Cười để sống đạo
Trần Mạnh Trác9/20/2012 (VietCatholic) | ||
"An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang...." Nhưng đối với linh mục dòng Tên James Martin, tác giả cuốn sách "Between Heaven and Mirth" ("ở giữa Thiên Đàng và sự Cười Đuà") thì ngay từ thuở Sáng Thế đã có tiếng cười. "Khi Abraham, lúc đó đã 100 tuổi, nghe Thiên Thần loan báo vợ ông, bà Sarah 99 tuổi, vào khoảng năm sau sẽ sinh hạ một con trai, thì ông "cười té xấp mặt xuống" (“falls on his face laughing.”) và bà Sarah cũng cười hô hố ("laughs")." 9 tháng sau bà Sarah đã sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Isaac, tiếng Do Thái là Yitzakh, có nghỉa là "Thằng Cười". Isaac là tổ phụ cuả dân Do Thái. Thiên Chuá Giáo đã được xây dựng bằng tiếng cười. Mà có gì còn 'nghiêm trang' hơn là Tôn Giáo nhỉ? Xét ra, cái cười mà ông Nguyễn Văn Vĩnh nói đến thì khác, nó là một cái cười "có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta" Đó là cái cười cuả những kẻ không biết ứng đối ra sao, nhưng không biết cải tiến bản thân, dùng tiếng 'khì' để giữ lấy cái sĩ diện hão. Theo ông Vĩnh, cái cười như thế coi như là cuả một kẻ quịt nợ, "Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp." Cái cười mà Cha Martin đề cập thì lại khác, nó là cái tinh thần phấn khởi như bà Thánh Teresa thành Avila nói với môn sinh "Một bà Sơ buồn là một bà Sơ xấu, Tôi sợ một bà Sơ ủ rũ còn hơn cả một đàn quỉ dữ." Nó cũng là cái hài hước trong những cơn bĩ cực. Thánh Lawrence, tử đạo thế kỷ thứ 3, bị đốt trên than hồng. Ngài gọi lý hình mà nói: "các ông phải xoay người tôi lại đi, bên nầy đã chín rồi, nếm thử thì biết". Nó cũng có thể là cái 'tự thán' cho thân phận yếu hèn cuả mình như thánh Augustine đã cầu xin rằng: "Lạy Chuá xin ban cho con đức khiết tịnh, nhưng chớ cho con ngay một cái rụp, Chuá ơi (not immediately)..." (Xin miễn bàn thêm, theo lời yêu cầu cuả Cha Martin) Lịch sử đạo Công Giáo không thiếu những nụ cười như thế. Khi được hỏi có nhiều người làm việc trong toà thánh Vatican không, Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII trả lời "Chỉ có một nửa thôi" Đức Gioan cũng nổi tiếng hài hước, hồi làm khâm sứ toà thánh bên Pháp, có lần dự tiệc bị đặt ngồi cạnh một bà 'vạm vỡ' mặc áo hở cổ 'quá sâu'. Lời xầm xì tới tận tai ngài. "Quả thật là một xúc phạm" vị linh mục thư ký cuả ngài nói. "Xúc phạm cái gì cà?" ngài hỏi. "Thì mọi người đều nhìn xoi mói vào áo bà ta mà" Ngài trả lời: "ồ không đâu. Mọi người xoi mói nhìn tôi đấy. Họ xem tôi có nhìn bà ta không". Các thánh nhân đều ưa thích nụ cười. Tinh thần hài hước giúp cho cuộc sống tâm linh và đưa dẫn người ta đến Chuá. Biết 'tự cười mình' chứng tỏ một tâm hồn khiêm nhượng. Cười trêu chọc giúp cho sự thật được sáng tỏ hơn lên. Đức Hồng Y Dolan, chủ tịch Hội đồng GM HK, nổi danh là một nhà trào phúng và là người chủ trương cách truyền giáo hay nhất là những dịp ăn Barbecue ở nhà, đã hoàn toàn đồng ý với Cha Martin. Đi xa hơn, ngài khẳng định có nhiều "lý do thần học về tiếng cười" ("theological reasons for laughter"). Ngài nói: "Có câu châm ngôn rằng 'Ai cười sau cùng là người cười hay nhất' (‘He who laughs last, laughs best'). Chúng ta là những người có đức tin không thể không cười khi thấy Chuá đã Sống Lại từ cõi Chết...Ngày khổ nạn Thứ Sáu đã không là ngày có tiếng nói sau cùng...mà chính là ngày Phục Sinh! Do đó mà tôi có thể cười." Thật là thâm túy. Đêm rạng Phục Sinh, lời loan báo đầu tiên là "Mừng vui lên, hỡi ca đoàn Thiên Sứ, hãy vui lên, hỡi những mầu nhiệm thánh..." Ngày thứ Sáu 14 tháng 9 năm 2012 vừa qua, Đức Hồng Y Dolan xuất hiện chung với Stephen Colbert, một tay trào phúng cự phách từng lãnh nhiều giải thưởng nhờ chương trình "The Colbert Report" cuả ông, nổi tiếng vì những châm biếm tôn giáo, nhất là về Công giáo. Đây là một chương trình đấu trí do cha Martin tổ chức tại trường đại Học Fordham cuả dòng Tên tại phố Bronx, New York. Ba nhân vật trào phúng, một giáo phẩm cao cấp nhất nước, một vua hài thành công nhất nước và một tác giả viết nhiều sách về hài hước nhất nước, hợp lại thì chắc chắn là sẽ có nhiều pha hào hứng rồi. Hãng truyền thông CNN xin trực tiếp truyền hình nhưng bị nhà trường từ chối. Ba ngàn sinh viên đã tranh nhau xếp hàng tìm ghế ngồi từ 4 giờ trước khi khai mạc, hội trường Rose Hill Gym chật cứng. Tuy các hãng thông tấn không có phép thu hình, nhưng sinh viên đã dùng điện thoại và mạng Twitter để loan đi những hình ảnh 'sống' và vì thế mà các tờ báo lớn ở ngoài đã ồ ạt tung ra những tin tức sốt dẻo. Theo tờ The New York Times: "Danh hài Stephen Colbert và Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York đã đùa giỡn với nhau trên sân khấu trước 3000 sinh viên Đại học Fordham đang cổ võ, dậm chân, hò hét, thật là một cảnh tượng truyền giáo có thể nói là thành công nhất kể từ khi Đức Giáo Hoàng John Paul II xuất hiện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần cuối cùng." Là lời ca tụng cuả biên tập viên, bà Laurie Goodstein. Hãng Thông Tấn AP đã loan đi 3 bản tin trong những khoảng thời gian trước khi, trong lúc và sau khi xẩy ra. The Washington Post đăng toàn bộ bài phỏng vấn với Cha Martin. Ba ngày sau, mặc dù có nhiều biến cố đột xuất lớn trên thế giới, các tờ báo vẫn không ngừng bình luận về buổi hội. Cái gì đã thu hút giới trẻ và người bàng quan đến thế? Rõ ràng là cái Hài Hước và hơn thế nữa là cái đạo lý biểu hiện qua những giây phút sảng khoái đó, điều mà ĐHY Dolan gọi là "Tân Phúc Âm Hóa". Xin hãy nhìn lại cuộc 'đụng độ' cuả các 'danh hài' để hiểu rõ thêm về cái đạo lý 'Cười Để Sống Đạo' này. Ngay giây phút đầu tiên, hội trường đã muốn nổ tung khi ĐHY và ông Colbert đồng thời xuất hiện ở hai bên sân khấu. Colbert đòi bắt tay ĐHY, ĐHY cúi xuống hôn nhẫn cuả Colbert. Một hành động ngược đời khi mà đáng lẽ ông Colbert, một giaó dân Công Giáo, phải hôn nhẫn Giám Mục mới phải. ĐHY được giới thiệu như là một vị Hồng Y có tương lai làm Giáo Hoàng, không kỳ này thì cũng kỳ tới, ngài thêm vào "Nếu tôi được làm Giáo Hoàng, tôi sẽ lấy danh hiệu là Stephen III" (Stê Pha Nô đệ tam) Đã có 6 vị giáo hoàng với danh hiệu Stephen, không thể trở lại danh hiệu 'đệ tam' được nữa. Tên cuả Colbert là Stephen nhưng cả nhà ông chưa có ai là Stephen 2 cả... Bà Goodstein cuả The New York Times cho đó là câu 'đá giò lái' đã 'khoá miệng' ông Colbert gần hết buổi tối. Và dĩ nhiên, hội trường lại rúng động gần 'xụp'. Về phần ông Colbert, ông đã thố lộ rất nhiều tâm sự là một người Công Giaó sống trong một thế giới truyền thông không thân thiện với đạo Công Giáo. "Giáo hội có tì vết không?" ông đặt câu hỏi và tự trả lời "Chắc chắn là có chứ. Nhưng các vẻ đẹp tuyệt vời trong Giáo Hội? Chắc chắn là có rồi. " Ông cho biết không bao giờ bông đùa về các bí tích, hoặc đặt một hình Chuá chịu nạn lên màn hình. Nhưng ông thích đuà về việc sử dụng hoặc lạm dụng tôn giáo, đặc biệt là trong chính trị. "Như vậy, tuy tôi không nói về Chúa Kitô," ông nói. "Nhưng tôi là cái 'chổi chà' (đuổi tà) cuả Chúa Kitô". Ông Colbert là con út trong một gia đình 11 người con, lớn lên trong đức tin Công Giáo và học tại các trường cao đẳng Công Giáo. Cha và hai người anh của ông đã tử nạn trong một tai nạn máy bay khi ông mới lên 10. Ông nói rằng sau đám tang, trong chiếc xe limousine trên đường về nhà, một người chị của ông đã chọc cười một người chị khác đến nỗi cô này phải bò lăn ra sàn. Vào lúc đó, ông Colbert cho biết ông quyết tâm rằng ông sẽ làm cho người khác cười hết ga trong mọi hoàn cảnh. Ông nuôi con cái trở thành người Công Giáo, và dạy giáo lý tại giáo xứ cuả ông ở New Jersey. "Lý do chính làm tôi vẫn là một người Công giáo là vì cái điều mà giáo hội mang lại cho tôi, đó là tình yêu," ông nói. Đức Hồng Y Dolan đã giới thiệu bà vợ cuả ông Colbert, bà Evelyn, lên sân khấu. Đức Hồng Y tiếp bà bằng một nụ hôn lên má, và khi ông Colbert giả vờ bị 'cắm sừng', Đức Hồng y tuyên bố một cách chiến thắng: "Đấy nhá, tôi có thể hôn bà vợ của ông. Nhưng ông không thể hôn bà vợ cuả tôi được." Và lần này thì hội trường lại xuýt xập. Trong phần vấn đáp, một khán giả hỏi ĐHY nếu đã có ý định đi tu thì có nên hẹn hò (date) với phái nữ không. Ngài trả lời, "Nên lắm", bởi vì bạn phải chắc chắn rằng cuộc sống độc thân là một cái gì mà bạn muốn. Rồi ngài thêm "Tôi có nhiều cháu gái, bạn nào muốn đi tu, tôi sẽ giới thiệu chúng nó cho." Colbert lâu lắm mới có dịp thoọc léc ĐHY, đã nhân cơ hội trả đòn: "Tôi cũng muốn đi tu, nhưng mà ĐHY có thể thuyết phục cho tôi đổi ý cũng được". ĐHY cho biết đi tu khó lắm. Hôm ngài đến cầu nguyện bế mạc tại đại hội đảng Cộng Hoà, ngài đã có dịp gặp tài tử Clint Eastwood. Ông ta khoe rằng ông đã nhiều lần đóng vai một linh mục. Về điểm này ông nói: "làm linh mục khó lắm đấy, mỗi lần tôi đeo cái cổ trắng vào là thấy ngẹt cổ rồi". Colbert không bỏ lỡ một cơ hội khác khi bàn về cuốn sách lễ vừa mới được ban hành, ông phàn nàn về một câu kinh Tin Kính trong đó có đoạn tuyên xưng Chuá Giêsu là 'đồng bản tính' ('consubstantial') với Đức Chuá Cha. "'đồng bản tính là gì"? Colbert hầm hừ trong khi ĐHY lắc đầu cười. "Đây là một điều để tin mà, có phải là một bài thi Ngữ Vựng đâu." Có người hỏi làm sao mà vui được khi nhiều thủ lãnh tôn giáo đang rao giảng hận thù, chẳng hạn đối với người đồng tính. Trong khi ĐHY còn mơ hồ tìm câu trả lời sao cho khỏi mích lòng, thì ông Colbert, với cái "miệng mắm muối" cuả một giáo dân, đã thẳng thừng tuyên bố: "Ai rao giảng hận thù thì không đáng là thủ lãnh tôn giáo. Chấm hết." Ông Colbert dạy giáo lý lớp vỡ lòng, cho biết những người trong kỹ nghệ truyền thông đã ngạc nhiên không hiểu tại sao mà ông vẫn giữ đạo được. Về điểm này ông cho biết ông thấy giáo hội luôn dạy những điều Vui Mừng, đó là một dấu chỉ có sự hiện diện cuả Thiên Chuá. "Tôi yêu mến giáo hội cuả tôi, cái xấu cũng như cái tốt" ông tuyên bố trước 3000 cử toạ tung hô vang lừng. Về việc ông thường châm chọc đến tôn giáo, ông nghĩ rằng không có gì là sai trái cả, tuy nhiên ông nói, "nếu Chuá Giêsu không có óc hài hước thì tôi sẽ nguy to". Vậy trước khi kết thúc bài xã luận này, câu hỏi được đặt ra để làm yên lòng ông Colbert là Chuá Giêsu có óc hài hước không? Cha Martin quả quyết là có. Nói có sách mách có chứng như sau: Trong Tin Mừng Thánh Gioan, khi Nathaniel đang lo việc mình thì có người đến bảo: "Chúng tôi đã tìm thấy đấng Cứu Thế rồi, ngài là đức Giêsu ở Nazareth." Nathaniel trả lời: "Có gì tốt lành ở Nazareth đâu!" Đó là một lời chế nhạo, một lời xỉ vả đến quê hương bản quán cuả chuá Giêsu. Cũng giống như người ta hay đem xứ Bronx ra mà chế nhạo vậy (giống như bên VN người ta nhại tiếng Quảng để diễu cợt). Vậy thì Chuá Giêsu đã làm gì khi nghe như vậy. Ngài bỏ Nathaniel sao? Không, Ngài đã khen: "Đây là một người thẳng thắn trong dân Israel". Và Ngài đã nhận ông làm môn đệ. Chuá Giêsu phải có óc hài hước và "chịu chơi" lắm chứ? Và các lời giảng dậy cuả Chuá? Tuy chúng ta không nghĩ là hài hước vì đã học trong tinh thần tôn kính quen rồi, nhưng những người cùng thời với Ngài thì sẽ phải cho là trào lộng cao độ. Đây nhé, những dụ ngôn về việc có người xây nhà trên cát, có ai làm vậy hà? Điên thật! Một người cha thay vì đưa bánh lại đem đá cho con ăn? Tức cười! Ai lại không thấy cái xà to chềnh ềnh trước mắt mình mà chỉ thấy cái bụi nhỏ li ti ở mắt người khác? Vô lý! Chúng ta có thói quen đặt tên lóng cho vui. Chuá cũng vậy, Chuá gọi hai anh em ông Gia Cô Bê và Gioan là "con cái xấm xét", vì sao vậy? Vì có lần các ông đã nổi giận đòi Chuá sai lửa đốt cháy một cái làng mà hai ông không thích. Hãy thử nghĩ đến cảnh mỗi khi hai ông trở về, Chuá nói "Này xem, các ông 'Con Cái Xấm Xét' đang đi về kià". Vì vậy, tại sao ngày nay chúng ta không nghĩ rằng Chúa Giêsu hài hước? Cha Martin đặt ra câu hỏi đó với một số học giả khi ngài viết sách "Between Heaven and Mirth" ("ở giữa Thiên Đàng và sự Cười Đuà",) họ phỏng đóan: Thứ nhất, chúng ta nghe những câu chuyện về Chuá nhiều quá cho nên sinh nhàm không thấy được cái vui. Thứ hai, sự hài hước là tuỳ theo văn hóa, mà đây là văn hoá cuả người Do Thái cổ, cho nên chúng ta không hiểu được. Tuy nhiên, có một lý do khác cũng không kém quan trọng: Các tác giả Tin Mừng đã phải giải thích cho độc giả lý do tại sao Chúa Giêsu chịu khổ và chịu chết. Vào thời điểm đó, cái chết trên thập giá là một nhục hình đáng xấu hổ. Vì vậy, phần lớn Phúc Âm nhắm vào việc giải thích Cuộc Khổ Nạn. Nhưng mà, đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi hai tuần lễ của cuộc đời Chúa Giêsu. Còn 30 năm trước đó, Ngài đã sống một cuộc sống con người ở Nazareth, trong đó có tiếng cười. Và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, từ 30 đến 33 tuổi, đã được lấp đầy với những niềm vui: nào là thời gian sống chung với các môn đệ, thăm bạn bè như Mary, Martha và Lazarô ở Bethany, ngồi chung bàn với những người bị xã hội ruồng bỏ. Toàn là những sự kiện vui tươi. Và Chuá cũng làm nhiều phép lạ cho người khác được sống vui. Hài hước hơn cả, phép lạ đầu tiên của Ngài là làm rượu hoá ra nhiều tại một tiệc cưới ở Cana! |
Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012
Cười để sống đạo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét