Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

CHUYỆN NHỎ MÀ...LỚN !!!

NGÀY HÔM NAY

Thiên Ân chuyển ngữ
CPS NGỌC KHÁNH gửi
Lúc ấy, tôi 8 tuổi và siêng năng học hỏi để làm tốt những việc vặt được giao. Lớn lên trong nông trại chăn nuôi cừu gần Pleasant Hill, một vùng nông thôn của New York, luôn có rất nhiều nhiệm vụ được phân chia giữa 4 anh chị em chúng tôi. Là con út, tôi luôn giành những công việc mình muốn - những việc dễ dàng nhất - nhưng anh và chị của tôi bận rộn hơn với những việc bên ngoài nông trại, và thế là nhiều trách nhiệm hơn đổ trên tôi. Tôi cảm thấy mình rất trưởng thành bất cứ lúc nào bố sai tôi làm việc gì đó mới. Tôi muốn chứng tỏ mình là một người có trách nhiệm.
Năm ấy, mùa đông đặc biệt giá rét, và những con cừu bắt đầu sinh nở vào ngay giữa cơn bão tuyết dữ dội. Bố tập trung hết những con cừu con vừa mới sinh lại và mang những con yếu ớt nhất vào trong nhà bếp, nơi đó, chúng có thể ngủ trong những chiếc thùng giấy và được sưởi ấm bằng bếp than xung quanh. Nằm co rúm vào nhau trong đống rơm, chúng đã sống sót qua đêm đầu tiên. Bố dậy rất sớm lấy sữa của mẹ chúng và cho chúng bú bằng bình sữa em bé. Tôi rất hăng hái phụ giúp bố trong những ngày đầu tiên. Tôi thích sờ vào bộ lông màu xám than của những con cừu con, rất mềm và ấm áp. Tôi yêu tiếng kêu be be nhỏ nhẹ của chúng và cách chúng háo hức nút chiếc bình sữa tôi cầm trong tay. Tôi thích cái cảm giác cảm thấy mình trưởng thành và có ích.
Bố rất hài lòng. Bố bắt đầu tin tưởng sự giúp đỡ của tôi, tự giác cho những con cừu bú mà không cần được nhắc nhở. Bố nhìn thấy tôi rất chịu học hỏi và xem đó là một dấu hiệu cho sự trưởng thành của tôi. Tôi trở thành một đứa trẻ lớn thay vì chỉ là một đứa bé con của gia đình.
Khi những con cừu con mạnh hơn và thời tiết cũng ấm áp hơn, bố mang từng con một trở lại chuồng để chúng ở với mẹ của chúng. Tất cả chúng đều khoẻ - tất cả, ngoại trừ một. Mẹ của con cừu con ấy đã chết trong cơn bão, và bố cần tìm một người mẹ để chăm nom nó. Nhưng trước hết, nó cần phải khoẻ. Bốn cái chân yếu ớt và khập khiễng khó có thể đứng vững. Khi bố nâng để nó đứng lên, nó ngã ngay xuống đống rơm. Nó cần được ở trong nhà lâu hơn và cần đút sữa trước khi nó có thể chịu được nhiệt độ lạnh hơn trong chuồng và được một con cừu mẹ khác chấp nhận.
Bố đi làm lúc 6 giờ sáng, để lại những chỉ dẫn cho tôi về công việc cho con cừu con bú trước khi đi học, nhưng đêm qua, tôi thức rất khuya đọc sách và chỉ có đủ thời gian thay đồ và chạy vội để bắt kịp xe buýt của trường học. Lớp toán học lúc 10 giờ, và cũng lúc ấy, tôi nhớ đến con cừu con kia.
Tan học, từ trạm xe buýt, tôi chạy nhanh về nhà, nhìn thấy bố đang ngồi khóc bên chiếc lò than. Bố ngước lên và hỏi: “Joyce này, lúc sáng, con có nhớ cho con cừu con bú không?”
Tôi ngập ngừng, lắc đầu, và trả lời: “Không, bố ơi. Con xin lỗi. Con quên mất”.
Bố nói với giọng nhẹ nhàng: “Con yêu, bố cũng xin lỗi, nhưng con cừu con chết rồi con ạ”.
Những giọt nước chảy dài khi tôi nói với bố lần nữa: “Bố ơi, con xin lỗi thật nhiều!”
Bố nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi. “Con cừu đã ra đi, và lời xin lỗi không thể mang nó trở lại. Sẽ có những con cừu khác, những cơ hội khác để làm điều đúng đắn, nhưng con biết đấy, lời xin lỗi không phải lúc nào cũng sửa chữa được sự việc. Khi chúng ta quên lãng một nhiệm vụ, khi chúng ta quên làm điều gì đó quan trọng, đôi khi chúng ta chỉ có duy nhất một cơ hội. Chúng ta có thể nói xin lỗi, nhưng lời xin lỗi sẽ không thể mang con cừu trở lại”.
Đó là một bài học rất rặng nề đối với một đứa trẻ 8 tuổi, và tôi không bao giờ quên được cái cảm giác lúc ấy. Nó dạy tôi bài học luôn cẩn trọng với những điều trong cuộc sống mà vốn dĩ lời xin lỗi không thể sửa chữa được, đặc biệt là những điều có ảnh hưởng đến hạnh phúc của người khác. Một lời tàn nhẫn, thiếu yêu thương có thể không bao giờ được đẩy ngược trở lại cửa miệng của tôi. Khoảnh khắc sống thờ ơ thiếu quan tâm, cách sống ích kỷ có thể không bao giờ được sống khác đi. Một lời tử tế lẽ ra nên nói có thể sau đó có thể nói được, nhưng không còn đúng trong khoảnh khắc hoàn hảo nhất, lúc chúng có thể mang đến điều tốt nhất.
Chúng ta chỉ có thể sống một lần duy nhất cho ngày hôm nay, và chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất để làm đúng. Chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta không ngừng nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của chúng ta đối với người khác và cố gắng tận dụng từng cơ hội để làm nó bằng tình yêu thương, chúng ta sẽ có ít hơn những lần khi “lời xin lỗi không sửa chữa được sự việc”.
Những khoảnh khắc quyết định
Cho dù có những thứ tưởng chừng không quan trọng đối với chúng ta, nhưng lại rất quan trọng đối với sự thành công và hạnh phúc của chúng ta. Hãy nhìn lại hậu quả từ một quyết định sai lầm trong Vườn Địa Đàng. Một ngọn tháp Babel nhỏ bé gây nên sự hỗn loạn khắp thế giới và sự phân chia thành nhiều quốc gia kể từ đó. Chỉ một thoả thuận nhỏ mang cái chết đến với Đấng Cứu Độ.
Những điều nhỏ bé có thể dẫn đến những điều to lớn. Một con thuyền nhỏ cứu nhân loại trong trận lụt hồng thuỷ. Một viên đá nhỏ hạ gục gã khổng lồ. Một chuồng gia súc nhỏ làm thay đổi số phận của cả nhân loại, và một đức tin nhỏ bé bằng hạt cải có thể di chuyển được cả núi đồi.

2 nhận xét:

  1. Mình đã bao lần rồi nói lời xin lỗi không còn kịp lúc?... để làm đau lòng người trong cuộc!
    Dẫu vậy, dù cố gắng,đôi khi vẫn tái phạm, làm sao bây giờ?
    Có ai tha thứ bảy mươi lần bảy giùm không nhỉ?

    Trả lờiXóa