Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Lễ thánh Phanxicô: ‘Tính mới mẻ của sứ điệp Phanxicô’(Trích)

Lễ thánh Phanxicô: ‘Tính mới mẻ của sứ điệp Phanxicô’(Trích)
Nguyễn Trọng Đa10/5/2012 (VietCatholic)



Dưới bầu trời âm u, với nhiều mây đen đe dọa cơn mưa lớn sẽ tới, trong khi cơn bão số 7 chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung, đông đảo các thành viên của đại gia đình Phan Sinh Việt Nam (gồm Dòng Nhất, Dòng Nhì Clara, Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ‘FMM’, Dòng Phan Sinh Tại Thế ‘trước đây gọi là Dòng Ba Phanxicô’, Giới trẻ Phan Sinh, Cựu Phan Sinh ‘tức là anh em cựu chủng sinh dòng Phanxicô’), các khách mời, đại diện các Dòng bạn, và anh chị em giáo dân, vẫn tuốn về khuôn viên giáo xứ thánh Phanxicô, phường ĐaKao để dự lễ giỗ tổ, kính mừng cha thánh Phanxicô, ngày 4-10.

Đúng 8g30’, khoảng 700 người với đủ màu áo, nhiều nhất là áo nâu của anh chị em Dòng Phan Sinh Tại Thế, Dòng Nhất, xem diễn nguyện về một phần cuộc đời thánh Phanxicô, do các thầy của Học viện Phanxicô, Quận 9, trình diễn. Với đề tài “Thánh Phanxicô, đức tin, thực tại trần thế”, các thầy diễn lại những năm cuối đời của thánh Phanxicô, từ khi việc thầy Êlia muốn cải tổ Dòng để bớt nhiệm nhặt hơn trong cuộc sống tu trì đã làm đau lòng thánh Phanxicô, cho đến khi thánh nhân chịu Năm Dấu Thánh và qua đời. Tuy địa điểm không phải là sân khấu chuyên nghiệp, nên các thầy diễn viên không trổ hết được tài năng của mình, nhưng sự cố gắng hết mình của các diễn viên đã thành công trong việc giúp cộng đoàn nhớ lại một thời tiểu sử của cha thánh, trong cầu nguyện và xúc động thật sự.

Thánh lễ mừng kính cha thánh diễn ra từ 9g30’, do cha PX Vũ Phan Long, Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam,chủ tế, với 24 cha đồng tế. Cộng đoàn hiệp lời với ca đoàn của các thầy Học Viện Phanxicô dâng lời ca chúc tụng Chúa. Cha Giám tỉnh và đại diện của đại gia đình Phan sinh đã niệm hương trước ảnh cha thánh.

Mở đầu thánh lễ, cha Giám tỉnh chào mừng mọi người có mặt. Ngài nói: “Hôm nay là lễ kính Đấng sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM), lễ bổn mạng của Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam, của cộng đoàn tu viện Phanxicô ở Đakao, của nhiều cộng đoàn tu viện của Tỉnh Dòng, của giáo xứ thánh Phanxicô phường Đakao, của ca đoàn Phanxicô, của ca đoàn Quê hương do cha nhạc sĩ Xuân Thảo phụ trách, của nhiều anh em nhận thánh Phanxicô làm bổn mạng. Xin mọi người chúc mừng và hiệp ý cầu nguyện”.

Trong phần giảng lễ với tiêu đề “Tính mới mẻ của sứ điệp Phanxicô”, cha Giám Tỉnh mở đầu : “Thầy Tôma Xêlanô, trong quyển Tiểu sử I về thánh Phanxicô, đã mô tả: Phanxicô là “con người mới thật sự và thuộc về một thời đại khác” (1 Cel 82). Nhưng thế nào là mới? và thời đại khác là thời đại nào?

‘Sự “mới mẻ”, theo thời Trung Cổ, không có nghĩa là một điều hoàn toàn khác lạ có thể đảo lộn trật tự hiện hành. Cái mới luôn phải dựa trên quá khứ và đưa lại tính hiện đại cho quá khứ ấy: người ta chỉ có thể làm ra cái mới nhờ cái cũ, bằng cách làm sống lại điều đã có trước và làm cho tiếp tục nở hoa điều đã suy tàn hoặc đã chết. Đàng khác, để được gọi là “mới”, đời sống và các hành vi của nhân vật phải liên hệ với một điều rất thế giá có trước. Phanxicô xứng đáng được ca tụng là “mới” bởi vì ngài đã kết nối với tận nguồn cội hoàn hảo, đó là phong trào đã được Chúa Kitô và các Tông đồ khởi xướng, được các Tin Mừng ghi lại, và ngài sống mà diễn lại một cách rất sinh động”.

Cha diễn giải tiếp: “Sự thành công của Phanxicô là do ngài biết quan tâm đến điều mà thần học thế kỷ XX gọi là “các dấu chỉ thời đại”. Ngài đáp ứng sự chờ đợi của người đương thời cả trong những gì họ đón nhận và trong những gì họ từ chối. Phanxicô và các bạn đồng hành đã thực hiện ở mức cao độ nhất khát vọng sống nghèo khó tự nguyện của đa số các phong trào đạo đức thời đó. Ngài như trả lời cho người đương thời là có thể sống theo Tin Mừng mà vẫn trung thành với Hội Thánh. Khác với các giáo sĩ thời đó, các anh em hèn mọn không yêu cầu một đặc quyền hoặc một vị trí quyền lực nào; anh em ở bên ngoài hệ thống lãnh chúa và nông nô. Tuy nhiên, khi theo Tin Mừng mà nhấn mạnh rằng các của cải trần thế chỉ có một giá trị sử dụng, và lỗi lầm tệ hại nhất người ta có thể phạm là muốn chiếm hữu các của cải ấy cho mình để vui hưởng cách ích kỷ, Phanxicô đã cổ võ một kiểu làm kinh tế không tích trữ tiền của. Khi kết án việc tích lũy ích kỷ các của cải không sinh lãi, không ngờ Phanxicô đã đưa các anh em hèn mọn đến chỗ xây dựng nên một giáo thuyết về sự trao đổi chống lại việc cho vay nặng lãi và xác định giá cả công bình, và đưa đến chỗ tạo ra vào thế kỷ XV, những tiệm cầm đồ kéo người nghèo khỏi tay những người cho vay nặng lãi.

‘Thật ra, ta thấy Phanxicô nối kết các điểm mâu thuẫn rất tốt. Mặc dù ý thức mạnh mẽ rằng ngài được Thiên Chúa kêu gọi đi chu toàn một sứ mạng đặc biệt, ngài vẫn mau mắn quy phục Hội Thánh, dù đau đớn, một Hội Thánh mà ngài biết rõ các yếu đuối. Ngài tế nhị với người khác và không bạo động chống lại các định chế, nhưng lại rất nghiêm khắc đối với những anh em không vâng phục và đi lạc đường (x. Di Chúc). Ngài tự do đối với mọi thứ lệnh, đặc biệt về thực phẩm, nhưng lại sống khổ chế đến mức nhặt nhiệm. Phanxicô cũng như bất cứ con người nào, có những mâu thuẫn mà chỉ mình ngài mới có thể làm chủ và dung hòa. Vị Thánh Nghèo Assisi qua các bài hạnh thánh và phụng vụ thì khác với hình ảnh vị Thánh Nghèo tỏ lộ ra qua những truyền thống dựa trên ký ức của một số bạn đồng hành của ngài, một Phanxicô khác mà hẳn là sát với thực tế hơn. Nhưng biết sao được, sự thật về một con người lịch sử không tách khỏi việc truyền đạt sự thật về con người này trong lịch sử.

‘Điều có thể nói, đó là Phanxicô đã đọc lại Tin Mừng dưới ánh sáng của kinh nghiệm cá nhân và của nền văn hóa thành thị và hiệp sĩ ngài đã hấp thụ, để rồi chọn bước theo một Đức Kitô nghèo khó và hành khất, luôn luôn trên đường và chia sẻ với những người bị loại ra bên lề hoàn cảnh sống bấp bênh và thờ phượng một vì Thiên Chúa rất cao thượng lịch sự, cho mặt trời mọc lên và cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ gian ác. Anh em chúng ta qua các thời đại chưa hề phản bội cha thánh Phanxicô, nhưng coi chừng, chúng ta có thể bằng lòng với việc lặp lại các công thức đã mất hết ý nghĩa cụ thể, trong khi sự trung thành đích thực hệ tại việc kiến tạo một hiện tại. Hôm nay trách nhiệm của chúng ta là thấy trong sứ điệp của cha thánh vẫn còn biết bao tiềm năng chưa được bung ra trong quá khứ, nên nó vẫn còn rất hợp thời và vẫn giúp ích cho chúng ta và Hội Thánh hôm nay”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét