Tinh thần nghèo khó Phanxicô (I)
BBT:
Nhân dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Dòng Ba Phanxicô hay cũng
được gọi là Hội Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế (1963-2013), của giáo xứ Tân Bình,
giáo hạt Cam Ranh, giáo phận Nha Trang, cha Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy đã biên
soạn một bài sưu khảo về Tinh Thần Khó Nghèo Phanxicô, một đặc điểm trổi vượt
của ơn gọi Dòng các Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô, để đề tặng các Anh Chị Em
Phan Sinh Tại Thế. Vì lợi ích đời sống tâm linh của các độc giả, chúng tôi xin
được phép giới thiệu đến quý vị toàn bài viết qua hai
kỳ.
Trong tất cả mọi Dòng Tu Công Giáo, các Tu Sĩ hay các
thành viên khi chính thức gia nhập đời sống cộng đoàn Tu Viện đều phải tuyên
khấn giữ ba điều cơ bản của đời sống tu trì. Đó là:
1. Tinh thần tuân
phục,
2. Giữ mình độc thân khiết tịnh,
3. Sống đời khó
nghèo.
Người ta gọi ba lời khấn ấy là ba nhân đức hay ba điều kiện nền
tảng của đời sống tận hiến trong một cộng đoàn Tu Viện, vì chính ba điều kiện ấy
giúp cho mỗi Tu Sĩ một cách hiệu quả trong suốt quá trình thánh hóa và hoàn
thiện chính bản thân mình trong cuộc sống hằng ngày. Qua đó, người Tu Sĩ tìm gặp
được ý nghĩa và niềm hoan lạc tinh thần đích thực cho cuộc sống của mình, và
đồng thời góp phần vào sự tồn tại bền vững và sự phát huy đời sống tận hiến
thánh thiện của cộng đoàn Tu viện.
Tuy nhiên, thánh Phanxicô thành
Assisi, hay cũng được gọi là thánh Phanxicô Năm Dấu(1), lại nhấn mạnh một cách
hết sức đặc biệt đến tinh thần khó nghèo trong cuộc sống, dựa theo gương sống
khó nghèo của Chúa Giêsu ở Na-da-rét, Đấng đã được sinh ra trong sự khốn cùng và
khi lớn lên còn phải sống một cuộc đời nghèo khổ hơn nữa. Sau cùng chết trần
truồng trên thập tự giá, đến nỗi không một mảnh vải che thân và cũng không có
một nấm mồ riêng, nhưng phải gửi thân nơi nấm mồ của một kẻ khác.
Nhưng
trước khi đi sâu vào tinh thần nghèo khó của thánh Phanxicô và của các Tu Sĩ của
ngài, chúng ta thử tìm hiểu qua ý niệm „nghèo khó“ cách khái quát trong đại
chúng và trong Kinh Thánh.
I. Ý niệm nghèo theo nghĩa tổng
quát và theo Kinh Thánh
1. Định nghĩa ý niệm „nghèo
đói“
Theo quan niệm ngày nay khi nói đến sự nghèo đói, người ta nghĩ
ngay tới:
1. Trên bình diện nhà nước: Những quốc gia thuộc thế giới đệ
tam, tức những quốc gia chậm tiến hay đang trên đường phát triển, những nơi mà
nền kinh tế chưa được kỹ nghệ hóa với các máy móc tân tiến, những nơi mà đại đa
số dân chúng đang sống bằng nghề canh nông với các phương tiện thô sơ, lạc hậu.
Mức thu nhập của người dân còn quá thấp, chưa đủ bảo đảm cuộc sống hằng ngày của
mình.
2. Trên bình diện cá nhân: Những người phải chịu cảnh đói khát, cơm
không đủ ăn, áo không đủ mặc, hay những người phải lê gót đi ăn xin trên các góc
đường xó chợ, sống nhờ vào lòng hảo tâm, vào sự bố thí của đồng loại,
v.v…
Nói chung, ý niệm nghèo đói trên đây trình bày trước mắt chúng ta
một hoàn cảnh sống bất hạnh của những người, không những làm không đủ ăn và phải
chịu thiếu thốn trăm bề, nhưng còn là một hoàn cảnh sống hoàn toàn vô sản. Đó
chính là những người sống trong cảnh khốn cùng, thiếu điều kiện sống tối thiểu
là cơm ăn áo mặc, mất hết mọi hy vọng tự lực cánh sinh trong việc sống
còn.
Nhưng nếu sự nghèo đói được định nghĩa hay được quan niệm như vừa
nói trên đây, thì người ta có thể nói được rằng, một định nghĩa như thế là chưa
trọn vẹn và hoàn hảo, vì còn quá bị giới hạn trong lãnh vực kinh tế. Và như thế,
quan niệm ấy tất nhiên đã bỏ sót một cái nhìn rộng rãi và đầy đủ hơn về ý niệm
nghèo đói khi nó được nhìn dưới góc độ khác.
Thật vậy, trong cộng đồng
nhân loại, còn có một tiểu số người đã không tránh né sự nghèo khó hay bất lực
không tự kiếm được đủ cơm ăn áo mặc cho bản thân, nhưng còn tự nguyện chọn sống
đời nghèo khó như „lý tưởng sống“ của mình. Dĩ nhiên, trong khi hầu như mọi dân
tộc trên thế giới đang nỗ lực phấn đấu để xóa bỏ hay ngăn chặn nạn nghèo đói như
một thứ giặc nguy hiểm, mà ở đây chúng ta lại gọi sự nghèo đói là „lý tưởng
sống“ thì thoạt nghe là quá xa lạ và không thực tế. Tuy nhiên, nếu được nhìn
dưới góc độ tâm linh và tôn giáo, hay nói cách khác, nếu đứng về phương diện
thăng tiến tinh thần nội tâm, sống siêu thoát và sống kết hiệp một cách thần bí
với Thiên Chúa hay với những thực tại siêu nhiên một cách dễ dàng hơn, thì cuộc
sống thoát ly khỏi mọi ràng buộc và lệ thuộc vào vật chất, tức cuộc sống nghèo
khó, lại trở nên như một hình thức sống đáng theo đuổi. Và hiệu quả tất yếu phát
sinh từ tinh thần từ bỏ và nghèo khó chân chính và tự nguyện ấy, người ta sẽ
đương nhiên chọn cho mình lối sống độc thân khiết tịnh và vâng phục. Đây chính
là những nền tảng cơ bản của đời sống các Giáo Sĩ Công Giáo nói chung và các Tu
sĩ thuộc các Dòng Tu và Tu Hội nói riêng.
Quan niệm về sự nghèo khó và
chọn lựa nó làm hình thức sống cụ thể như thế của các Giáo Sĩ và Tu Sĩ Công Giáo
là đặt nền tảng trên chính cuộc sống cơ cực túng thiếu đến vô sản của Chúa Giêsu
ở Na-da-rét xưa, với mục đích là tự nguyện hy sinh mọi nhu cầu vật chất chính
đáng, hay nói cách khác, tự giải thoát mình ra khỏi mọi ràng buộc và lệ thuộc
của cải vật chất, để sống kết hiệp trọn vẹn tâm trí và linh hồn mình với Thiên
Chúa và đồng thời để phục vụ anh em đồng loại của mình một cách trọn vẹn và hữu
hiệu hơn. Chính quan niệm sống nghèo khó tuyệt căn theo gương Chúa Giêsu ở
Na-da-rét xưa như thế đã được thánh Phanxicô Assisi chọn làm mục tiêu sống, hay
nói đúng hơn, là lý tưởng theo đuổi của ngài cũng như của các Tu Sĩ của ngài. Vì
thế, trong suốt cả cuộc đời, thánh nhân luôn đề cao và sống đời nghèo khó từ bỏ,
nếu không nói là ngài đã yêu mến và tôn kính sự nghèo đói, đến nỗi đã xưng tụng
sự nghèo khó là „Bà Chúa Nghèo“. Với tư cách là Đấng sáng lập Dòng Anh Em Hèn
Mọn, tiếng La-tinh là Ordo Fratrum Minorum, viết tắt là OFM, mà người ta thường
gọi là Dòng Thánh Phanxicô, một trong những Dòng Tu lớn trong Giáo Hội và luôn
phát triển mạnh mẽ cả trong thời đại hôm nay nữa, thánh Phanxicô Assisi là mẫu
gương sống động về lòng khiêm tốn, tự hạ, hoàn toàn đúng theo tinh thần nghèo
khó Kitô giáo.
Bởi vậy, trong những dòng tiếp theo sau đây chúng ta thử
nhìn tổng quát về quan niệm „nghèo khó“ thời Giáo Hội tiên khởi và nhất là trong
cuộc sống cụ thể của Chúa Giêsu ở Na-da-rét, gương mẫu tối cao duy nhất của
thánh Phanxicô.
2. Quan niệm nghèo khó trong truyền thống Kinh
Thánh
Trên thực tế, đề tài về sự nghèo khó ngay từ khởi đầu là một đề
tài trọng tâm của Kitô Giáo nói chung và đặc biệt là trong lịch sử các phong
trào Tu Trì trong Giáo Hội nói riêng. Vì thế, người ta đã tìm thấy những danh
xưng „Giáo Hội của những người nghèo“ hay „Những người nghèo của Thiên Chúa“,
v.v… đã có những chỗ đứng trang trọng trong tâm thức các tín hữu ngay từ thời
Giáo Hội tiên khởi, như là những hình thức sống noi theo gương nghèo khó của
Chúa Giêsu.
Trong lãnh vực này, Kinh Thánh quả thực là nguồn tài liệu khả
tín nhất giúp chúng ta có được một cái nhìn chính xác, xét về phương diện lịch
sử cũng như phương diện thần học, về các quan điểm „nghèo khó“ thời tiền Kitô
giáo và thời khởi đầu Kitô giáo, tức thời Giáo Hội tiên khởi. Bởi thế, trước
hết, chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề dựa theo sự khả tín và sự xác thực của Kinh
Thánh.
2.1. Cái nhìn tổng quát trong Kinh Thánh
Tương tự
như trong bản Kinh Thánh Bảy Mươi và trong bản Kinh Thánh theo tiếng Hy Lạp,
chúng ta cũng tìm thấy trong bản Kinh Thánh tiếng La-tinh, tức bản Kinh Thánh
Vulgata, bản Kinh Thánh phổ thông,(2) ba ý niệm khác nhau về sự đói
nghèo.
1) Trước hết là ý niệm „egenus“. Từ „egenus“ trong bản Kinh
Thánh La-tinh được sử dụng để nói về những người đang phải sống trong cảnh đói
nghèo, bởi vì họ làm không đủ ăn.(3)
2) Tiếp đến là ý niệm
„inops“. Từ „inops“ được sử dụng để nói về những người bất lực
trong việc làm giàu và đành phải chịu cuộc sống thiếu thốn. Như thế, theo nghĩa
nguyên thủy của từ „inops“ là tình trạng những người thiếu phương tiện
sống.(4)
3) Và sau cùng là ý niệm „mendicans“. Từ “mendicans” chỉ
những người do một lý do cản trở nào đó đã không thể tự làm việc sinh nhai kiếm
sống được, không thể mang lại lợi nhuận kinh tế được, và vì thế phải chấp nhận
kiếp sống “ăn xin”, phải nhờ vả vào sự bố thí của đồng loại để sống
còn.(5)
Trên đây là ba ý niệm chính về sự đói nghèo được đề cập đến
trong Kinh Thánh.
Nói một cách tổng quát, mặc dù sự giàu có và sự đói
nghèo hoàn toàn tương phản nhau, Kinh Thánh đã minh giải rằng sự giàu có và sự
đói nghèo được coi như là những hiện tượng đã được Thiên Chúa phê chuẩn, mà
người có lòng kính sợ Chúa phải chấp nhận. Điều đó muốn nói rằng, chẳng hạn một
mùa gặt bội thu là một ơn lành do Chúa ban.(Lv 25,21; Đnl. 28,8).
Trong
truyền thống Kinh Thánh còn hàm chứa một khía cạnh quan trọng khác mà chúng ta
cũng không được phép bỏ qua, đó là lời hứa nâng đỡ và bảo trợ của Thiên Chúa
dành cho những người đói nghèo.
Thật vậy, trong phần Cựu Ước bằng tiếng
La-tinh, chúng ta tìm gặp những câu như sau:
“Parcet pauperi et inops
et animas pauperum salvas faciet”: Thiên Chúa chạnh lòng thương xót những
người nghèo hèn và đói khổ, và mạng sống những người khốn cùng Người ra tay cứu
độ.(Tv. 72,13)
Và tiếp đến:
“… Ex oppressione et violentia
redimet animas eorum, et pretiosus erit sanguis eorum coram illo”: Người
giải thoát mạng sống họ khỏi sự áp bức và bạo tàn, và từng giọt máu của họ đều
quý báu trước mắt Người.”(Tv. 72,13)
Trong những câu trên, Thiên Chúa
được coi là Đấng che chở và cứu vớt những người bần cùng nghèo đói, Người che
chở họ trước bạo lực và áp bức của kẻ khác.
Như vậy, theo Kinh Thánh,
Thiên Chúa là niềm hy vọng độc nhất của những người nghèo. Trong Kinh Thánh, ý
niệm đói nghèo thường được đồng nghĩa với sự yếu đuối, non dại, bé nhỏ và bất
lực.
Đây là những điều mà một chỗ quan trọng khác trong Cựu Ước đã đặc
biệt trình bày rõ ràng nhất:
“…qui respondens ait obsecro Domine mi in
quo liberabo Israel ecce familia mia infima est in Manasse et ego minimus in
domo patris mei”: Lạy Chúa, làm sao con có thể giải cứu Ít-ra-en được. Này
gia đình con thấp kém nhất trong dòng tộc Ma-nát-xê và con lại là người nhỏ bé
nhất trong nhà cha con.(Tl. 6,15)
Trên đây là lời cầu nguyện của chàng
trai Ghít-ôn, người Do-thái, cùng Thiên Chúa, khi anh biết Người muốn anh cùng
góp sức giải thoát dân Do-thái ra khỏi sự đô hộ tàn bạo của dân Ma-đi-an. Anh đã
tự nhận mình và gia đình mình là nhỏ bé, tầm thường và yếu đuối. Qua đó, chúng
ta thấy được rằng, Kinh Thánh đã trình bày chàng thanh niên Ghít-ôn, một người
còn non trẻ, yếu đuối và nghèo hèn, như là một người được Thiên Chúa kén chọn để
gánh vác trách nhiệm to lớn mà Người muốn trao phó cho anh.
Như thế,
chúng ta nhận chân được một cách rõ ràng rằng, trong kế hoạch quan phòng của
Thiên Chúa, những người nghèo hèn bé mọn không hề bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng
luôn cảm nhận được sự che chở bảo trợ của Người và được Người tin tưởng giao phó
cho các trọng trách khác nhau (x. Tv.72,12-14). Trong khi đó, qua tiên tri
I-sai-a, chúng ta thấy những kẻ giàu sang ích kỷ và bất công thì bị Thiên Chúa
ruồng bỏ. (x. Is. 5,8).
Ở đây tiên tri I-sai-a cũng cho biết Thiên Chúa
muốn con người phải cư xử với nhau sao cho phải đạo, như Người hằng mong muốn,
tức:
“… frage esurienti panem tuum et egenos vagosque induc in donum
tuam cum videris nudum opera eum et carnem tuam ne despexeris”: chia cơm cho
người đói khát, đón rước vào nhà những người vô gia cư, cho người trần truồng áo
mặc, và không ngoảnh mặt làm ngơ trước người bà con cốt nhục. (Is.
58,7).
Ở đây, chúng ta cũng không quên rằng, một điều không thể chối cãi
được là ngay vào thời trước Kitô giáo xuất hiện, sự đói nghèo dù do hoàn cảnh
sống tạo nên hay dù do chính lỗi lầm của các đương sự gây ra, Thiên Chúa luôn dủ
lòng thương xót những người bần cùng đói khổ, Người ra tay che chở họ. Đây cũng
là điều được minh chứng rõ ràng trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhất là theo Kinh
Thánh, chỉ những người nghèo đói và luôn biết xác tín được rằng mình thực sự đói
nghèo, thì vào ngày sau hết họ sẽ được thừa hưởng hạnh phúc viên mãn. (x. Mt
5,3; Lc 16,19-31)
2.2. Quan niệm đói nghèo trong Tân
Ước
Vào thời Chúa Giêsu, nước Do-thái là thuộc địa của đế quốc Roma.
Chính quyền bảo hộ không chỉ kiểm soát mọi sinh hoạt văn hóa và xã hội, nhưng cả
đến các sinh hoạt kinh tế nữa. Trong khi đó trách nhiệm đối với một xã hội gồm
các giai cấp và thứ bậc được phân biệt rõ ràng lúc bấy giờ lại không nằm trong
tay chính quyền bảo hộ Roma, nhưng xã hội giai cấp ấy là một hệ thống xã hội bền
vững hoàn toàn của dân Do-thái.
Những giai cấp xã hội của người Do-thái
được chia ra như sau: Một bên gồm Hội đồng các vị Trưởng Lão, các thầy thông
giáo hay luật sĩ và hàng giáo sĩ quý tộc, còn bên kia gồm những người nghèo đói,
những người sống ngoài lề xã hội và tầng lớp đại đa số dân chúng bị bóc lột.
Điều đó cho thấy là cuộc sống hằng ngày của dân Do-thái bị chi phối khá rõ rệt
bởi sự giàu có và quyền lực. Nhất là hàng giáo sĩ quý tộc, những người phụ trách
vấn đề thờ phượng trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, đã gây ra cho cuộc sống của tầng
lớp dân nghèo nhiều phiền hà và rắc rối qua việc tăng liên tục thuế nộp cho Đền
Thờ, một loại thuế mà tất cả mọi công dân Do-thái phải chu toàn bằng mọi giá.
(Lc 18,12; Mt 23,23).
Còn các vị Thượng Tế phụ trách việc coi sóc và thờ
phượng trong Đền Thờ, thường thuộc phái Sadduzäer,(6) được hưởng các lễ vật và
tiền bạc của những tầng lớp giàu có dâng cúng cho Đền thờ (x. Vulgata: Mc
12,41-44) và nhờ sự cộng tác sát cánh với chính quyền bảo hộ Roma họ còn là một
giai cấp được ưu đãi và được hưởng nhiều bổng lộc khác nhau.
Thuộc về
giai cấp khá giả trong dân, trước hết phải kể đến các luật sĩ, thường thuộc về
phái Pharisäer. Những người Pharisäer tự tách biệt mình ra khỏi những người khác
trong dân, không chỉ dựa theo nguyên ngữ của tên xưng,(7) nhưng vì họ thuộc một
tầng lớp giàu có và được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là họ hoàn toàn tự phân biệt
mình với đại đa số người nghèo đói trong dân. Qua đức tin mạnh mẽ, nhưng lại
lệch lạc của họ vào Luật Môsê, khiến họ suy diễn sai lầm trầm trọng về Luật ấy,
và vì thế họ đã cho rằng họ không được đụng chạm tới các người nghèo hèn và đói
khổ. Thêm vào đó sự huấn luyện thiếu căn bản và cách sống của họ đã làm cho họ
hoàn toàn xa cách với tầng lớp nghèo khổ, mà họ vẫn coi là những kẻ tội lỗi và
ngoại đạo. (x. Lc 18,9; Ga 7,49)
Giữa một xã hội đầy bất công và ngang
trái như thế, Chúa Giêsu đã được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp nghèo
khổ nhất tại miền Galiläa. Vì thế, Người đã được coi là một người tiêu biểu của
tầng lớp vô sản đói nghèo lúc bấy giờ. Còn chính Người tự nhận mình là “Người
mục tử nhân lành” của một đàn chiên bị bỏ rơi, bơ vơ không người chăn dắt hướng
dẫn. Người đã trở thành niềm hy vọng cho những người nghèo hèn đói khổ và không
có tiếng nói trong xã hội. (x. Ga 10,11-22)
Điều đó muốn khẳng định rằng,
sứ mệnh của Chúa Giêsu khi giáng thế trong thân phận một người bần cùng đói
nghèo là để nâng đỡ, an ủi và cứu giúp những người nghèo, những người yếu đuối,
những người tàn tật bệnh hoạn và các kẻ bị tù tội, v.v... Sứ mệnh này của Chúa
Cứu thế đã được tiên tri I-sai-a loan báo từ ngàn xưa trong Cựu Ước và thánh sử
Luca đã nhắc lại như sau:
“Spiritus Domini super me propter quod
unxit me evangelizare pauperibus misit me…”: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì
Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn…”
Nói chung, phần Tân Ước đã nhấn mạnh và làm nổi bật quan điểm chủ
yếu của Chúa Giêsu là Người hoàn toàn đứng về phía những người nghèo, những
người yếu thế cô thân và những người bị đàn áp bóc lột. Người sống liên đới với
họ và luôn ra tay bênh vực họ, vì chính Người cũng là một người nghèo như họ.
(x. Mc 10)
Nền tảng quan trọng nhất của ý niệm nghèo đói nơi Chúa Giêsu
đã được phần Tân Ước trình bày một cách rõ ràng đặc biệt qua Bài Giảng Trên Núi,
hay cũng được gọi là Tám Mối Phúc Thật. Theo tương truyền của Kinh Thánh, Tám
Mối Phúc Thật là bản tóm tắt những giáo huấn mà Thiên Chúa đã dự định mặc khải
cho Dân Người, và nay Chúa Giêsu đã đưa công bố trên một ngọn núi. (x. Mt
5)
Cái chết đau thương trên thập giá của Chúa Giêsu vì tội lỗi nhân loại
là cả một minh chứng hùng hồn Người thực sự là sứ giả của những người nghèo hèn
đói khổ, Người hứa giành hạnh phúc Nước Trời cho họ. Bởi vậy, Chúa Giêsu, một
Thiên Chúa mặc xác phàm, đã trở thành người bảo trợ thế giá nhất của người
nghèo, dù Người phải hy sinh đánh đổi sứ mệnh ấy bằng chính mạng sống mình. (x.
Pl 2,6-8).
Vì thế, sự dấn thân tuyệt căn đầy gương mẫu này của Chúa
Giêsu, Thiên Chúa Làm Người, đã chi phối và thấm sâu vào đời sống đức tin và các
sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của tất cả các Kitô hữu, từ khởi đầu Giáo
Hội cho tới ngày nay. Và một trong hằng triệu các tín hữu đã hiểu và tìm cách
sống theo gương nghèo khó của Chúa Giêsu, chính là thánh Phanxicô thành Assisi.
Nhưng thánh nhân là một trường hợp hoàn toàn hy hữu trong quá trình sống theo
gương nghèo khó của Chúa, đó là thánh nhân đã lấy cách sống nghèo của Chúa Giêsu
ở Na-da-rét xưa làm chính cuộc sống hằng ngày của mình. Nói cách khác, ngài đã
sống một cuộc sống nghèo đúng nghĩa, nghèo tuyệt căn, tương tự như cuộc sống
nghèo của Chúa ở Na-da-rét xưa, tức hoàn toàn vô sản, không chiếm giữ bất cứ
điều gì làm của riêng, hằng ngày sống nhờ vào các của bố thí của bá tánh. Đây
chính là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong những dòng sau đây.
II. Quan
niệm nghèo khó theo thánh Phanxicô
Thánh Phanxicô đã từng khẳng
định:
“Đức nghèo khó làm cho tất cả tính tham lam của cải, tính hà
tiện nhỏ nhoi và những lo lắng thế sự đời này phải bẽ mặt xấu hổ.” (8)
Những lời phát biểu này của thánh Phanxicô Assisi, vị sáng lập Dòng Anh
Em Hèn Mọn, trước hết đã cho thấy rằng „Bà Chúa Nghèo“ đối với ngài quan trọng
như thế nào. Thánh nhân nhận chân được rằng đức khó nghèo Kitô giáo, mà ngài
đang ôm ấp theo đuổi, không thể đội trời chung với tính tham lam của cải đời
này, tính hà tiện keo kiệt và những lo toan thái quá về cuộc sống trần thế chóng
qua đời này.
Trong kinh „Lobpreis der Tugenden“ (Chúc tụng các
nhân đức) do ngài biên soạn, thánh Phanxicô đã nhìn nhận tinh thần khó nghèo là
một trong các nhân đức quan trọng nhất. Thật vậy, đối với thánh Phanxicô, ngoài
tinh thần khó nghèo mà thánh nhân rất đề cao, còn có sự khôn ngoan, tính đơn sơ,
tình yêu thương và tinh thần hòa nhã. Đó là những nhân đức mà thánh Phanxicô
cũng rất nhấn mạnh. Sau cùng, một nhân đức khác cũng rất quan trọng đối với
thánh nhân, đó là lòng khiêm nhu nhẫn nhục, vì ngài cho rằng lòng khiêm nhu là
khí giới sắc bén giúp ta chiến thắng tính cao ngạo. Ngài viết:
„Thái
độ sống khiêm hạ nhu mì sẽ làm cho tính kiêu căng tự cao tự đại và tính ngạo mạn
của thế gian phải bẽ bàng xấu hổ“.(9)
Trong một chỗ khác thánh nhân
đã gọi đức khó nghèo là „Bà chúa nghèo“:
„Hỡi Bà Chúa Nghèo
thánh thiện, Thiên Chúa gìn giữ Bà qua người chị Khiêm Nhu thánh thiện của
Bà“(10)
Qua đó chúng ta thấy rằng, theo quan điểm thánh Phanxicô,
đức khiêm nhu là điều kiện quan trọng giúp cho ta sống trọn vẹn cuộc sống nghèo
khó Phúc Âm. Thật vậy, nếu không biết khiêm tốn và nhẫn nhục chấp nhận định
mệnh, người ta khó lòng nhìn thấy và chấp nhận được đức khó nghèo là một lý
tưởng sống cao cả.
Đàng khác, sự khám phá ra được rằng, tinh thần khó
nghèo là một nhân đức, đó quả là trọng tâm của cuộc sống và các hoạt động của
thánh Phanxicô.
Ngay sau cuộc thế chiến thứ hai, Lm. Dietmar Westemeyer
OFM, một Tu Sĩ Dòng Phanxicô, đã viết một cuốn sách về thánh Phanxicô Assisi,
trong đó ông viết:
„Ngài (thánh Phanxicô) đã sống tinh thần khó nghèo
trong một mức độ tuyệt căn đến nỗi, ví dụ nếu trường hợp toàn bộ gia sản bị bom
đạn và lửa thiêu rụi, thì xem ra ngay cả một hoàn cảnh như thế cũng không hề làm
cho thánh Phanxicô chút bận tâm.“
Tiếp đến, ở một chỗ khác Lm.
Westemeyer còn viết:
„Dù không phải trong hoàn cảnh bất khả kháng,
thánh Phanxicô vẫn thường nằm nghỉ ở các cổng thành hay ở ngoài các cánh đồng.
Mặc dù ngài có thể sống trong các ngôi nhà xây bằng đá, thánh nhân lại chỉ ở
trong các cái chòi bằng gỗ hay bằng đất sét. Ở Rivotorto, mà người ta gọi là
Na-da-rét của Dòng, trong nhiều tuần lễ thánh nhân đã ngủ trong một cái phòng
kho … Trong khi những người khác chạy trốn trước sự nghèo đói, thánh Phanxicô
lại đi tìm kiếm nó, và ngài đã đi tìm kiếm sự nghèo đói theo một mức độ, mà hễ
khi ngài nhận thấy mình còn có bất cứ cái gì đó như là của riêng, hay một người
nào đó biếu riêng ngài một thứ gì đó, thì thánh nhân đâm ra áy náy và bất an
trong lòng. Thánh Bonaventura viết: Không một ai thèm khát đi tìm kiếm vàng bạc
bằng thánh Phanxicô thèm khát đi tìm kiếm sự khó nghèo.“(11)
Những
đoạn văn trên đây cho thấy rằng, rất có thể Lm. Westemeyer bị ảnh hưởng bởi
những cảm xúc trước các khó khăn khắc nghiệt thời hậu chiến, nhưng ông quả thực
là một người hết lòng kính yêu thánh Phanxicô và con đường sống nghèo khó tuyệt
căn của ngài. Tuy nhiên, tác giả Westemeyer lại không nêu lên được những lý do
của sự mê say tìm kiếm cuộc sống khó nghèo nơi thánh Phanxicô.
Vì thế,
trong những dòng sau đây, chúng ta thử tìm hiểu con đường nào đã đưa dẫn thánh
Phanxicô đến chỗ say mê tinh thần khó nghèo như thế.
1. Ơn trở lại của
thánh Phanxicô và con đường dẫn tới „Bà Chúa Nghèo“
Theo bản năng và
tâm lý tự nhiên, thì không một ai lại thích chọn cho mình một cuộc sống thiếu
thốn và nghèo nàn cả. Chỉ trừ khi có một động lực mạnh mẽ nào đó thúc đẩy từ
trong nội tâm mà thôi. Đó chính là trường hợp thánh Phanxicô Assisi: Giữa lúc
đang sống trong sung sướng đầy đủ, thánh nhân đã bỗng chốc tự nguyện từ bỏ tất
cả mọi vui chơi và sự thụ hưởng các của cải vật chất đời này để sống một cuộc
đời bần cùng đói khổ tuyệt căn, lý do là một biến đổi nội tâm đã đánh động và
gây ấn tượng quá mạnh mẽ và sâu đậm trong tâm hồn ngài, đến nỗi khiến ngài muốn
dứt bỏ mọi sự.
Được sinh ra vào khoảng năm 1181/82 với tên đời là
Giovanni di Pietro di Bernardone trong một gia đình thương gia giàu có. Cũng vì
nhờ nghề buôn bán khăn choàng và các thứ vải vóc với người Pháp phát triển mạnh
mẽ và mang lại cho gia đình cuộc sống vật chất sung túc giàu có, ông Pietro di
Bernardone, cha của thánh Phanxicô, rất yêu mến và biết ơn người Pháp, vì thế
ông đã gọi cậu con trai Giovanni của mình là Phanxicô, tức người Pháp.(12) Vì
thế, suốt các năm tháng của tuổi trẻ cũng như tuổi thanh niên, thánh Phanxicô đã
sống một cuộc sống hoàn toàn vô tư đầy đủ.(13)
Như đã nói trên, đứng về
phương diện thuần tuý khách quan, khi một người thanh niên đang sống trong một
cuộc sống sung túc đầy đủ như thế mà tự nguyện từ bỏ để sống một cuộc đời hành
khất nghèo đói, cả là một điều không bình thường chút nào và không thể hiểu
được. Thế thì tại sao hiện tượng thay đổi bất bình thường ấy lại đã xảy ra nơi
Phanxicô?
Khi nghiên cứu tiểu sử của thánh Phanxicô người ta tìm thấy ba
sự cố rất đáng ghi nhận, đã gây nên ảnh hưởng rất mạnh mẽ, đến nỗi đã biến đổi
và đã dẫn đưa cuộc đời chàng thanh niên Giovanni của gia đình Di Bernardone vào
một khúc quanh vô cùng quan trọng. Đó là:
Sự cố thứ nhất: Vào năm 1202,
đã xảy ra một cuộc chiến tranh giành quyền bính giữa hai tiểu vùng Assisi và
Perugia. Nhưng đáng tiếc là Assisi đã thua trận và tất cả các lính kỵ mã và các
thanh niên những gia đình quý tộc và giàu có đều bị bắt làm tù binh trong suốt
một năm trời, trong đó có Phanxicô. Có lẽ không bị tra tấn hay bị đánh đập,
nhưng cuộc sống thiếu thốn về đủ mọi phương diện trong tù đối với một người
thanh niên, mà mãi cho tới lúc bấy giờ chỉ biết ăn chơi và hưởng thụ, là cả một
thách đố vô cùng nghiệt ngã. Chính đây là điều ghi sâu vào tâm hồn Phanxicô,
khiến cho cậu hồi tâm và biết bình thản đánh giá đúng đắn về của cải vật chất
đời này cũng như chính cuộc sống con người, và nhất là đã giúp cậu hiểu rõ được
nỗi cơ cực đau khổ của những người nghèo đói: hằng ngày cơm không đủ ăn áo không
đủ mặc, trong đó có Chúa Giêsu xưa ở Na-da-rét. Chính nhờ thế, để noi gương Chúa
Giêsu nghèo khó, Phanxicô đã nảy sinh ý tưởng chọn cuộc sống nghèo khó như là
một lý tưởng sống của mình.
Sự cố thứ hai: Theo tương truyền, thì sau một
năm bị bắt làm tù binh chiến tranh với đủ mọi thiếu thốn và nhất là bị đói rét
triền miên, Phanxicô đã trở nên ốm yếu và hay bị bệnh. Từ một thanh niên vốn
hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật và đầy kiêu hãnh, Phanxicô đã trở nên một
người hoàn toàn khác, hay đau ốm và cư xử rất khiêm nhu.(14)
Vốn được
hấp thụ một nền học vấn có nền tảng về văn chương, vào năm 1204, Phanxicô đã
cùng với một người bạn, con một nhà quý tộc cùng quê Assisi, rời bỏ Assisi để
đến cư trú tại Apulien với mục đích là sống cuộc đời Hiệp sĩ. Theo tương truyền
thì nếu chính những giấc mơ và những thị kiến khác nhau thức tỉnh lòng hăng hái
của Phanxicô theo đuổi cuộc sống Hiệp sĩ, thì cũng chính những giấc mơ và những
thị kiến lại đã thúc đẩy chàng dẹp bỏ nghề binh nghiệp của một hiệp sĩ. Tiểu sử
của thánh Phanxicô đã trình bày cho thấy một thị kiến đặc biệt đã thôi thúc
Phanxicô quay trở lại quê Assisi và chọn sứ mệnh sống „đời hiệp sĩ thiêng
liêng“.
Tuy nhiên, một thị kiến khác được gọi là thị kiến „San Damiano“
đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống Phanxicô. Số là một ngày kia, khi Phanxicô
đang sốt sắng cầu nguyện trong nhà thờ San Damiano, một ngôi nhà thờ đổ nát và
bị bỏ hoang, thì thánh nhân bỗng nghe có tiếng Chúa từ Thánh Giá nói với ngài và
truyền cho ngài hãy tu sửa lại Đền Thánh của Người.
Thoạt nghe vậy,
trước hết thánh nhân cho rằng Chúa muốn ngài xây dựng lại nhà thờ San Damiano và
vì thế ngài đã một mình hằng ngày vất vả gánh đá khiêng gạch xây lại ngôi Nhà
Chúa này. Nhưng rồi về sau đó, thánh nhân mới khám phá ý nghĩa đích thực của sứ
mệnh „xây lại Đền Thánh“ của Chúa, tức là ngài phải góp sức chỉnh đốn lại
cuộc sống trong xã hội Kitô giáo đang sa đoạ thời bấy giờ.(15)
Chính
những „thị kiến hoán cải“ là những nguyên nhân và động lực chính đã làm
thay đổi hoàn toàn cuộc đời Phanxicô.
Sự cố thứ ba: Ở đây chúng ta cũng
cần nhắc lại một sự cố khác cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định thay đổi
hoàn toàn cuộc sống của Phanxicô. Đó là cuộc chia tay đầy kịch tính với cha ruột
ngài. Nhưng chính cuộc chia tay này lại là sự cố cuối cùng khiến cho Phanxicô
hoàn toàn chỉ tìm kiếm và phụng sự duy nhất một mình Thiên Chúa mà thôi. Nguyên
nhân sự cố được bắt nguồn từ việc trùng tu lại nhà thờ San Damiano. Trước hết,
ông Pietro Di Bernardone đã cho con trai vay tiền để mua sắm vật tư trong việc
trùng tu, nhưng trong quá trình xây cất cả hai cha con bất đồng ý kiến. Vì thế,
ông Bernardone đã công khai đòi buộc Phanxicô phải hoàn trả lại số tiền đã vay
mượn và tất cả những gì ông đã cho Phanxicô. Và sự bất đồng ấy đã xảy ra ngay
tại công trường Tòa Giám Mục Assisi, trước sự chứng kiến của dân chúng. Và
Phanxicô đã không chỉ hoàn trả lại cho cha mình toàn bộ số nợ mà còn toàn bộ áo
quần chàng đang mặc trên người. Trong khi trần truồng không một mảnh vải che
thân và ĐGM đã phải lấy áo choàng của ngài che đỡ cho chàng, Phanxicô đã tuyên
bố từ nay chàng chỉ còn có một mình Thiên Chúa là người cha duy nhất mà
thôi.(16) Phanxicô đã coi sự cố này như một sự chấm dứt cuộc sống trong tội lỗi
và bắt đầu một cuộc sống mới dưới sự dìu dắt hướng dẫn của Thiên
Chúa.
Theo Linh mục Thomas di Celano OFM,(17) thì kể từ giờ phút đó
Phanxicô đã rũ bỏ hết mọi sự thế gian đời này và „… chỉ chú tâm suy niệm sự
công bằng của Chúa mà thôi“.(18)
Nhất là trong các sử liệu người ta
không hề tìm thấy bất cứ bằng chứng nào nói rằng khi từ bỏ thế gian, từ bỏ những
ràng buộc với của cải vật chất để chỉ phụng sự một mình Chúa như thế, Phanxicô
đã xin gia nhập hàng Giáo Sĩ hay một Tu Viện nào đó của các Dòng Tu đã có sẵn
lúc bấy giờ. Một điều khá chắc chắn là Phanxicô đã không muốn thực thi sứ mệnh
Chúa đã giao phó cho mình bằng cách gia nhập một trong các Dòng Tu với những qui
luật rõ ràng đã có sẵn, nhưng là thiết lập một lối sống tu mới và riêng
biệt.(19)
Qua những điều vừa trình bày, chúng ta đã nhìn thấy được
nguyên nhân cắt nghĩa hiện tượng biến đổi đặc biệt nơi con người Phanxicô: Từ
một chàng trai con nhà giàu có và ham vui, bỗng chốc trở thành một con người
nghiêm túc và sống đức tin Kitô giáo của mình một cách hết sức sốt sắng và sâu
sắc.
Đây hẳn là một con đường sống vô cùng quan trọng và cần thiết, biểu
lộ những nền tảng đức tin sâu xa của Phanxicô, vì nhờ thế, chàng đã chọn cho
mình một lối sống hoàn toàn từ bỏ và khó nghèo, theo gương Chúa Cứu Thế xưa ở
Na-da-rét.
Ở đây một câu hỏi được đặt ra là từ đâu thánh Phanxicô đã nhận
chân được rằng, sống tinh thần khó nghèo là một bảo đảm cho phần rỗi và hạnh
phúc vĩnh cửu, và do đó ngài đã chọn đời khó nghèo như một lý tưởng sống của
mình?
Trong cuốn sách về tiểu sử thánh Phanxicô của ông, Linh mục Helmut
Feld đã ghi nhận rằng, vào ngày 24.2.1208, ngày lễ kính thánh Tông Đồ Mathias,
thánh Phanxicô đã đến cầu nguyện tại nhà thờ Portiuncula và lần đầu tiên ngài đã
đọc rất kỹ càng và suy gẫm đoạn thứ 10 Phúc Âm theo thánh Mathêu. Đây là đoạn
Phúc Âm đã nói lên tinh thần và cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu và của các
Môn Đệ Người. Cuộc sống nghèo khó của Chúa và của các Môn Đệ, vâng, tinh thần
„khó nghèo Phúc Âm“ này, Phanxicô đã coi như là mẫu gương sáng chói và chân thực
nhất giúp ngài thực hiện lý tưởng sống nghèo hèn của mình.(20)
2.
Dòng Phanxicô nguyên thủy và lý tưởng nghèo khó
Khi chọn cuộc sống
nghèo khó và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu làm gương mẫu noi theo, (21) thánh
Phanxicô và các anh em đồng lý tưởng đầu tiên của ngài (22) đã bắt đầu sống „đức
nghèo khó Phúc Âm“ như là mệnh lệnh của Chúa vậy.
Một đoạn trong Di Chúc
của ngài vào năm 1226 đã cho thấy thánh Phanxicô đã coi „sứ mệnh sống khó
nghèo” mà Chúa đã truyền giao cho ngài như thế nào:
“Sau khi Chúa
đã trao ban cho cha vì anh em, không một ai đã chỉ cho cha phải làm những gì,
nhưng chính Đấng Tối Cao đã mặc khải cho cha phải sống theo các giáo huấn Phúc
Âm như thế nào. Và cha chỉ ghi lại đây một cách đơn sơ bằng ít lời, vì có Chúa
chứng nhận cho cha.” (23)
Trong câu trích từ bản Di Chúc của thánh
Phanxicô ở trên đây cho thấy rằng, thánh nhân hoàn toàn xác tín rằng “sứ mệnh
thiêng liêng” sống tinh thần khó nghèo theo giáo huấn Phúc Âm là do chính
Chúa truyền ban cho ngài.
Đối với thánh Phanxicô, những giáo huấn của
Phúc Âm là cương lĩnh chính yếu và duy nhất không những hướng dẫn cuộc sống của
ngài cũng như cuộc sống của các Tu Sĩ của ngài, nhưng còn là linh hồn của bản Tu
Luật của Dòng, mà trước đó ba năm đã được Đức Thánh Cha chấp thuận.(24)
Tất cả những điều đó muốn khẳng định rằng, thánh Phanxicô đã chọn Phúc
Âm làm Qui Luật tối thượng và duy nhất cho cuộc sống của mình cũng như của phong
trào do ngài phát động. Ngoài Phúc Âm ra, ngài không tham chiếu bất cứ luật lệ
nào khác nữa. Chẳng những thế, ngài còn cảnh cáo các Tu Sĩ của ngài không được
đặt thêm luật lệ nào khác ngoài tuân giữ theo các Giáo Huấn của Phúc
Âm.
Trong cuốn “Vita secunda sancti Francisci” (Cuốn tiểu sử thứ
hai về cuộc đời thánh Phanxicô), Lm Thomas di Celano đã giới thiệu cho độc giả
ít nhất là chín đoạn trình bày về sự quan trọng của “paupertas”, của sự nghèo
khó, như là nguyên tắc quan trọng nhất trong cuộc sống các Tu Sĩ Dòng Phanxicô
nguyên thủy, tức thời sơ khai ban đầu khi mới thành lập. Chẳng hạn trong chương
“De laude paupertatis” (Tôn vinh đức nghèo khó), tác giả đã làm nổi bật
vai trò quan trọng của tinh thần khó nghèo Phanxicô một cách đặc
biệt.
Vâng, Lm Celano đã trình bày đức khó nghèo như là một cô dâu xinh
đẹp hay như một người vợ hiền (uxori) của thánh Phanxicô, còn chính thánh
Phanxicô tác giả lại coi như là người tình nhân (amator) tha thiết mê say vẻ
kiều diễm của đức nghèo khó. Theo Lm Celano, vì người “vợ hiền” này, thánh
Phanxicô đã từ bỏ tất cả, kể cả cuộc sống trong quá khứ thánh nhân cũng gác lại
phía sau. Bởi vậy, thánh Phanxicô đã giới thiệu cho các Anh Em Hèn Mọn của ngài
sự nghèo khó như là chuẩn độ của sự nên thánh (perfectionis viam).(25)
Dĩ
nhiên, một điều rất có thể đã xảy ra, đó là Lm Thomas di Celano, một trong những
nhân chứng và những người mới gia nhập phong trào thánh Phanxicô về sau này, chứ
không phải cùng đồng khai sáng ra phong trào với thánh nhân. Vì thế, khi viết về
tinh thần khó nghèo Phanxicô, rất có thể ông cũng đã sử dụng hay dựa theo lối
viết văn tu từ học (Rhétorique) để làm cho tinh thần khó nghèo ấy trở nên sáng
sủa và hấp dẫn hơn. Nhưng ở đây một điều chắc chắn là với một cuộc sống đầy
khiêm tốn và nhất là luôn kết hiệp mật thiết với sự kính sợ và tình yêu Chúa, Lm
Celano đã không thêm thắt hay bịa đặt ra những điều gì khác ngoài sự thật trong
cuộc sống thánh Phanxicô.
Do tâm hồn ngài luôn cháy bừng lửa yêu mến sự
khó nghèo như là lý tưởng sống cao cả và như là chuẩn độ cho nỗ lực nên thánh
của mình, thánh Phanxicô đã trở thành người bạn thân tình của tất cả mọi nghười
nghèo đói túng thiếu và các bệnh nhân phong cùi, mà ngài đã luôn tận lực an ủi
và giúp đỡ họ theo khả năng cho phép.
Một dẫn chứng cụ thể về lòng yêu
mến và sự săn sóc tận tình của thánh Phanxicô đối với những bệnh nhân phong cùi,
người ta có thể tìm thấy trong “Legenda trium sociorum” (Huyền thoại ba
người bạn).(26) Trong Huyền thoại về ba người bạn, hai sự kiện cụ thể đã được
trình thuật về việc thánh Phanxicô đã đón tiếp các bệnh nhân phong cùi, cho họ
tiền và đã trân trọng hôn tay họ như thế nào.(27)
Ở đây chúng ta cũng
cần ghi nhận một điều là việc thánh Phanxicô hăng hái thương giúp đỡ những người
nghèo khó và những người bị bệnh phong cùi, thì ngoài tình yêu chân thành ngài
giành cho họ như cho chính những người anh em ruột thịt của mình, còn có một lý
do khác nữa, đó là vì ngài muốn ganh đua với họ trong sự nghèo khó và sự khốn
cùng. Về điểm này tác giả Edmund Weber đã viết: „Không ai có lòng bác ái hơn
thánh Phanxicô. Ngài sẵn sàng trao vào tay một người nghèo khổ nào đó tất cả
những gì ngài có. Nhưng ngài làm như thế là vì ngài muốn vượt hơn người nghèo ấy
trong nỗi khốn cực và thiếu thốn, hầu chứng tỏ tình yêu của ngài dành cho „Bà
Chúa Nghèo“ là nồng thắm nhất và không muốn có ai nghèo hơn ngài được
nữa.“(28)
Trong truyện „Huyền thoại ba người bạn” người ta
tìm gặp được nguồn sử liệu quan trọng về tinh thần khó nghèo Phanxicô thủa ban
đầu. Theo nguồn sử liệu này, ý tưởng nghèo khó của thánh Phanxicô hoàn toàn đặt
nền tảng trên „Imitatio Christi“, trên „sự noi theo gương Chúa
Kitô“.(29)
Qua đó, chúng ta thấy rằng thánh Phanxicô và các Anh Em
Hèn Mọn của ngài luôn hăng hái dấn thân hiện thực một cách tuyệt đối lý tưởng
khó nghèo trong chính cuộc sống của mình, đến nỗi ngài đã ca tụng sự khó nghèo
là „Domina paupertas“, là Bà Chúa Nghèo! Dựa theo lời Chúa dạy trong Phúc Âm (Lc
12,15) Luật Dòng Phanxicô trước kia còn cấm các Tu Sĩ không được động đến hay
giữ tiền bạc bằng kim loại hay bằng giấy, vì theo ngài, họ „…không hề có nhu
cầu quan trọng đến nỗi phải cần đến các thứ tiền ấy và hãy coi chúng như sỏi đá
vậy.“(30)
Dĩ nhiên, chủ trương sống nghèo khó tuyệt căn như thế
không tránh được những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, vào năm 1208
thánh Phanxicô và các học trò đầu tiên của ngài nảy sinh tư tưởng đi hoạt động
tông đồ tại các miền chung quanh để sưởi ấm lại đức tin Kitô giáo đang trên
đường bị tha hóa vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên, những cuộc truyền giáo ban đầu ấy
đã thất bại hoàn toàn, vì do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, do thiếu
phương tiện vật chất cần thiết để tổ chức một cách đầy đủ hơn. Tiếp đến, áo quần
và cách ăn mặc của thánh Phanxicô và các Anh Em của ngài quá sơ sài và nghèo khổ
khiến người nghe coi thường. Và sau cùng, cuộc sống hành khất, sống nhờ vả vào
của bố thí của người khác qua việc đi gõ cửa từng nhà, đã làm người ta mất thiện
cảm và mất tin tưởng.
Nhưng một năm sau đó, năm 1209, qua kinh nghiệm
trên và nhất là số thành viên mới xin gia nhập phong trào đã tăng lên đáng kể,
đặc biệt trong số đó có cả những người trí thức ăn học, các vị Linh mục, v.v…,
nên công cuộc truyền giáo của các Anh Em Hèn Mọn được mở rộng ra khỏi biên giới
nước Ý và đã mang lại những thành quả rất đáng khích lệ.
Trong giai đoạn
sơ khởi này của phong trào Phanxicô, một biến cố quan trọng đáng ghi nhận nhất
là buổi triều yết tư mà Đức Thánh Cha Innocenz III (1198-1216) đã ưu ái dành cho
thánh Phanxicô và các Anh Em Hèn Mọn của ngài vào một ngày giữa Lễ Phục Sinh và
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1209 tại Roma. Trong dịp này Đức Thánh Cha đã
chúc lành cho quan điểm của thánh Phanxicô về tinh thần nghèo khó cũng như phê
chuẩn sứ mệnh của thánh nhân.(31)
Riêng đối với thánh Phanxicô và các Anh
Em đồng chí của ngài, cuộc triều yết Đức Thánh Cha mang một ý nghĩa vô cùng quan
trọng, vì Đấng Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian đã phê chuẩn con đường sống nghèo
khó và sứ mệnh liêng thiêng của họ.(32) Bởi vì, với sự phê chuẩn này của Giáo
Hội, các Anh Em Hèn Mọn, những thành viên của phong trào tu trì còn quá non trẻ
và mới mẻ của thánh Phanxicô, càng được động viên và hăng hái thực hiện lý tưởng
sống nghèo khó một cách xác tín hơn.
Đó là lý do khởi động Dòng Phanxicô,
Dòng các Anh Em Hèn Mọn, một Dòng Tu rộng lớn và quan trọng vào bậc nhất của
Giáo Hội, kể từ thế kỷ XIII và không ngừng phát triển cho tới ngày nay. Dưới đây
chúng ta thử tìm hiểu thêm tinh thần nghèo khó Phanxicô trong thế giới hôm nay
như thế nào.
(Còn tiếp)
_______________________
Chú
thích:
1. Vào năm 1220, sau khi từ chức Bề Trên, thánh Phanxicô đã
lui về miền núi Alverna thuộc miền Arezzo để sống đời ẩn tu. Ở đây, trong khi
thánh nhân chìm sâu vào những suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, ngài đã được
thị kiến các dấu đanh rướm máu đầy đau đớn trên thân mình Chúa, thánh nhân vô
cùng xúc động và lửa yêu mến Chúa bùng cháy lên dữ dội trong ngài. Bỗng nhiên,
các dấu đanh của Chúa được chuyển sang thân thể ngài. Và bắt đầu từ đó, thánh
Phanxicô đã âm thầm chịu đau đớn mang trên mình các dấu đanh của Chúa, mãi sau
ngày ngài qua đời người ta mới khám phá ra các dấu đanh ấy. Và kể từ thánh
Phanxicô Assisi, người đầu tiên được in năm dấu đanh Chúa trên mình, lịch sử
những người mang năm dấu đanh được nhân rộng lên. Gần đây nhất là trường hợp
thánh Padre Piô (1887-1968) ở Ý, và của bà Therese Neumann von Konnersreuth, Đức
(1898-1962)
2. Năm 382 ĐGH Damascus I đã truyền cho thánh Hieronymus dịch
thuật toàn bộ Kinh Thánh, gồm Cựu và Tân Ước, từ tiếng Do-thái và Hy Lạp ra
tiếng La-tinh. Và sau ròng rã 20 năm cật lực làm việc, thánh Hieronymus đã hoàn
thành công việc dịch thuật của mình một cách tốt đẹp vào năm 405 và đã trở thành
bản Kinh Thánh chính thức được công nhận và được sử dụng trong toàn Giáo Hội
Công Giáo với tên gọi là bản Kinh Thánh Vulgata hay là bản Kinh Thánh phổ
thông.
3. Xem bản Vulgata: Tv. 69,6; Tv. 108,22 và 2Cor 8,9. Bản Kinh
Thánh tiếng Việt: Tv. 68,6)
4. Bản KT Vulgata: Tv. 73,21; Tv. 85,1. Bản
KT tiếng Việt: Tv. 86,1.
5. Xem Bản KT Vulgata: Mc. 10,46; Lc.
18,35.
6. Tên Sadduzäer (Xa-đốc), có lẽ xuất phát từ tên của Thượng Tế
Sadduk. Phái Sadduzäer chối bỏ sự sống lại của con người sau khi chết, x. Mt
22,23-33.
7. Pharisäer trong tiếng Do-thái có nghĩa là những người đứng
riêng ra, những người có chỗ đứng đặc thù và riêng biệt.
8. Trích theo
Sartory, Thomas und Gertrude: Franz von Assisi. Geliebte Armut. Texte zum
Nacdenken, Freiburg 1991, trang 90, Der Heilige Franziskus im „Lobpreis der
Tugenden“.
9. trích trong: Sartory, Thomas und Gertrude: Franz von
Assisi. Geliebte Armut. Texte zum Nachdenken. Freiburg 1991, trang 90, Der
Heilige Franziskus im „Lobpreis der Tugenden“.
10. như trên, trang
89).
11. Dietmar Westemeyer: Franz von Assisi und die Gegenwart (Franz
von Assisi und unsere Zeit), Münster 1946, trang 3-
12. Trong tiếng Ý là
Francesco và tiếng Pháp là Francais. Nói cách khác, Phanxicô có nghĩa là người
Pháp). Vì thế, suốt các năm tháng của tuổi trẻ cũng như tuổi thanh niên, thánh
Phanxicô đã sống một cuộc sống hoàn toàn vô tư đầy đủ. (x. Helmut Feld:
Franziskus von Assisi. München 2001, trang 18).
13. x. Helmut Feld:
Franziskus von Assisi. München 2001, trang 18).
14. xem Helmut Feld:
Franziskus von Assisi, trang 19.
15. xem Helmut Feld: Franz von Assisi,
trang 20.
16. Ở đây chúng ta cũng nên nhớ rằng, hai cha con nhà
Bernardone đã không hề ghét bỏ nhau. Trong câu chuyện „Huyền thoại ba người bạn“
đã kể lại rằng, ngay sau đó khi tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khó của con,
ông Pietro Di Bernardone đã thường xuyên đến thăm viếng và giúp đỡ Phanxicô cũng
như các Anh Em Hèn Mọn của chàng.
17. Thomas di Celano, một Tu Sĩ Dòng
Phamxicô và là người đầu tiên viết tiểu sử thánh Phanxicô vào khoảng 1190- 1260,
chính thánh Phanxicô đã thu nhận Thomas di Celano gia nhập cộng đoàn các Anh Em
Hèn Mọn của ngài.
18. Trích theo Helmut Feld trong: Franziskus von
Assisi, trang 24.
19. Xem Helmut Feld: Franziskus von Assisi und seine
Bewegung, Darmstadt 1994, trang 135.
20. x. HelmutFeld: Franziskus von
Assisi, trang 37.
21. Dĩ nhiên, ngoài gương mẫu của Chúa Cứu Thế, thánh
Phanxicô chắc chắn cũng đã tìm gặp được nơi thánh Bernard de Clairvaux
(1090-1153), một nhà thần bí học và là vị cải tổ Dòng Xitô, một người dùng ý
tưởng „cognitio Dei experimentalis“ (hiểu biết về Chúa qua trải nghiệm) để chống
lại quan điểm „sola ratione“ (chỉ thuần lý) của triết gia Petrus Abälardus
(1079-1142) thuộc phái kinh viện.
22. Những người cùng đồng quan điểm và
đã xin gia nhập phong trào của thánh Phanxicô là những người rất khiêm tốn và tự
gọi mình là „những anh em hèn mọn“. trước hết là các thầy Thomas di Celano,
Bernardo di Quintavalle, Petrus Catanii và thầy Ägidius. Về sau còn thêm ba thầy
khác cũng xin gia nhập.
23. Trích theo Miethke, Jürgen: Paradiesischer
Zustand - Apostolisches Zeitalter - Franziskanische Armut. Religiöses
Selbstverständnis, Zeitkritik und Gesellschaftstheorie im 14. Jahrhundert, in:
Franz J. Felten u.a. (Hgg.), Vita Religiosa im Mittelalter. Festschrift für
Kaspar Elm zum 70. Geburtstag (Berliner Historische Studien = Ordensstudien 13),
Berlin 1999, S. 503.
24. Ở đây muốn nói đến ĐGH Honorius III (1216-1227),
người vào ngày 29.11.1223 đã ký tên chấp thuận những đường lối hướng dẫn cuộc
sống các Anh Em Hèn Mọn do thánh Phanxicô soạn thảo như là bản Tu Luật chính
thức của Dòng.
25. x.Markus Schürer: Armut als Sinn und Zweck.
Beobachtungen zur Wertigkeit der Armut im Selbstverständnis der frühen
Franziskaner und Dominikaner, in: Gert Melville: Annette Kehnel (Hgg.), In
proposito paupertatis. Studien zum Armutsverständnis bei den mittelalterlichen
Bettelorden (Vita Regularis 13), Münster 2001, trang 84/85.
26. Ở đây
muốn đề cập đến câu chuyện của các Thầy Dòng đáng yêu của thánh Phanxicô: thầy
Leo, thầy Angelus và thầy Rufinus, những người được coi như là người bạn và cộng
sự viên đầu tiên của phong trào do thánh Phanxicô khởi xướng-
27. x.
Helmut Feld: Franziskus von Assisi và seine Bewegung, trang 121; Hay: Sartory,
Thomas und Gertrude: Franz von Assisi. Geliebte Armut, trang 31-33, „Bekehrung
und Verwandlung“.
28. Edmund Weber: Die Reformation des Franz von Assisi.
Eine theologische Studie, trong: Andreas Mehl; Wolfgang Christian Schneider
(Hgg.): Reformatio et Reformationes. Festschrift für Lothar Graf zu Dohna zum
65. Geburtstag (THD-Schriftenreihe Wissenschaft und Technik 47), Darmstadt 1989,
trang 67.
29. Về ý tưởng sống nghèo để bắt chước Chúa đều được những tác
giả viết tiểu sử thánh Phanxicô nhất trí. Lm Celano giới thiệu hình ảnh cuộc
sống Dòng Phanxicô trong lược khảo của ông về các sự kiện lạ lùng như là „Dấu
chỉ của một thời đại các vị tông đồ mới“, một dấu chỉ đã giúp người ta tái khám
phá ra „sự hoàn thiện của Giáo Hội tiên khởi“. Cả thánh Bonaventura cũng cho
rằng cuộc sống khó nghèo của các Tu Sĩ Phanxicô thủa ban đầu là hoàn toàn rập
theo gương mẫu cuộc sống khó nghèo của Chúa Kitô và của các Môn Đệ Người. Tuy
nhiên, thánh Thomas Aquino, nhà thần học và triết gia vĩ đãi thuộc Dòng Đa-minh,
lại không đồng quan điểm đó. Thánh Thomas Aquino cho rằng những người giàu có
vẫn hoàn toàn có thể sống theo gương khó nghèo của Chúa xưa ở Na-da-rét được. Ví
dụ Tổ phụ Abraham xưa là một người giàu có, nhưng đồng thời cũng là một nghèo
khó, vì lòng ông không hề dính bén vào của cải và những gì ông chiếm giữ, cả đến
đứa con trai yêu dấu duy nhất, ông vẫn sẵn sàng dâng cho Chúa, chứ không tiếc.
x. Helmut Feld: Franziskus und seine Bewegung, trang 192.
30. Trích theo
Thomas und Gertrude Sartory: Franz von Assisi. Geliebte Armut, trang 64-65,
„Geldentwertung.
31. x. Helmut Feld: Franziskus und seine Bewegung, trang
167tt.
32. x. Thật ra, ĐGH Innocenz III đã mau chóng phê chuẩn tu luật
của phong trào do thánh Phanxicô khởi xướng, là vì ngài rất muốn cho phong trào
hoàn toàn nằm dưới thẩm quyền của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, vào lúc bấy giờ
có rất nhiều lạc giáo nổi lên chống đối Đức Thánh Cha và chia rẽ Giáo Hội, đặc
biệt là hai lạc giáo Waldenser và Humiliaten.
|