Es-Dur-Nocturne op.9 mà ông đã sáng tác trước đây để tặng Maria: „Hãy trọn hưởng niềm hạnh phúc.“ Trước khi chia tay chàng lại còn đàn bản Walzer As Dur, op. 69.1, bản nhạc được chọn cho đôi tình nhân mới yêu nhau mà phải tạm xa nhau. Một cách tỏ tình kín đáo và tế nhị làm Maria thêm xúc động lúc chia tay. Cả hai cùng hẹn gặp lại nhau vào một dịp gần nhất.
     Đúng một năm sau vào dịp hè, bà Teresa Wodzinskis mẹ của Maria đưa con gái mình đến nghỉ tại Marienbad, hẹn với F.Chopin cùng đến đấy nghỉ trong một khách sạn. Lần này F.Chopin quyết tỏ cho Maria biết chàng đã yêu và dành trọn mối tình cho riêng nàng. Đôi uyên ương hưởng hạnh phúc trong suốt mấy tuần sống bên nhau, không ai hay biết ông vừa trải qua một trận đau thập tử nhất sinh trong tháng cuối năm vừa qua, ho ra máu, sốt li bì trong suốt mấy tuần liền, triệu chứng bệnh lao phổi bắt đầu hoành hành, ông đang trong thời gian tĩnh dưỡng do lệnh của bác sĩ. Bà Teresa cũng có nghe lời đồn đại F.Chopin đã từ trần, nhưng sau đó báo chí đã đính chánh là tin vịt, bà lại nghĩ: trong giới nghệ sĩ không lạ gì với lối đưa tin thất thiệt để làm giảm uy tín hoặc làm nổi danh trên báo chí. Riêng đối với ông hạnh phúc làm cho ông quên đi bệnh hoạn và mệt nhọc, được tận hưởng những ngày vui sống bên Maria làm ông thêm hứng cảm để viết lời ca cho hai bài trích trong tập nhạc Zyklus Opus 25 của ông, bài hát thứ hai ông lại còn ghi đề tựa: „Chân dung tâm hồn của Maria“. Dịp này ông xin phép mẹ của Maria được đính hôn với Maria, bà đồng ý nhưng khuyên nên giữ kín vì chưa có sự đồng thuận của ông Wodzinskis, dĩ nhiên là chồng bà sẽ đồng ý ngay vì ông không xa lạ gì với gia đình Chopin. Từ đó thư từ giữa Maria và F.Chopin qua lại thường xuyên, mẹ của Maria còn đan áo gởi tặng ông. Ông gởi nhạc và chiếc đàn dương cầm hảo hạng tặng Maria. Nhưng chẳng may tai họa lại đến! Sau khi trở về Paris bệnh tình của ông càng ngày càng trầm trọng khiến cho mọi người đều biết ông mang chứng bệnh lao phổi. Nguồn tin ấy đã đến tai ông bà Wodzinskis làm cho ông bà hoảng hốt lo sợ cho tương lai con gái mình, liền tìm cách đoạn giao giữa hai người. Mùa hè năm 1837 F.Chopin nhận được thư của bà Teresa Wodzinskis báo tin chồng bà không đồng ý việc thành hôn giữa con gái ông bà và F.Chopin đồng thời yêu cầu ông chấm dứt mọi liên lạc với Maria kể từ đây. Thế là mối tình thơ mộng kia đành tan vỡ! F.Chopin ngậm ngùi đau khổ một mình, không biết chia sẻ với ai, chỉ còn một cách là góp nhặt tất cả thư từ và kỷ vật làm thành một gói, lấy giây thắt chặt và ghi lên hàng chữ: „Moja biéda / Sự bất hạnh của tôi“. Cay đắng thay, bốn năm sau (1841) Maria kết hôn với Joseph Skarbek lại là con của người bạn thân thiết nhất gia đình Chopin, đôi vợ chồng này chỉ sống chung được ít năm rồi cũng chia tay, đến bảy năm sau thì Maria tái hôn, sống đến năm 1896 thì qua đời, thọ 77 tuổi.

     George Sand  (1804-1876)     
     Mới thoáng nghe tên người ta nghĩ ngay đến một nam giới, nhưng quả thật là một nhà văn nữ tên Amandine-Lucie-Aurore Dupin, con của một địa chủ tại Nohant/Indre vùng Berry cách xa Paris khoảng 250 km về phía nam. George Sand là bút hiệu của bà. Khi mới lên 18 tuổi bà đã lập gia đình với Bá tước Dudevant sanh được hai con, một trai và một gái. Sau 9 năm chung sống bà bỏ chồng sống một cuộc đời phóng túng, 9 năm sau bà mới được chính thức ly dị vì chồng bà làm khó dễ. G.Sand là một văn sĩ danh tiếng thời bấy giờ, bà thuộc hạng cấp tiến, đấu tranh bình đẳng cho phụ nữ qua ngòi bút sắc bén của bà. Bà thường giao du với giới văn nghệ sĩ danh tiếng như Alfred de Musset, Franz von Liszt, Hector Louis Berlioz, Gustave Flaubert, Honoré de Balzac v.v... Một nữ sĩ sánh kịp với giới văn sĩ thời bấy giờ thật là hiếm nên rất được nể trọng. Bà để lại 180 tác phẩm có giá trị, 40.000 tiểu luận trên báo chí trong đó có 15.000 bản được lưu trữ trong văn khố.     
     Khoảng cuối năm 1837 Franz von Liszt tổ chức một buổi họp mặt cho giới văn nghệ sĩ tại một khách sạn lớn nằm ngay trung tâm Paris. Đây là lần đầu tiên F.Chopin gặp G.Sand, ông kính trọng vì tên bà thường được nhắc tới trong giới văn nghệ sĩ, nhưng không mấy thiện cảm mà còn để lại ấn tượng xấu nơi ông. Một nữ giới mang tên nam giới đã cho thấy có điều gì bất ổn, lại thêm những điếu thuốc xì-gà mà bà hút suốt buổi và luôn muốn dẫn đầu câu chuyện giữa nam giới lại càng làm ông thêm chướng mắt, thêm vào đó cuộc đời tư của bà không mấy tốt, gây đàm tiếu trong dân chúng. Nhìn bà thấy không có vẻ gì yêu kiều duyên dáng e ấp nơi phụ nữ, mà cứ theo bắt chuyện với ông. F.Chopin đã tự hỏi: bà này có đúng thật là một phụ nữ không? Ông phải kìm chế lắm mới xua đuổi được những định kiến về bà và tìm cách lánh xa bà giữa đám đông. Trái lại G.Sand thì đã thấy F.Chopin nhiều lần trong những dịp ông trình diễn dương cầm, bà say mê tiếng đàn thánh thót của ông, nhưng cảm thấy khó mà chinh phục được chàng nghệ sĩ trẻ tuổi tài ba này, nên đã gợi ý cho Franz von Liszt tổ chức buổi họp mặt tối hôm đó cho bà có dip gần gũi F.Chopin hơn, thế mà ông không hay biết. Cuối buổi họp, trước khi chia tay G.Sand đã mời F.Chopin đến nghỉ tại nông trại của bà miền Nohant. F. Chopin từ chối ngay vì không mấy thiện cảm với bà, tâm tư của ông đang hướng về một nơi khác xa hơn, ở đó có Maria Wodzinska. Bà vẫn kiên trì và tìm ra giải pháp khác hữu hiệu hơn. Trong dịp G.Sand trở về nghỉ ở nông trại, bà đã viết hai truyện tình hư cấu với ba nhân vật chính tiêu biểu cho mối tình đương thời giữa Frédéric Chopin, Maria Wodzinska và George Sand. Cuối truyện bà đặt vấn nạn: giữa một người yêu mà không được đáp lại và một người đang yêu và sẵn sàng hy sinh tận hiến cho mình thì nên chọn ai? Hay là chỉ muốn sống trong đau khổ với mối tình tuyệt vọng? G.Sand nhờ người bạn chí thân trao hai mẩu truyện này cho F.Chopin. Sau khi đọc xong ông cảm nhận vấn đề đặt ra hợp lý, ông không thể vùi sâu mãi trong mộng ảo mà phải vươn lên để vui sống. Một tháng sau F.Chopin và G.Sand trở thành đôi bạn. F.Chopin tìm thấy sự an lành che chở trong tự do, được săn sóc (như tình mẫu tử, G.Sand  lớn hơn F.Chopin 6 tuổi) trong lúc đau yếu để ông có sức khỏe tiếp tục sáng tác. G.Sand thì cảm thấy thỏa mãn tự ái bên người bạn đời trẻ tuổi, tài ba lỗi lạc, đang được mọi người biết đến, mà bà vẫn được tiếp tục sống cuộc đời phóng túng vì tình yêu không có giữa hai người.
     Nhân cơ hội bác sĩ khuyên G.Sand nên đưa đứa con trai 15 tuổi của bà mang chứng bệnh tê thấp đến nghỉ tại một vùng biển. F.Chopin đã theo cùng, đến Valldemosa nằm trên hòn đảo Mallorca của Tây Ban Nha để tĩnh dưỡng. G.Sand ghi lại: „Valldemosa là một thành phố nhỏ hẻo lánh nằm trên đồi cao, bao bọc bởi rặng cây chà là, có nhiều đồn điền trồng cam, chanh, ô-liu, vả, lựu v.v... có nhiều nông trại chăn nuôi súc vật và nhiều cánh đồng trồng rau cải, đó là sản phẩm của vùng này. Ngoài ra còn có nhiều tu viện, nhiều nhà thờ nên dân vùng này rất sùng đạo, sống có vẻ khép kín, họ vẫn lánh xa chúng tôi vì F.Chopin thường ho sù sụ, chúng tôi lại không đến nhà thờ vì thế họ ít thiện cảm với chúng tôi. Có khi các con tôi đi dạo lại còn bị họ ném đá. Sống ở đây lâu e phải mang chứng bệnh tâm thần.“ Trái lại F.Chopin rất thích vùng này, cho Valldemosa là một thành phố nhỏ đầy thơ mộng, gợi cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác, nhưng khí hậu ẩm thấp không mấy thuận lợi đối với sức khỏe của ông. Sống ở đấy được gần một năm  thì bệnh tình của F.Chopin lại tái phát, phải chở ông bằng tàu thủy đến thành phố Barcelona để chữa trị. Lúc bấy giờ từ hòn đảo Mallorca vào đất liền không có phương tiện nào ngoại trừ theo tàu thủy chở hàng và súc vật đến các tỉnh khác. Trên chuyến tàu chở F.Chopin đến Barcelona hôm đó có hàng trăm con heo, la inh ỏi, phân tràn cả hầm tàu gây ô nhiễm cho không khí, làm F.Chopin mất ngủ, lắm khi ông có cảm tưởng như không còn thở được nữa. Thế rồi tàu cũng cặp bến cảng Barcelona an toàn, nhưng vừa đến nơi F.Chopin kiệt sức, bị thổ huyết dữ dội, đe dọa đến tánh mạng của ông. Tòa lãnh sự Pháp tại Barcelona phải ra tay cứu nguy bằng cách đưa ông xuống chiến hạm chữa trị và tìm cách đưa ông về thẳng Marseille, ở đó có nhiều bác sĩ chuyên môn có thể giúp ông chóng bình phục. Sau một thời gian ngắn sức khỏe của ông đã trở lại. Trong thư gởi cho song thân ông viết: „Con có thể đi lại và ăn uống bình thường như tất cả mọi người, điều đó cũng nhờ G.Sand tận tình giúp đỡ, ngoài ra còn nhờ thuốc men và bác sĩ khéo chữa trị...“ Sau khi rời bệnh viện, ông đã đến Nohant nơi tư dinh của G.Sand tĩnh dưỡng. Từ đó cho đến năm 1846 cứ đầu mùa hè thì F.Chopin đến đấy nghỉ cho đến cuối hè thì ông trở lại Paris để tiếp tục dạy đàn dương cầm, sáng tác nhạc và chủ động các buổi hòa tấu nhạc của ông. Tuy nhiên ông không bao giờ quên những tháng ngày sống tại Valldemosa, nhất là mỗi khi mưa rơi, chiều xuống, hoặc ánh bình minh rực rỡ, gây cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác âm nhạc, tâm đắc nhất là bản nhạc Mưa Rơi/Regentropfen Prélude Nr.15. Ngược lại, cứ mỗi lần F.Chopin nhắc đến Valldemosa thì làm cho G.Sand bực bội, cái tên đó đã trở thành ác mộng đối với bà, làm cho bà nhớ lại những chuỗi ngày đen tối mà bà phải trải qua.

      Cuối hè 1846 F.Chopin về lại Paris, nhưng lần này ra đi không có ngày trở lại Nohant với nhiều lý do: G.Sand cảm thấy bị tiêu hao sức khỏe bởi trận đau kinh hồn của F.Chopin tại Valldemosa, bà phải đưa ông đến nhiều nơi chữa trị mới trở lại bình phục. Về đến Nohant chưa kịp nghỉ ngơi thì Solange con gái của bà 17 tuổi, mới bước vào đường yêu đương, đã vội làm lễ đính hôn với Fernand de Préaulx con một gia đình quí tộc miền Berry, nhưng sau thời gian ngắn vị hôn phu của Solange đã yêu cầu được bãi hôn vì cảm thấy lối giáo dục con cái của G.Sand không phù hợp với gia đình mình. Sau một thời gian rất ngắn Solange lại quen với một nhà điêu khắc tên Jean Baptiste Clésinger, ông này tuy trẻ tuổi nhưng thuộc hạng sành đời, tiếng tăm khá lừng lẫy về tài năng cũng như  kinh nghiệm về phụ nữ, đã cao tay chinh phục Solange bằng cách tạc một pho tượng G.Sand để tặng bà, còn Solange thì được mời làm người mẫu, và thế là trong vài tháng sau cuộc hôn nhân của Solange và J.B. Clésinger đã xảy ra. F.Chopin thấy trước Solange đang sa vào cạm bẫy của Clésinger, muốn can ngăn nhưng lại đem đến sự bất hòa giữa G.Sand và ông. Còn Maurice 23 tuổi con trai của G.Sand đã ganh tị ngấm ngầm với F.Chopin bấy lâu nay nhưng chưa có dịp tỏ cho mẹ biết lòng căm phẫn của mình, đã phản đối bằng cách gởi gắm tình yêu cho cô em họ để trêu tức mẹ mình. F. Chopin thấy chuyện ngang trái không thể bỏ qua được nên có lời khuyên răn, thế là giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly, gây thêm bầu không khí căng thẳng.
      George Sand nhìn lại qúa khứ của mình, cảm tác mẩu truyện tình với nhan đề "Lucrezia Floriani" lên án mối tình giữa Lucrezia Floriani và Prinz Karol, một mối tình bất cân tuổi tác, chàng trai hai mươi bốn và người tình ba mươi tuổi, lẫn lộn giữa tình mẫu tử cao quí mà không kém phần yêu đương nồng cháy, đã đưa đến tan vỡ vì không được đáp trả bằng sự dịu dàng âu yếm của đối phương, phản ảnh hai nhân vật G.Sand và F.Chopin. Đọc xong mẩu truyện Franz von Liszt cảm ngay tiếng chuông báo động cuộc tình giữa G.Sand và F.Chopin sắp đến hồi kết thúc. Quả thật như thế, mối liên hệ giữa hai người càng ngày càng thưa dần rồi đi đến chấm dứt, G.Sand ghi lại: "Tháng 3 năm 1848 tôi đã gặp lại chàng trong chốc lát. Tôi nắm chặt bàn tay lạnh lẽo và run rẩy của chàng. Đúng ra lúc ấy tôi phải nói với chàng lời trách móc: chàng không còn yêu tôi! Nhưng tôi đã không muốn làm chàng đau khổ và phó thác tất cả cho Chúa Quan Phòng và hy vọng vào tương lai". Đó là lần gặp gỡ cuối cùng.
      Còn F.Chopin, từ ngày chấm dứt mối liên hệ với G.Sand, ông đã sống cô đơn một mình. Trải qua nhiều trận đau dữ dội mới cảm thấy giá trị sự hy sinh cao quí của G.Sand dành cho ông trong những lúc đau ốm, nhưng không vì thế mà ông phải hạ mình cầu xin sự giúp đỡ của bà.
     Như tất cả mọi nhạc sĩ khác, muốn có tiền phải tổ chức những buổi hòa tấu hoặc trình diễn âm nhạc. Nhưng tổ chức ở đâu? Cuộc cách mạng tại Châu Âu đang lan tràn khắp nơi, vấn đề an ninh bị đe doạ, mấy ai nghĩ đến lối tiêu khiển xa xỉ này. May thay cô học trò cũ Jane Wilhelmina Stirling con nhà triệu phú tại Tô Cách Lan có nhã ý mời F.Chopin sang đấy trình diễn dương cầm để giúp thầy trong cơn túng thiếu. J.W. Stirling hứa sẽ đứng ra tổ chức các buổi trình diễn của ông. Mặc dầu trong lúc bệnh hoạn F.Chopin cũng cố gắng lên đường. Rời Paris ngày 20.4.1848 phải ghé lại Luân Đôn, nơi đây  ông rất đỗi ngạc nhiên khi gặp lại hầu hết những tuyệt thủ dương cầm của Paris tại Luân Đôn, họ cũng đến đây để tìm phương tiện sinh sống. Trong ba tháng đầu ở Luân Đôn ông trình diễn được bốn lần tại thính phòng các tư dinh, qui tụ được nhiều khán thính giả giới thượng lưu, sau đó ông đến Tô Cách Lan. Giữ đúng lời hứa, J.W. Sterling đã sắp đặt chu đáo chương trình trong suốt thời gian F.Chopin lưu lại đây, những buổi trình diễn dương cầm được tổ chức trong lâu đài của các nhà quí tộc, thu hút nhiều người và được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng cuộc sống ở đây quá gò bó vì họ chú trọng quá nhiều đến nghi thức bên ngoài, làm cho ông cảm thấy không thoải mái, khí hậu ẩm thấp, thức ăn không hợp khẩu, thế là sức khỏe của ông càng ngày càng yếu dần, bệnh của ông bắt đầu tái phát làm ảnh hưởng đến tâm lý. Cô học trò cũ lại còn tỏ ý muốn làm vợ ông, một việc mà chưa bao giờ ông nghĩ tới, ông đành phải dứt khoát trả lời: „Tôi đau yếu bệnh hoạn lại không có tiền làm sao lo cho cô được?“ J.W. Stirling trả lời: „Vấn đề tài chánh thì ông khỏi lo, tôi có đủ khả năng lo cho ông.“ Năm ấy J.W. Stirling 44 tuổi, F.Chopin 38 (lại cách nhau 6 tuổi). Một lần nữa F.Chopin từ chối dứt khoát và lên đường trở về Paris.

     Đến Paris vào ngày 24.11.1848 lần này F.Chopin cảm thấy mình từ tinh thần đến thể xác hoàn toàn kiệt quệ, bệnh tình của ông đã đến giai đoạn cuối cùng, vừa thổ huyết, vừa ngộp thở cứ thay nhau hành hạ thân xác ông. Ông cố gắng lắm mới viết được bản di chúc: „...Xếp đặt thứ tự theo năm tháng và thể loại những nhạc phẩm của ông và phải được bảo quản tối đa, đốt đi một phần tác phẩm chưa được công báo hoặc chưa được hoàn chỉnh...“
     Với tình trạng sức khỏe bi đát như thế, cuộc sống của ông còn kéo dài thêm gần một năm, làm cho tài sản ông bị khánh tận. Cô học trò cũ J.W. Stirling muốn giúp ông trong lúc quẫn bách nhưng ngại xúc phạm đến tự ái của ông thầy tài ba lỗi lạc, liền trao 25.000 Francs cho bà quản gia của F.Chopin và nhờ bà trao lại ông sau khi cô rời Paris. Các gia đình quí tộc ngưỡng mộ ông trước đây cũng sẵn sàng giúp đỡ ông bằng phương tiện sẵn có, như cung cấp nhà ở rộng rãi thoải mái và đầy đủ tiện nghi, mọi chi phí như bác sĩ, thuốc men và nhân viên giúp việc cũng được họ trợ giúp.  

     Cuối tháng 6.1849 Ludwika chị của F.Chopin nhận được thư của F.Chopin báo tin sức khỏe của ông quá tồi tệ, bác sĩ cho biết không còn cứu chữa được nữa, hãy cố gắng thu xếp đến gấp, chỗ ở có đủ cho anh chị và các cháu. Đọc xong thư, Ludwika cảm ngay đó là lời kêu cứu cuối cùng của người em sắp lìa đời, bà cùng với chồng và đứa con gái lớn thu xếp lên đường, nhưng gặp lúc chiến tranh đang lan tràn khắp Châu Âu, việc xin chiếu khán vào nước Pháp rất khó khăn, mãi đến đầu tháng 8 Ludwika cùng chồng và đứa con gái mới đến Paris. Khi Ludwika ôm em mình vào lòng thì biết ngay là không còn trông mong cứu sống em mình được nữa, liền bàn với chồng lưu lại vài ngày rồi ông trở về tiếp tục làm việc, còn Ludwika và đứa con gái thì ở laị lo cho em mình. Ước mong thứ hai của F.Chopin là muốn gặp lại lần cuối Tytus Woyciechowski, người bạn thân thiết nhất thời niên thiếu, nhưng chẳng may T.Woyciechowski không xin được giấy phép nhập cảnh nước Pháp. G.Sand viết thư cho Ludwika hỏi thăm sức khoẻ F.Chopin, Ludwika im lặng!

     Ngày 15.10.1849 F.Chopin được nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng của đạo Thiên Chúa, đã gây nhiều xúc động cho những người thân đứng quây quần bên ông: Ludwika và cô con gái của bà, hai người bạn luôn sát cánh ông là August Franchomme và Wojciech Gryzmala, ca sĩ Delfina Potocka, Solange Clésinger (con gái của George Sand), Jane W. Stirling cô học trò cũ của F.Chopin. Ông xin Delfina Potocka hát cho ông nghe bất cứ một bài nào đó, bà đã hát với tất cả tâm tình của mình. Ông vừa nghe vừa lên cơn ho nghẹt thở, còn bạn bè đứng quanh ông thì khóc nức nở vì qúa xúc động.

      Chỉ vào những giờ phút cuối đời F.Chopin mới hết đau đớn vì cơ thể ông bị tê liệt. Lúc đó ông chỉ còn nhớ lại lời lẽ cuối cùng của thân mẫu khi chia tay, đó là điều quan trọng đối với ông trước khi ông tắt thở vào lúc 2 giờ sáng ngày 17 tháng 10 năm 1849.

     Trong bầu khí im lặng, ba họa sĩ danh tiếng lo vẽ hình ảnh cuối cùng của ông còn nằm trên giường để lưu lại cho hậu thế, còn nhà điêu khắc Jean-Baptiste Clésinger thì lo đúc khuôn mặt của ông và tạc một hình nổi để đặt nơi tấm bia trên ngôi mộ ông.
     Tử thi được khám nghiệm, ba ngày sau bác sĩ tuyên bố: Nguyên nhân đưa đến cái chết của F.Chopin do bệnh lao phổi và ăn lan đến thanh quản. Thân xác ông được tẩm liệm, riêng quả tim của ông đưa về Warschau, cất giữ trong một cây cột của ngôi thánh đường Heilig-Kreuz, đó là sự ước mong cuối đời ông.

     Ngày 30.10.1849 lúc 11 giờ, linh cữu của Frédéric Chopin được đưa vào thánh đường St. Madeleine theo nhịp bước Trauermarsche của bản nhạc Sonate Nr 2 b-moll op 35 mà ông sáng tác vào năm 1837 và 1839, với khoảng 3.000 người đến tiễn đưa ông lần cuối. Thánh lễ và nghi thức an táng được diễn biến theo di chúc của ông: Trong thánh lễ tiếng đàn đại phong cầm đã cất lên bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart (Mozarts Requiem) sáng tác dành cho Lễ An Táng cũng như hai bản Préludes e-moll và h-moll của chính ông. Sau thánh lễ, quan tài của ông được đưa đến nghĩa trang Père Lachaise/Paris trong bầu không khí im lặng. Tiếng nhạc của ông thay lời điếu văn ca tụng người không còn sống, mọi người có thể nghe để thẩm định qua sự hiểu biết và thông cảm của riêng mình. Cuối cùng một việc làm rất cao đẹp và gây nhiều xúc động cho những người có mặt tại nghĩa trang: bình đất quê hương mà ông mang theo lúc từ giã Warschau đã được trút xuống trên quan tài của ông trước khi lấp huyệt.                 
            
Tường Lam                                      
(Mùa Xuân 2010)    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét