Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Video: Về ngày cầu nguyện, suy tư và đối thoại tại Assisi

Video: Phóng sự đặc biệt về ngày cầu nguyện, suy tư và đối thoại tại Assisi giữa ĐTC và đại diện các tôn giáo thế giới
VietCatholic Network10/27/2011

Pdf Email cho bạn b In Ra Tăng Cỡ Chữ Giảm Cỡ Chữ Cỡ Chữ Ban Đầu

Hôm thứ Năm 27 tháng 10, Đức Thánh Cha đã đến Assisi để cử hành 25 năm ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đây là biến cố lịch sử đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 khởi xướng và đã được sự đáp ứng nồng nhiệt của đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới.

Sáng thứ Năm, Đức Thánh Cha đã đáp chuyến tàu từ Rôma đến Assisi nơi sẽ diễn ra buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình và công lý. Cùng hiện diện với Đức Thánh Cha trên chuyến tàu kéo dài 1 giờ 45 phút là đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới.

Trong số các vị đại diện các tôn giáo, người ta nhận thấy có Đức Thượng Phụ Batholomew Đệ Nhất là thượng phụ Chính Thống Giáo thành Constantinople. Ngài là vị lãnh đạo chính trong thế giới Chính Thống Giáo. Bên cạnh đó, còn có Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, Giám Mục thành Canterbury là thủ lĩnh Anh Giáo, Hoàng Tử nước Jordan và vị Rabbi trưởng của Do Thái Giáo tại Rôma.

Khi chuyến tàu đến Assisi, Đức Thánh Cha và đại diện các tôn giáo đã di chuyển bằng một xe bus nhỏ từ trung tâm thành phố đến Đền Thánh Đức Maria của các Thiên Thần, nơi Đức Thánh Cha đã thân mật bắt tay từng vị lãnh đạo các tôn giáo.

Sau đó, các vị tiến vào bên trong đền thờ, trong khi ca đoàn dòng Phanxicô đã hát một bài thánh ca.

Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về công lý và hòa bình, một trong những nhà tổ chức buổi cầu nguyện này đã cho chiếu video về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đại diện các tôn giáo vào năm 1986.

Trong phát biểu của mình Đức Thượng Phụ Bartholomew I nói: “Cuộc đối thoại của chúng ta là cuộc đối thoại hòa giải. Tất cả chúng ta đều nhớ đến câu này trong những Mối Phúc Thật:

‘Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.’

Nhà lãnh đạo Anh Giáo, Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams đã chú trọng đến nhu cầu phải có quan hệ mạnh mẽ với Thiên Chúa.

“Chúng ta hiện diện nơi đây để công bố ý chí của chúng ta, quyết tâm nhiệt thành của chúng ta để thuyết phục thế giới rằng nhân loại không nhất thiết phải xa lạ với nhau, nhìn nhận điều này là cần thiết vì tương quan phổ quát của chúng ta với Thiên Chúa”

Các đại diện Do Thái Giáo và Hồi Giáo cũng đã phát biểu. Rabbi David Rosen, đại diện cho cộng đồng Do Thái Giáo tại Hoa Kỳ đề cập đến việc dấn thân cho hòa bình. Trong khi đó, đại diện Hồi Giáo là tiến sĩ Muzadi đã đề cập đến mục đích của tôn giáo.

Rabbi David Rosen nói: “Xin cho buổi họp mặt hôm nay kích hoạt các nỗ lực của tín hữu nam nữ và những người thiện chí để bật lên những cố gắng hiện thực hoá mục tiêu này, là điều mang lại ơn lành và sự chữa lành thực sự cho nhân loại”.

Tiến sĩ Kay Haji Hasyim Muzadi nói: “Cốt lõi và mục tiêu cho sự hiện diện các tôn giáo trên trần gian này là nhằm củng cố các giá trị và phẩm giá nhân loại, hòa bình và tiến bộ của thế giới vì tôn giáo nhằm để soi sáng nhân loại chứ không phải là làm ngược lại.”

Buổi cầu nguyện tại Assisi không có buổi cầu nguyện chung giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo. Trái lại, chỉ có những giờ được phân chia cho suy niệm và cầu nguyện cá nhân.

Đức Thánh Cha đã phát biểu sau cùng. Ngài nói như sau:

Anh chị em thân mến,

Thưa quí vị trưởng đoàn và đại diện các Giáo Hội cũnng như các cộng đoàn Giáo Hội, và các tôn giáo thế giới, các bạn thân mến!


25 năm đã trôi qua từ khi lần đầu tiên, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 mời các đại diện tôn giáo thế giới đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình. Hồi đó đe dọa lớn cho hòa bình trên thế giới xuất phát từ sự phân chia trái đất thành hai khối đối nghịch nhau. Biểu tượng tỏ tường của sự phân chia đó chính là bức tường Berlin; bức tường này xuyên qua giữa thành phố, xác định biên giới giữa hai thế giới. Năm 1989, tức là 3 năm sau cuộc gặp gỡ tại Assisi, bức tường đó sụp đổ mà không có đổ máu. Đột nhiên, những kho võ khí khổng lồ ở đàng sau bức tường đó không còn ý nghĩa nữa. Chúng đánh mất khả năng làm cho người ta kinh hoàng và sợ hãi. Ý muốn của các dân tộc mong được tự do đã mạnh mẽ hơn những kho võ khí của bạo lực.

Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Rất tiếc là chúng ta không thể nói rằng từ đó tình hình được tự do và hòa bình. Tuy chúng ta không thấy có sự đe dọa của cuộc đại chiến, nhưng rất tiếc là thế giới đầy những bất hòa. Chúng ta hãy tìm cách xác định rõ hơn những khuôn mặt mới của bạo lực và bất hòa. Theo ý tôi, nói một cách tổng quát, người ta có thể vạch rõ hai loại khác nhau của bạo lực mới, chúng hoàn toàn đối ngược nhau về động lực và được biểu lộ rất khác nhau về chi tiết. Trước tiên là nạn khủng bố, trong đó thay vì đại chiến, đã có những cuộc tấn công nhắm mục tiêu rõ ràng, đánh vào những điểm quan trọng của đối phương, để tàn phá, mà không để ý gì tới những sinh mạng vô tội bị sát hại dã man hoăc bị thương trong cuộc khủng bố như thế. Dưới mắt những kẻ chịu trách nhiệm, đại chính nghĩa gây thiệt hại cho kẻ thù là điều biện minh được cho mọi hình thức tàn ác. Nhưng, các vị đại diện các tôn giáo tụ tập tại Assisi năm 1986 tại Assisi muốn khẳng định - và chúng ta muốn mạnh mẽ cương quyết lập lại- rằng: đó không phải là bản chất chân thực của tôn giáo. Trái lại đó là sự xuyên tạc tôn giáo và nó góp phần tiêu diệt tôn giáo.

Về điểm này, trong tư cách là tín hữu Kitô, tôi muốn nói rằng: đúng vậy, trong lịch sử, người ta cũng đã nhân danh đức tin Kitô để sử dụng bạo lực. Chúng ta rất xấu hổ mà nhìn nhận điều đó. Nhưng một điều tuyệt đối rõ ràng, đó là đức tin Kitô bị lạm dụng, một cách trái ngược rõ ràng với bản chất đích thực của đức tin này. Thiên Chúa là Đấng mà các tín hữu Kitô chúng tôi tin, chính là Đấng Tạo Hóa và Cha của tất cả mọi người, do đó mọi người là anh chị em với nhau và họp thành một gia đình duy nhất.

Đức Thánh Cha đã kêu gọi sự hòa giải giữa các quốc gia mà trong quá khứ đã có những xung đột với nhau. Ngài lên án chủ nghĩa khủng bố trên danh nghĩa tôn giáo và khẳng định rằng tôn giáo không thể được dùng như một cớ để biện minh cho bạo lực.

Để kết luận, tôi muốn cam đoan với quí vị rằng Giáo Hội Công Giáo không từ bỏ cuộc chiến chống bạo lực, quyết tâm xây dựng hòa bình trên thế giới. Chúng ta được linh hoạt nhờ cùng một ước muốn chung, ước muốn trở thành “Những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình”.

Hôm qua thứ Tư 26 tháng 10, trong buổi triều yết chung, thay cho bài huấn đức thường lệ, Đức Thánh Cha đã cử hành một nghi thức Phụng Vụ để chuẩn bị cho ngày cầu nguyện đại kết cho hòa bình thế giới. Nói với các tín hữu hành hương tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi hân hoan chào mừng các tín hữu nói tiếng Anh và các khách hành hương khác. Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện cho chuyến đi Assisi ngày mai để cử hành ngày Suy Tư, Đối Thoại và Cầu Nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới với đại diện các tôn giáo.

Tôi chào thăm các tín hữu từ giáo phận Niigata Nhật Bản đang cử hành 100 năm ngày thành lập giáo phận. Tôi cũng gởi lời chào đến anh chị em đến từ Anh, Đan Mạch, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Việt Nam và Hoa Kỳ. Xin Thiên Chúa toàn năng ban phép lành cho anh chị em”.

Nhận định của Đức Hồng Y Roger Etchegaray:

Đức Hồng Y Roger Etchegaray lúc bấy giờ là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về công lý và hòa bình là người đã phụ trách việc tổ chức buổi cầu nguyện này. Theo Đức Hồng Y, đây là một sáng kiến lớn nhất của vị Giáo Hoàng Ba Lan.

“Thực là một sáng kiến táo bạo, một điều rất là mới mẻ và chúng ta có thể nói là có tính tiên tri”.

Tiến trình đối thoại đại kết không thể được như hôm nay nếu không có biến cố Assisi. Buổi cầu nguyện chung này đã là một bước tiến lớn trong quan hệ với các tín hữu không Kitô, vì trước đó đối thoại đại kết của Giáo Hội chỉ nhắm đến các Kitô hữu.

Dù thế, vẫn còn nhiều việc phải làm để tiến đến một tiến trình đối thoại đại kết đầy đủ.

“Chiều sâu của vấn đề hiện nay là chúng ta chưa thể nói là có đối thoại thực sự. Gặp gỡ và nói những lời tốt đẹp với nhau thôi thì chưa đủ.”

Đức Hồng Y cảnh cáo rằng làn sóng bài Kitô trên thế giới thực sự là một đe dọa cho hòa bình.

“Nếu chúng ta không hiểu Thiên Chúa là tình yêu và là tình yêu đầy lòng thương xót, nghĩa là Ngài tha thứ cho chúng ta, rằng chúng ta tất cả chỉ là những kẻ tội lỗi đáng thương, nếu chúng ta không chấp nhận điều đó, chúng ta không hiểu, không cầu nguyện xin ơn tha thứ, sẽ không bao giờ có hòa bình giữa chúng ta, sẽ không bao giờ có hòa bình lâu dài cho mọi người.”

Theo Đức Hồng Y Etchegaray có một dấu chỉ đáng hy vọng là các Kitô hữu và tín hữu của các niềm tin khác đang chứng tỏ rằng các tôn giáo là một dấu chỉ về sự trung tín đối với Thiên Chúa của hòa bình.

1 nhận xét: