Ngày này sang ngày nọ, tháng này sang tháng khác, năm này qua năm kia, bà May Lemke, lúc bấy giờ 52 tuổi, là người đang nuôi dưỡng 5 người con của mình, đã lãnh nhận việc chăm sóc đứa trẻ bị bỏ rơi, đã trò chuyện, đã hát cho em nghe, khích lệ và yêu thương em, đã cố gắng gần như tuyệt vọng để xuyên qua bức tường câm điếc và bất động. Tận dụng hết cách, hết sức, rồi bà quay sang cầu nguyện. Và rồi … phép lạ đã xảy ra.
Ngày hôm ấy, bệnh viện Quận hạt Milwaukee đã phải đối diện với nan đề: một hài nhi 6 tháng tuổi tên là Leslie, trì độn tâm trí, không mắt, liệt não bộ, mang đời sống thực vật, hoàn toàn không phản ứng với âm thanh và xúc giác. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhân viên trong bệnh viện không biết phải hành xử ra sao, mãi tới khi một bác sĩ chuyên khoa nhi đồng đã đề cập đến May Lemke, một nữ y tá đang sống gần nhà thương. Cô nhân viên gọi điện thoại cho May để nói về tình huống của Leslie, và cô nghĩ có phần chắc cậu bé bị bỏ rơi chỉ kéo dài cuộc sống trong một thời gian ngắn nữa mà thôi. Cô ta hỏi người bên kia đầu dây: “Bà có thể giúp chúng tôi chăm sóc cậu bé đang khi cậu còn sống được không?”. Bà May khẳng khái đáp: “Tôi nhận lời. Nếu tôi chăm sóc em bé, chắc chắn em sẽ không chết.” Vào lúc ấy, các cô y tá trong bệnh viện không hề đề cập đến chuyện ngân quỹ bệnh viện của quận hạt không thể cung cấp tiền cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, và giả như có yêu cầu thì phần chắc là sẽ không bao giờ được họ chấp thuận.
Bà May và người chồng thứ hai là ông Joe, sống trong một căn nhà nhỏ gần đó bên bờ hồ Pewaukee. Là một cô dâu đến từ Anh sau Thế chiến thứ nhất, bà có 5 người con đã trưởng thành. Người chồng đầu tiên qua đời vào năm 1943, và 5 năm sau, bà tái hôn với Joe Lemke, một công nhân xây dựng lành nghề.
Khi chấp nhận nuôi Leslie, bà chấp nhận em như một em bé - không khác với những em bé khác, cần được nuôi dưỡng và cần được yêu thương.
Khi cho em bú sữa bình lần đầu tiên, bà nhận ra Leslie thiếu phản xạ mút, là phản ứng tự phát nơi hầu hết các trẻ sơ sinh. Hiển nhiên, em đã được nuôi bằng một ống dẫn sữa xuống dạ dày tại bệnh viện. Để tập cho em mút, bà đặt núm vú bình sữa giữa đôi môi của em, rồi đặt một núm vú khác giữa đôi môi của mình, áp sát vào má Leslie, bà mút núm vú đang lúc má của bà cọ sát với má của em, tạo ra âm thanh mút núm vú. Leslie đã nắm bắt được bài học này.
Khi cho em bú sữa bình lần đầu tiên, bà nhận ra Leslie thiếu phản xạ mút, là phản ứng tự phát nơi hầu hết các trẻ sơ sinh. Hiển nhiên, em đã được nuôi bằng một ống dẫn sữa xuống dạ dày tại bệnh viện. Để tập cho em mút, bà đặt núm vú bình sữa giữa đôi môi của em, rồi đặt một núm vú khác giữa đôi môi của mình, áp sát vào má Leslie, bà mút núm vú đang lúc má của bà cọ sát với má của em, tạo ra âm thanh mút núm vú. Leslie đã nắm bắt được bài học này.
Đang lúc chăm sóc em, bà May thường hát những bài hát mà mình được nghe đi nghe lại từ thời thơ ấu. Bà đã thay đổi một vài từ để phù hợp với trường hợp của Leslie:
Từ trời cao rớt xuống một em bé,
Từ trời cao rớt xuống một em bé,
Một em bé không có mắt
Một em bé luôn nằm nghỉ
Một em bé mà Thượng đế biết rõ nhất.”
Bà tắm cho em, ôm em hàng giờ, trò chuyện với em, hát cho em nghe. Vậy mà em bé không hề cử động, miệng không thốt ra một âm thanh.
Năm này sang năm nọ, bà May kiên trì chăm sóc Leslie, nhưng em vẫn bất động. Không cười, không nước mắt, không cả âm thanh. Nếu như bà May không cẩn thận cột Leslie vào lưng ghế, em sẽ bị té nhào xuống đất ngay.
Dù vậy mặc lòng, bà May không bao giờ ngưng trò chuyện với Leslie. Bà mát xa lưng, chân, cánh tay, và ngón tay. Bà tiếp tục cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện, đôi khi bà khóc, bà đặt bàn tay của Leslie nơi má mình để em có thể cảm nhận được nước mắt. "Ngay lúc này mẹ cảm thấy buồn, và mẹ đang khóc" Bà nói với Leslie.
Bà May không hề coi Leslie như là một gánh nặng. Bà tự nói với chính mình. “Tôi đã không đi tìm Leslie, hẳn phải có một lý do tại sao tôi lại được chọn để nuôi dưỡng cậu bé này. Sẽ có một lúc nào đó theo thời gian, Thiên Chúa sẽ cho tôi biết được lý do tại sao.”
Bà May không bao giờ thích đem Leslie ra nơi công cộng. Em là con trai của bà, và bà dành tình thương cho em. Bà cảm nghiệm nhờ trực giác: nơi sâu thẳm của não bộ bị hư hỏng, Leslie đang nỗ lực làm việc, và bà rất tự hào về em. Một lần trên một chuyến xe buýt, có một phụ nữ đã nhìn thấy bà May đang ôm Leslie trong vòng tay, đã nói chuyện với cậu bé nhiều lần, mà không được đáp ứng. Bà ấy lên tiếng nói: "Tại sao bà không đưa con bà vào một cơ sở nào đó? Bà đang lãng phí cuộc đời mình." Bà May trả lời ngay: "Bà mới là người đang lãng phí cuộc đời của bà. Loại trẻ này được mang đến bên ta do lòng tử tế và tình thương, không chỉ trong một giờ, một tháng hoặc một năm.
Lòng tử tế và tình thương tồn tại lâu dài."
Lòng tử tế và tình thương tồn tại lâu dài."
Mùa Hè đến, ông Joe chồng bà May đã mất nhiều giờ ở trong hồ tắm, đong đưa ôm cậu bé, hy vọng rằng các tác động tay chân của ông sẽ truyền cảm hứng cho Leslie để cậu bé có thể tự mình cử động chân tay, nhưng Leslie đã không hề phản ứng.
Cho đến mùa Thu, bà May đem Leslie đến trung tâm phục hồi chức năng ở Milwaukee . Nơi đây, không một ai nghĩ có thể làm được gì để cải thiện tình trạng của cậu bé, và họ cũng không có một lời khuyến khích nào dành cho bà May.
Tinh thần bi quan của các chuyên viên tại trung tâm phục hồi đã không ngăn cản được quyết tâm của bà May. Bà biết rằng một ngày nào đó Leslie sẽ thoát ra khỏi nhà tù của chính mình. Bà cần phải giúp em. Bà cố gắng nghĩ cách làm thế nào để đem khái niệm “đi bộ” vào tâm trí em. Leslie đã chưa hề thực hiện động tác đi hay bò. Em chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ ai đi bộ. Bà nhờ ông Joe chồng bà, là bạn đường hỗ trợ bà tối đa, làm cho bà một vành đai thắt lưng da rộng để đeo trên hông, có kèm theo các vòng nhỏ ở mỗi bên. Đang khi cất bước đi bộ, bà cài tay của Leslie vào vòng nhỏ bên hông, hy vọng em sẽ tiếp nhận được sự chuyển động đi bộ. Vậy mà Leslie vẫn bất động và được đeo lơ lửng phía sau lưng bà.
Kế đến, gia đình bà đã dựng một hàng rào mắt xích dọc theo phần đất của họ. Bà May giúp Leslie đứng bên cạnh hàng rào, đặt ngón tay của em qua các lỗ mắt xích của hàng rào. Sau vài tuần lễ, cuối cùng thì Leslie đã có ý tưởng để cho hàng rào hỗ trợ em. Em đứng lên được, lúc đó em được 16 tuổi.
Rồi để giúp em di chuyển dọc theo hàng rào. Bà May không ngừng trò chuyện với em, khuyến khích em. "Nào, con cưng ơi, chỉ bước đi một chút, một chút thôi." Bà lập đi lập lại hàng trăm lần, chính bà di chuyển tay, chân của em. Cuối cùng, em cũng đã tự mình làm được.
Khi em làm được rồi, bà cố gắng tìm cách dỗ dành em buông tay ra khỏi mắt lưới hàng rào, bà gọi: "Đến với mẹ đi con, cưng ơi, đến với mẹ." Sau nhiều tháng trời, Leslie học được cách chập chững lê chân đi bước một, rồi tới lúc được hai ba bước. Chiến tranh cân não thật khốc liệt không ngừng nghỉ, mặc dù bà May không hề nghĩ đó là một cuộc chiến! Bà chỉ đơn giản nghĩ bà phải phấn đấu để giúp cho con trai mình. Bà biết bà cần được sự trợ giúp từ trời cao trong nỗ lực này. Bà cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện xin Chúa giúp Leslie, xin Chúa làm điều gì đó cho Leslie. Chàng trai Leslie lên 18 tuổi, mà chỉ như là một em bé. Có lần bà May giận lẫy với Chúa: “Kinh thánh nói đến những phép lạ, thì xin Chúa làm một phép lạ cho đứa bé này đi.”
Một ngày kia, bà May để ý nhìn thấy ngón tay trỏ của Leslie cử động trên sợi giây quấn quanh một gói hàng, như thể búng ngón tay trên đó. Bà tự hỏi: Liệu đó có phải là một dấu chỉ? Nó có ý nghĩa gì? Rồi bà tự xác nhận: Âm nhạc, đúng là âm nhạc. Từ ngày đó trở đi, ngôi nhà của vợ chồng Lemke tràn ngập tiếng nhạc phát ra từ dĩa hát, từ đài phát thanh, từ đài truyền hình. Giờ nọ qua giờ kia, ngày này qua ngày khác, vậy mà Leslie vẫn không tỏ ra một dấu chỉ nào cho thấy anh đang nghe nhạc. Bà May và ông Joe tìm mua được một dương cầm cũ với giá $250. Ngày lại ngày, bà May làm đi làm lại động tác đặt ngón tay của Leslie lên trên phím đàn, tạo ra âm thanh. Anh ta vẫn hoàn toàn dửng dưng.
Cho đến mùa Đông năm 1971, bà May giật mình thức giấc bởi tiếng đàn vào lúc 3 giờ sáng. Một ai đó đang chơi tấu khúc “Dương cầm Concerto No. 1” của Tchaikovsky. Bà đánh thức Joe, hỏi: “Có phải ông quên chưa tắt Radio?” Ông trả lời: “Đâu có” Bà hỏi: “Vậy tiếng đàn dương cầm từ đâu?” Bà ngồi dậy bước ra khỏi phòng ngủ, bật đèn phòng khách lên. Qua ánh sáng lờ mờ hắt vào phòng Leslie, bà nhìn thấy anh đang ngồi tại chiếc đàn dương cầm, bà cũng thấy được nụ cười rạng rỡ trên gương mặt Leslie. Một đột biến không ngờ! Trước đó, anh chưa hề tự mình ra khỏi giường ngủ, chưa hề tự mình ngồi tại đàn dương cầm, chưa hề tự mình xử dụng ngón tay trên phím đàn, vậy mà Leslie đang chơi một tấu khúc, khéo léo và đầy tự tin.
Bà May quỳ sụp xuống cảm tạ Chúa: Chúa ơi, Ngài đã không quên Leslie. Điều đó cho thấy trước đây Leslie đã ghi nhận tiếng nhạc, lắng nghe hết sức chăm chú, tới mức bộ nhớ trong đầu của Leslie lưu trữ được từng dòng nhạc nghe qua thính giác, tựa như một máy điện toán. Không ai giải thích được làm thế nào mà tiếng nhạc tuôn trào ra khỏi Leslie vào buổi sáng mùa Đông ấy. Vậy mà chuyện đó đã xảy ra, như một cơn lốc xoáy.
Âm nhạc đã mở rộng cửa ngõ cho cảm xúc và sự phát triển, nên sau đó có lần bà May nghe Leslie phát âm được một từ ngữ. Thế rồi vào một buổi chiều, có một số trẻ em chơi đùa phía bên kia hàng rào mắt xích, bà May lên tiếng hỏi các em đang làm gì. Một em đã trả lời, "Chúng cháu đang vui." Còn Leslie thì bước được vài bước dọc theo hàng rào, bỗng lên tiếng nói "Tôi đang vui!" Anh nói bằng một giọng dày đặc nhưng có thể hiểu được. Đó là câu nói trọn vẹn đầu tiên của anh. Bà May sửng sốt ôm choàng lấy anh, vô cùng xúc động.
Một vài tháng sau đó, nơi phòng khách gia đình, đã xảy ra chuyện Leslie tự dưng phát run lên, và rồi nước mắt lăn trên má, "Con khóc!", anh nức nở, "Con khóc!" Anh đã không bao giờ khóc trước đó và bây giờ anh đã khóc được, giống như bà May đã dạy cho anh cảm nhận về nước mắt trước đây. Bà yên lặng nhìn anh khóc sướt mướt trong vòng 20 phút. Bà nhận biết đây là một ơn phước vì giờ đây anh đã có thể bày tỏ sự đau đớn hay nỗi sợ hãi đã bị khóa kín trong anh. Một chuyển biến tuyệt vời đối với bà. Leslie cũng còn học được cách cảm nhận theo cung cách riêng của mình xuyên qua các căn phòng trong nhà. Bà May và ông Joe dạy anh sử dụng nhà vệ sinh. Dạy anh đánh răng, và dạy anh tắm một mình.
Đang khi đó, kỹ năng về dương cầm của Leslie đều đặn gia tăng, anh bắt đầu ngồi suốt ngày bên cây đàn dương cầm. Anh chơi nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, nhạc đạo và ngay cả nhạc rock. Thật là kinh ngạc! Tất cả những bản nhạc mà bà May mở cho Leslie nghe, đều được ghi nhận trong óc của anh, và nay được dịp tuôn ra từ các ngón tay đặt trên phím dương cầm.
Năm Leslie được 21 tuổi, anh bắt đầu nói chuyện, có thể đặt câu hỏi và đưa ra những câu trả lời giản dị khi đối thoại. Bà May khuyến khích tài năng đàn dương cầm của Leslie trước công chúng vì bà nghĩ nhờ sự đóng góp âm nhạc của Leslie, sẽ tạo được nơi anh cảm giác tham gia sinh hoạt xã hội, và thiên hạ cũng học được rất nhiều từ một con người được hòa nhập vào thế giới con người, từ một tình trạng được cho là hoàn toàn vô vọng và thật tuyệt vọng. Leslie thường xuyên góp mặt tại các buổi hòa nhạc ở Fond du Lac , Wisconsin . Danh tiếng của Leslie vang xa nên khiến cho nhiều đài truyền hình trên toàn quốc đã mời Leslie đến trình diễn, như “Man Alive” của CBC, “Evening News”, “60 Minutes” và “That’s Incredible” của CBS.
Năm 1983, ABC cũng đã phát hình câu chuyện về Leslie Và Người Mẹ Nuôi mang tựa đề “The Women Who Willed A Miracle”. Leslie đã lên đường lưu diễn trong nước Mỹ, tại nhiều quốc gia, Scandinavia và Nhật Bản, cũng thực hiện nhiều buổi hòa nhạc miễn phí vào các dịp lễ hội khác nhau. Leslie yêu thích trình diễn. Đôi khi anh nổi hứng cất tiếng hát đang lúc ngồi chờ chuyến bay tại phi trường. Lúc mới nghe anh hát vài nốt nhạc đầu tiên thì thiên hạ giật mình, nhưng khi anh kết thúc bài hát, thì mọi người đều vỗ tay tán thưởng.
Cho dù các ngón tay của Leslie điêu luyện trên phím đàn, thì vẫn còn rất nhiều hạn chế cho Leslie lúc phải cầm dao hay nĩa khi dùng bữa. Cũng như việc đối thoại với Leslie thì diễn tiến không được trơn tru. Khi được hỏi âm nhạc có ý nghĩa gì đối với anh, Leslie đã trả lời chắc nịch: “Âm nhạc … là tình yêu!”.
Lời bàn:
Tình yêu đã hình thành phép lạ Leslie Lemke, biến cái “không thể” thành “có thể”. Con người thời đại mới với tâm thức hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất, quen lối sống tốc độ, muốn nhìn thấy mọi thành quả tựa như mì ăn liền, như cái nhấn của con chuột trên bộ máy điện toán, thì không thể hiểu nổi tại sao bà May Lemke đang sống an nhàn với chồng và 5 người con, lại còn muốn gánh vác số phận đau thương của cậu bé Leslie? Phải mất 16 năm mới dạy cho một đứa con nuôi có đời sống vô sinh tật nguyền từ 6 tháng tuổi mới tự đứng lên được, cũng như phải mất 21 năm mới có thể giúp cho Leslie phát âm được, thì bà May Lemke phải có trái tim của một bồ tát, phải có một niềm tin vô cùng sâu sắc, thì mới có thể gầy dựng nên một thiên tài, một nhân tính bị vất bỏ, từ trái tim bé nhỏ của mình.
Vị bồ tát của chúng ta: May Lemke đã qua đời vào ngày 6-11-1993 vì căn bệnh lú lẫn Alzheimer, nhưng gương sáng của bà đã và sẽ còn là nguồn hứng khởi trong cõi nhân sinh.
Vị bồ tát của chúng ta: May Lemke đã qua đời vào ngày 6-11-1993 vì căn bệnh lú lẫn Alzheimer, nhưng gương sáng của bà đã và sẽ còn là nguồn hứng khởi trong cõi nhân sinh.
Nguyễn Đông-Khê
Nam Mô Lâm Công Đức Bồ Tát Ma Ha Tát !
Trả lờiXóaTâm Sanh Vạn Pháp !
" Phép Lạ " đã đến nhờ Tâm Bồ Tát Vô Úy của ông bà Joe và May Lemke !