Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

NHÂN NGÀY TẾT VIẾT VỀ CHÚC NHAU


NHÂN NGÀY TẾT VIẾT VỀ CHÚC NHAU
CPS.Cảnh Phạm gửi từ Mỹ


Trước đây khi điện thoại chưa thành phổ biến, thư từ gửi qua đường bưu điện là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải thông tin, tình cảm giữa những người ở cách xa nhau. Con viết thư cho cha mẹ khi đang học hay làm xa. Người lính viết thư về thăm nhà, trông đợi thư của vợ con ở hậu phương. Hai người yêu nhau trao đổi những cánh thư tình tứ, thắm thiết, tạo nên kỷ niệm khó quên, “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lả lơi.” (Lá thư – Đoàn Chuẩn và Từ Linh) Có biết bao lá thư tình đã là cảm hứng cho nhiều tác giả viết thành những bài hát trữ tình hay câu chuyện lãng mạn. Những cánh thư này và cả những thư thăm hỏi bao giờ kết thư cũng là một câu chúc. Thời nay điện thoại, email quá ư thuận tiện để liên lạc, người ta rất ít gửi thư nên bưu điện Mỹ than trời lỗ vốn. Nói chuyện qua điên thoại trước khi đóng máy, chấm dứt một email chỉ cần ‘Bye’ hay ‘Thanks’ là xong. Nhưng cũng có lúc người ta phải chúc, dùng điện thoại hay điện thư còn bổ sung thêm bằng thiệp, đó là dịp lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán. Những lời chúc này muôn hình muôn vẻ nhưng cũng chỉ là những công thức được lập đi lập lại hằng năm, không có chút gì hiệu quả. Nhưng có những sự việc khác liên quan tới chúc rất quan trọng, hệ quả to lớn ảnh hưởng tới nhiều người.
Trước hết nói về lời chúc của những người mong muốn chuyển hay phân chia tài sản của mình cho người khác sau khi chết, đó là di chúc hay chúc thư. Mục đích của di chúc để tránh những sự tranh chấp, kiện cáo hoặc làm không đúng những trăn trối của người quá cố. Do đó di chúc phải được lập ra một cách hợp pháp, người lập phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập, không bị lừa dối, đe dọa hoặc ép buộc. Những nhà tỷ phú dù còn khỏe mạnh đã lo làm di chúc. Có những ông bà giàu tiền bạc nhưng cũng giàu nhân ái, chỉ để cho con cái một phần nhỏ, phần lớn tài sản làm chúc thư tặng cho các hội từ thiện.  Ở đâu cũng vậy di chúc được lập ra đúng luật đều được luật pháp bảo vệ. Sau đây là câu chuyện vui về chúc thư của tác giả Trà Lũ.
Anh Văn và anh Hùng là bạn thân với nhau. Cả hai đều được vợ cho phép đi trượt tuyết ở miền núi. Hai chàng lái chung một xe, lòng vui sướng khôn tả. Nhưng bất ngờ giữa đường gặp cơn bão tuyết lớn. Hai chàng phải táp vào một căn nhà bên đường xin trú bão. Ra mở cửa là một thiếu phụ rất trẻ đẹp. Sau khi hai chàng ngỏ lời xin trú bão qua đêm thì người đẹp từ chối. Nàng nói rằng nàng là một thiếu phụ, vừa góa chồng. nay nếu cho hai chàng vào ngủ qua đêm thì sẽ gây dị nghị. Hai chàng năn nỉ ỉ ôi: “Chúng tôi không dám xin ngủ trong nhà, chúng tôi chỉ xin ngủ trong nhà xe, sáng mai hết bão thì chúng tôi sẽ đi ngay và đi sớm.” Người đẹp liền bằng lòng. Và hai chàng đã qua đêm bão tuyết trong garage. Sau đó chuyến đi trượt tuyết của hai người đã thành công tốt đẹp. Rồi không ai nhắc tới chuyến đi này nữa. Chừng chín tháng sau, anh Văn nhận được thư của một luật sư liên hệ tới cuộc ngủ đêm tránh bão trong chuyến đi trượt tuyết. Anh bóp trán mãi mới nhớ ra cuộc ngủ đêm này. Rồi anh gọi cho Hùng và hỏi:
- Mày có nhớ buổi đi trượt tuyết mà chúng mình gặp trận bão nên phải ngủ nhờ nhà xe của một góa phụ trẻ đẹp không?
- Nhớ chứ.
- Tao hỏi thật mày điều này nhá: Có phải đêm đó trong lúc tao ngủ say thì mày lẻn lên nhà thiếu phụ và ngủ với nàng phải không? Và khi mày yêu nàng xong có phải mày đã xưng danh, và mày đã cho nàng tên, không phải tên mày mà tên tao và địa chỉ của tao phải không?
- Sorry. Đúng như vậy. Tao xin lỗi mày về việc tầm bậy này. Mà có chuyện gì quan trọng không?
- Có chứ. Tao vừa được thư của một luật sư báo tin góa phụ xinh đẹp đó đã chết, trước đó bà ta đã làm di chúc để hết gia tài cho tao.
- Trời!
Sang đến chuyện chúc thời xưa. Trong Thánh kinh có một câu chuyện về sự chúc phúc làm thay đổi vận mệnh của hai người. Ông I-xa-ác đã già, mắt ông lòa không trông thấy nữa, ông không biết chết ngày nào. Ông bèn gọi Ê-xau, con trai lớn, sai cậu đi săn thú về làm món ông thích để ông ăn rồi đích thân chúc phúc cho. Trong khi I-xa-ác nói với Ê-xau thì bà Rê-bê-ca nghe được. Bà này là mẹ của Ê-xau và Gia-cóp. Ê-xau ra đi săn, bà kể lại cho Gia-cóp những gì ông I-xa-ác nói với anh cậu và bày mưu, «Con đến bầy gia súc bắt cho mẹ hai con dê đực non và mập. Mẹ sẽ làm một món ăn ngon như cha con thích. Con sẽ đem đến cho cha con và cha con ăn để người chúc phúc cho con.» Gia-cóp mới đầu lưỡng lự, sợ cha khám phá ra sự gian dối này thì nguy to, thay vì chúc phúc người sẽ chúc dữ. Cậu sợ là phải vì Ê-xau mình đầy lông còn cậu thì nhẵn nhụi. Mẹ cậu phải thuyết phục và bảo đảm, cậu mới làm theo lời mẹ dạy. Bà Rê-bê-ca làm món ăn xong, mặc cho Gia-cóp áo sang nhất của Ê-xau đang để ở nhà, lấy da dê non mà bọc tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu. Rồi đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay cậu. Gia-cóp bưng vào và thưa với cha. Ông hỏi: «Con là đứa nào đấy?» Cậu thưa: «Con là Ê-xau, con trưởng của cha, con đã làm như cha bảo. Mời cha ngồi dậy dùng món thịt rừng của con, để cha chúc phúc cho con.» Người cha truyền cho cậu lại gần để xem có đúng Ê-xau. Ông rờ cậu và nói: «Tiếng thì tiếng Gia-cóp mà tay là tay Ê-xau.» Ông hỏi: «Con có đúng là Ê-xau không?» Cậu thưa: «Vâng! Chính con.» Ông nói cậu dọn món ăn lên. Ông ăn và uống cả rượi cậu mang đến. I-xa-ác nói cậu lại gần và hôn ông. Gia-cóp làm theo lời cha. Ông hít mùi áo cậu và chúc phúc cho cậu những điều tốt lành.
Khi ông chúc phúc cho Gia-cóp xong và cậu đi ra thì Ê-xau đi săn về. Chàng sửa soạn món thịt rừng rồi bưng vào mời cha dậy ăn để cha chúc phúc cho. I-xa-ác khi biết đây mới chính là Ê-xau, con trai trưởng, ông run bắn người lên và hỏi: «Vậy ai là người đã săn thịt rừng và đem đến đây, cha đã ăn trước khi con vào và cha đã chúc phúc cho nó.» Ê-xau nghe những lời này cay đắng vô cùng, chàng thưa: «Xin cha chúc phúc cho con nữa, cha chẳng dành cho con một lời chúc phúc nào sao!» Cha chàng đáp: «Con xem, cha đã đặt nó làm chủ con và đã khiến tất cả anh em nó làm tôi nó. Cha đã liệu cho nó có lúa mì rượu mới. Vậy cha làm gì được cho con!» Chàng năn nỉ xin một lời chúc phúc rồi òa lên khóc. Bấy giờ cha chàng chúc phúc cho chàng nhưng không phải là những điều tốt đẹp. Ê-xau rất hận Gia-cóp vì đã đoạt lời chúc phúc của chàng. Chàng có ý định sẽ giết em khi cha già chết. Thế nhưng lời chúc của I-xa-ác được Đức Chúa chứng giám, Ê-xau không thể làm sai lệch hay thay đổi. Người ta báo cho bà Rê-bê-ca ý định giết em của Ê-xau. Bà truyền cho Gia-cóp phải trốn đi. Thời gian lâu sau Ê-xau nguôi giận tha thứ cho em, chấp nhận số phận. Lời chúc của I-xa-ác nằm trong chương trình của Đức Chúa, Gia-cóp trở thành Tổ phụ của 12 chi họ It-xa-en.
Đó là chuyện Gia-cóp đoạt lời chúc phúc trong Thánh kinh mà người tín hữu Thiên Chúa giáo nào cũng biết. Có chúc lành cũng có chúc dữ. Một câu chuyện trong khảo cổ có lời chúc dữ làm người ta nghe phải sợ hãi. Ngày 17 tháng 2 năm 1929 là một ngày định mệnh khi nhà khảo cổ Lord Carnarvon và đoàn thám hiểm của ông đục phá cửa đá bí mật của một Kim Tự Tháp ở Ai Cập để đột nhập vào bên trong ngôi mộ của vua Tutankhamen. Chính ngay ở ngôi mộ cổ này, một nhà khảo cổ khác đã khám phá ra một kho tàng quí giá gồm những đồ vật bằng vàng khối, những bảo thạch, những đồ dát ngọc tất cả đều tập trung nơi chiếc quan tài rực rỡ chứa đựng thi thể vua. Điều đập vào mắt của kẻ đột nhập vào đây trước tiên là hàng chữ khắc trên vách đá. Nội dung của hàng chữ là cả một lời nguyền đầy vẻ cảnh cáo và hăm dọa: "Kẻ nào làm quấy động giấc ngủ của Pharaon đều phải chết!" Không ai có thể ngờ được, nhất là đối với nhà khoa học, dòng chữ khắc trên đá ấy lại có một sức mạnh siêu nhiên, huyền bí tác động lên những ai dám mạo hiểm đột nhập vào ngôi mộ cổ của vua Ai Cập. Thời gian đã chứng minh những người thực hiện việc khám phá Kim Tự Tháp và đến bên áo quan của vua Tutankhamen đều lần lượt phải trả giá.
Trước tiên là nhà khảo cổ Lord Carnarvon, một hôm đang ngủ trong căn phòng của khách sạn thì bỗng thức dậy nói lẩm bẩm như người ngủ mê: Tôi cảm thấy thích chốn địa ngục.” Vừa lúc đó con trai của ông chạy vào lo lắng hỏi han, nhưng ông ta vẫn lẩm bẩm câu nói quái gỡ ấy và đâm ra ngớ ngẩn chẳng còn biết gì ở chung quanh. Ít phút sau ông trút hơi thở cuối cùng. Tiếp theo có người là bạn, người là thư ký của Carnarvon, người chiếu tia X qua xác ướp của vua Tutankhamen, tất cả đều đã chết một cách đột ngột. Tính ra trong vòng sáu năm sau cuộc khai mở cánh cửa bí mật nơi Kim Tự Tháp này, câu chúc dữ trên tường trong ngôi mộ của Pharaon đã giết chết 12 người vì đã vi phạm điều nó cảnh cáo. Đây là câu chuyện buồn trong khảo cổ, lời nguyền rủa không nên khinh thường.
Trở lại chuyện vui, rộn ràng, đầm ấm xem phong tục chúc đầu năm của Việt Nam ta. Tết là thời gian của những lời chúc. Sáng mồng một Tết mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên, chúc tết ông bà và các bậc trên rồi mừng tuổi lẫn nhau. Trẻ em cũng được ‘mừng tuổi’ bằng các bao lì-xì. Trong ba ngày tết thân bằng quyến thuộc đến chúc tết cậu mợ, cô dì, chú bác. Người chịu ơn đến chúc tết ân nhân của mình. Học trò chúc thầy cô. Thợ chủ chúc nhau. Câu chúc ngày đầu xuân có rất nhiều. Người có tôn giáo chúc được nhiều ơn lành, vạn sự cát tường. Câu thông dụng nhất là chúc may mắn, an khang, hạnh phúc, thịnh vượng, vạn sự như ý, mọi điều tốt đẹp. Chịu ảnh huởng văn hóa Trung Hoa, chung qui người Việt chúc nhau về ba phương diện: PHÚC, LỘC, THỌ như họ.
Phúc hay phước tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Tương truyền, ông Phúc là một quan thanh liêm của triều đình. Theo quan niệm xưa có con cái thì vạn sự mãn nguyện nên hình ảnh của ông là đang bế một đứa trẻ hoặc nhiều đứa vây quanh ông.
Lộc tượng trưng cho thăng quan tiến chức, thịnh vượng. Theo truyền thuyết, ông Lộc hay được gọi là Thần Tài sinh tại Giang Tây, sống trong thời Thục Hán. Ông là một quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Hình ảnh ông thường mặc áo quan màu xanh lục vì trong tiếng Hoa ‘lộc’ phát âm gần với ‘lục’, tay cầm ‘ngọc như ý.’
Thọ tượng trưng cho an khang, trường thọ. Hình ảnh ông Thọ là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, tay kia chống gậy, bên cạnh thường có thêm con hạc.
Chúc cho các bậc trưởng thượng phải dùng các câu chúc khuôn mẫu (formal). Trái lại người trẻ chúc nhau thích dùng những câu cho kêu, ví von, ẩn dụ như ‘Trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc’, ‘Ngàn lần như ý, vạn lần như mơ, triệu lần hạnh phúc.’ Có người cảm thấy vui vẻ thoải mái khi nhận lời chúc hay đẹp, ý nghĩa. Người khác xem lời chúc không quan trọng hoặc cho những điều người ta chúc nhau là vô lý, không thực tế như Trần Tế Xương trong bài thơ ‘Chúc Tết.’



Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.


         Nhà thơ họ Trần mỉa mai cái sự không tưởng của những lời thiên hạ chúc nhau. Đoạn kết bài thơ ông đưa ra lời chúc của ông, ‘Cái giống người’ theo Nho giáo là người phải sống có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.  So chiếu với thời nay bài thơ của ông có những điểm như nói tiên tri. Chúc giầu sang để có tiền ăn chơi, sa đọa. Chúc sang là mua chức, chạy quyền để rồi tham nhũng, hưởng lợi. Phố phường chật hẹp người đông đúc nên bao nhiêu rừng núi bị phá, ruộng vườn biến thành khu du lịch, sân gôn. Câu chúc kết của ông cũng hợp tình, hợp cảnh, con người ngày nay tha hóa, tục hóa, vật chất hóa. Đạo đức bây giờ suy đồi kinh khủng, chỉ một cái nhìn, một lời nói, một cuộc cãi nhau, kết cục có khi là một án mạng. Cướp của, giết người, hiếp dâm xảy ra như cơm bữa và nhiều vị thành viên là thủ phạm.
Đấy là chúc tết của người Việt, chúc năm mới của các dân tộc Âu Mỹ như thế nào. Tây phương theo dương lịch, ngày New Year sau Christmas đúng một tuần. Ngày Tết của các dân tộc Á châu là lễ quan trọng nhất trong năm nhưng đối với họ Christmas là lớn nhất. Do đó họ đã gửi quà, chúc nhau dịp Giáng sinh chứ không phải Tết Tây. Nhập gia tùy tục người Việt sống trong khung trời Âu Mỹ cũng mừng Giáng sinh, Tết tây và xum họp gia đình trong dịp này. Tết Nguyên Đán họ chỉ mừng nội bộ gia đình và tỉnh hay bang nào đông người Việt mới tổ chức vui chơi, văn nghệ vào thứ bảy hay chủ nhật tuần lễ đầu tiên của năm âm lịch, nhiều khi không trúng ba ngày tết.
Nhân nói chuyện về ngày tết Việt Nam, một bà đồng nghiệp người Mỹ khoe hồi học trên đại học một bạn học là người Việt dạy bà nói: “Chuc Mung Nam Moi.” Bà phát âm nghe cũng được và bà có vẻ tự hào là cách đây lâu lắm rồi mà bà vẫn nhớ được câu này. Rồi bà hỏi tôi nó có nghĩa gì. Câu hỏi của bà bạn Mỹ làm tôi bối rối hết sức là làm sao dịch hai chữ ‘Chúc mừng’ đây. Tôi không muốn bà ta thấy cái sự không thoải mái của mình lúc đó nên tôi nói đại ‘Chúc mừng năm mới’ là ‘Happy New Year.’ Câu chuyện nhỏ xíu này cứ ám ảnh tôi. Chúc mừng không phải là Happy. Rủi bà này gặp một bạn Việt khác, check lại lời dịch của mình và người đó dịch đúng chữ chúc mừng ra tiếng Anh thì tôi còn mặt mũi nào gặp và nói chuyện với bà ta nữa.
Chúc mừng là một động từ, đối tượng của chúc mừng là con người. Tiếng Anh: To congratulate somebody on something. Tiếng Pháp: Féliciter quelqu’un de quelque chose. Chúng ta không nói với người bạn: ‘Chúc mừng nhà mới của bạn’, nhưng nói ‘Chúc mừng bạn có nhà mới.’ Không nói ‘Chúc mừng sự ra trường đại học của anh’, nhưng nói ‘Chúc mừng anh ra trường đại học.’ Hai người gặp nhau ngày đầu năm, tay bắt mặt mừng, người nọ chúc người kia: “Chúc mừng Năm mới.” Nói như vậy họ có chúc nhau không hay chỉ hoan hô cái năm mới. Câu này dịch sang Anh ngữ ‘Congratulate New Year’ thật là vô nghĩa (nonsense). Ấy vậy ‘Chúc mừng năm mới’ hay ‘Cung chúc tân xuân’ nhiều khi được in trên thiệp, trên lịch, hiển thị trên Website, ghi trên sản phẩm và có người dùng một cách thoải mái để chúc nhau.
Năm chỉ là một qui ước, là thời gian trái đất của chúng ta quay một vòng chung quanh mặt trời. Vũ trụ vận chuyển, hành tinh nào cũng quay và quay hoài. Như vậy đâu có điểm xuất phát hay điểm đến. Để ghi thời gian của một năm phải có lịch. Ở Phương Tây người La-mã và Ai-Cập cổ đại đã biết dùng lịch. Nhưng phải đến thời hoàng đế La-Mã Julius Ceasar mới có một cuốn lịch tương đối hợp lý khi vị hoàng đế này dựa theo hệ mặt trời của người Ai-Cập thiết lập năm La-Mã có 365 ¼  ngày. Một năm 12 tháng và số ngày trong một tháng theo như cách mà chúng ta đang dùng. Để giải quyết ¼ ngày, lịch bố trí bốn năm thêm 1 ngày vào tháng hai gọi là năm nhuận. Lịch này được gọi là lịch Julius và được đa số các nước Phương Tây thời đó dùng. Tuy nhiên lịch Julius cũng còn khiếm khuyết. Lịch không sắp đặt đúng với các mùa nên những ngày lễ tôn giáo như lễ Phục Sinh không diễn ra đúng theo mùa. Lịch Julius ngắn mất 11 ½ phút/năm. Đây là con số rất nhỏ nhưng cứ 400 năm thì số này gộp thành 3 ngày. Lúc đó nó sẽ gây ra rắc rối. Năm 1582 Đức Giáo hoàng Gregory XIII thấy lịch Julius có những bất tiện như vậy nên ngài đã cho chỉnh sửa lại một năm giờ chỉ còn thiếu 26 giây và phải 3.300 năm mới dư ra 1 ngày. Ngài cũng cho lịch chậm lại 10 ngày để các lễ tôn giáo rơi vào đúng mùa. Lịch mới này được gọi Lịch Gregory (Gregorian Calendar) và phải mất một thời gian dài các nước khác mới công nhân. Chúng ta gọi Dương lịch chính là lịch này. Nó là lịch chính thức của cả thế giới để ghi thời gian, để tính toán kinh tế, tài chánh, thương mại.
Ngày đầu năm của đa số các nước trên thế giới là January 1st. Nhưng có nhiều nước tính theo lịch riêng của khu vực. Cam-Bốt, Lào, Thái, Miến-Điện ngày Tết giống nhau vào 13 – 14 tháng Tư Dương lịch. Nhật Bản lấy ngày Tết Tây làm Tết Nhật. Phi-Luật-Tân cũng vậy. Việt Nam, Nam Hàn, Bắc Hàn, Singapore, Mã-Lai, Nam Dương dùng Âm lịch (Chinese Calendar). Ở quê hương tết là ngày đầu xuân nên hoa nở, bướm tung tăng, nhưng người Việt ở Canada hay các tiểu bang miền bắc Mỹ phải dùng hoa giả, thời tiết lạnh giá. Trái lại bên Úc dân mình đi chợ tết mặc áo ba lỗ, hai dây và quần soọc vì nóng quá trời.
Năm tháng qua mau kế tiếp nhau. Tết ta, tết tàu chưa chắc đâu đâu cũng bắt đầu mùa xuân. Năm mới chỉ là một ý niệm thời gian bắt đầu một vòng mới, vậy chúc mừng nó có ý nghĩa gì. Xin đưa ra một đề nghị: Nếu muốn giữ cách chúc này, chúng ta dùng một chữ ‘mừng’ thôi: ‘Mừng Năm Mới’ rồi sau đó chúng ta chúc.
Mừng Tết Quí Tỵ kính chúc các bạn một năm an bình, tốt đẹp.
                                                                             Dominique Phạm Văn Cảnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét