Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Ông bõ nhà thờ

Ông bõ nhà thờ
Trương Phú Thứ10/9/2012 (VietCatholic)

Tứ nhân bang chúng tôi gồm ba ông Mỹ trắng và tôi có mầu da không được trắng mà cũng chẳng đen. Chúng tôi chia nhau mỗi người một tuần mở cửa đóng cửa, mở đèn tắt đèn nhà thờ của giáo xứ. Chính danh mà gọi thì chúng tôi là những ông bõ hay ông từ nhà thờ. Ngày xưa ông bõ nhà thờ làng tôi là một người đi ăn xin mà chẳng biết tông tích từ đâu. Sau được dân làng giao cho công việc quét dọn nhà thờ. Ông bõ về sau cũng có vợ con và được cấp phát cho miếng đất làm nhà ngay gần nhà thờ để sớm tối lo dọn dẹp mở và đóng cửa nhà thờ. Gia đình ông bõ được nhà xứ giao cho một công ruộng để cấy cấy lấy gạo mà ăn. Cuộc sống của gia đình ông bõ chẳng quá thiếu thốn và không đến nỗi đói khát.

Ba ông bõ Mỹ trắng của nhà thờ họ đạo tôi bây giờ toàn là những “thứ dữ”. Qua báo chí, tôi “rành sáu câu” tiểu sử của ông đã từng làm chủ tịch của một công ty có đến hơn hai trăm ngàn nhân viên với ngân sách lên đến cả trăm tỷ Mỹ kim hằng năm. Tôi trở nên thân thiết với ông bõ này vì nhiều lần vì bận việc, ông đã nhờ tôi mở cửa nhà thờ thay cho ông.

Mỗi buổi sáng mùa hè trời nắng chói chang hay mùa đông giá buốt, đến lượt thì ông bõ nào cũng phải chu toàn phân sự của mình. Rất ít khi vì đau yếu hay bận việc nên phải nhờ người khác. Tôi là người trẻ nhất trong nhóm bốn ông bõ, chỉ bằng tuổi con ông bõ già nhất trong nhóm ‘tứ nhân bang” thôi, nên tôi thường được ba ông bõ kia nhờ vả. Mở cửa nhà thờ, bật đèn thắp nến, thử hệ thống âm thanh, xem nhiệt độ trong nhà thờ. Mấy phút sau thì các cụ ông cụ bà quen mặt như người trong nhà lần lượt đến. Sĩ số các cụ bà luôn áp đảo các cụ ông. Nhiều khi trong nhà thờ có đến năm chục cụ bà mà vỏn vẹn chỉ có ba cụ ông. Thánh lễ ngày thường chỉ toàn các cụ. Giới trẻ còn phải đi ‘cầy” để trả đủ thứ nợ. Không nợ ngập đầu ngập cổ không phải là người Mỹ. Người già nợ theo người già. Bọn trẻ nợ theo bọn trẻ. Có những món nợ nghe ra cười muốn đứt ruột nhưng cũng có những món nợ nghẹn lời đau thương. Xứ sở của miền đất sản xuất và tiêu thụ. Không sản xuất thì dân đói mà không tiêu thụ thì dân cũng khát.

Người già nhất trong nhóm bốn người chúng tôi có những bước chân đã chậm chạp nhưng lại luôn có nụ cười thật dễ thương trên khuôn mặt hết sức hiền lành. Ông có bằng tiến sĩ sinh vật học và đã nhiều năm giảng dậy ở trường đại học y khoa duy nhất và rất nổi tiếng của tiểu bang. Ông vẫn tự lái xe đi nhà thờ, đi chợ và đôi khi đi thăm những người quen biết trẻ tuổi hơn ông ở các nhà hưu dưỡng. Ông ở ngôi nhà to trên một khoảnh đất cao nhìn ra biển. Ngôi nhà này ông mua đã hơn bốn mươi năm và đã được ông viết giấy hiến tặng cho giáo xứ khi ông về với Chúa. Người con trai duy nhất của ông rất vui lòng với quyết định này. Ông sống nghèo khó từ cách ăn mặc cho đến cái xe gần hai chục năm cằn cỗi với gần ba trăm ngàn dậm đường. Đối với tôi thì ông chính là một vị thánh sống, một gương mẫu mà Chúa cho tôi được quen biết như là một hiện thân của Chúa nơi trần gian. Ông thích nghe tôi kể về đời sống đạo của các giáo xứ nghèo nàn nơi quê hương Việt Nam. Một lần ông nói nhỏ chỉ để mình tôi nghe rằng nước Mỹ có lỗi và có trách nhiệm với Việt Nam. Ông vỗ trán, lắc đầu và lẩm nhẩm tên cố Tổng Thống Kennedy. Tôi hiểu ý ông muốn nói và cũng không muốn đào sới những đau thương cho chính mình.

Một buổi trưa tôi được điện thoại báo tin ông bị xe đụng và đã được đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Tôi nhẩy lên xe lái vội vào bệnh viện và đặt ra nhiều hoạt cảnh thương cảm ông già đi vẩn vơ ở đâu mà bị xe đụng thế này. Sáng sớm nay, trong thánh lễ khi cha sở nói giáo dân hãy chúc bình an cho nhau thì từ hàng ghế trên cùng ông vẫn quay lại giơ tay lên cao vẫy vẫy, tươi cười chúc bình an cho mọi người mà. Đến bệnh viện tôi gặp anh con trai đứng thẩn thờ ngay trước cửa phòng cấp cứu và được nghe kể lại tình tiết của tai nạn. Ông già không bị xe hơi (car) mà bị đụng bởi chiếc xe người mua hàng ở siêu thị (cart) dùng để hàng lên đẩy đi để mua sắm. Một chiếc xe (cart) trống không từ đâu đổ dốc đụng vào làm ông ngã đập đầu xuống nền gạch. Tiếng Mỹ của tôi thuộc loại ăn đong nên nghe tiếng cart mà cứ nghĩ là car. Ông bất tỉnh và xe cứu thương đã được gọi đến tức thời đưa ông vào bệnh viện. Ông đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt nên không ai được gặp mặt thăm hỏi.

Ba ngày sau, tôi vào bệnh viện thăm ông. Tôi không mang cho ông một bó hoa như tập tục nhưng tôi mang cho ông một tấm ảnh lòng Thương Xót Chúa. Thấy tôi, ông mừng lắm. Ông cầm hôn tấm ảnh Chúa và căn dặn tôi đừng quên mở cửa nhà thờ giúp cho ông. Ông nói tuyệt đối không nhận bồi thường dưới bất cứ hình thức nào và cũng đừng để ai lạm dụng thưa kiện lôi thôi. Tôi được biết đại diện của siêu thị đã có đại diện đến tận giường bệnh thăm hỏi và đề nghị bồi thường ông một số tiền khá lớn nhưng ông đã từ chối và nói họ hãy an tâm, ông nhất định không đòi hỏi hay khiếu nại gì cả. Cũng có đến vài chục văn phòng luật sư liên lạc với anh con trai và cả với tôi nữa xin được tiến hành thủ tục kiện cáo để đòi bồi thường nhưng vâng lời ông, chúng tôi đã nói lời cám ơn đến tất cả.

Hai tuần lễ sau, ông thanh thản thở hơi cuối cùng đi về Nước Chúa. Bệnh viện có đầy đủ những dữ liệu và xét nghiệm kết luận rằng ông chết vì đầu đập mạnh xuống nền gạch vì bị cái xe (cart) đụng trong siêu thị. Ông chết đi và để lại cho đời một lương tâm trong sáng mà tôi xin được đặt tên là Lương Tâm Công Giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét