Nói về Đức cố HY Phanxicô-Xavie Nguyễn Văn Thuận là một niềm vui nhưng cũng là một thách đố. Với một thời gian ngắn dành cho chúng ta sáng nay, không dễ gì nói cho đúng và cho cùng về đời sống một người vừa lỗi lạc vừa thánh thiện. Tư tưởng của ĐHY rất đơn sơ, ai đọc cũng hiểu được[1], nhưng cũng rất cô đọng, sâu sắc, diễn tả một cách ngắn gọn như những câu châm ngôn, vững chắc về thần học và phong phú như con người và sự nghiệp của Ngài. Trong bầu khí tĩnh tâm hôm nay tôi chỉ gợi lên một vài nét mà tôi cho là quan trọng trong linh đạo của ĐHY. Phần thiếu sót trong sự trình bày của tôi sẽ được ACE bù đắp bằng kinh nghiệm và hiểu biết có được về ĐHY. Cái quan trọng không phải là nói về ĐHY ma sống như Ngài đã sống.
1. Phải nên thánh
Đó là mục tiêu đời sống của mọi kitô hữu, là xác tín sâu đậm của Người tôi tớ Thiên Chúa. “Thành tựu đẹp nhất của một đời người là sự thánh thiện... Không có cái gì trên đời này có thể so sánh được với cái đẹp của sự thánh thiện”.[2] Và trong một lần cầu nguyện, Ngài đã thốt lên “Ai tả cho hết được cái đẹp của một linh hồn có Thiên Chúa.”! Mẹ Maria đẹp đẽ như mặt trăng, trong sáng như mặt trời, vì Người là thánh, vì người có một tâm hồn đầy ân sủng, đầy Thiên Chúa.
Sự thánh thiện là tựu điểm của ân sủng và sự trả lời tự do của con người. TC kêu gọi, thánh hóa và cho chúng ta khả năng gặp được Ngài. Phía con người, ý thức tội lỗi và ân sủng là bước đầu của con đường nên thánh: “Con chỉ có một cách nên thánh: Ơn Chúa và ý chí con (x. 1 Cor 15, 10). Chúa không bao giờ thiếu ơn; con có đủ ý chí không?”.[3] ĐHY cũng thú nhận: “Nhiều lần tôi không dám nghĩ đến sự thánh thiện: tôi muốn trung thành với Giáo hội, tôi muốn không từ chối gì cho sự lựa chọn của mình, nhưng tôi không dám nghĩ đến việc mình phải nên thánh, trong khi đó Chúa dạy rằng: “Các con phải nên toàn hảo như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,14). Tôi sợ nên thánh “ (Ho paura di essere santo).”. Tháng 2 năm 2002, vài tháng trước khi Ngài qua đời, ĐHY chia sẻ kinh nghiệm với một nhóm Linh mục: “Năm ngoái người ta mổ bướu cho tôi, mổ một phần thôi. Các bác sĩ đã lấy ra được 2 kí rưỡi bướu, còn lại trong bụng tôi 4 ki rưỡi nữa, mà họ không cắt đi được. Lúc đó tôi lo sợ nghĩ đến sự phải nên thánh: và đây chính là điều làm tôi đau khổ. Nhưng sự đau khổ đó cũng qua đi khi tôi nhận thức được thánh ý Chúa và tôi chấp nhận mang cục bướu đó cho đến chết và đồng thời chấp nhận hậu quả là chỉ ngủ được một đêm một tiếng rưỡi thôi. Bây giờ tôi cảm thấy bình an; trong thánh ý Chúa tôi tìm được an bình”. Và Ngài lặp lại lời huấn dụ của ĐGH Gioan Phaolo với các người trẻ: “Đừng sợ nên thánh”![4]
Ý thức về tội lỗi và ân sủng cũng chưa đủ. Cần phải sống trong bầu khí của ân sủng, nuôi dưỡng ân sủng bằng cách bắt chước Chúa Giêsu trong giây phút hiện tại, bất kỳ ở đâu hay làm việc gì. Không có con đường nào khác để nên thánh hơn là bắt chước Chúa Giêsu. Người môn đệ quyết tâm bước theo Chúa Giêsu để giống Chúa Giêsu, thì mới trở nên “toàn hảo như Cha trên trời”. Không ai vào thiên đàng mà không giống Chúa Giêsu. (nghe Bài giảng tĩnh tâm).
Theo Chúa như một người lữ hành, nhìn Chúa mà đi, bước theo những chặng đường Ngài đã đi.
“Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:
Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem,
Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập,
Bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét,
Bước phấn khởi lên Ðền thánh với Mẹ Cha,
Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,
Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng,
Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,
Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt,
Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân,
Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,
Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác,
Không tiền không bạc,
Không manh áo, không bạn hữu,
Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa,
Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha…”[5]
Là người nghèo của Thiên Chúa, kẻ lữ hành sống trong sự tự do của Thần Khí, không để bất cứ gì trên đời ràng buộc, dù đó là dây xích vàng, Ngài viết: “dây xích vàng cũng ràng buộc và con không ra đi được”[6]. Nghèo vật chất và đơn sơ trong tinh thần. ACE xem cuốn sổ đây, không tờ nào dính với tờ nào, tôi phải lấy dây thun cột nó lại, cuốn sổ điện thoại của một vị HY! “principe della Chiesa!” (thủ lãnh của Hội thánh!)
Theo Chúa như một người điên. “Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được”[7]. Trong một thế giới mà người ta thường lấy tiền tài, danh vọng và quyền lực để tiến thân, môn đệ Chúa chọn con đường ngược lại. Lấy Chúa Giêsu làm gương mẫu độc nhất của đời mình, lấy Lời Chúa làm tiêu chuẩn cho những lựa chọn. Sống cho tình yêu, chết vì tình yêu. Đó là sự điên rồ của Các Thánh.
2. Sức mạnh của sự cầu nguyện
Con đường theo Chúa để nên thánh dài ngắn, cao thấp, vui buồn, bình an hay đau khổ… Sức mạnh làm cho kẻ lữ hành chấp nhận tất cả như một hồng ân và can đảm đi đến cùng chính là sự cầu nguyện. Nói với các bạn trẻ, ĐHY qủa quyết: “Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi”[8]. “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu”[9]. Ngài nhắn nhủ anh chị em tu sĩ và linh mục: “Đặc biệt với các tâm hồn toàn hiến, đáng lẽ trong căn cước họ phải khai: “Nghề nghiệp: Cầu nguyện”. Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con giữ đại lý và nài xin con: “cầu nguyện cho tôi”! [10]
Ngài nhắn nhủ bạn trẻ:
* Con nắm một bí quyết: cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con. Cha tha thiết khuyên con, ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu! Trên quãng đường Cha đi, Cha đã thấy lời Thánh Têrêsa Avila ứng nghiệm: "Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục". (ĐHV 985 , cùng đọc chương 37 cuốn “Những người lữ hành trên đường hy vọng”),
Người môn đệ Chúa Kitô trước hết là người “ở lại” với Chúa trong hôm nay của cuộc đời mình. Khi trong tay không còn gì, chỉ là một người tù như ngàn người tù khác, đường đi như sa mạc, không quá khứ không tương lai, chỉ còn lại những giây phút hiện tại như những hồng ân có được, như những giây phút đẹp nhất của cuộc đời. Người tôi tớ Chúa cầu nguyện:
“Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”[11]
Những chấm nhỏ trên con đường dài sa mạc là những giây phút một mình trong cô đơn lập lại lời giao ước, là khi để lời kinh và Lời Chúa thấm nhập vào lòng, khi với Chúa làm một trong phép Thánh Thể, là khi yêu thương anh em cho đến cùng, là lúc phó thác trọn vẹn trong tay Mẹ[12]. Gặp Chúa và ở lại với Ngài trong mọi hoàn cảnh là trường dạy nên thánh.
Tôi muốn dừng lại một vài phút ngắn gọn ở đây về lòng sùng kính Bí tích Thánh thể và tâm tình phó thác vào Mẹ Maria, những điểm mốc trong đời sống cầu nguyện của ĐHY.
“Sức mạnh độc nhất của tôi là Thánh Thể” đó là tựa đề của chương 4 sách tự thuật 5 chiếc bánh và 2 con cá. Tôi đã đọc nhiều lần chương này cùng với những lời nhắn nhủ khôn ngoan của ĐHY trong Đường Hy vọng số 343 – 388, ĐHY mời gọi thúc bách chúng ta qui chiếu đời sống chúng ta vào Thánh thể như nguồn mạch sự sống và sứ mệnh. Tôi xin trích lại một vài câu của Ngài như chính ĐHY nhắc nhở mọi người chúng ta hôm nay:
“Người thánh là người tiếp tục Thánh lễ suốt ngày” (ĐHV số 350 và xem Scoprite la gioia della speranza, trang 25 - 30)
“Gia đình thánh thiện là gia đình hâm mộ Thánh lễ” (DHV số 353)
* Mỗi lần dâng Thánh Lễ là mỗi lần giang tay đóng đinh con lại trên Thánh Giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Đây không có chỗ cho khán giả (ĐHV 357).
Gửi cho các linh mục:
“Dâng Thánh lễ làm cho Linh mục trở nên thánh” (Scoprite la gioia della speranza, trang 25)
“Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai “ ( ĐHV 376).
Cho các ACE tu sĩ:
“Hội Thánh dạy cử hành nghi thức khấn dòng trong Thánh Lễ để con ý thức và thực sự hiến dâng đời con làm hy lễ toàn thiêu với Chúa Giêsu trên bàn thánh. Trong mỗi Thánh Lễ, con hãy tuyên thệ lại lời khấn, với tất cả tâm hồn, với tất cả ý nghĩa của "một tân ước vĩnh cửu"(ĐHV 387).
Trong linh đạo của ĐHY, ngoài chỗ đứng quan trọng dành cho Bí tích Thánh thể, ĐHY có một lòng sùng kính đặc biệt các thánh: các Thánh tử đạo VN, thánh Têrêxa hài đồng Giêsu, thánh Gioan Maria Vianney, Maximiliano Kolbe, cha Pio, Mẹ Têrêxa Calcutta…vv… nhưng đặc biệt Ngài ngắm nhìn gương thánh Giuse và nhất là Mẹ Maria.
Không có cuốn sách nào Ngài không dành một chương nói về Mẹ. Lòng sùng kính Mẹ Maria và ý muốn phó thác hoàn toàn cho Mẹ bắt nguồn từ gia đình, từ Bà ngoại, và Thân mẫu của Ngài: các Bà đã dạy con dạy cháu yêu mến Mẹ Maria từ khi còn thơ ấu, như chính ĐHY đã kể lại.[13]
Những biến cố lớn xảy ra trong đời Ngài cũng hay trùng vào những ngày lễ của Mẹ. Ngài đi tù vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Lên trời (15/08/1975) và suốt 13 năm tù Mẹ đã gìn giữ Ngài: “Mẹ Maria Vô nhiễm không bỏ quên tôi. Mẹ đã sát cánh tôi dọc đường gập ghềnh đen tối của lao tù. Trong những năm tháng thử thách triền miên ấy, tôi đã cầu xin Mẹ cách đơn sơ mà đầy tin tưởng cậy trông: "Lạy Mẹ, nếu Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội thánh nữa thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn. Ngược lại nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ: ra khỏi tù trong một ngày lễ của Mẹ!". Và Đức Mẹ nhậm lời Người tôi tớ Chúa, Ngài được trả tự do cũng đúng vào một ngày lễ của Mẹ: lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh (21/11/1988).
Cũng như về Bí tích Thánh thể, tôi chỉ trích lại ở đây một vài đoạn tiêu biểu để chúng ta suy niệm về sự gắn bó trẻ thơ của Người tôi tớ Chúa với Mẹ Maria: (mặc dầu đây không phải là một phương pháp khoa học tốt nhất để tìm hiểu về một con người):
“Muốn nên thánh, con hãy bắt chước trẻ thơ; nó không hiểu lý thuyết gì, nhưng nó nhìn mẹ nó, nó làm theo mẹ nó, nó tin mẹ nó biết tất cả, làm đúng tất cả. Nhìn Mẹ Maria, làm như Mẹ Maria, con sẽ nên thánh” (ĐHV 918).
“Phản ứng đầu tiên của trẻ thơ là gọi: "Mẹ ơi!" khi lo sợ, khi lúng túng, khi đau buồn. Tiếng Mẹ là tất cả cho trẻ. Con hãy năng gọi: "Mẹ, Mẹ ơi! Con yêu mến Mẹ, Mẹ là tất cả của con." (ĐHV 921).
“Con thơ bắt chước mẹ tất cả, dù khó khăn nguy hiểm, không phải vì có ý theo gương mẹ, vì mẹ là thần tượng, là tất cả, nhưng vì yêu mẹ, tin mẹ. Xem mẹ uống thuốc, con uống theo, mẹ đi ở tù, con vào theo. Mẹ Maria là tấm gương sáng vừa tầm con, con hãy mô phỏng gương Mẹ. Chúa Ba Ngôi không thể làm một tâm hồn thánh thiện hơn được” (ĐHV 925).
“Con hãy tìm giá trị của một đời sống thiêng liêng, một linh đạo sâu xa nơi Mẹ Maria. Mẹ hoạt động, nhưng tất cả mọi cử chỉ và tư tưởng, dù vụn vặt nhất, cũng vì Chúa Giêsu, Mẹ không thể có một giây phút nào ngoài Chúa Giêsu được. Ðời Mẹ là một vực sâu vô tận của nội tâm; trong Mẹ, hoạt động và chiêm niệm không tách lìa: chiêm niệm giữa hoạt động, hoạt động do chiêm niệm” (ĐHV 937).
ACE cùng đọc lại Sứ điệp Đức Mẹ Lavang (1998) trong đó ĐHY giúp chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Maria như mẫu mực đời sống thánh hiến và phục vụ Giáo hội và xã hội. Và bài suy niệm thứ 20 của tuần Tĩnh tâm cho Giáo Triều năm 2000, Ecce Mater Tua trongTestimoni della Speranza.
(nghe bài hát Kinh chao Me của Mi Trầm)
3. Thương yêu cho đến cùng
Những người được hân hạnh biết ĐHY đều nhận thấy có một cái gì khác thường trong cách ăn nói cư xử của Ngài: nó tác động làm cho mọi người gặp Ngài cảm thấy bình an và thân tình. Tôi cũng có nghe Ngài kể lại nỗi kinh hoàng của Biến cố Mậu thân (1968), kinh nghiệm khổ đau của những năm tù đày, bệnh tật, sự hiểu lầm của bạn hữu và nhiều người… nhưng trước những nghịch cảnh đó tôi không hề nghe Ngài thốt lên một lời hận thù… Ngược lại Ngài luôn nhẫn nhục, yêu thương hết mọi người. Yêu thương Gia đình, Tổ quốc, Giáo hội, Địa phận Chúa giao phó, yêu thương những người nghèo đói bệnh tật, nhất là những người phung cùi: cho họ Ngài thành lập Hội Bạn người cùi lấy tên là Lazaro, Ngài thương yêu tất cả mọi người, thương yêu cho đến cùng, như Chúa Giêsu, thương yêu cả những người bách hại mình.
Tháng 10, năm 1975, vào những ngày đầu của lao tù, Ngài đã viết: “"Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi." (ĐHV 793)
Trong lời mở đầu cho cuốn “5 chiếc bánh và 2 con cá” xuất bản năm 1997 (bằng tiếng ý) ĐHY thú nhận khó khăn của Ngài sau khi được trả tự do:
“Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân trong thời gian lao tù, muốn tôi kết án, tố cáo, khích động đấu tranh trả thù. Ðó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng.” (trang 7)
Nhiều người hiểu lầm Ngài về thái độ này. Nhưng đòi hỏi của Phúc âm vượt trên những tính toán của con người. “Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa. (ĐHV 787). Người tôi tớ Chúa, “đứa con điên của Mẹ” không đặt điều kiện, không chùn chân trước khó khăn, cương quyết theo Chúa cho đến cùng, yêu thương như Chúa đã yêu thương nhân loại. Thánh giá là đường, là niềm hy vọng độc nhất của người môn đệ.
Tôi muốn gợi lại đây cuộc đối thoại của người tôi tớ Chúa với anh canh tù (mà chính Ngài đã ghi lại trong 5 chiếc bánh và 2 con cá: chiếc bánh thứ năm):
“Ðiều khó hiểu nhất đối với chiến sĩ gác tù, là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình. Có hôm mấy anh gác hỏi tôi:
- Ông có thương chúng tôi không?
- Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!
- Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác? Không xét xử gì cả?
- Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.
- Chừng nào được tự do anh có sai giáo dân của anh trả thù không?
- Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.
- Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại anh?
- Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa.”
4. Phục vụ và Phó thác
Theo Chúa Giêsu từng bước, cầu nguyện liên lỉ, chấp nhận mọi đau khổ, phục vụ con người và Giáo hội, yêu thương cho đến cùng…đâu là ý lực nền tảng cho hành trình thiêng liêng này? Đâu là tâm tình thông suốt nối liền cái mà ĐHY gọi là những dấu chấm của cuộc đời? Nói đến thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, chúng ta nói ngay đến Tinh thần trẻ thơ, nói đến ĐHY, chúng ta có thể thấy gì nổi bật và đặc thù trong đời sống Ngài?
Tìm hiểu một linh đạo là tìm cho ra con đường thiêng liêng (cái Đạo) của người Lữ hành đi về với Chúa. Đôi khi nó đòi hỏi công sức và thời gian. Đôi khi chỉ là một khám phá bất ngờ: những gì tôi chia sẻ sau đây với ACE chỉ là một khám phá bất ngờ.
Một hôm tôi có trong tay một bì thơ cũ của ĐHY, trong đó đựng vài con tem. Trên bì thơ có bốn hình vẽ, tất cả 4 hình đều theo đường thánh giá: với mấy chữ tắt. P P P P ; CC, TC, CC; OMT ; AGE…. Lúc đầu, tôi không hiểu gì. Tôi xẻ và vất nó đi, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi đi tìm lại bì thơ trong thùng rác, lấy băng keo dán chỗ rách và giữ bì thơ đó lại. Cho đến gần một năm sau, tình cờ tôi đọc được một trang giấy trong một cuốn sổ tay viết vào năm Ngài làm Hồng Y, trong đó Ngài nói về con đường tâm linh của Ngài, giảng nghĩa những chữ viết tắt và hình vẽ mà tôi đã tìm thấy trước đây trên phong bì. Cái bì thơ cũ rách bị vứt đi này trở thành như một chúc thư thiêng liêng cho tôi.
Ngài viết trong cuốn sổ tay: Khi tôi làm Giám mục tôi đã chọn phù hiệu: Gaudium et Spes, (Vui mừng và Hy vọng)
S -Servire P – Phục vụ
P- Progressione P- Phát triển
E- Evangelisatione P- Phúc âm
S- Sanctificatione Officii P- Phận sự
(cùng xem Niềm vui sống đạo, 1998, trang 37-45, SPES, Hy vọng, 1971, giới thiệu, trang 4).
- 3 tháng sau ngày phong Hồng Y tôi muốn đổi huy hiệu: Trước là “Gaudium et Spes” chương trình của đời GM – 4 chữ P, tôi vẫn giữ
- Nay tôi chọn lời Phúc âm ” Lc 15, 31: “Omnia Mea Tua” - “Tất cả của Cha là của con: Tất cả của con là của Cha, của Mẹ” :
- Tôi xin tóm lược (hay đúng hơn chính ĐHY đã tóm lược) con đường thiêng liêng của Ngài bằng mấy chữ: Phục vu và phó thác … phục vụ trong tinh thần khiêm hạ yêu thương khi còn phục vụ được và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ ở đâu, làm gì, cũng phó thác cho Chúa và Mẹ Maria… phó thác như một trẻ thơ, không điều kiện, không sợ hãi, phó thác trong hy vọng, chap nhan nhung phut giay hien tai nhu hong an… Tâm tình hiến dâng, phó thác trọn vẹn này càng lúc càng mãnh liệt và sâu đậm nơi Người tôi tớ Chúa trong những năm lao tù và nhất là những năm cuối đời Ngài. Có lần Ngài thốt lên: “Eureka! Eureka! Deus meus et omnia” “Tôi đã tìm thấy! Đã tìm thấy! Thiên Chúa và tất cả của tôi”. (Xem Lời mở đầu của Ngài cho cuốn Preghiera di Speranza, trang 5).
Thay lời kết:
Đầu sách Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng: ĐHY viết mấy lời nhắn nhủ các bạn trẻ. Xin lấy lại lời nhắn nhủ đó như lời ĐHY gửi lại cho mỗi ACE Tu sĩ Roma chúng ta hôm nay
“Các con thân mến,
Cha lại đi thêm một quãng đường
Chông gai mịt mù và vô định
Trên đường Cha gặp lắm lữ khách
Cha đã xem tất cả là bạn
Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quí báu
Vì tất cả là hồng ân.
Trong u tối thinh lặng và cô đơn
Cha đã nhớ đến mọi người
Ðã hiến dâng mỗi người trong các con…
Cha không còn gì cả
Nhưng mỗi ngày
Cha tặng tình yêu Chúa cho mọi người
Trong Thánh Tâm Chúa và Mẹ Ma-ri-a
Cha vẫn gần gũi các con
Âu yếm và thân tình”.
Người lữ hành đã đến bến. Đã gần 10 năm rồi. Nhưng hình ảnh người lữ hành còn đó, “âu yếm và thân tình”. Ngài đã để lại một di sản thiêng liêng cho chúng ta, những người còn đang đi trên con đường Hy vọng. Mong lời và gương Ngài cũng được tỏa sáng nơi mọi người. Cái quan trọng không phải là nói về ĐHY mà sống như Ngài đã sống.
Cảm ơn ACE.
Ts Ambrosio Nguyễn Văn Sĩ, OFM
[1] “Nhung tu tuong nay sinh tu day long” Il Cammino della speranza, Città nuova, Roma 1992, Premessa , p.9. “Nhu nhung giot nuoc trong ma Chua da rot vao long toi de toi song suot thoi gian dai di trong sa mac”, Preghiere di Speranza, Ed San Paolo, Milano 1997, p. 7.
[2] Xem Preghiere di Speranza, trang 128-129.
[3] 5 chiec banh va 2 con ca, chuong 7, so 22
[4] Scoprite la gioia della speranza, trang 12-14
[5] loi nguyen cuoi: “Con chon Chua” trong 5 chiec banh va 2 con ca.
[6] xem Duong Hy vong, chuong 1.
[7]Duong Hy vong, so 6.
[8] Duong Hy vong, so 131
[9] Duong Hy vong, so 125.
[10] Duong hy vong (viet tat DHV), so 146. Xem Berbanos trong cuon Dialogues des Carmelites.
[11] 5 chiec banh va 2 con ca, chuong 1, loi nguyen. Xem Preghiere di Speranza, p.76-77, preghiera n. 48.
[12] 5 chiec banh va 2 con ca, loi mo dau.
[13] Xem 5 chiec banh va 2 con ca, chuong 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét